LÀM ƠN LẮNG NGHE CON MỘT CHÚT ĐƯỢC KHÔNG?

LÀM ƠN LẮNG NGHE CON MỘT CHÚT ĐƯỢC KHÔNG?

Kinh nghiệm của Don Bosco

           Don Bosco nói với cộng sự viên của ngài: “Hãy tạo sự thoải mái để các học sinh tự do nói lên suy nghĩ của các em”. Ngài nài nỉ: “Các con hãy lắng nghe các em, hãy để các em nói thật nhiều”. Trước hết, ngài là một gương mẫu điển hình cho sự lắng nghe. Một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng qua tấm hình chụp Don Bosco đã như thu được sự chú ý tuyệt đối của ngài trong khi giải tội cho các thanh thiếu niên: Toàn bộ con người của ngài trong tư thế lắng nghe, chú ý hết sức.

           Phần đa các bậc phụ huynh tin rằng mình đang lắng nghe con cái của mình. Xem ra lắng nghe là một hành động đơn giản và tự nhiên. Tuy nhiên, bao nhiêu lần các cha mẹ lắng nghe con cái mình cách thực sự và chân thành, chú ý tuyệt đối những gì con cái chú ý nói và tìm cách nói?

           Các trẻ khi được hỏi chuyện đã phát biểu rất tự nhiên: “Con nói, con nói… nhưng chẳng ai thèm nghe!”, “Buổi tối, sau khi đùa nghịch với trái banh chán chê, con lên giường, nói chuyện với chính mình… Cô ngạc nhiên à? Ít nhất thì con cũng chịu nghe con nói”.

           Chính vì lắng nghe khó như thế, nên cần đề ra chiến lược để lắng nghe

CHIẾN LƯỢC LẮNG NGHE

          Lắng nghe với sự chú ý hết sức

          Làm thế nào để trẻ thấy rằng những sứ điệp em nói thực sự đến được tai người em muốn nói với. Trong khi nói chuyện, tìm lúc nào đó thuận lợi để khích lệ đứa trẻ: “Nào… con chắc hẳn đã phải khó khăn lắm? Nhưng rồi chuyện gì xảy ra tiếp theo nào?”.

          Những nguyên nhân cản trở cho việc thông tri không ở chỗ thiếu thời gian hay những vấn đề của cuộc sống hàng ngày, nhưng ở cả việc cha mẹ “không muốn” lắng nghe. Lý do sâu xa mà không ai nghĩ đến, đó là cha mẹ không muốn biết đến vấn đề của các em vì cảm thấy rắc rối và phiền toái. Mặt khác từ phía người trẻ, các em có nhiều điều muốn nói, nhưng lại không dám nói vì sợ mất đi hay giảm bớt tình thương của cha mẹ khi họ biết chuyện của các em.

         Chấp nhận sự im lặng

          Cách chung, chúng ta rất sợ sự yên lặng nên cố làm đầy sự yên lặng đó bằng những bài thuyết giáo, lời khuyên, hỏi, tranh luận vô nghĩa ngay khi nghe con cái nói. Đừng sợ yên lặng để nghe vì trên thực tế, sự yên lặng giúp cho chúng ta phản tỉnh trên những gì mình đã và đang nghe.

          Đừng vội đưa ra đoán xét

          Nhiều khi cha mẹ nóng nảy thốt lên: “Sao mà ngu thế!”, hay “Thật là ngớ ngẩn… con chẳng bao giờ làm cái gì nên hồn vậy?”. Nhưng đây chính là những câu nói làm cho cuộc đối thoại và sự tin tưởng giữa cha mẹ và con cái bị gẫy đổ. Ngay lập tức đứa trẻ tìm cách tự vệ và cha mẹ nên nhớ thật là khó để lấy lại niềm tin tưởng một khi đã mất nơi đứa trẻ.

          Cần tránh những giải pháp tức thời

          Kinh nghiệm sống cho ta thấy bản thân mỗi người khi gặp vấn đề, chúng ta sẽ nhanh chóng xem xét, dự đoán và rút ra ngay một hành động phải làm cho mình. Điều này chúng ta cũng dễ làm đối với trẻ nhỏ. Thực thế, nhiều cha mẹ luôn có một túi đầy những giải pháp để khuyến nghị cho con, điều này khiến con cái của họ không hề suy nghĩ gì, và hậu quả là em bắt đầu nghĩ rằng em chẳng có khả năng để giải quyết vấn đề gì, ngay cả vấn đề riêng mình. Hãy cho em suy nghĩ sâu, phản tỉnh và cùng em quyết định chọn lối giải quyết nào.

          Đừng để em một mình

          Trẻ nhỏ, nhưng tình cảm và cảm xúc của em không hề nhỏ. Trái lại, do em chưa biết cách để kiểm soát cảm xúc của mình, vì thế nó càng bùng nổ và càng nhạy cảm, tàn phá nếu là cảm xúc xấu. Trẻ cần cảm thấy rằng cha mẹ biết và hiểu những thử thách em đang phải đối diện, đồng thời em không cảm thấy bị bỏ rơi một mình trong vấn đề của em.

LUẬT VÀNG CHO NGƯỜI GIỎI LẮNG NGHE

         Có ba luật vàng giúp cha mẹ trở thành người lắng nghe tốt

  1. Đừng bao giờ làm hai việc cùng một lúc

          Nếu việc bạn đang phải làm là quan trọng và không thể lắng nghe trẻ lúc đó, nên thương lượng với con để có một cái hẹn khác. Việc nghe không hết lòng sẽ làm trẻ không cảm thấy được hiểu và không được tôn trọng.

  1. Quản lý cuộc đối thoại thật khéo

          Những cảm xúc mạnh như sự tức giận, buồn phiền, ân hận, chán chường được ví như phễu lọc những gì con cái sẽ nói với bạn. Vì thế, cha mẹ chẳng bao giờ nghe được đúng những gì đứa trẻ muốn nói nếu như trước đó họ không làm cho mình được bình tĩnh.

          Không chỉ nghe bằng tai, mà còn bằng ánh mắt, bằng khuôn mặt thân thiện, bằng những lời chứng tỏ sự tham gia đầy tôn trọng.

  1. Đừng coi thường để rồi giảm nhẹ vấn đề trẻ nói

          Cha mẹ hay nghĩ chuyện các trẻ gặp phải là vớ vẩn, là chuyện con nít con nôi, cho nên dễ tuôn ra những lời kết luận khiến cho trẻ cụt hứng hay hụt hẫng. Cần tỏ ra thấu hiểu, đứng vào chỗ của em để đánh giá vấn đề và có thái độ thông cảm.

CÁCH THỨC KHÁC GIÚP TẠO TƯƠNG QUAN TỐT

           Đôi khi, chữ viết cũng là cách thức để tạo nên sự lắng nghe sâu. Trong gia đình, có những lúc với nhau rất khó, vì thế đôi lúc nên dùng thư từ để “đối thoại”. Lưu ý là nên viết thư chứ không là tin nhắn, bởi message dễ bị trôi như bao thông tin trên mạng – mang tính chất vội vã.

           Hãy chọn tờ giấy viết thư đẹp. Viết lên điều đã suy nghĩ kỹ. Trao đổi thư từ cho các thành viên trong gia đình bằng cách đặt dưới gối, hay trên bàn học, bàn làm việc. Cha mẹ cũng có thể làm một hộp thư của gia đình để các con có thể viết thư cho cha mẹ. Trao đổi thư từ là một hành động lãng mạn, huyền hoặc, bởi đó là một cách thức lắng nghe rất tế nhị và giầu sự bất ngờ.

           Biên soạn: Speranza

Visited 18 times, 1 visit(s) today