LINH ĐẠO CỦA TÂM THÀNH

Thế giới ngưỡng mộ Don Bosco là một nhà giáo dục đại tài. Còn chính ngài luôn coi mình là một người nhà quê miền Becchi. Sự khiêm tốn chân thành trở thành nét tự nhiên và quyến rũ của ngài. Đằng sau diện mạo nhà giáo dục vĩ đại là cả một tấm lòng chân thành mà ta có thể gọi là con đường thiêng liêng của sự chân thành.

Tôi kể ra đây vài giai thoại nhỏ bé. Nếu đứng riêng, chúng chẳng mấy giá trị. Nhưng khi đặt vào toàn thể, chúng như những bông hoa nhỏ xinh làm nổi bật những bông hoa rực rỡ khác.

Khi nhỏ, cậu bé Bosco phải đi chăn bò ngoài đồng. Mỗi sáng, mẹ luôn chuẩn bị cho cậu một chút đồ ăn. Dù nghèo, mẹ vẫn dành cho con cái gì ngon nhất có thể. Bà chuẩn bị cho bé Bosco một chiếc bánh mì thơm ngon, được làm bằng bột mì nguyên chất. Cậu bé Bosco đi chăn bò cùng những đứa trẻ nghèo khác. Cậu chú ý đến một bạn chỉ ăn những chiếc bánh mì đen khô cứng, vì làm bằng thứ bột đen rẻ tiền. Thương bạn, cậu bé Bosco đề nghị người bạn trao đổi miếng bánh mì cho mình. Khi người bạn hỏi lý do, cậu đơn thành nói: “Vì bánh của cậu tớ chưa bao giờ được ăn”. Cậu nhỏ Bosco khéo léo thuyết phục đến nỗi người bạn kia đồng ý. Cả hai đã trao đổi bánh cho nhau trong nhiều năm tháng. Chỉ sau này, người bạn kia mới hiểu ra.

Khi đã trở thành một vị linh mục nổi tiếng thánh thiện, Don Bosco một lần kia được mời dự tiệc thịnh soạn ở một nhà bà Bá tước quen thân. Trong bữa tiệc có hai bà quan sát Don Bosco. Họ kháo nhau rằng vị thánh sẽ chọn những đồ ăn dở hơn, vì ngài sẽ hãm mình hy sinh. Thế là khi đến cuối bữa, họ dọn món tráng miệng với những hoa quả thơm ngon. Họ cố tình để những trái cây ngon hơn ở gần Don Bosco. Họ kỳ vọng Don Bosco sẽ minh chứng sự thánh thiện của mình khi giơ tay với lấy những trái cây kém hơn ở phía xa kia. Trái ngược với những gì họ nghĩ, Don  Bosco lại vui vẻ tự nhiên lấy những trái chín ngon gần mình hơn cả. Hai bà đã “chưng hửng”: Một ông thánh mà lại như thế sao? Không biết hãm mình gì cả?

Don Bosco không trả lời, vì lẽ ngài có kiểu hãm mình riêng mà chẳng để lộ ra cho ai thấy. Tâm hồn chân thành biết làm thế nào để hoàn toàn dành cho Thiên Chúa một cách thật tự nhiên. Thiên Chúa cần nơi con người tấm lòng chân thành.

Trong cuộc đời Don Bosco có một giai thoại rất người và thật cảm động. Nó minh chứng rằng một tâm hồn chân thành có thể làm cho bầu trời rung động.

Năm 1846, các bác sĩ khuyên Don Bosco về quê nghỉ ngơi ít ngày. Ngài vâng lời đi tới Sassi, một tỉnh lỵ gần Tô-ri-nô. Lúc đó, các học sinh trường công giáo có cuộc tĩnh tâm, các em không đi xưng tội với một ai cả ngoài Don Bosco. Nhưng đến cuối cuộc tĩnh tâm rồi mà Don Bosco vẫn không tới. Thế là chúng rủ nhau, tất cả khoảng 300, chia thành những nhóm 50 hoặc 60. Bất kể trời mưa gió, cuốc bộ từ Valdocco tới Sassi. Khi đến nơi, mọi đứa ướt nhẹp như chuột. Thật lem luốc. Don Bosco ra đón chúng và hết sức ngạc nhiên. Khi biết được lý do chúng đi bộ tới, Don Bosco thật cảm động. Ngài lập tức ngồi tòa giải tội cho chúng. Biết chúng chưa ăn gì, cha xứ ở đó là bạn thân của Don  Bosco đã dọn cho chúng những thứ đồ ăn có sẵn trong nhà, như bánh mì, bơ sữa, trái cây… Đúng là một đại tiệc. Thế là cha con đều cười vui vẻ với nhau ăn uống ngon lành. Sau đó, chúng trở về trường, trên đường về các em ca hát vui vẻ. Tâm hồn chân thành của Don Bosco và đám trẻ đó không đốt nóng bầu trời sao?

Rõ ràng lối đường tâm thành mang lại những kết quả giáo dục không tưởng nổi. Những trẻ của Don Bosco đã tìm thấy nơi Don Bosco như người thầy dậy dỗ, người cha yêu thương, và nhất là hình ảnh của người bạn sẵn sàng chia sẻ mọi sự, ngay cả những khó khăn và cùng quẫn của mình. Thực vậy, Don Bosco đã nhiều lần xin học sinh cầu nguyện cho những khốn khó và cả những hoàn cảnh mà Don Bosco gần như vô phương giải quyết. Thế nhưng, dù Don Bosco thiếu thốn thế nào thì tấm lòng đơn thành của ngài vẫn luôn sáng lên với những cái cúi mình và điệp khúc: “Hãy nói cho cha biết: Don Bosco có thể giúp gì cho con?”.

Hãy can đảm lên hỡi các nhà giáo dục, vì vẻ đẹp của tâm hồn đơn thành và khiêm tốn, quan tâm đến những người chung quanh sớm muộn rồi sẽ lay động được mọi tâm hồn.

Văn Am

Visited 7 times, 1 visit(s) today