Thánh Kinh:
Tin mừng Mát-thêu thuật lại rằng sau khi Đức Giê-su xua trừ nhiều quỷ dữ ra khỏi những kẻ bị quỷ ám, Ngài đã xuống thuyền cùng các môn đệ tại biển hồ Ga-li-lê để đi sang bờ bên kia. Khi lên bờ, Ngài đến miền Ga-đa-ra (Ga-đa: khu Đông Nam của Biển Hồ). Tại đây, một sự kiện lạ đã xảy ra. Đức Giê-su xua trừ những quỷ dữ ra khỏi 2 kẻ bị chúng ám. Bọn quỷ liền xin Ngài cho phép nhập vào một bầy heo rất đông đang ăn, khiến cả “bầy heo từ trên sườn núi lao xuống biển và chết hết” (Mt 8, 32). Câu chuyện này được cả Tin mừng Mác-cô và Lu-ca thuật lại. (Mc 5,1-20; Lc 8, 26-39)
Địa Danh:
Kursi là khu vực nằm về phía đông biển hồ Ga-li-lê, cách biển hồ khoảng 500 mét, ngay dưới chân của cao nguyên Gô-lan (thấp hơn mực nước biển khoảng 200 mét). Kursi đối diện với Magdala nằm phía bên kia biển hồ, khoảng 12 cây số về phía tây. Khu vực Kursi rất khớp với trình thuật của Kinh Thánh: nằm về phía đông của biển hồ Ga-li-lê.
Trong sách Talmud của Do Thái, có một nơi được gọi là Kurshi, và thày Rabbi Gia-cóp Ben Kurshi đã xuất thân từ nơi này. Ông cũng là thành viên của Hội Đồng tại Usha vào khoảng sau năm 70.
Một bản văn Talmud khác đã liệt kê những tỉnh thành có việc thờ kính các thần của các dân ngoại, trong đó có tên địa danh Kursi, vốn được coi như là một thị trấn của dân ngoại vào thời Đức Giê-su. Cũng không khó hiểu về sự kiện lạ xảy tại đây, vì heo là loại vật mà người Do Thái ngày xưa không chăn nuôi, và người Do thái cũng không được phép ăn thịt heo. Kursi năm trong miền Thập Tỉnh (Decapolis), nơi có đông dân cư ngoại giáo sinh sống vào thời của Đức Giê-su.
Lịch sử
Tại Kursi vào lối thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên, người ta đã xây dựng một đan viện trên một khu vực rộng (145m x 123m) với tường bao quanh. Theo một số văn bản (Cyrillus Scythopolis; “Vita Saae”), thì “ông tổ” của các đan sĩ Do thái là Mar Saba, đã đến cầu nguyện nơi đây cùng với các đan sĩ của mình trong chuyến hành trình Biển Hồ Ga-li-lê.
Một giếng rửa tội cũng được xây dựng gần nhà nguyện vào lối thế kỷ thứ 6 sau Công Nguyên.
Dưới thời đế quốc Persia xâm chiếm (năm 614 sau CN), khu vực này đã bị tàn phá, nhưng sau đó lại được tu sửa lại. Vào thế kỷ thứ 8, cuộc hỏa hoạn đã thiêu hủy đan viện, và từ đó, người ta không còn dùng nơi này làm nơi thờ phượng nữa. Trong suốt thế kỷ thứ 9, những người Ả rập địa phương đã đến sử dụng nơi này để sinh sống và các bức tranh mosaic có lẽ đã bị phá hủy vào thời gian này.
Năm 1970, trong khi thực hiện việc xây dựng đường sá, người ta ngẫu nhiên khám phá ra những bức tường bao quanh của đan viện, và sau đó, các nhà khảo cổ đã được thực hiện việc khai quật tại đây. Người ta đã thực hiện việc tu sửa lại những tàn tích, và cả nhà nguyện nằm trên sườn đồi. Từ năm 1982, nơi đây được mở cửa cho công chúng tới thăm viếng, và việc tu sửa vẫn tiếp tục.