Kiên Nhẫn Trong Giáo Dục Theo Tinh Thần Don Bosco

Từ những lời khuyên của Don Bosco…
Don Bosco, trong nhiều lần nói chuyện với học sinh hay với những ai sống quanh ngài, đã không ít lần nói đến lợi ích của đức tính kiên nhẫn. Ngài khẳng định rằng: “Với sự kiên nhẫn chúng ta có thể giải quyết nhiều chuyện” (MB III, 147).“Cha khuyên các conhãykiên nhẫn, đó là điều cần thiết để chu toàn tốt nhiệm vụ của mình.Phải có sự kiên nhẫn làm bạn đồng hành không thể chia cách”(MB XII, 455).“Hãy ghi khắc trong lòng rằng chẳng có giá trị gì các cơn giận dữhay sự hung hăng tức thời, mà cầnsự kiên nhẫn liên tục, cần kiên trì , bền chí, chăm chỉ.Chúng taluôncần sự kiên nhẫn,bền bĩvà nhẫn nại để thực hiện các quy luật đời sống” (MB XII, 457).
Với Don Bosco, kiên nhẫn không chỉ là một đức tính tốt thuần nhân bản, mà còn mang tính chất thiêng liêng: một khía cạnh đặc trưng của Đức Ái và của sự thánh thiện kitô giáo. Chúng ta có thể đọc được những dòng tư tưởng này của ngài: “Nếu không có sự kiên nhẫn , chúng ta không thể trở nên thánh thiện” (MB XII, 606). “Đức Ái và sự kiên nhẫnphải luôn đồng hành với controng mọi mệnh lệnh hay trong mọi lời bảo ban, sửa dạy” (MB X, 1041).
Với các bạn trẻ tuổi đời còn ít và cảm thấy khó chấp nhận những yêu cầu giáo dục như việc thực hành các quy luật, vâng lời các nhà giáo dục…, Don Bosco khuyên họ tập kiên nhẫn như làm một việc có giá trị “đạo đức, thiêng liêng”: “Cần có lòng nhiệt thành thậtsự, nhưng rất cần sự nhiệt thành tĩnh lặng, nhẹ nhàng vàbềnvững” (MB III, 456). “Cha khuyên các con nên biết kiên nhẫn trong khi vâng phục, và cha muốn rằng khi sự vâng lời này chưa tròn đầy, khi trong đầu của các concó ý muốn nào đó rời xa sự tuân phục, hãy ngước nhìn trời cao và hy vọng.Mỗi người hãy biết kiên nhẫn trong vai trò của mình: hãy thực thitốt nhất như nó có thể và đừngphải suy nghĩ gì khác xa xôi.Chúa sẽ đón nhận và ban phước cho các con” (MB XII, 459).
Với các nhà giáo dục theo tinh thần saledieng, điều gì chúng ta có thể suy ngẫm từ những lời khuyên sau đây của Don Bosco? “Sức mạnh của vị mục tử (nhà giáo dục) hệ tại ở sự kiên nhẫn và lòng vị tha” (MB IV, 628). “Sự kiên nhẫn là điều hoàn toàn cần thiết để các con chinh phục thế giới và bảo đảm chắc chắn cho các con phần chiến thắng Thiên đàng” (MB XV, 608). “Ai muốn làm việc có hiệu quả, phải giữ trong trái tim mình lòng bác ái và thực hành mọi sự với lòng kiên nhẫn” (MB XVI, 32). “Điều giúp chúng ta nên thánh không là sự đau khổ, mà là lòng kiên nhẫn” (MB XVIII, 129).
Xem ra sau gần 200 năm, những lời trên đây xuất phát từ kinh nghiệm giáo dục của Don Bosco vẫn còn đủ sức mạnh để khiến nhiều người suy nghĩ về giáo dục trong sự kiên nhẫn.

Từ căn bệnh hiếm muộn kiên nhẫn trong thời đại của vội vàng…
Như một điều tự nhiên, chúng ta đang sống và làm mọi công việc hằng ngày của mình với nhịp điệu của thời gian vốn có: 24 giờ mỗi ngày, hơm kém 365 ngày mỗi năm. Có ngày trôi qua bình thường, có ngày ta như bị cuốn vào nhịp sống thật nhanh và sôi động. Có ngày trôi qua như tên bắn, có ngày dài đằng đẵng tựa thiên thu…
Hình như trong thời đại hôm nay, người ta vội vàng hơn, tranh thủ hơn, ít thời gian hơn để chờ đợi và để đi theo nhịp độ tự nhiên của vạn vật, đi theo những tiến trình bình thường… Rau, quả phải xanh tươi trong ít giờ. Gà,vịt phải để hai trứng mỗi ngày.Heo, bò phải tăng trọng trong ít tuần.Lúa, ngô phải trổ hạt trong ít tháng. Và con người, phải giàu có, phải nổi tiếng, phải thành đạt nhanh nhất, bất kể bằng phương tiện, cách thế nào…Con ngườivì thế sinh ra “tật” dễ nổi giận, dễ mất kiên nhẫn, dễ cảm thấy thiếu thời gian cần thiết để cân nhắc và suy nghĩ, quyết định ngay cả cho những chuyện lớn. Có thể đó là căn bệnh hiếm muộn kiên nhẫn trong thời đại của vội vàng mà chúng ta dễ mắc phải.
Bao nhiêu cuốn sách tâm lý học đã được viết ra để chia sẻ kinh nghiệm, dạy người ta cách sống vui, dạy cách tổ chức thời gian hợp lý để được sống thanh thản và tận hưởng bao có thể những gì cuộc sống cho ta. Có người muốn sống chụp giật vì sợ vào một ngày không xa, mọi sự sẽ bỏ ta mà ra đi. Đúng là có khi người ta cũng phải giành giật với thời gian vì những giây phút sống hạnh phúc, thanh thản đang trở nên hiếm hoi. Có người lại đề xuất cách “sống đơn giản cho đời thanh thản” vì mọi sự đều trôi qua, đời là cõi tạm còn tương lai thì ảm đạm… Dù sao đi chăng nữa thì chúng ta phải biết rằng “mọi sự đều có thời gian của nó”, nói như sách Giảng viên trong Kinh Thánh. Điều quan trọng không kém đó là thái độ sống của mỗi người: giữ “tâm bất biến giữa cuộc đời vạn biến”,theo triết lý nhà Phật.

Đến đây chúng ta cùng nói với nhau về chữ nhẫn, hay tính kiên nhẫn (khả năng tiếp tục làm một việc đã định cách bền bỉ, không nản lòng dù thời gian kéo dài, kết quả còn chưa thấy). Theo quan niệm luân lý kitô giáo, kiên nhẫn là một đức tính tốt, là hồng ân mà Chúa Thánh thần ban cho mỗi Kitô hữu, như lời thánh Phaolô: Hoa quả của Thần Khí làbác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân từ, luơng thiện, hiền hòa, khoan dung, trung tín, tiết độ, khiêm tốn, khiết tịnh(x Gl 5, 22-23). Tuy vậy, cần nhớ rằng, các nhân đức luân lý tăng trưởng nhờ giáo dục, nhờ các hành vi có suy nghĩ và nhờ kiên trì tập luyện (xem GLCG số 1839).

Trong bất kỳ công việc gì, ta đều cần đến sự kiên nhẫn. Người xưa đã từng nói: “Dục tốc bất đạt” – Ham vội vàng sẽ không thành công. Câu nói mà các nhà kinh tế thời khủng hoảng nhắc lại – “Muốn nhanh thì phải từ từ”- xem ra có phần nghịch lý, nhưngcó lẽ đó là kinh nghiệm từ sau bao nhiêu biến cố lao đao, thăng trầm của sự phát triển nhanh mà không vững do “đốt cháy giai đoạn”, do “chưa biết bò, biết lật” mà đã lo “đi” và lo “chạy”, do muốn có nhanh mọi sự mà không cần nhiều mồ hôi…Cách nào đó, những hệ luỵ này một phần do giáo dục mà ra.

Kiên nhẫn trong giáo dục
Hơn bất kỳ công việc gì, việc giáo dục cần đến sự kiên nhẫn, vì đây là công việc chạm đến con người, Hơn thế nữa, chúng ta cần đến sự kiên nhẫn, vì công việc giáo dục con ngườichạm đến phần rất phức tạp trong cả bước hình thành lẫn quá trình phát triển, đó lànhân cách. Thật thế, sự phức hợp, tinh tế, nhạy cảm, mỏng dòn nơi tâm hồn con người đòi hỏi chúng ta phải có cách thức để tiếp cận và để hiểu con ngườiở nhiều cung bậc hơn, để kiên nhẫn và để hy vọng hơn với cách hành xử lắm khi lạ lùngvà kỳ quặc của con người từ tấm bé đến khi nhắm mắt xuôi tay lìa thế, từ khi thơ dại đến tuổi già bóngxế. Tương tự như người làm vườn tỉ mỉ với chậu cây bonsai, nhà giáo dục khi làm công việc “trồng người” cần có nghệ thuật làm việc và sự kiên nhẫn gấp nhiều lần. Uốn cây, cần phải kiên nhẫnnếu không nó sẽ gãy cành. Giáo dục con người, cần kiên nhẫn bằng không sẽ huỷ hoại một nhân cách, một cuộc đời.
Làm cách nào để giáo dục sự kiên nhẫn? Chúng ta thấy ở đây có hai điều liên quan: “giáo dục sự kiên nhẫn”- về nội dung – là giới thiệu sự kiên nhẫn như là “một đức tính tốt” và cần thiết để giúp người ta thành công nhiều mặt trong cuộc sống;“giáo dục bằng sự kiên nhẫn”– về cách thức– là việc tập luyện, thực hành hằng ngày trong cách cư xử,hành động, cách làm việc trong sự bền bỉ, không nản lòng dù thời gian kéo dài, dù kết quả còn chưa thấy. Cả hai khía cạnh này ít nhiều đều đã được người ta bàn đến trong các sách tâm lý, sư phạm và giáo dục ở nhiều cấp độ khác nhau. Các nhà tâm lý học thấy rằngtrẻ con thường ham chơi và mau quên. Vì thế, với trẻ nhỏ, nói một lần mà thôi chưa đủ, chúng ta phải nói lần nữa và lần nữa. Chúng ta phải nhắc đi nhắc lại để những lời khuyên nhủ được thấm dần vào đầu óc của chúng.(Với người già chuyện này cũng chẳng lạ, vì trí nhớ giảm dần, họ có xu hướng lặp đi lặp lại những “chuyện xưa tích cũ”. Vớihọ, lắng nghe một lần chưa đủ, cần phải kiên nhẫn lắng nghe vài lần!).

Cách nào đó, kiên nhẫn trong giáo dục cần đến chữ “tâm”: Chỉ ai có lòng yêu thương, say mê và muốn sống hết tình với con người, thì người đó mới đử sức, đủ chí và đủ bền lòng trong mọi công việc để không nóng vội, không hấp tấp, không bực bội, không tỏ ra thất vọng hay nản chí khi việc chưa đạt và phải làm đi làm lại…
Trong bối cảnh của thời thực dụng, ngay cả trong việc giáo dục tri thức, chúng ta cũng cần đặt trọng tâm cho việc huấn luyện kỷ năng sống: Đây không chỉ là những “mẹo vặt” để thành công, nhưng là khả năng nhận biết giá trị của “thời gian” và của “những giọt mồ hôi” hơn là chỉ sống vì “một phút huy hoàng rồi chợt tắt”.
Nhà giáo dục, giữa một thị trường đầy những “điều na ná” của tình yêu, của sự thật, của hạnh phúc, của sự thành công… cần sự kiên nhẫn để không ngừng giới thiệu những giá trị cao đẹp cho bạn trẻ.Tấm gương kiên nhẫn của nhà giáo dục sẽ là điều tác động và chinh phục tâm hồn bạn trẻ mạnh hơn mọi thứ mà họ muốn trình bày.
Đãcó nhiều trường hợp mà phụ huynh “đau đầu” vì không biết cách nào giáo dục cho con em mình biết kiên nhẫn dù đã trăn trở tìm giải pháp. Sẽ không cócâu trả lời nếu chúng ta không đặt ranhững câu hỏi hoặc những yêu cầu. Tuy nhiên, có những yêu cầu được đặt ra mà không dễ tìm thấy lời giải đáp hay giải phápngay lập tức. Chúng ta lại cần kiên nhẫn!Dù sao chúng ta cũng cần tự hỏi mình: “người lớn ta có đủ kiên nhẫn để lắng nghe bọn trẻ” chưa? Chúng ta có đủ thời gian để chờ đợi con em mình lớn lên với những gì là “thực tài, khả năng riêng” mà không nôn nóng hay tỏ ra thất vọng khi chúng lầm lỗi, thất bại? Hay chúng ta chỉ bắt con em lớn theo những “dự phóng và thao thức” của người lớn?Đã có không ít trường hợp bạn trẻ bị “trầm cảm” và chịu những hậu quả đáng thương về tâm lý vì những sức ép theo kiểu này.

Với những bạc phụ huynh là kitô hữu, đừng bao giờ thất vọng và nản chí trong việc uốn nắn sửa dạy con cái, bởi vì đó là một ơn gọi, một thiên chức cao cả mà Chúa đã dành cho những bậc làm cha mẹ.Thiên Chúa, qua lịch sử cứu độ, đã tỏ lộ sự kiên nhẫn vô hạn với con người. Từ đó, chúng ta có thể học biết rằng: Kiên nhẫn cần sự hy sinh. Kiên nhẫn cần lòng quảng đại. Kiên nhẫn cần sự tôn trọng: cần tôn trọng thời gian, vì mỗi sự có thời của nó, không đốt cháy giai đoạn; cần tôn trọng luật tự nhiên, khôn ngoan cũng cần tuổi tác, giỏi giang cũng cần học hành, chưa học biết bò đừng lo biết chạy;cần tôn trọng sự khác biệt và sự thánh thiêng nơi phẩm giá con người, chẳng có một “mẫu số chung” hay một “mô hình hoàn hảo” , hay “đỉnh cao thành công” nào cho tất cả mọi người, hãy biết đảm trách cuộc sống của mình trong hồng ân và ơn gọi mà Thiên Chúa ban cho mỗi người, đừng để cho cám dỗ vật chất và những khó khăn tạm thời làm mờ đi ý chí hướng thiện và những mơ ước cao đẹp nơi ta…

“Điều hỗ trợ cho sự kiên nhẫn, nói như Don Bosco,là niềm hy vọng vào phần thưởng sau cùng.Nào, can đảm lên! Niềm hy vọng nâng đỡ chúng ta, trong khi chúng ta quên đi một chút kiên nhẫn” (MB XII, 458).
Tác giả: Lê An Phong, SDB

 

Visited 10 times, 1 visit(s) today