Một Góc Nhìn Của Salêdiêng Về Trí Tuệ Nhân Tạo

GIỚI THIỆU

Vào đầu năm 2024, Ban Truyền Thông của Tu Hội Salêdiêng đã thành lập một Ủy Ban Quốc Tế về Trí Tuệ Nhân Tạo (ISCAI) với mục đích cộng tác trong việc phản ánh giáo dục và hướng dẫn Salêdiêng về việc sử dụng Trí Tuệ Nhân Tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và truyền thông. Ủy Ban này bao gồm các chuyên gia về Trí Tuệ Nhân Tạo có liên quan tới các lĩnh vực về khoa học máy tính, robot, kỹ thuật, khoa học thần kinh, giáo dục, triết học, cơ điện tử và linh đạo Salêdiêng. Tất cả các thành viên của Ủy Ban này đều quen thuộc với phương pháp sư phạm Salêdiêng và làm việc trong các trường học, đại học và các lĩnh vực truyền thông của chúng ta.

Trong năm qua, chúng tôi đã tổ chức một số cuộc họp, trong đó các thành viên chia sẻ suy nghĩ và các nghiên cứu về AI. Sau quá trình suy tư và chia sẻ này, Ủy Ban đã chuẩn bị xong bài viết đầu tiên mà các bạn đang có trên tay, với tiêu đề: “Một cái nhìn Salêdiêng về Trí Tuệ Nhân Tạo”. Điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng AI đang phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực của xã hội (kinh tế, giáo dục, y tế, an ninh, các lĩnh vực truyền thông…) Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện về việc sử dụng AI trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống con người. Chính Giáo hội, qua giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã nói về tầm quan trọng và thách thức của AI trong thế giới hôm nay và trong tương lai của nhân loại. Với mục tiêu khơi dậy nơi các Salêdiêng và người đời trong các công cuộc Salêdiêng và hoạt động Salêdiêng một sự hiểu biết về AI, và cuộc đối thoại của nó với phương pháp sư phạm Salêdiêng, chúng tôi mời các bạn đọc văn bản này và gửi những đề xuất đến cho đội ngũ của chúng tôi để tiếp tục đào sâu và cải thiện kiến thức và thực hành AI trong giáo dục Salêdiêng. Chúng tôi cảm ơn từng thành viên của Ủy Ban về Trí Tuệ Nhân Tạo: Ernest Rosario (Chennai, Ấn Độ), Ricardo Campoli (Rôma, Ý), Michal Vojtas (Rôma, Ý), Paulo Soares (Sao Paulo, Brazil), Charo Fernandez (Madrid, Tây Ban Nha), Cristina del Aguila (Barcelona, Tây Ban Nha), Cha Arockia Selva Kumar (Trichy, Ấn Độ), Cha Paul Dunga (Philippines), Brendan Chua (California, USA), Hemerson Pistori (Campo Grande, Brazil), Felix Olamide (Nigeria), John Paul Swamionathan (Paris, Pháp), Esteban Inga Ortega (Ecuador). Chúc các bạn đọc vui vẻ! Nếu các bạn có đề xuất và ý kiến mới để làm phong phú thêm bài viết này, vui lòng gửi email tới địa chỉ  comunicazionesociale@sdb.org.

Lm. Gildasio Mendes dos Santos – SDB (TỔNG CỐ VẤN VỀ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI)

 

1. TRÍ TUỆ NHÂN TẠO, MỘT SỐ GHI CHÚ SƠ KHỞI

Trí Tuệ Nhân Tạo là khả năng mà máy tính có thể thực hiện các tác vụ thường gắn liền với những sinh vật thông minh. Các thế hệ AI mới nhất giống như “những kẻ bắt chước siêu đẳng” có khả năng nhận diện hình dạng, mẫu và mô hình trong ngôn ngữ nói và viết, trong hình ảnh, video hoặc các dữ liệu khác. Sau đó, AI tạo sinh có thể tái tạo và kết hợp những hình dạng và mô hình này trong những ngữ cảnh mới. Nghiên cứu AI chủ yếu tập trung vào các thành phần trí tuệ sau: học hỏi, lý luận, giải quyết vấn đề, nhận thức, và sử dụng ngôn ngữ. Ý tưởng về Trí Tuệ Nhân Tạo Tổng Quát (AGI), hướng tới mục đích tái tạo các khả năng trí tuệ của con người, vẫn còn là một giả thuyết gây tranh cãi và vượt quá khả năng kỹ thuật hiện tại. Cần phải lưu ý rằng, để phát triển AI xa hơn, vẫn còn những thử thách lớn trong  việc cải thiện đáng kể và nâng cao chất lượng các kết quả hiện tại của AI. Cho đến nay, các phát triển mới đây trong AI tạo sinh chỉ là sự kết hợp của học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, và các thuật toán dự đoán dựa trên kiến trúc mạng nơ-ron. Nói tóm lại, chúng ta có thể nói rằng AI là một sự mô phỏng nhân tạo một số khía cạnh của trí tuệ con người và, tất nhiên, đó không phải trí tuệ tự thân, cũng như nó không có ý thức hoặc tự ý thức giống như con người.

2. AI: HIỂU NHƯ THẾ NÀO DƯỚI GÓC NHÌN SALÊDIÊNG?

Việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào môi trường giáo dụng mang lại cả những cơ hội lớn cũng như những rủi ro đáng kể, đặc biệt trong các cơ sở được truyền cảm hứng bởi đặc sủng Salêdiêng. Các nhà giáo dục, những người tìm thấy nguồn cảm hứng trong các nguyên tắc như lòng thương mến, lý trí, tôn giáo, sự quan tâm, cộng đoàn gia đình, tinh thần thuộc về và niềm vui, luôn nhấn mạnh đến việc giáo dục toàn diện và chăm sóc sự phát triển đạo đức, đời sống thiêng liêng của người trẻ. Trên cơ sở những nguyên tắc giáo dục này, câu hỏi đặt ra: AI có thể được ứng dụng trong các môi trường giáo dục Salêdiêng như thế nào, để tận dụng lợi ích và giảm thiểu rủi ro của nó?

Trí Tuệ Nhân Tạo có thể hữu ích cho nền giáo dục tập trung vào nhân vị con người. Xét đến thực tế này, AI nên được sử dụng để cải thiện giáo dục và học tập, chứ không phải để thay thế nhà giáo dục. Điều quan trọng là phải đảm bảo công nghệ hỗ trợ các tương tác của con người, thay vì giảm thiểu chúng. Trong giáo dục Salêdiêng, các hoạt động và quy trình giảng dạy thăng tiến cộng đồng, sự đồng cảm và sự phát triển cá nhân phải được ưu tiên hơn các quy trình triển khai công cụ công nghệ. Các chính sách điều chỉnh việc sử dụng AI trong các bối cảnh khác nhau cần được khuyến khích, tập trung vào tính minh bạch, trách nhiệm và tôn trọng phẩm giá con người. Từ quan điểm giáo dục Salêdiêng, có một số rủi ro lớn cần phải lưu tâm: Sự phụ thuộc quá mức vào AI có thể giảm các tương tác trực tiếp, làm suy yếu khía cạnh tương quan và cộng đồng, vốn là nền tảng của sư phạm Salêdiêng; AI có thể dẫn đến việc đánh mất kết nối cảm xúc trong giáo dục, vì các robot không thể tái tạo được sự đồng cảm và thấu hiểu của con người. Những phẩm chất này, đặc trưng của các mối quan hệ giữa con người với nhau, là yếu tố cốt lõi trong việc nuôi dưỡng niềm vui và sự lạc quan Salêdiêng. Ngoài ra, sự tập trung vào tính hiệu quả và hiệu suất của AI có thể làm lu mờ tầm quan trọng  của giáo dục luân lý và tinh thần. Để đối mặt với hiện tại và tương lai của truyền thông cũng như thúc đẩy một cách tiếp cận giáo dục lấy con người làm trung tâm, ở cấp độ toàn cầu, các cơ sở nghiên cứu Salêdiêng và IUS cần phát triển một cuộc đối thoại liên ngành từ quan điểm Salêdiêng giữa nhân học kỹ thuật số và nhân học Kitô giáo; một tri thức học bao gồm triết học, nhân học, đạo đức học, tâm lý học và các nghiên cứu về thế giới số và Trí Tuệ Nhân Tạo. Một hình mẫu mới có thể xuất hiện: triết gia – chuyên gia công nghệ thông tin – nhà giáo dục.  Ở cấp độ tỉnh dòng và địa phương, việc đào luyện của các nhà giáo dục vẫn là một điểm mấu chốt cho giáo dục trong thời đại kỹ thuật số. Điều thiết yếu là cần phải phát triển và đào sâu các hướng dẫn về mối quan hệ lành mạnh giữa con người và công nghệ, với tất cả những ai tham gia vào công cuộc giáo dục, dù trong lớp học hay ở các lĩnh vực khác, đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc thụ tạo, phẩm giá, quyền lợi, và đạo đức trong kinh tế và chính trị. Mục tiêu là để bảo vệ Ngôi Nhà Chung của chúng ta thông qua tình huynh đệ, theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, bắt đầu từ Thông điệp Laudato Si’ và Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu (Global Educational Pact). Cụ thể hơn, các cơ sở Salêdiêng nên tổ chức các khóa đào tạo cho các nhà giáo dục về cách sử dụng AI một cách hiệu quả, đạo đức và phù hợp với tinh thần Salêdiêng, bao gồm cả việc phát triển tư duy phê phán về AI, các định kiến xung quanh nó và những giới hạn của công nghệ nói chung. Giáo dục học sinh về vai trò của AI trong việc học của các em, cần được đưa vào chương trình giảng dạy, qua đó thúc đẩy hiểu biết về kỹ thuật số và tư duy phê phán về các công nghệ và nội dung do AI tạo ra. Các cơ sở Salêdiêng cũng nên lựa chọn các giải pháp và nền tảng  AI tôn trọng hoặc ít nhất là phù hợp với các giá trị Salêdiêng và có thể được điều chỉnh để thích nghi với phương pháp giáo dục và khung đạo đức của chính các cơ sở này.

3. NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN CHÍNH TRONG GIÁO DỤC LÀ GÌ? LỢI THẾ VÀ TIỀM NĂNG CỦA AI

  • Cá nhân hóa

Trí Tuệ Nhân Tạo đã chứng tỏ rằng đây một công cụ mạnh mẽ giúp nhà giáo dục có được sự đồng hành cá nhân. Điều này có nghĩa là từng học sinh có thể nhận được sự hỗ trợ phù hợp với các nhu cầu và nhịp độ học tập của riêng mình, mang lại một trải nhiệm tiếp thu hiệu quả và hấp dẫn hơn.

  • Tính hiệu quả của tự động hóa trong các nhiệm vụ hành chính

Trí Tuệ Nhân Tạo có thể giúp giảm bớt gánh nặng hành chính cho giáo viên, giúp họ tập trung vào việc đồng hành với người trẻ và hiểu rõ hơn về tiến độ của từng học sinh. Các công việc khác như soạn giáo án, tổ chức thực hành và thí nghiệm, bài tập về nhà, đánh giá, và quản lý dữ liệu… cũng có thể được tự động hóa.

  • Tầm quan trọng của các kỹ năng suy tư và thao tác quy trình.

Với sự hỗ trợ của AI, lập trình máy tính hoặc tạo ra các ứng dụng mới sẽ trở nên dễ dàng hơn cả đối với các những người không phải chuyên gia kỹ thuật, bởi AI có thể xử lý các chương trình thông qua hướng dẫn bằng ngôn ngữ tự nhiên. Đồng thời, tầm quan trọng của các kỹ năng không liên quan đến công nghệ như sáng tạo, lý luận, suy tư, phân tích, lập kế hoạch, đánh giá, sẽ trở nên quan trọng hơn. Tư duy phản biện và kỹ năng thao tác quy trình sẽ trở thành chiến lược trong tương lai.

  • Ứng dụng các công cụ kỹ thuật số trong học tập

Trí Tuệ Nhân Tạo được sử dụng để cải thiện kỹ năng giảng dạy của giáo viên, hỗ trợ các nhiệm vụ như  tạo nội dung và kế hoạch giảng dạy.

Các thiết bị hỗ trợ Thực Tế Tăng Cường (AR) và Thực Tế Ảo (VR) có thể được sử dụng để mang lại những trải nghiệm nhập vai, hữu ích cho quá trình học tập của học sinh. Người học có thể khám phá các mô hình sinh học, địa điểm và các sự kiện lịch sử, hoặc quan sát các mô hình thiên văn một cách trực quan. Những công cụ này luôn cần được đặt trong bối cảnh sư phạm, nơi sự tương tác của con người và tư duy phản biện giữ vai trò cốt lõi.

THÁCH THỨC VÀ RỦI RO:

  • Những hạn chế nội tại của công nghệ AI

Hiện tượng “ảo giác” (hallucination) trong công nghệ Mô hình Ngôn ngữ Lớn (LLM) hiện nay không phải là một lỗi nhỏ có thể dễ dàng khắc phục, mà là một đặc điểm vốn có trong cách các mạng nơ-ron này hoạt động. Chúng sản xuất ra văn bản và hình ảnh thông qua sự xấp xỉ, mà không thực sự “hiểu” nội dung. Sự hiểu lầm tương tự cũng xuất hiện trong các lỗi giải phẫu và kiến trúc trong quá trình tạo ra hình ảnh và video bằng AI tạo sinh.

  • Khoảng cách số

Không phải tất cả học sinh đều có điều kiện tiếp cận công nghệ AI, bởi công nghệ này thường đi kèm với các chi phí bổ sung, dẫn đến các vấn đề bất bình đẳng.

  • Lạm dụng AI

Học sinh có thể sử dụng công cụ AI một cách tùy tiện để học tập và giải quyết vấn đề, mà không phát triển được các kỹ năng cá nhân của mình, dẫn đến sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ trong cuộc sống hằng ngày và trong các quyết định quan trọng.

  • Thiếu sự đào tạo thích đáng cho nhà giáo dục

Sự thiếu hụt trong huấn luyện và đào tạo có thể khiến giáo viên và các nhà giáo dục giảm thiểu tác động của công nghệ AI bằng cách áp dụng các chiến lược cấm đoán hoặc hạn chế, tạo ra khoảng cách giữa thế giới của người lớn và người trẻ.

  • Quan điểm đạo đức giản lược về AI

Việc tập trung vào hiệu quả và các chỉ số hiệu suất có thể làm lu mờ tầm quan trọng của giáo dục luân lý và tinh thần. Tranh luận đạo đức là cực kỳ quan trọng trong việc sử dụng AI, nhưng sự chú ý quá lớn vào tính minh bạch và tôn trọng sự riêng tư và phẩm giá của người dùng có thể che mờ những vấn nạn đạo đức và các vấn đề khác, chẳng hạn như: sự thao túng con người qua AI, sự phụ thuộc ngày càng lớn của con người vào công nghệ, đạo văn, sự xâm lăng văn hóa, các quyết định đạo đức bị dẫn dắt bởi robot, nguy cơ giảm tương tác giữa con người với nhau, dẫn đến tình trạng cô lập và hiện tượng cô đơn kiểu “hikikomori”…

4. CÁC CÂU HỎI DÀNH CHO CÁC SALÊDIÊNG VÀ CÁC NHÀ GIÁO DỤC NGƯỜI ĐỜI 

a. Làm thế nào để tích hợp Trí Tuệ Nhân Tạo vào các hoạt động giáo dục của Tỉnh Dòng, nhằm làm phong phú và tăng cường yếu tố nhân bản và tính tương quan trong sư phạm Salêdiêng?

b. Những chương trình đào tạo cụ thể nào có thể được phát triển để chuẩn bị cho các nhà giáo dục Salêdiêng sử dụng AI một cách hiệu quả, có đạo đức và biết phê phán, đồng thời đảm bảo rằng họ hiểu được cả những tiềm năng lẫn hạn chế của công nghệ này?

c. Đâu là những nguy cơ và cơ hội chính liên quan đến việc sử dụng chính thức hoặc không chính thức AI trong các hoạt động giáo dục và truyền thông của các Tỉnh dòng Salêdiêng, và làm thế nào để quản lý chúng nhằm thúc đẩy đặc sủng Salêdiêng?

d. Những công cụ và phương nào có thể được áp dụng để giám sát và đánh giá tác động của việc sử dụng AI trong các Tỉnh dòng Salêdiêng, cả về kết quả giáo dục và việc tuân thủ các giá trị đạo đức?

e. Sẽ rất hữu ích khi đọc và chia sẻ bài diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến các nhà giáo dục nhân dịp Hội nghị Thượng Đỉnh G7 về Trí tuệ Nhân Tạo tổ chức tại Borgo Egnazia(Apulia) vào ngày 14 tháng 6 năm 2024. Sau đó, cùng khám phá và chia sẻ những điểm chính, phù hợp với giáo dục và đạo đức: https://www.vatican.va/content/fran cesco/en/speeches/2024/june/documents/20240614-g7-intelligenza-artificiale.pdf

5. NHỮNG ĐỀ XUẤT CỤ THỂ

PHƯƠNG PHÁP

  • Sử dụng AI tạo sinh để tạo nội dung cá nhân hóa (văn bản, âm thanh, hình ảnh, video), phản hồi cá nhân hóa và tự động hóa các nhiệm vụ hành chính.
  • Ứng dụng công nghệ VR và AR để cung cấp các trải nghiệm cảm quan nâng cao trong giảng dạy và học tập.
  • Áp dụng các hệ thống Tạo sinh Kết hợp xuất [Retrieval Augmented Generation] (RAG) để giảm thiểu rủi ro “ảo giác” và cung cấp các câu trả lời dựa trên các nguồn khoa học và có thể trích dẫn.

DỰ ÁN THÍ ĐIỂM

Đại học Giáo hoàng Salêdiêng, Roma – “AI Salêdiêng” là một hệ sinh thái ứng dụng GPT cá nhân hóa và liên kết, tập trung vào đặc sủng Salêdiêng ở các khía cạnh khác nhau. Hệ thống này bao gồm một nền tảng Tạo sinh Kết hợp Truy xuất (RAG), tham khảo các nguồn tư liệu cơ bản của Salêdiêng để đưa ra tiêu chí phản hồi và hỗ trợ. “Salêdiêng AI” cung cấp và trích dẫn một cơ sở dữ liệu phong phú với hàng ngàn tài liệu Salêdiêng trong nhiều lĩnh vực khác nhau: Cuộc đời của Don Bosco và các nhân vật liên quan, lịch sử Tu hội Salêdiêng Don Bosco và dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, sự phát triển của Gia đình Salêdiêng, hệ thống giáo dục và sư phạm Salêdiêng qua các thế kỷ, linh đạo Salêdiêng lấy cảm hứng từ Thánh Phanxicô Salê và Thánh Gioan Bosco, mục vụ giới trẻ Salêdiêng thời hiện đại, và việc lập kế hoạch giáo dục mục vụ Salêdiêng trong các bối cảnh ngôn ngữ và văn hóa khác nhau…

Đại học Bách khoa Salêdiêng, Ecuador –  Dự án “AI- EduResearch: Nền tảng hỗ trợ Nghiên cứu và Học tập được vận hành bởi Trí tuệ Nhân tạo và dựa án Mô hình Máy học” đề xuất một cách tiếp cận sáng tạo để tích hợp AI vào giáo dục từ quan điểm Salêdiêng. Cách tiếp cận này cho thấy AI không chỉ là một công cụ công nghệ, mà còn là một phương tiện thúc đẩy sự phát triển con người và các giá trị như tôn trọng và tình liên đới. Nền tảng được thiết kế để cá nhân hóa việc học và hỗ trợ nghiên cứu giáo dục, phù hợp với các nguyên tắc đồng hành trong tiến trình đào luyện.

Nhà xuất bản Edebé: “Trí Tuệ Nhân Tạo Giáo dục”. Đội ngũ của Edebé tập trung vào khái niệm Trí tuệ Nhân Tạo Giáo dục (EAI), một công cụ mạnh mẽ trong đó mục tiêu “giáo dục” được ưu tiên hơn so với yếu tố “nhân tạo”. Nền tảng EAI cá nhân hóa việc học tập, tối ưu hóa thời lượng giảng dạy để giáo viên có thể dành nhiều thời gian hơn cho học sinh, thăng tiến đạo đức và an toàn bằng cách đảm bảo quyền riêng tư, đồng thời kết nối với cảm xúc để khuyến khích học tập có mục đích.

Đại học Giáo hoàng Salêdiêng, Roma – “Vulgate – nền tảng thư viện hỗ trợ AI” được phát triển và tùy chỉnh cho nhu cầu nghiên cứu Salêdiêng. Thư viện này sử dụng một số công nghệ AI như AI tạo sinh, Computer Vision và Xử lý Ngôn ngữ Tự nhiên (Natural Language Processing), để mang đến cho Thư viện Salêdiêng những tính năng sau: tìm kiếm ngữ nghĩa nơ-ron, tìm kiếm từ khóa trong sách, tóm tắt văn bản bằng AI, dịch máy, và thư viện cá nhân với các tùy chọn chỉnh sửa.

THỬ NGHIỆM

Đại học Bách khoa Salêdiêng, Ecuador – “AI-tạo sinh trong Giáo dục Phán triển Phần mềm”: Đề xuất tiến hành thử nghiệm với các sinh viên khoa công nghệ thông tin từ nhiều trường đại học khác nhau, để khám phá việc sử dụng Trí tuệ Nhân tạo Tạo sinh trong giáo dục, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển phần mềm, cũng như tác động của nó đối với các quy trình giảng dạy, học tập và đánh giá từ quan điểm kiến tạo.

Đại học Bách khoa Salêdiêng, Ecuador – “Tích hợp công cụ số và AI trong việc đào tạo sinh viên”: Trong dự án này, AI không được sử dụng để thay thế giáo viên, nhưng để cải thiện kỹ năng giảng dạy. Dự án nhấn mạnh rằng AI có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các nhiệm vụ như tạo ra nội dung và lập kế hoạch. Bên cạnh đó, các công nghệ mới nổi như mắt kính thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) đã được đưa vào, cho phép sinh viên trải nghiệm nhập vai, như khám phá các mô hình sinh học, hoặc du hành đến các địa điểm lịch sử trong không gian ảo.

CÁC ĐỀ XUẤT HOẠT ĐỘNG KHÁC NHAU

“Giải thưởng Salêdiêng” về AI trong Giáo dục lấy con người làm trung tâm”: Giải thưởng nhằm tôn vinh và thúc đẩy các thực hành sáng tạo của các nhà giáo dục trong việc tích hợp AI vào giảng dạy, nghiên cứu và chăm sóc mục vụ, nhằm nâng cao các đặc điểm mang tính nhân văn như sáng tạo, tư duy phản biện, tương tác xã hội và đời sống tâm linh. Sáng kiến này nhấn mạnh vai trò của AI như một “mô phỏng viên mạnh mẽ” của trí tuệ con người, đồng thời khẳng định sự phát triển của AI là cơ hội đặc biệt để các nhà giáo dục Salêdiêng tập trung vào việc phát huy những phẩm chất đặc thù của con người. “Khóa đào tạo Trí tuệ Nhân tạo”: Xây dựng một mô hình khóa học cơ bản về Trí tuệ Nhân tạo đa ngôn ngữ, có thể được tùy chỉnh và nhân rộng tại các cơ sở Salêdiêng.

“Tài trợ cho nghiên cứu và phát triển AI”: Thành lập một lời mời toàn cầu nhằm lựa chọn và tài trợ cho các dự án giảng dạy, nghiên cứu, phát triển công nghệ và phổ biến kiến thức của các nhóm Salêdiêng mới nổi và có uy tín trong lãnh vực AI ứng dụng vào giáo dục. Nguồn tài trợ cho sáng kiến này có thể đến từ các đối tác kinh doanh quan tâm đến việc thúc đẩy lĩnh vực này, bao gồm các tập đoàn công nghệ lớn.

CÁI NHÌN SALÊDIÊNG VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO

“Công cụ đánh giá việc sử dụng AI”: Phát triển một công cụ để theo dõi quá trình phát triển và việc sử dụng AI trong các cơ sở Salêdiêng, với các số liệu rõ ràng, đa dạng và toàn diện. Công cụ này cần cung cấp các số liệu định lượng mang tính thống kê và phân tích định tính, nhằm hỗ trợ quá trình ra quyết định ở cấp độ khu vực hoặc toàn cầu. 

Chuyển ngữ: Lê Nguyên, SDB

Visited 4 times, 4 visit(s) today