“Phụng sự Chúa trong vui vẻ”, đây vừa là tinh thần Tin Mừng thúc đẩy các tín hữu sống hạnh phúc, vừa là thái độ cần thiết của người làm chứng về niềm hạnh phúc mình mang trong tâm hồn. Don Bosco biết rõ điều này: Kitô giáo là vui tươi, hạnh phúc. Thánh thiện là vui tươi, hạnh phúc. Ngài từng nói một vị thánh buồn thì đáng buồn thay cho vị thánh đó. Nghĩa là vị thánh đó đã trình bày một thứ thánh thiện quái dị rồi!
Don Bosco đã trải nghiệm niềm vui này trong cuộc sống, đem ứng dụng vào trong giáo dục, và kết tinh nó trong khẩu hiệu “Phụng sự Chúa trong vui vẻ”.
Trải nghiệm niềm vui
Gia cảnh của Gioan không quá nhiều thuận lợi, nếu không nói trắng ra là bất lợi: Mồ côi cha lúc 2 tuổi, có người anh cùng cha khác mẹ tên An-tôn luôn xung khắc với cậu, gia đình nghèo dưới mức trung bình, không có điều kiện đến trường. Trong hoàn cảnh khá ảm đạm ấy có tồn tại niềm vui, niềm hy vọng nào không? Có đấy, nhiều là đàng khác, khiến cho những khó khăn ấy tuy được nhận diện nhưng không còn là cản trở, mà trở thành bệ phóng để Gioan Bosco vươn lên mạnh mẽ.
Bí quyết nào đã biến cái bất lợi thành thuận lợi? Đó là nhờ lối giáo dục của người mẹ, Mẹ Margherita thánh thiện. Bà đã không bao giờ ngồi than thân trách phận, mà luôn chủ động đối diện với hoàn cảnh để tìm cách tháo gỡ.
Với cậu con riêng của chồng: bà tỏ ra có nhiều lòng thương mến hơn, và khi cuộc đối đầu giữa bọn trẻ trở nên khó dung hòa, bà nén lòng gởi cậu con út bé bỏng đến làm thuê cho người quen tại nơi xa hầu tránh xung đột. Và Gioan cũng không cảm thấy quá đau đớn vì cậu thông cảm và hiểu được nỗi lòng người mẹ. Cậu có tâm tình này nhờ cảm nhận được tình thương mà người mẹ luôn vạch vẽ cho cậu khám phá. Khi được mùa, khi gặp may lành, bà dậy con tạ ơn Chúa tốt lành. Khi gặp những trận mưa đá, cuồng phong hay điều rủi ro, bà vẫn giúp con tìm thấy lý do để tạ ơn Chúa, đồng thời tìm xem ý Chúa muốn gì qua biến cố đó.
Bà dậy con ca ngợi Chúa không ngừng vì vẻ đẹp của thiên nhiên, vì những hành động trợ giúp lẫn nhau của dân làng trong đời sống, vì những cơ hội Chúa gởi đến. Cứ thế, niềm vui mà Gioan Bosco vui hưởng trong cuộc sống là những niềm vui rất đỗi bình thường, nhưng lại trở nên sâu lắng, cao thượng hơn vì có Thiên Chúa là Cha yêu thương ban phác cho cậu những niềm vui ấy.
Làm lan tỏa niềm vui
Niềm vui nơi Gioan Bosco đạt đến độ sâu đằm thắm nhờ sự trợ giúp của các vị linh mục tốt lành, nhất là cha Calosso. Gioan Bosco đã gặp ngài khi đi dự buổi giảng Tĩnh tâm trở về. Cha Calosso đã thương mến cậu bé Gioan, và ngài hứa nếu cậu nhắc lại được một câu trong bài giảng, ngài sẽ thưởng cho một đồng bạc. Và Gioan đã nhắc lại không chỉ một câu mà trọn bài giảng khiến Cha Calosso thích thú. Ngài đã nhận Gioan như nhận một người con, và trong khoảng thời gian đồng hành với Gioan, Cha Calosso đã giúp cậu thưởng nếm sự ngọt ngào của các bí tích trụ cột của Kitô giáo, là căn nguyên của niềm vui nơi cậu.
Những trải nghiệm về niềm vui cho Gioan nhận ra cội rễ của niềm vui thật hệ tại ở chính tuổi trẻ. Vì tuổi trẻ là sức sống dạt dào, là vui sướng hồn nhiên. Thực sự, thiếu niên nào mà chẳng thích những hình thức giải trí như ca nhạc, kịch tuồng, ảo thuật, làm xiếc… Thiếu niên nào mà chẳng thích đi dã ngoại, pinic… Thiếu niên nào mà chẳng thích ganh đua, thể thao… Thiếu niên nào mà chẳng thích lễ hội, mừng lễ! Từ bản thân, Gioan Bosco còn khám phá ra bí quyết khác của niềm vui đó là niềm tin, sự bình an trong tâm hồn, và cảm thấy mình được yêu thương.
Với nhận thức đó, Gioan Bosco đã định rõ được con đường để liên kết niềm vui siêu nhiên và tự nhiên. Ngay từ thời niên thiếu, Gioan Bosco sẵn sàng biểu diễn mang lại tiếng cười rộn rã cho mọi người miễn là họ dành đôi chút thời giờ cùng cậu cầu nguyện, tạ ơn Thiên Chúa. Cậu khích lệ các bạn học hành tử tế và cùng đi dã ngoại với nhau đến các nơi cầu nguyện danh tiếng. Họ vừa giải trí vừa cầu nguyện. Tâm thức này đã khiến Gioan Bosco lập ra Hội vui, với phương thức “Phụng sự Chúa trong vui vẻ”. Cho nên, các bạn rất thích cậu, bởi ở đâu có cậu là có niềm vui tưng bừng và thật sự.
Nhà giáo dục của niềm vui
Sau này, khi đã là linh mục. Don Bosco tiếp tục làm việc phục vụ cho việc giáo dục người trẻ. Ngài đã chọn mô hình “Nguyện xá” của thánh Philip Nê-ri để xây dựng mô hình và phát triển hệ thống giáo dục của mình. Sở dĩ Don Bosco chọn mô hình này vì nó đặt nền trên một nhân sinh quan tích cực: “Con người là hình ảnh của Thiên Chúa”, “Con người được mời gọi sống hạnh phúc”.
Nguyện xá mà Don Bosco xây dựng mang bốn yếu tố tinh thần: Nó phải là trường học, gia đình, sân chơi và giáo xứ. Tại nguyện xá, các thiếu niên được mời gọi vui chơi thoải mái để có thể thưởng nếm niềm vui của cầu nguyện và học hành. Don Bosco muốn các em hát hay, chơi nhạc giỏi và cử hành những buổi phụng vụ sốt sắng.
Trung thành với Thiên Chúa, Don Bosco trung thành với con người, ngài muốn các học sinh được ăn ngon hơn một chút tại bàn ăn trong ngày lễ. Ngài cũng thúc đẩy chúng thi đua học hành và chu toàn bổn phận với lời hứa rằng mùa hè các em sẽ được đi dạo về miền quê với mục đích tông đồ. Trong lối giáo dục của Don Bosco có sự qua lại rất tự nhiên giữa niềm vui của đức tin và niềm vui nhân bản, hầu cho thấy rằng một đức tin càng vui tươi sẽ càng làm cho cuộc đời hạnh phúc và cuộc đời hạnh phúc đích thực sẽ càng thấy khẩn thiết hơn sống đức tin cách tích cực.
Niềm vui là thái độ sống thường xuyên của Don Bosco, đến nỗi người ta thấy khi nào Don Bosco tỏ vẻ vui hơn thường lệ, ấy lại là lúc ngài gặp khó khăn hơn cả. Tuy nhiên, đây không là thói giả hình, mà là điều ngài đã làm việc trên bản thân, để luôn giữ được tâm trạng tích cực là điều cần thiết của nhà giáo dục. Cái phông nền cho thái độ vui tươi này có được từ tầm nhìn đầy lạc quan vào tiềm năng của con người.
Thật vậy! Các trẻ đến với Don Bosco không thuộc hạng xuất sắc theo nghĩa tinh thần lẫn vật chất, vì đối tượng giáo dục của ngài là những trẻ nghèo và bị bỏ rơi. Tuy nhiên, bất cứ đứa trẻ nào gặp Don Bosco rồi thì chúng sẽ được phát triển trong mức độ tốt nhất, bởi vì ngài luôn tìm cách phát triển chúng từ những khả năng xem ra khiêm tốn nhất. Don Bosco nói: “Một trái táo thối cũng vẫn còn cái hột, và trong 99 cái không tốt của trẻ, ta vẫn có thể giúp trẻ lớn lên từ điều thiện duy nhất của nó”. Chính vì niềm tin và tầm nhìn lạc quan này mà Don Bosco luôn thành công trong việc giáo dục. Bởi vì, con người dù là một đứa trẻ cũng cần được đánh giá, tin tưởng, yêu thương và được khích lệ để lớn lên.
Giáo dục như Don Bosco
Hiểu được tầm quan trọng của niềm vui trong việc giá dục người trẻ, nhà giáo dục được mời gọi tránh xa tâm trạng buồn bã, tiêu cực. U buồn không có giá trị giáo dục. Trường tôi có một giáo viên, thỉnh thoảng lại đâm đơn xin nghỉ vì ‘không chịu nổi’ học sinh, vì luôn nhìn thấy những tiêu cực trong các phản ứng của học sinh và những bi quan trong lạnh vực giáo dục. Thầy cũng đã có một vài nỗ lực làm cho học sinh để cải thiện mối tương quan, nhưng không thể vượt qua. Cuối cùng thầy nghỉ dậy! Để có niềm vui thực sự trong giáo dục, và làm cho việc giáo dục đầy niềm vui, Don Bosco mời gọi chúng ta:
- Hãy biết làm chủ tâm trạng của mình, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp trên niềm hy vọng họ có trên những đứa trẻ, và trên nhuệ khí thúc đẩy họ làm việc vì lợi ích của học viên.
- Hãy giúp trẻ có sự bình an trong tâm hồn, tức là có một lương tâm trong sạch để có thể hạnh phúc và vui tươi. Để có điều này, nhà giáo dục hãy cương quyết loại trừ những sách báo, hình ảnh, câu truyện bất xứng ra khỏi môi trường của mình. Kinh nghiệm giáo dục cho ngày hay rằng nhiều thanh thiếu niên đã bị mất đi vẻ trong sáng của tâm hồn và lương tâm vì đọc hay xem những câu truyện, hình ảnh không thích hợp với lứa tuổi của họ.
- Hãy xóa bỏ bầu khí lạnh lùng hay u sầu ảm đạm trong giáo dục vì nó phá hủy bầu khí gia đình, tình thân, niềm vui đích thực. Ngược lại, hãy khích lệ phải vun trồng bầu khí nhân bản lành mạnh, luân lý trong sáng như là điều thiết thân để có niềm vui chân thật.
- Sau cùng, nhà giáo dục hãy quan tâm đến khía cạnh kỷ luật là điều người trẻ không ưa thích, nhưng cần thiết để có niềm vui thật. Nó được bộc lộ trong việc chu toàn bổn phận. Với Don Bosco, dấu chứng của đời sống trưởng thành chính là chu toàn bổn phận cách vui tươi.
Các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ thân mến, chúng ta sẽ làm ích rất nhiều cho con em chúng ta, cho các thanh thiếu niên, khi chúng ta bước theo con đường thiêng liêng của niềm vui này. Chúng ta hãy vui tươi dấn thân vào việc giáo dục thanh thiếu niên cho niềm vui bất tận.
Trích chuyên đề Don Bosco số 30