Dẫn Nhập
Câu Tin Mừng “Hãy đến mà xem” (Ga 1,39) được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn làm chủ đề cho Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 55, cử hành vào Chúa nhật Lễ Chúa Thăng Thiên, ngày 16 tháng 5 năm 2021. Qua đó Ngài mời gọi mọi người, đặc biệt là những ai tham gia công tác truyền thông xã hội, hãy tích cực truyền thông bằng cách gặp gỡ mọi người trong thực tế đời sống của họ, để có thể nhìn thấy trực tiếp, cảm nhận và đụng chạm vào những thực tại sinh động tươi mới của con người hôm nay.[1] Nhờ đó tất cả những thông điệp, câu chuyện, tin tức, hình ảnh chúng ta chia sẻ cho nhau mới chân thực và có giá trị. Nhưng nhìn vào những gì đang xảy ra khắp nơi trên thế giới cũng như tại Việt Nam, chúng ta lại thấy rằng việc truyền thông xã hội của Giáo Hội hiện nay vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt phải kể đến những vấn đề của các trang mạng xã hội.
Như chúng ta đã biết, trong những năm gần đây, trào lưu sống trong thế giới ảo của Internet và các mạng xã hội nơi người trẻ ngày càng gia tăng đến mức báo động. Trong khi đó những phương tiện truyền thông hỗ trợ cho việc nối mạng Internet ngày càng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Ngoài các loại máy tính, laptop, Ipad, chúng ta phải kể đến các loại điện thoại thông minh giá rẻ ngày càng đa dạng và ai cũng có thể sở hữu. Hệ thống Internet từ có dây đến không dây với đường truyền tốc độ ngày càng cao hơn, cước phí truy cập ngày càng rẻ hơn – cùng với những chương trình khuyến mãi rầm rộ – làm cho người sử dụng mạng ngày càng đông. Hơn thế nữa, đi đến đâu người ta cũng có thể tiếp cận rất dễ dàng những điểm truy cập mạng Internet miễn phí; hoặc dễ dàng mua các gói kết nối mạng 3G, 4G, 5G… Điều đó làm cho người trẻ ngày càng dành nhiều thời gian hiện diện trong không gian ảo của mạng Internet hơn. Tuy nhiên, thời gian hiện diện trên mạng của người trẻ, kể cả người trẻ Công giáo và những tu sĩ trẻ sống đời thánh hiến, phần lớn lại hay dành cho các mạng xã hội. Các nghiên cứu chứng tỏ rằng việc sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội tác động sâu sắc đến từng thời khắc và mọi khía cạnh cuộc sống của người trẻ, cả các mối tương quan, cách suy nghĩ và đời sống cầu nguyện của họ. Họ bị lệ thuộc vào nó như thống kê cho thấy trung bình người có điện thoại thông minh kiểm tra điện thoại khoảng 150 lần một ngày, và 80% trong số họ coi việc kiểm tra điện thoại là hoạt động đầu tiên trong ngày sống.[2]
Như một con dao hai lưỡi, mạng Internet nói chung và các trang mạng xã hội nói riêng đều có mặt tốt mặt xấu, có những giá trị rất tích cực nhưng cũng không thiếu những nguy cơ và nhiều cạm bẫy đáng sợ. Chúng ta cùng tìm hiểu xem mạng xã hội là gì, vì sao mạng xã hội có khả năng thu hút người trẻ đến thế, và đâu là những tiềm năng cùng những hệ lụy của các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, đối với những ai đang mất nhiều thời gian cho nó mỗi ngày, nhất là với những người sống trong đời thánh hiến. Nhờ đó chúng ta có thể tìm ra những phương cách tích cực, biết sử dụng chúng cách khôn ngoan và cẩn trọng nhằm đem lại nhiều tăng trưởng cho đời sống cá nhân, gia đình, Giáo Hội, và toàn xã hội, đang phải đương đầu với những thách đố nảy sinh từ thế giới ảo của Internet và các trang mạng xã hội trong thời hiện đại này.
I. THỰC TRẠNG VIỆC SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI HIỆN NAY
1. Mạng xã hội là gì?
Trước hết, mạng xã hội với cách gọi đầy đủ là “dịch vụ mạng xã hội” (tiếng Anh là “social network service”) hay “trang mạng xã hội”, là các dịch vụ trực tuyến nối kết các thành viên trên Internet lại với nhau không phân biệt nơi chốn hoặc thời gian, nơi đó mọi người có thể xây dựng các mối tương quan với những người khác có chung tính cách, nghề nghiệp, công việc, trình độ, sở thích… hay đã có tương quan thực với nhau. Với nhiều dạng thức và tính năng đa dạng, mạng xã hội cho phép người dùng chia sẻ những câu chuyện, bài viết, ý tưởng cá nhân, hoặc đăng hình ảnh, video, đồng thời thông báo về các hoạt động, sự kiện trên mạng hoặc trong thế giới thực.[3] Mạng xã hội được xây dựng trên hệ thống Internet toàn cầu, giúp người sử dụng kết nối với nhau dễ dàng cho dù họ thuộc nhiều vùng đất khác nhau của một đất nước, hoặc ở nhiều nơi khác nhau trên toàn thế giới.
Do có nhiều tính năng miễn phí tức thời như chat, gởi hình ảnh, tin nhắn, video clip, phim ảnh, nhạc, chia sẻ files, blog, xã luận, đưa biểu tượng cảm xúc… các mạng xã hội đang thu hút mạnh mẽ nhiều người tham gia. Hiện nay thế giới có hàng trăm mạng xã hội khác nhau, thống kê cho thấy hiện nay các dịch vụ mạng xã hội lớn nhất trên thế giới dựa theo số lượng người dùng gồm có Facebook (2,5 tỉ thành viên), Youtube (2 tỉ thành viên), WhatsApp (2 tỉ thành viên), Facebook Messenger (1,3 tỉ thành viên), WeChat (1,165 tỉ thành viên), và Instagram (1 tỉ thành viên).[4] Riêng tại Việt Nam, khảo sát cho thấy các mạng xã hội có nhiều người sử dụng là Facebook, Zalo, Youtube, Twitter… trong đó, phổ biến nhất là Facebook với thời lượng online trung bình gần 7 tiếng mỗi ngày, thấp hơn Philippines và Thái Lan nhưng cao gần gấp đôi Nhật Bản.[5] Số lượng người dùng Internet ở Việt Nam năm 2020 là 68,17 triệu người; có hơn 145 triệu thiết bị di động nối mạng, và hơn 65 triệu người dùng các mạng xã hội.[6]
Trong đời sống xã hội hôm nay, các trang mạng xã hội đang ngày càng phát triển hoàn thiện hơn, trở nên phổ biến và phù hợp với tất cả mọi người, vì chúng không đòi hỏi những điều kiện mang tính chuyên nghiệp, kể cả trình độ hiểu biết chuyên môn, tay nghề chụp ảnh quay phim hoặc khả năng viết lách của người tham gia. Những người sử dụng mạng xã hội chỉ cần vào đó đăng tải bất cứ điều gì mình muốn, từ ý tưởng, kiến thức, nhạc, hình ảnh, video. hoặc chia sẻ lại những gì mình thích là được. Họ cũng có thể thoải mái bình luận, nêu ý kiến về những gì người khác đưa lên. Thật thú vị khi những tin tức liên quan đến điều bạn ưa thích hoặc một vấn đề đang được bạn quan tâm theo dõi được cập nhật liên tục. Hoặc khi bạn đang ở trong một sự kiện nào thì người thân của bạn có thể biết được từng chi tiết của sự kiện đó, nhất là những gì liên quan đến chính bạn. Nhiều người thường hay sử dụng các trang mạng xã hội để bộc lộ những suy nghĩ cảm xúc của mình, và thường nhận được những quan tâm đồng cảm của người khác. Nhiều sự kiện quan trọng được thông tin và quảng bá qua mạng xã hội hoặc trong các nhóm chat, giúp mọi người cùng tham gia kết nối và chia sẻ những giá trị tốt đẹp với nhau.
2. Những giá trị của mạng xã hội
Có thể kể đến rất nhiều giá trị và lợi ích của các mạng xã hội. Trước hết là các chức năng kết nối chia sẻ, giúp cho người tham gia mạng xã hội có thể liên lạc kết nối nhanh chóng và dễ dàng lan tỏa yêu thương tới gia đình, bạn bè, các nhóm chung mà họ tham gia, và với cả cộng đồng. Nhờ đó giúp gia tăng tình thân, chia sẻ các cảm nhận cuộc sống, bày tỏ cảm xúc và lập trường cá nhân để mọi người hiểu nhau và tương tác với nhau cách trực tiếp, không cần thông qua lời kể lại của một ai khác. Hơn nữa qua mạng xã hội những thành viên tham gia có thể chia sẻ thông tin, trao đổi thường xuyên với nhau về những điều cùng quan tâm, đăng tải những hình ảnh, kể lại những câu chuyện, những sự kiện vừa xảy ra cho nhau… Mạng xã hội cũng giúp mọi người cập nhật thông tin và hiểu biết về các vấn đề của đời sống xã hội, vì có rất nhiều Fanpage đăng tải liên tục những tin tức thời sự mới nhất. Những bài phóng sự, tài liệu, du ký, xã luận, hoặc những câu chuyện đang “hot” nhất đều có thể tìm thấy trên mạng xã hội.
Các trang mạng xã hội đồng thời là môi trường đào tạo đa hệ và phong phú, nơi giúp mọi người học hỏi nâng cao kiến thức và cải thiện các kỹ năng sống cho bản thân. Ngày nay có rất nhiều chương trình hữu ích được đưa lên Internet và được giới thiệu qua mạng xã hội nhằm cung cấp cho người dùng nhiều giá trị tốt đẹp. Có những nhóm luyện ngoại ngữ, học online với nhau trên mạng. Đây cũng là nơi chia sẻ những sách mới, những phim hay hoặc thông tin về các cuộc họp mặt, những khóa học mở cho mọi người. Có những chương trình dạy về các kỹ năng hay như vi tính, nấu ăn, làm vườn, khéo tay, hội họa, cũng như các bí quyết độc đáo khác nhau thuộc nhiều lãnh vực. Nơi mạng xã hội chúng ta còn dễ dàng tìm thấy những kiến thức về tâm lý, kỹ năng giao tiếp, nghệ thuật lãnh đạo, cách làm cha mẹ, cách xây dựng tương quan, học làm người. và rất nhiều loại kiến thức khác cần thiết cho cuộc sống. Nhiều người trẻ đã biết khôn ngoan sử dụng mạng xã hội cách hiệu quả nhằm trang bị cho mình những nguồn kiến thức mới, nâng cao giá trị bản thân và mở ra để gắn kết với nhau. Từ đó, họ có khả năng hợp tác để làm những việc thiện nguyện giúp đỡ người nghèo, đem niềm vui cho người đau khổ, và giúp thăng tiến các thế hệ tương lai.
Môi trường mạng xã hội cũng là nơi giúp cho mọi người giải trí cách miễn phí, dễ dàng, thuận tiện và thoải mái với các chương trình xem phim online, nghe nhạc miễn phí, đọc truyện hay, các trò chơi điện tử trực tuyến lành mạnh… Ngày nay những chương trình nước ngoài đa dạng, các thể loại phim và clip ca nhạc các loại ngôn ngữ khác nhau đều hay có phụ đề cho chúng ta theo dõi. Mạng xã hội cũng là cách giúp chúng ta có thể tham gia hành hương du lịch ảo, thăm viếng khám phá nhiều địa danh nổi tiếng trên khắp thế giới, mở rộng tương quan với bạn bè khắp năm châu và hòa nhập vào các môi trường quốc tế. Qua đó, mạng xã hội giúp phát triển tài năng sáng tạo và khuyến khích những cách thức hợp tác mới, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức cho mọi người. Đặc biệt trong thời đại Covid-19 không thể thiếu những kết nối để học online, họp hành trực tuyến, giao dịch qua mạng. Các chương trình mua sắm online cũng đem lại nhiều ích lợi cho những ai bận rộn không thể đi mua sắm trực tiếp.
3. Những nguy cơ của mạng xã hội
Tuy nhiên đi cùng với các giá trị lớn lao, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hiểm họa, đe dọa đến an ninh trật tự và sự an toàn cho con người ở nhiều cấp độ. Trước hết phải kể đến các trang web đen hiện nay đang tràn ngập trên Internet và xâm nhập vào cả các mạng xã hội để đăng tải những nội dung hạ cấp, tục tĩu, hoặc bạo lực, phi đạo đức, những hình ảnh và phim khiêu dâm. Nghiêm trọng hơn là những trang web sex chiếu những bộ phim “người lớn” gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm sinh lí người trẻ. Điều đó gây nhiều ảnh hướng xấu trên người trẻ, làm suy thoái đạo đức và dẫn đến những lối sống thiếu lành mạnh, buông thả, phóng túng và xuống cấp về đạo đức. Do khả năng mạo danh và ẩn danh của Internet, nhiều người đã thể hiện tính bạo lực trên mạng và không sống trung thực.
Họ thoải mái nói những điều mà bên ngoài họ không dám nói, hoặc đưa lên cả những gì không đúng sự thực. Đồng thời khi bạo lực trên mạng càng gia tăng thì ngoài đời thực con người cũng trở nên bạo lực và đáng sợ hơn. Thực và ảo kích hoạt lẫn nhau khiến cho đạo đức chung của xã hội suy đồi và các loại tội phạm gia tăng nhiều hơn.
Bên cạnh đó còn có những kẻ phát tán các thông tin nhảm nhí, nói xấu, lừa đảo, gây hấn, kích động xung đột, phỉ báng, xuyên tạc các vấn đề thời sự nhạy cảm và tạo ra những chia rẽ, thù nghịch đối kháng nhau. Nhiều nhóm hacker và tội phạm công nghệ cao lợi dụng các trang mạng xã hội để phát tán virus, thu thập thông tin cá nhân nhằm trục lợi và phá hoại. Với các hình thức thủ đoạn tinh vi, chúng dễ dàng thu thập tên đăng nhập, mật khẩu, số điện thoại, các địa chỉ liên hệ, email, các tài khoản tín dụng ngân hàng… nhằm lừa đảo để lấy tiền, có khi còn tống tiền nhiều người và đe dọa cả tính mạng của họ. Do tính cả tin, ham lợi và thiếu hiểu biết, nhiều người sử dụng đã trở thành đối tượng bị dẫn dắt theo ý đồ của các nhà mạng. Các chương trình trúng số, bán hàng giảm giá, khuyến mãi đặc biệt, quảng cáo và tiếp thị thường chỉ là chiêu trò đa cấp, lợi dụng những “khách hàng tiềm năng” giúp các nhà kinh doanh thu lợi rất lớn.
Với các trang mạng xã hội, bất cứ ai cũng có thể kết bạn được với rất nhiều người, cả ở trong nước và trên thế giới, nhưng nhiều khi các tương quan của họ rất hời hợt và kém giá trị. Khi chạy theo những mối tương quan ảo đó, nhiều người lại sống xa rời thực tế, không quan tâm vun trồng những tình cảm thật với những người thân sống gần sát với mình. Chính điều này dẫn đến sự đổ vỡ của nhiều gia đình hoặc làm cho cha mẹ xa rời con cái. Tình cảm bạn bè thật ở ngoài đời cũng dần phai nhạt khi người ta cứ ngồi ở nhà để tâm sự và chia sẻ vui buồn với những người bạn sơ giao hoặc ở rất xa, mà ít dành thời gian cho các mối tương quan cần vun đắp, ít có những cuộc gặp thật ngoài đời với bạn bè và những người thân để nối kết chia sẻ với nhau thực sự. Khi dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, chúng ta cũng sẽ bị lãng phí thời gian và lơ là với việc học tập hoặc công việc chính của mình. Lúc đó các bạn trẻ sẽ không nào thể đạt tới mục tiêu thực sự của cuộc sống.
Việc học hỏi những kỹ năng cần thiết và chuẩn bị hành trang cho tương lai đòi hỏi sự chú tâm và khả năng tận dụng tốt thời gian của chính mình. Thế nhưng nhiều bạn trẻ lại chỉ chăm chú để trở thành “anh hùng bàn phím”, họ muốn được nổi tiếng trên mạng với những lượt “like” và những comment ủng hộ của người khác. Họ sẵn sàng xào nấu thông tin theo ý mình, giật tít cho kêu và đăng tải những thông tin “giật gân” chỉ để câu like, không cần biết làm như thế là họ đang vi phạm bản quyền và tác quyền của người khác. Rất nhiều trang mạng chính thống có rất ít người vào xem, nhưng những trang mạo danh, lừa đảo lại được nhiều người theo ủng hộ. Những chủ nhân của các trang này chạy theo sự tranh đua không ngừng để tìm “like”, vì thế quỹ thời gian của họ bị mất đi đáng kể, làm cho phẩm chất và giá trị cuộc sống của họ cũng bị hạ thấp mà chính họ nhiều khi lại không biết.
Những nguy cơ khác của việc lạm dụng mạng xã hội liên quan đến các vấn đề sức khỏe. Việc tiếp cận màn hình liên tục trong nhiều giờ sẽ làm tổn thương mắt, gây chứng mất ngủ, ảnh hưởng đến hệ thần kinh gây căng thẳng, làm tăng nhịp tim và khiến cơ thể mệt mỏi. Do lười biếng vận động vì “mọc rễ” nơi bàn phím, nhiều người phải đối mặt với các hội chứng đau nhức vai gáy, xương khớp, hội chứng ống cổ tay, đau lưng, tê bì hoặc đau buốt tay chân, bệnh béo phì và nhiều vấn đề khác… Gần đây nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những người sử dụng mạng xã hội nhiều thường cảm thấy tiêu cực hơn về cuộc sống, dễ xuống tinh thần và có những người bị mắc bệnh trầm cảm. Cũng đã có nhiều trường hợp đột quỵ hoặc đột tử do mê chơi game và lướt web quá mức tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, việc vào mạng và sống ảo quá nhiều còn gây ra những thay đổi bất thường trong tâm lý người trẻ khiến họ dễ dàng nói dối, bỏ học, ăn cắp vặt, chơi với bạn bè xấu và thiếu tôn trọng mọi người., vì thế cần giúp họ hiểu biết để sử dụng mạng xã hội đúng đắn không gây nhiều nguy hại. Đồng thời cũng nên có nhiều hình thức kết nối và giải trí offline khác giúp người trẻ sống lành mạnh.[7]
II. MẠNG XÃ HỘI VÀ NGƯỜI SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN HÔM NAY
1. Đôi nét về đời sống thánh hiến
Trong tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tất cả các người Thánh hiến nhân dịp cử hành Năm Đời sống Thánh hiến 2015, có một câu nói nổi tiếng mà Ngài hay lặp lại là “Ở đâu có tu sĩ ở đó có niềm vui”.[8] Vậy tu sĩ là những ai? Đời sống tu trì là gì? Thế nào là người sống đời sống thánh hiến? Chúng ta hay nghĩ đến những người sống chung thành cộng đoàn, mặc tu phục, sống ba Lời khuyên Phúc Âm, đó mới là tu sĩ. Thực ra đời tu có thể hiểu rộng hơn, không chỉ gồm các Hội Dòng chiêm niệm hay hoạt động mà còn có các Tu Hội đời không sống thành cộng đoàn và cũng không chọn tu phục, hoặc các chủng sinh và hàng giáo sĩ tu triều, không sống ba Lời khuyên Phúc Âm… Vì thế khi gọi chung là tu sĩ hoặc người đi tu thì có thể hiểu đó là các linh mục, chủng sinh, tu sĩ Dòng hay thành viên Tu hội đời… Nhưng theo nghĩa chặt chẽ hơn, người sống đời thánh hiến là thành viên của các Dòng tu, các Tu Hội, các Hội Dòng Chiêm Niệm và Đan viện, các Tu Hội Đời, thành viên của Hội Dòng các Trinh Nữ, các ẩn sĩ, thành viên của các Tu đoàn Tông đồ, qua việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm là một lối sống bền vững, họ được thánh hiến một cách đặc biệt để theo sát Đức Kitô hơn, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa mà họ yêu mến trên hết mọi sự (X. Giáo luật điều 573, #1).
Theo Tông huấn Vita Consecrata (VC) do Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 25-3-1996, đời sống thánh hiến là một ân huệ Thiên Chúa ban cho Giáo Hội Người qua những người nam nữ sẵn sàng từ bỏ mọi sự để chọn con đường đặc biệt bước theo Đức Kitô, tự hiến cho Chúa với một trái tim không chia sẻ qua việc cam kết sống Ba Lời khuyên Phúc Âm: vâng phục, khó nghèo, khiết tịnh, và tham gia vào sứ mạng của Giáo Hội theo Đặc sủng riêng để góp phần phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình (X. VC số 1). Trong chiều hướng trung thành và sáng tạo, người sống đời thánh hiến hôm nay được mời gọi hãy can đảm tìm lại tinh thần xông xáo dám nghĩ dám làm, óc sáng tạo và sự thánh thiện của các đấng sáng lập, để đáp trả những “thời điểm” đang xuất hiện trong thế giới ngày nay (X. VC số 37). Nhờ đó, người tu sĩ sẽ luôn tràn ngập niềm vui và sự bình an ngay giữa những thách đố cuộc sống, vì họ luôn được sống trong mối thân tình với Đức Giêsu trong ơn gọi sống đời thánh hiến và được chia sẻ sứ mạng của Người để biểu lộ khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa cho anh chị em mình qua những sứ vụ khác nhau trong lòng Giáo Hội.
Trước tình trạng Đời sống Thánh hiến hôm nay có nhiều thách đố và sa sút, đang gặp phải các khó khăn lớn như việc giảm bớt ơn gọi và trở nên già nua, các vấn đề kinh tế, các thách đố do toàn cầu hóa, do ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, các vấn đề của chủ nghĩa cá nhân hưởng thụ, chủ thuyết tương đối hóa, việc loại trừ, gạt ra ngoài rìa… Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những mục tiêu cho Đời sống Thánh hiến, là nhìn về quá khứ với tâm tình biết ơn, sống hiện tại với lòng đam mê, và ôm ấp tương lai với niềm hy vọng.[9] Điều Ngài mong muốn những người sống đời thánh hiến là hãy đánh thức thế giới bằng cách sống tính ngôn sứ, có khả năng phân định, khả năng tố cáo sự dữ của tội lỗi và các bất công khi đứng về phía các người nghèo và người không được bênh vực, bởi vì họ biết rằng chính Thiên Chúa đứng về phía họ. Vì thế người sống đời thánh hiến cần ra khỏi chính mình và dùng mọi phương cách khả thể để đi tới các vùng ngoại biên của cuộc sống, đến với những người nghèo trong thế giới hôm nay, cả những người nghèo về tinh thần và thiêng liêng, nhất là những người trẻ đang đi tìm ý nghĩa cuộc đời và đang khao khát Thiên Chúa, để khơi lên trong họ niềm hy vọng…
2. Mạng xã hội và người tu sĩ
Nhìn vào đời sống của Giáo Hội, chúng ta thấy rằng việc sử dụng Internet và các mạng xã hội ngày nay đang là một nhu cầu thiết yếu cho việc huấn luyện đào tạo, việc quảng bá các Giáo huấn của Giáo Hội, việc giới thiệu về đời sống và các sinh hoạt tốt đẹp của Giáo Hội, và nhất là cho sứ vụ truyền giáo. Gần đây do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên khắp thế giới, nhu cầu sử dụng mạng cho các phương thức tương tác trực tuyến lại càng cần hơn trước. Nhưng những nhu cầu ấy cần phải được xem xét và phân định cách nghiêm túc, vì những người trẻ sống đời thánh hiến trong thời đại kỹ thuật số hôm nay cũng chịu ảnh hưởng nhiều bởi những tác động xấu của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa hưởng thụ, được cổ võ bởi các phương tiện truyền thông. Bản thân các tu sĩ trẻ và chủng sinh ngay từ trong gia đình đã quá quen thuộc với các mạng xã hội và các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là smartphone. Vì thế khi bước vào đời tu nếu không được huấn luyện đúng đắn để biết biện biệt và kỷ luật bản thân, thì các nguyên tắc và biện pháp cấm đoán chỉ càng đẩy họ vào việc sử dụng cách lén lút tinh vi hơn mà thôi.
Đối với người sống đời thánh hiến, ngoài những giá trị chung của mạng xã hội đối với cuộc sống như đã nêu trên, chúng ta cũng có thể nhận ra những lợi ích quan trọng khác khi sử dụng mạng xã hội. Đặc biệt khi cần liên lạc kết nối, tìm kiếm những thông tin, trau dồi kiến thức và các kỹ năng giúp cho đời sống dâng hiến và đời sống đức tin được tăng trưởng. Trong công tác Mục vụ và truyền giáo, mạng xã hội giúp chia sẻ những kiến thức về Giáo lý, Kinh thánh, Thần học, Luân lý, các Giáo huấn của Giáo Hội. đồng thời lan truyền những kinh nghiệm sống giúp truyền cảm hứng, hoặc những gương chứng nhân giúp củng cố đức tin cho người tín hữu. Mạng xã hội cũng là phương tiện rất hữu ích cho công tác Huấn giáo, Mục vụ Ơn gọi, tổ chức các Hội đoàn, kêu gọi chia sẻ thiện nguyện hoặc các hoạt động khác nhau trong Giáo Hội. Qua mạng xã hội, các thông tin về Hội Thánh toàn cầu, Giáo Hội tại các quốc gia, các Giáo phận, Dòng tu, Giáo xứ… đều có thể được cập nhật cách nhanh chóng và liên tục. Ngoài ra còn những thông tin về thời sự khắp nơi, giúp đời sống cầu nguyện của người tu sĩ có thêm nhiều chất liệu phong phú.
Mạng xã hội còn là nơi những người sống đời thánh hiến mời gọi nhau cầu nguyện, chia sẻ những suy tư, suy niệm Lời Chúa, kể các câu chuyện sống đức tin, hoặc chuyển tải tin tức và sự kiện của Giáo Hội, Hội Dòng. Đó cũng là nơi Loan báo Tin Mừng, Đối thoại Liên tôn, Truyền thông các giá trị, đưa tin vui buồn hiếu hỉ, nối kết và gặp gỡ giữa các nhóm khác nhau. Qua mạng xã hội các bạn trẻ mời gọi nhau cho những chiến dịch chung của từng giới, tham gia các hoạt động từ thiện bác ái, các chương trình hành hương, dã ngoại, khám phá thiên nhiên, tham gia trò chơi lớn, hội trại, du khảo. Từng bước của mỗi hoạt động chung đều có thể được trao đổi bàn thảo và phản ánh trên mạng xã hội với cả những hình ảnh diễn tiến thực tế, giúp tạo hứng khởi và mời gọi mở rộng vòng tay tham gia. Các thành viên có thể share hoặc bình luận để biểu lộ cảm xúc hoặc rút kinh nghiệm sau mỗi lần thực hiện. Việc tham gia mạng xã hội cách chừng mực và hiện diện trên mạng xã hội cách tích cực có thể là đóng góp lớn lao của người sống đời thánh hiến cho xã hội và thế giới hôm nay, đó cũng là cơ hội đồng hành với người trẻ để hiểu và giúp họ.
Tuy nhiên mạng xã hội cũng đem lại nhiều nguy cơ khôn lường nếu tu sĩ không sử dụng cách cẩn trọng, điều độ và có mục tiêu. Mạng xã hội có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu đến đời sống cầu nguyện và tương quan cộng đoàn của người sống đời thánh hiến. Khi dùng mạng xã hội để kết nối với nhiều loại liên hệ không cần thiết, họ sẽ bị chi phối và khó tập trung cho những ưu tiên của mình. Hơn nữa, nếu mất quá nhiều thời gian cho mạng xã hội mà không bỏ tay vào việc vun đắp nền văn hóa quan tâm chăm sóc đối với con người và môi trường chung quanh, phẩm chất của đời sống thực sẽ bị suy yếu; và cộng đoàn sẽ có nguy cơ trở nên như một loại nhà trọ “mạnh ai nấy sống” mà thôi. Những thông tin phong phú trên mạng xã hội rất hữu ích cho các tu sĩ trẻ trong thời gian đào luyện học tập, nhưng cũng dễ làm cho họ trở nên ỷ lại, thụ động, lười suy tư, hoặc chỉ sao chép lại kiến thức mà không nghiên cứu sáng tạo làm nên giá trị riêng của mình. Việc lên mạng mất quá nhiều thời gian làm cho việc đọc sách bị xem nhẹ, những hiểu biết của họ thiếu chiều sâu và đời sống thiêng liêng sẽ trở nên khô khan nghèo nàn.
Với mức độ sử dụng ngày càng nhiều hơn và khó kiểm soát hơn, tình trạng nghiện mạng xã hội đang ngày càng phổ biến nơi những người trẻ trong xã hội và cả Giáo Hội. Khi rơi vào tình trạng nghiện mạng, càng ngày họ càng tăng thêm sự cô lập, rút lui khỏi đời sống xã hội và các tương quan để buông mình sống ảo trong thế giới mạng. Người có biểu hiện “nghiện” mạng xã hội khi họ không còn làm chủ bản thân mà dành quá nhiều thời gian để lướt mạng, truy cập và tìm kiếm những thông tin vô bổ, thậm chí sa đà vào những trang web đen có hại, hoặc chơi game online bất kể giờ giấc. Có người còn bị nghiện những loại phim hoặc game bạo lực, khiêu dâm… dẫn đến nhiều thay đổi tiêu cực trong tính cách, và dần dần có thể có những nhận thức lệch lạc, bệnh hoạn, sai lầm. Việc giao lưu, kết bạn cách dễ dàng trên mạng xã hội khiến cho nhiều người có thể vướng vào những loại tình cảm thiếu lành mạnh, mất nhiều thời gian cho những tương quan không trong sáng. Có những tu sĩ chọn sống đời thánh hiến nhưng lại thích chat chit, tán gẫu với người khác hàng giờ, còn việc ngồi lại lâu giờ với Chúa để cầu nguyện hoặc suy tư có vẻ quá khó khăn. Có nhiều tu sĩ rất thích “lướt phây” để đọc tin hoặc xem phim, nhưng lại lười đọc Lời Chúa và các sách thiêng liêng để nâng cao giá trị bản thân. Hệ quả là họ thường có nhiều sa sút về đạo đức, lơ là trong đời sống thiêng liêng, dễ cô lập mình trong thế giới ảo khiến cho cuộc sống kém phẩm chất. Nhiều tu sĩ còn rơi vào lối sống hai mặt, bất trung, và nhiều khi phải rời bỏ lý tưởng cao quý của đời tu.
III. MỘT VÀI ĐỊNH HƯỚNG CẦN THIẾT
1. Quan điểm của Giáo Hội toàn cầu
Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy rằng Giáo Hội đã có sự quan tâm rất sớm đến các phương tiện truyền thông, và ý thức rất rõ về những giá trị cũng như những tác hại của chúng đối với đời sống đức tin của người tín hữu. Thông Điệp Vigilanti Cura (VC) về phim ảnh do Đức Thánh Cha Piô XI ban hành năm 1936 có nhắc đến các giá trị của phim ảnh không chỉ giúp giải trí mà còn gợi lên lý tưởng cao quý của cuộc sống, truyền đạt những khái niệm cần thiết, phổ biến kiến thức về lịch sử, vẻ đẹp của các quốc gia. Chúng giúp trình bày sự thật và các giá trị đạo đức theo một hình thức hấp dẫn, sáng tạo, dẫn đến sự hiểu biết lẫn nhau, dẹp tan những bất công, để đóng góp tích cực cho một xã hội công bằng trật tự… Nhưng Thông Điệp cũng đã chỉ ra những nguy hại đối với linh hồn vì đó là cơ hội của tội lỗi, khi chúng quyến rũ những người trẻ bước vào con đường xấu bằng cách tôn vinh những đam mê; chúng trình bày cuộc sống dưới cái nhìn sai lạc; làm vẩn đục tư tưởng, huỷ diệt tình yêu trong trắng, không tôn trọng đời sống hôn nhân, gây ảnh hưởng xấu đến gia đình. Chúng có khả năng tạo ra định kiến giữa cá nhân và sự hiểu lầm giữa các quốc gia, giữa các tầng lớp trong xã hội, cũng như giữa các chủng tộc và tôn giáo.[10] Đó cũng là hiện trạng của mạng xã hội hôm nay mà chúng ta cần lưu ý.
Sắc lệnh Inter Mirifica – Giữa Những Điều Kỳ Diệu (IM) của Công Đồng Vaticanô II năm 1963 được coi là văn kiện tiên phong liên quan đến các hoạt động truyền thông xã hội, mở ra một cái nhìn mang tính đối thoại với nhân loại và ngỏ lời muốn dấn thân cộng tác với xã hội. Văn kiện này là nền tảng cho các văn kiện sau này của Giáo Hội về truyền thông, khi mà các phương tiện truyền thông càng ngày càng trở nên một khả thể vạn năng như hiện nay. Sắc lệnh Inter Mirifica mời gọi mọi người xem các phương tiện truyền thông xã hội là ân ban kỳ diệu của Thiên Chúa và đưa ra nhiều hướng dẫn căn bản cho những ai sử dụng phương tiện truyền thông, đồng thời cũng đề nghị nhiều phương pháp cụ thể nhằm bảo đảm rằng Giáo Hội không được chậm trễ đưa các phương tiện truyền thông vào việc phục vụ trong những hình thức đa dạng phù hợp cho việc mục vụ tông đồ (x. số 3). Muốn đạt được điều này, cần phải đào tạo đúng lúc những linh mục, tu sĩ và giáo dân để họ có đầy đủ kinh nghiệm thích đáng trong việc sử dụng những phương tiện này vào mục đích tông đồ. Sắc lệnh này cũng thiết lập ngày Truyền thông Thế giới hằng năm và Ủy Ban Truyền thông của Hội Thánh (số 18, 19).
Nhiều điều chưa được xem xét hết trong Công Đồng Vaticanô II được trao lại cho Ủy Ban nghiên cứu và năm 1971 Huấn thị Communio et Progressio – Hiệp Thông và Tiến bộ (CP) của Ủy Ban Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội ra đời với cái nhìn tích cực về các phương tiện Truyền Thông Xã Hội, được coi như Hiến chương của việc truyền thông.[11] Sau đó, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Huấn Thị Mục Vụ Communio et Progressio ra đời, Huấn thị Mục vụ Aetatis Novae – Thời Đại Mới (AE) được xuất bản năm 1992 đưa ra những hướng dẫn mục vụ rõ hơn trong lãnh vực truyền thông xã hội trước bối cảnh mới thay đổi quá nhanh chóng ảnh hưởng lớn lao trên nhận thức của con người, vì các phương tiện truyền thông có thừa sức củng cố hay dẹp bỏ các điểm tham chiếu theo truyền thống về tôn giáo, văn hoá và gia đình (số 4). Do đó, chúng ta phải biết cách sử dụng các phương tiện truyền thông để quảng bá sứ điệp Kitô giáo và huấn giáo đích thực của Hội Thánh, và hơn thế còn cần phải hội nhập sứ điệp ấy vào nền ‘văn hóa mới mẻ’ mà truyền thông hiện nay tạo ra… bằng những ngôn ngữ mới, những kỹ thuật mới và tâm lý học mới (số 11).
Trong các văn kiện tiếp theo, tài liệu Đạo Đức Trong Truyền Thông do Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội ban hành năm 2000 chỉ rõ ra rằng các phương tiện truyền thông không phải là những sức mạnh mù quáng của thiên nhiên nằm ngoài tầm kiểm soát của con người, vì cho dù các việc truyền thông có đưa tới những hậu quả ngoài ý muốn, nhưng chính con người vẫn có sự lựa chọn sử dụng các phương tiện ấy vào các mục đích tốt hay xấu, theo phương cách tốt hay xấu.[12] Vì thế thay vì lạm dụng các phương tiện truyền thông xã hội để gây chia rẽ và cô lập, người ta có quyền và có khả năng sử dụng theo cách thế tích cực, xây dựng và sáng tạo nhằm liên kết con người thành những cộng đồng có sự đồng cảm và mối bận tâm chung, đồng thời phục vụ cho những lợi ích lớn lao nhất của toàn nhân loại. Nhờ đó, các cộng đồng khác nhau có thể những có được thông tin theo đúng tinh thần công bằng, lịch sự và tôn trọng nhân quyền, mở ra cho những cam kết thực hiện ích chung.[13] Đặc biệt Tông Thư Il Rapido Sviluppo – Sự Phát Triển Nhanh Chóng – của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 2005 kêu gọi chúng ta lưu tâm đến vấn đề thủ đắc các phương tiện truyền thông và dự phần đồng trách nhiệm trong việc quản lý các phương tiện này, vì chúng là thiện ích cho tất cả mọi người (số 11). Ngài mời gọi các Kitô hữu hãy truyền thông sứ điệp của Đức Kitô về hy vọng, ân sủng và tình yêu, và đừng sợ những kỹ thuật mới vì chúng nằm trong số những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đặt để trong tay chúng ta để khám phá, sử dụng và công bố sự thật về phẩm giá và vận mệnh của chúng ta như là con cái của Thiên Chúa (số 14).
Tiếp nối vị Tiền nhiệm của mình, ĐGH Bênêđictô XVI trong Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội (TGTTXH) lần thứ 45, năm 2011, đã nhắc đến mạng xã hội và mời gọi các Kitô hữu hiệp nhất với nhau cách tin tưởng, với óc sáng tạo có ý thức và trách nhiệm trong mạng lưới các tương quan mà kỷ nguyên kỹ thuật số đã làm cho khả thể. Vì thế cần có một phong cách hiện diện Kitô hữu trên thế giới kỹ thuật số: nó được cụ thể hóa trong một hình thức truyền thông lương thiện và cởi mở, có trách nhiệm và tôn trọng người khác… Và trong Sứ điệp Ngày TGTTXH lần 47, năm 2013, với tựa đề “Mạng xã hội: cửa vào sự thật và đức Tin; những không gian mới cho việc loan báo Tin Mừng”, Ngài đề nghị suy tư về các mạng xã hội kỹ thuật số đang góp phần rõ ràng tạo nên một “agora” (quảng trường) mới, một không gian công cộng mở, nơi đó con người chia sẻ các ý tưởng, thông tin, ý kiến, và cũng là nơi phát sinh những mối tương quan và hình thái cộng đồng mới. Chúng cần đến sự dấn thân của những người đang tìm cách vun trồng những hình thức phát biểu và diễn đạt, có khả năng đưa dẫn những người tham gia công việc truyền thông hướng đến những khát vọng cao quý nhất.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng có một tầm nhìn rất rộng mở cho lãnh vực truyền thông và các mạng xã hội. Trong Sứ điệp Ngày TGTTXH năm 2014, ngài nhận định rằng cuộc cách mạng diễn ra trong các phương tiện truyền thông xã hội là thách đố lớn lao và đầy thú vị; chúng ta cần đáp ứng thách đố ấy bằng nghị lực mới mẻ và đầy sáng tạo khi tìm cách thông truyền vẻ đẹp của Thiên Chúa cho tha nhân. Ngài hiểu rõ rằng chỉ lướt qua các xa lộ kỹ thuật số -hay đơn giản chỉ “nối mạng”- là không đủ: các kết nối còn cần phải đi vào gặp gỡ đích thực, vì thế giới kỹ thuật số có thể là nơi đầy tình người, và các mạng xã hội là phương thức để sống lời mời gọi tái khám phá vẻ đẹp của đức tin, vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ Chúa Kitô. Ngài cũng khích lệ mọi người hãy nhìn xã hội không phải nơi mà những kẻ xa lạ ganh đua nhau để tìm cách thống trị, nhưng trước hết như một mái ấm gia đình, nơi cánh cửa luôn mở rộng và ai cũng được đón nhận. Ngài lấy chủ đề cho Sứ điệp Ngày TGTTXH năm 2017 là “Thông truyền niềm Hy vọng và sự Tin tưởng trong thời đại chúng ta”. Ngài bức xúc trước thay đổi nhanh chóng của thế giới truyền thông với sự lan tràn của “tin giả” do việc lèo lái các mạng xã hội và các phương thức hoạt động của chúng. Chính việc bảo đảm tính chính xác của các nguồn tin và bảo vệ việc truyền thông chân thực đúng đắn mới là phương cách thực sự để quảng bá sự thiện, tạo lòng tin và mở đường cho sự hiệp thông hoà bình (Sứ điệp năm 2018).
2. Quan điểm của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu
Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) luôn quan tâm đến việc giúp các Giáo Hội tại Châu Á sống niềm tin và thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng của mình. Từ năm 1996, Văn Phòng Truyền thông Xã hội của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC-OSC) đã tổ chức các Hội Nghị Giám Mục (BM) về Truyền Thông Xã hội hằng năm để đề ra những hướng dẫn trọng tâm, phù hợp với bối cảnh cụ thể của Giáo Hội tại các nước Á Châu. Đồng thời có các Khóa Đào Tạo Giám Mục về Truyền Thông Xã Hội (BISCOM) để tạo cơ hội học hỏi, chia sẻ và hợp tác ở mọi cấp. Hội Nghị Giám Mục Á Châu tại Samphran (Thái Lan) năm 1997, đã thảo luận các phát biểu của FABC về “Một Cách thế Hiện Diện Mới của Hội Thánh tại Châu Á” là sống sự hiệp thông, chia sẻ, làm chứng và đối thoại, đồng thời là một dấu chỉ ngôn sứ cho thế giới. Vì vậy việc truyền thông của Hội Thánh phải dám thách thức, loan báo và tố giác…
Chúng ta cần tìm cách ‘la to lên’ giống như các ngôn sứ với niềm xác tín và có sức thuyết phục người khác về công lý, hoà hợp, bình đẳng và giữ gìn hệ sinh thái (x. BM 1997, số 4). Các Giám Mục Á Châu cũng nhấn mạnh đến linh đạo truyền thông bắt nguồn từ sự truyền thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, và Đức Giêsu Kitô là mẫu mực cho mọi hoạt động truyền thông Kitô giáo. Khi hiện diện trong mạng xã hội, người tu sĩ phải là những nhà truyền thông Kitô giáo, những con người đầy tràn Thánh Thần, sống chiêm niệm trong hành động và có khả năng xây dựng cộng đoàn nhờ yêu thương, chia sẻ, hiệp thông, tương quan có phẩm chất; nội dung việc truyền thông của họ phải đặt nền sâu xa trên Nhập Thể – truyền thông phải hướng tới con người; và quan tâm loan báo các giá trị của Nước Trời giữa một xã hội đầy bạo lực, suy đồi và các thế lực xấu xa (x. BM 1998, số 1).
Các Giám mục Á Châu cũng đưa ra những lo ngại về vấn đề quyền riêng tư, danh tiếng, dễ bị tổn thương, thể chế, các mối đe dọa, sự xói mòn các giá trị văn hóa và đặc tính, các vấn đề về bản quyền, tâm lý và hành vi tác động, sự phân tâm và tác động tiêu cực đến mối tương quan của con người… Vì thế, việc sử dụng hiệu quả sức mạnh của truyền thông xã hội trong các sứ vụ, đồng thời bảo vệ con người khỏi những nguy hiểm tiềm tàng và những cạm bẫy của phương tiện kỹ thuật số là điều cần thiết (x. BM 2017, số 10). Những nhà truyền thông Công giáo cần tham gia cách có phê phán vào công tác truyền thông xây dựng cộng đồng, đặc biệt ủng hộ những người ở vùng ngoại biên, người di cư, dân tộc thiểu số và người bị gạt ra bên lề. Nhiệm vụ ngôn sứ của Giáo Hội cũng đòi hỏi Giáo Hội cố gắng tham gia với các nhà hoạch định chính sách để ban hành luật lệ và các biện pháp bảo vệ pháp lý nhằm thúc đẩy việc truyền thông đúng đắn và xác thực. Về việc đào tạo, Giáo hội phải nỗ lực cách chân thành để thúc đẩy việc giáo dục truyền thông kỹ thuật số và giáo dục truyền thông cho tất cả mọi người trong Giáo hội, bao gồm cả nhân sự về mục vụ truyền thông được thành lập để họ trở thành người sử dụng có trách nhiệm và được thông tin về các phương tiện kỹ thuật số cho việc thông tin, đào tạo và biến đổi (x. BM 2018, số 7).
Gần đây, chúng ta còn phải đối mặt với những thách thức mới của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật 4.0 cùng với các ứng dụng của AI – trí tuệ nhân tạo, các vị lãnh đạo Giáo Hội tại Á Châu cũng có nhiều quan tâm trong lãnh vực truyền thông mới này. Trong cuộc họp thường niên các Giám mục lần thứ 24 năm 2019 tại Thành phố Quezon, Manila, Philippines, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle đã nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển kiến thức mới để điều hướng “các bãi mìn của cuộc cách mạng kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo”. Giáo hội phải nuôi dưỡng “trí thông minh tương quan được gợi hứng”, đồng thời đảm bảo rằng công nghệ mới và các phương tiện truyền thông mới giúp xây dựng bầu khí tin cậy và chú ý lắng nghe (x. BM 2019, Tuyên bố chung). Ngoài ra, các giá trị và phương thức truyền thông đang phát triển trong xã hội ngày nay có xu hướng ngắt kết nối và cô lập mọi người, chúng ta cần thúc đẩy và nuôi dưỡng một nền văn hóa truyền thông nhấn mạnh các giá trị gia đình, sự tôn trọng lẫn nhau, các mối tương quan cũng như một cuộc sống cá nhân và xã hội toàn diện hơn (x. BM 2019, số 6). Hơn nữa, Giáo Hội cần tham gia sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông mới nổi lên để giải quyết các vấn đề quan trọng ở Châu Á, chẳng hạn như việc nghiện các thiết bị đồ dùng, nạn buôn người, những nội dung khiêu dâm, lạm dụng ma túy, bạo lực và các tệ nạn khác tác động tiêu cực đến các dân tộc và quốc gia (x. BM 2019, số 7).
3. Quan điểm của Giáo Hội Việt Nam
Trong các Văn kiện khác nhau, Giáo Hội tại Việt Nam đánh giá cao những đóng góp của những người sống đời thánh hiến giữa bối cảnh của một đất nước đang phát triển kinh tế nhưng cũng đầy dấu vết của “nền văn hóa sự chết”. Sứ điệp của Đại Hội Dân Chúa (ĐHDC) năm 2010 có nói: “Ước mong các tu sĩ thực sự trở nên dấu chỉ và chứng nhân sống động của tình yêu vô điều kiện mà Thiên Chúa dành cho con người, nhất là những người bé mọn trong xã hội” (ĐHDC, số 6), nhờ đó họ có thể thi hành sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô trong hoàn cảnh ngày nay nhằm phát huy nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên khắp đất nước. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) cũng rất quan tâm đến hoạt động truyền thông và những hệ lụy của nó. Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa năm 2010 gởi toàn Dân Chúa cũng nói rằng trong thời đại ngày nay, hơn bao giờ hết, Giáo Hội ý thức được vai trò và tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông đại chúng, là tặng phẩm Chúa ban để loan báo Tin Mừng cách rộng rãi và nhanh chóng, nhưng cũng có thể bị lạm dụng, tạo ra chia rẽ, hận thù và phóng túng, gieo rắc lối sống đi ngược lại với nền văn minh tình thương và sự sống. Vì thế, Giáo Hội cần hướng dẫn các tín hữu, cách riêng giới trẻ, để họ biết “sử dụng những phương tiện truyền thông cách hữu ích” (x. số 47).
Các Thư chung của HĐGMVN là những hướng dẫn mục vụ rõ ràng cho mọi thành phần Dân Chúa, đặc biệt với những người trẻ sống đời thánh hiến. Thư chung năm 2014 tạ ơn Chúa vì sự phong phú ơn gọi tu sĩ trong Giáo hội Việt Nam và nhắc đến việc Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định chọn năm 2015 là Năm của Đời sống thánh hiến, đó là cơ hội thuận lợi cho anh chị em tu sĩ đào sâu căn tính của mình, để sống “trải nghiệm không ngừng được đổi mới về sự nếm cảm tình bạn và sứ điệp của Đức Kitô” (Niềm Vui Tin Mừng, số 264). Chính trải nghiệm này thúc giục họ ngày càng yêu mến Đức Kitô nhiều hơn và chia sẻ tình yêu ấy cho người khác (số 7). Thư chung năm 2016 nhắc đến hành trình Emmaus như khuôn mẫu cho việc mục vụ giới trẻ; theo đó, đồng hành với giới trẻ cần được thực hiện theo ba bước: (1) lắng nghe cuộc sống của người trẻ; (2) cùng với người trẻ phân định thánh ý Chúa dưới ánh sáng của sứ điệp Tin Mừng; (3) giúp người trẻ hành động để sống tuổi trẻ cách phong phú (số 2).
Thư chung của HĐGMVN năm 2016 cũng cho thấy rằng thế giới kỹ thuật số vừa là một phương thế rất hữu hiệu cho việc truyền thông và thiết lập các mối tương quan, nhưng cũng là nguyên nhân gây nên nhiều tác hại cho người trẻ. Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm. Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai, bạo lực ngày càng gia tăng (số 3). HĐGMVN cũng thấy rằng Giáo Hội cần ứng dụng mạng xã hội vào công tác mục vụ giới trẻ, vì nếu sử dụng tốt, mạng xã hội là phương tiện rất hữu ích để củng cố đức tin và kinh nghiệm thiêng liêng, cung cấp thông tin về mục vụ xã hội, trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết để sống hiệp thông và loan báo Tin Mừng (Số 6). Thư chung năm 2020 nhắc đến anh Carlo Acutis (1991-2006) được tuyên phong Chân Phước ngày 10/10/2020, tại Assisi, là mẫu gương tiêu biểu trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa cho anh chị em đồng loại. Trong thế giới kỹ thuật số cũng là “ngôi nhà” thân thương của người trẻ, chúng ta phải sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại là khí cụ hữu hiệu để mở rộng tâm trí, kết nối yêu thương và gia tăng tình liên đới, để phục vụ cho chân lý, tình yêu và hiệp nhất (số 5, 6).
Gần đây nhất, Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước – Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Xã hội của HĐGMVN có chia sẻ về sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2021, và về một vấn đề rất nóng bỏng trong giới truyền thông hiện nay, đó là vấn đề bản quyền trên các trang mạng. Ngài nhấn mạnh rằng các tác giả có bản quyền trên các bài viết, hình ảnh, audio, video được đăng ở nhiều nơi, đặc biệt trên các trang web và mạng xã hội. Việc sử dụng các tác phẩm tùy tiện và không có phép của tác giả là vi phạm bản quyền, là lỗi đức công bằng, vi phạm tài sản, phẩm giá, tự do, và năng lực phát triển của người khác. Ngài mời gọi các tín hữu hãy cảnh giác và biết phân định đối với những thông tin trên các trang web, đặc biệt các trang mạng xã hội. Khi có những nghi ngờ, hay có những vấn đề ảnh hưởng đến đức tin truyền thống thì hãy tìm hỏi những người có hiểu biết chuyên môn, cũng như tìm cách đối chiếu thông tin đó trên các trang mạng chính thức của Giáo Hội Việt Nam.[14]
IV. HƯỚNG TƯƠNG LAI
Mặc dù có những giá trị tốt đẹp nhưng nhiều hệ lụy do mạng xã hội đem lại đang là thách đố nhức nhối và mối bận tâm cho nhiều người, nhất là các vị lãnh đạo cộng đoàn, các bề trên và nhà huấn luyện trong các Dòng tu. Nhiều vấn nạn được đặt ra như “Có nên cho người trẻ tùy nghi sử dụng vi tính và điện thoại thông minh hay không?”, “Cần quy định thời gian sử dụng mạng Internet như thế nào?”, “Làm sao để theo dõi và ngăn chặn và việc sử dụng mạng trong phòng riêng?, “Có nên cho phép hoặc cần giới hạn việc sử dụng mạng xã hội trong các giai đoạn huấn luyện?”. Nhưng nếu không cho phép trong thời gian ở tại nhà Dòng, thì những lúc khác ra ngoài hoặc về gia đình, người trẻ vẫn có thể lạm dụng nó. Điều quan trọng là cần giúp cho họ có khả năng biện biệt ưu tiên cho cuộc sống của mình, không chọn do bị cấm đoán hoặc bó buộc. Điều này xem ra thật khó đối với một thế hệ trẻ thiếu sự hướng dẫn huấn luyện đúng đắn ngay từ nhỏ. Hơn nữa quá trình phát triển của công nghệ thông tin không thể đổi chiều. Cá nhân người sống đời thánh hiến cũng như các cộng đoàn tu trì và các Học viện, Chủng viện cần có những định hướng và chọn lựa cụ thể trước những thách đố do mạng xã hội đặt ra. Xin được đề nghị một vài điểm sau:
1. Khích lệ việc tự đào luyện bản thân, kết nối và chia sẻ suy tư
Nhiều cộng đoàn tu trì đã gặp phải những khó khăn bế tắc do mạng xã hội lấn chiếm tác động, khiến cho đời sống thiêng liêng và giá trị đạo đức của tu sĩ bị giảm sút. Họ lơ là và bỏ bê việc đạo đức cá nhân, né tránh những hoạt động chung để cô lập mình trong thế giới ảo, thậm chí có tu sĩ đã rời bỏ ơn gọi để chọn lối sống dễ dãi hơn. Vì thế ngay trong các giai đoạn huấn luyện khởi đầu cần tạo cơ hội giúp người trẻ biết kỷ luật bản thân, sử dụng tự do của mình cách thích đáng và tự lên kế hoạch đào luyện bản thân cách cụ thể. Cá nhân người trẻ trước khi cam kết vĩnh viễn cần đạt đến sự trưởng thành và quân bình về các mặt thể lý, tâm sinh lý, tính dục, tương quan xã hội, môi sinh, nhất là đời sống thiêng liêng.
Sau đó họ cần tiếp tục tự đào luyện chính mình ngay trong cuộc sống và sứ vụ. Việc nhận biết bản thân và học cách sống cởi mở, khả năng làm việc chung, kết nối với mọi người trong các mối tương quan lành mạnh cũng rất cần thiết để có một đời tu hài hòa. Nếu không, người tu sĩ trẻ dễ đi tìm những cách bù trừ thiếu trong sáng. Tùy theo nhu cầu mục vụ, họ cần chọn lựa sử dụng Internet và mạng xã hội cách hợp lý, chừng mực và nghiêm túc. Tu sĩ phải là người sống tinh thần yêu thương phục vụ, nhạy bén trước những dấu chỉ thời đại và biết mở ra chia sẻ những suy tư của mình để giúp người khác sống tốt hơn. Họ cũng cần có tâm tình cầu nguyện khi sử dụng máy vi tính để truyền bá Tin Mừng trên mạng xã hội, biết hợp tác với nhau để làm truyền thông và nâng cao khả năng truyền thông của bản thân.[15] Chứng tá đời sống của người tu sĩ rất cần thiết trong thế giới kỹ thuật số hôm nay để tạo lập niềm tin đích thực khi họ hiện diện trên mạng xã hội. Khi sống nhất quán, họ sẽ có khả năng để truyền thông đoàn sủng của mình trong chân lý và bác ái, đồng thời biểu lộ được những hoa trái, chứng từ và những kinh nghiệm thiêng liêng của đời tu.
2. Tận dụng thế mạnh của các mạng xã hội
Trong một thế giới đầy những biến chuyển nhanh chóng của công nghệ hiện đại, người tu sĩ được mời gọi tận dụng những thuận lợi mà xã hội đem lại để phục vụ cho sứ mạng của mình, đồng thời phát huy hơn nữa những giá trị tích cực mà cơ chế thị trường, xã hội thực dụng, công nghệ – khoa học đem lại để phần nào làm hạn chế những điều tiêu cực do chính cơ chế ấy gây ra.[16] Cần tinh tế để kết hợp việc sử dụng các phương tiện truyền thông truyền thống với các phương tiện truyền thông hiện đại vì mỗi loại có những giá trị riêng. Nhờ đó, đưa chúng vào những hoạt động hữu ích và lành mạnh nhằm mang lại các giá trị thiêng liêng, đạo đức, văn hóa, nghệ thuật cho bản thân và nhiều người. Tuy nhiên chúng ta cũng cần biết cách thanh lọc những gì hiển thị trên không gian mạng xã hội của mình, bằng cách hủy kết bạn với người hay đăng những thông tin rác rưởi độc hại, và cùng những bạn bè tốt hình thành những sân chơi bổ ích.
Các mạng xã hội và phương tiện truyền thông hiện đại hôm nay cần được sử dụng cách hữu hiệu trong việc phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập, mục vụ và huấn giáo, thông tin và Loan báo Tin mừng. Người tu sĩ cần tận dụng chúng để mở ra những sân chơi cho người trẻ, những chương trình giúp họ giao lưu gặp gỡ và có được sự đồng hành hướng dẫn… Đó cũng là cơ hội để chiêu sinh các ơn gọi mới, phát triển Hội Dòng và chuyển tải những nội dung giúp củng cố đời tu có phẩm chất, gia tăng lòng nhiệt thành yêu mến nơi các thành viên của Dòng, cũng như giúp cho cộng đồng qua việc chia sẻ những giá trị Tin mừng và hướng họ về Thiên Chúa là nguồn Chân – Thiện – Mỹ.
Nhìn vào không gian mạng dưới góc độ Cứu độ học và Cánh chung học, chúng ta thấy rằng con người hôm nay vẫn đang khao khát tìm kiếm ý nghĩa trọn vẹn cho thời đại của mình, khao khát ơn cứu độ, sự giải thoát và chữa lành, khao khát sự biến đổi thiêng liêng ngay cả khi họ vào mạng. Những người hành hương trên mạng tìm đọc, chia sẻ và tải xuống các bài suy niệm hoặc những tài liệu tâm linh để sống thánh thiện hơn. Cũng cần lưu ý rằng khi chúng ta đưa bất cứ điều gì lên không gian ảo, chúng sẽ tồn tại và trở thành những dấu vết kỹ thuật số của chúng ta. Và khi chúng ta giã từ trần thế chúng sẽ là hồn ma kỹ thuật số (digital ghost) của chúng ta. Vì vậy, ngành Cánh chung Mạng khuyến khích chúng ta cổ võ sự sống và tình yêu trong không gian mạng, phải ngăn chặn tất cả các hành vi lạm dụng không gian mạng, nhưng biết sử dụng mạng xã hội cách thận trọng nhằm để lại một di sản tốt cho các thế hệ đến sau.[17]
3. Đào tạo về truyền thông
Trước hết, Giáo Hội cần có những chương trình đào tạo ngắn hạn và cơ bản về truyền thông ở mọi cấp, vì trong đời sống Giáo Hội, mạng xã hội và Internet đang được sử dụng ngày càng nhiều. Đó là những phương tiện rất mạnh mẽ để thông tin, kết nối, học tập giải trí, trau dồi nhân bản, hoạt động mục vụ huấn giáo, chia sẻ những suy tư giúp định hướng cho cuộc sống. Vì thế hiện nay hầu như tất cả các Giáo phận, giáo xứ, chủng viện, dòng tu, hội đoàn. đều tạo điều kiện trang bị các phương tiện truyền thông và có các chương trình đào tạo căn bản về truyền thông, cũng như đầu tư nâng cao cho những ai có khả năng tham gia vào lãnh vực truyền thông. Các Dòng tu và giáo xứ cũng cần có những khóa học thường xuyên để gây ý thức về linh đạo truyền thông và luân lý truyền thông cho các thành viên; hoặc những buổi nói chuyện trao đổi về truyền thông. Nhờ đó người trẻ Công Giáo cũng như các linh mục tu sĩ trẻ có khả năng nắm bắt và vận dụng những chương trình truyền thông vào đời sống và công tác mục vụ của mình.
Ngoài ra cần khuyến khích và đẩy mạnh các hình thức học hỏi online, các chương trình hướng dẫn tự học, để người sống đời thánh hiến có thể học hiểu mà không đòi hỏi thời gian cố định. Một điều đáng ghi nhận là người trẻ Việt Nam hiện nay rất giỏi về công nghệ thông tin, do từ trong gia đình và khi đến trường đều phải tiếp cận với nhiều loại phương tiện truyền thông phục vụ cho việc học tập. Vì thế họ rất dễ dàng cập nhật thêm các chương trình mới hoặc tính năng nâng cấp trong mọi lãnh vực. Việc sử dụng mạng xã hội trở thành như “điều đương nhiên” của giới trẻ, đến độ ai không sử dụng có thể được xem là không bình thường. Nhiều người đã trở thành “chuyên gia” nhờ những chương trình “xóa mù truyền thông” trên mạng. Các chuyên đề hay và những chương trình trực tiếp sau đó được đưa lên Internet và gởi link trên các trang mạng xã hội giúp ích rất nhiều. Tuy nhiên cũng cần lưu ý những trường hợp vi phạm bản quyền, khi các chương trình chính thống bị cắt xén nhào nắn lại và giật tít chỉ để câu “views”.
Tiếp đến là việc đầu tư dài hạn cho người làm công tác truyền thông trong các Dòng tu và tổ chức của Giáo Hội. Hiện nay truyền thông là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống Giáo Hội ở mọi cấp. Thế nhưng những người được đào tạo chuyên môn trong các chuyên ngành truyền thông rất ít. Các vị lãnh đạo cần lưu ý đào tạo nhân sự có chuyên môn đứng đầu trong các Ban Truyền thông, hoặc chịu trách nhiệm chính trong việc điều hành công tác truyền thông nội bộ, như lo các trang web chính, các loại sách báo, nội san, tổ chức các sự kiện, làm các phim ảnh, phóng sự, trang trí đồ họa, điều hành các hệ thống truyền thông đa phương tiện. Trong việc đào tạo nhân sự truyền thông, không chỉ nhắm đến các kỹ năng chuyên môn như giỏi vi tính, viết lách, chụp hình, quay phim, lập trình. Nhưng trước hết cần quan tâm đến sự trưởng thành trong đời tu và chiều sâu đời sống thiêng liêng của người làm truyền thông, những nội dung căn bản của Truyền thông Công Giáo như Linh đạo và Đạo đức Truyền thông, các Quan điểm và Giáo huấn của Giáo Hội các cấp về việc sử dụng truyền thông cho việc Loan Báo Tin Mừng…
Để kết
Càng ngày Giáo Hội càng nhận ra rằng con người thời nay đang đắm mình trong cơn “thuỷ triều” của phương tiện truyền thông, là những công cụ tạo nên những xác tín sâu xa và điều khiển các thái độ của họ (CP số 127). Những thái độ sống dửng dưng, vô cảm, quy ngã đang trở nên phổ biến nơi giới trẻ, là những người thường thiếu khả năng phân định và đang bị điều khiển bởi các mạng xã hội. Chúng ta không thể dẹp bỏ những trang mạng kém giá trị hoặc những trang web đen gây nguy hại cho tâm hồn, nhưng chúng ta có thể gây ý thức giúp người trẻ có khả năng chọn lựa, và sáng tạo để tăng cường các trang mạng xã hội uy tín, đồng thời chuyển tải nhiều giá trị tốt đẹp. Với thế mạnh là chiều sâu của đời sống thiêng liêng, người sống đời thánh hiến nên hiện diện trên các trang mạng xã hội với tất cả xác tín, sự sáng tạo và niềm say mê, để chia sẻ cho con người hôm nay những giá trị mà họ đang khát khao tìm kiếm. Muốn thế, trước tiên người sống đời thánh hiến cần kết nối với nguồn quy chiếu và mẫu gương truyền thông siêu việt của mình là chính Đức Giêsu, để học nơi thái độ và cung cách truyền thông của Người.
Trước tình hình Đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát kinh hoàng tại nhiều nơi trên thế giới, người sống đời thánh hiến được mời gọi sống chậm lại, quan tâm hơn đến phẩm chất cuộc sống dâng hiến của mình, và mở ra kết nối với mọi người để khích lệ họ sống niềm tin. Cùng với các mạng xã hội đang đăng lại tin từ Vatican News, loan báo việc ĐTC Phanxicô mời gọi toàn thế giới tham gia sự kiện “Marathon cầu nguyện” với kinh Mân Côi trong tháng 5/2021 này để cầu nguyện cho toàn thế giới đang bị thương tích vì đại dịch[18], người sống đời thánh hiến cần mau mắn đáp lời Vị Cha chung, trung tín hiệp thông trong lời cầu nguyện, và có thể chia sẻ lời mời gọi cùng với những suy tư của mình cho nhiều người biết. Một điều chắc chắn là cho dù Đại dịch có chấm dứt thì cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội của toàn thế giới cũng vẫn diễn biến khó lường, mà chỉ có tình yêu thương đích thực mới có thể góp phần chữa trị tận căn.
Nguyện xin Mẹ Maria chuyển cầu cho mỗi người Kitô hữu chúng ta, nhất là cho các bạn trẻ đang dấn thân trong đời sống thánh hiến, biết dành thời gian ở lại trong Chúa Kitô và gẫm suy Lời của Người như Mẹ, để cảm nghiệm cách thâm sâu tình yêu vô điều kiện Người dành cho mình. Từ đó chúng ta sẽ có khả năng đi đến và hiện diện cùng với anh chị em mình tại môi trường sống của họ – ngay cả trong không gian ảo của các mạng xã hội – để biểu lộ cho họ khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa, và cùng với họ làm lan tỏa niềm hy vọng mà chính Đấng Phục Sinh đã đem đến cho chúng ta.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 125 (Tháng 7 & 8 năm 2021)
[1] X. Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội 2021, https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-01/dtc-phanxico-su-diep-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-55.html, truy cập ngày 15/03/2021.
[2] X. Joshy Kunnel Xavier, S.J., Giáo Hội trước những thách đố của không gian mạng, https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-hoi-truoc-nhung-thach-do- cua-khong-gian-mang-39927, truy cập ngày 01/04/2021.
[3] X. Ictnews, Mạng xã hội là gì và mang những đặc điểm nào?, https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/mang-xa-hoi-la-gi-va-mang-nhung-dac-diem-nao-34443.html, truy cập ngày 25/03/2021.
[4] X. Wikipedia, Dịch vụ mạng xã hội, https://vi.wikipedia.org/wiki/D%E1%BB%8Bch_v%E1%BB%A5_m%E1%BA%A1ng_x%C3%A3_h%E1%BB%99i, truy cập ngày 27/03/2021.
[5] X. Minh Nguyên, Người Việt online gần 7 tiếng mỗi ngày, https://vnexpress.net/nguoi-viet-online-gan-7-tieng-moi-ngay-3877648.html, truy cập ngày 28/03/2021.
[6] X. Minh Quân, Làm trong sạch, lành mạnh mạng xã hội – sự cấp thiết và giải pháp, http://m.tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen- hoa/lam-trong-sach-lanh-manh-mang-xa-hoi-su-cap-thiet-va-giai-phap-16680. html, truy cập ngày 01/04/2021.
[7] X. Hà Bình, Quản lý thời gian rảnh rỗi của trẻ, https://khoahocdoisong.vn/quan-ly-thoi-gian-ranh-roi-cua-tre-123814.html, truy cập ngày 28/03/2021.
[8] X. Phanxicô, Tông thư gửi tất cả các người Thánh hiến, Vatican 2014, https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/tong-thu-cua-duc-thanh-cha-phanxico-gui-tat-ca-cac-nguoi-thanh-hien-nhan-dip-cu-hanh-nam-cua-doi-song-thanh-hien-30501, truy cập ngày 20/04/2021.
[9] X. Phanxicô, Tông thư gửi tất cả các người Thánh hiến, Vatican 2014, https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/tong-thu-cua-duc-thanh-cha-phanxico-gui-tat-ca-cac-nguoi-thanh-hien-nhan-dip-cu-hanh-nam-cua-doi-song-thanh-hien-30501, truy cập ngày 20/04/2021.
[10] X. Eilers, Truyền thông trong Mục vụ và truyền giáo, Manila 2009, tr.178.
[11] X. Phan Tấn Thành OP, Giáo Huấn Của Giáo Hội Về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội, http://catechesis.net/giao-huan-cua-giao-hoi-ve-cac-phuong-tien-truyen-thong-xa-hoi/, truy cập ngày 24/04/2021.
[12] X. Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, Đạo Đức Trong Truyền Thông, Vatican, 2000, số 1.
[13] Ibid, số 29.
[14] Media HĐGMVN, Sứ điệp Truyền thông 2021 và vấn đề Bản quyền, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-truyen-thong-2021-va-van-de-ban-quyen-41862, truy cập ngày 03/05/2021.
[15] X. Giuse Vi Hữu. Để trở nên thánh thiện hơn khi sử dụng phương tiện truyền thông. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/de-tro-nen-thanh-thien-hon-khi-su-dung-phuong-tien-truyen-thong-40343, truy cập ngày 26/04/2021.
[16] X. Nguyễn Xuân Quang. Thách đố của người tu sĩ trong thời đại mới. http://www.simonhoadalat.com/hochoi/namthanh/doisongthanhhien/17ThanhDoTS.htm, truy cập ngày 28/04/2021.
[17] X. Joshy Kunnel Xavier, S.J., Giáo Hội trước những thách đố của không gian mạng, https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-hoi-truoc-nhung-thach-do- cua-khong-gian-mang-39927, truy cập ngày 01/04/2021.
[18] X. Hồng Thủy – Vatican News, ĐTC khai mạc “Marathon cầu nguyện” với kinh Mân Côi, xin cho đại dịch chấm dứt, https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-05/dtc-phanxico-marathon-cau-nguyen-kinh-man-coi-dai-dich.html, truy cập ngày 02/05/2021.