Kho-ra-din

“Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din ! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.” (Mt 11,21-24)

Kho-ra-din là một địa danh được các sách Tin mừng Luca và Mát-thêu đề cập đến cùng với Bết-xai-đa và Ca-phác-na-um. Trong các trình thuật của 2 sách Tin mừng này, Đức Giê-su đã lên tiếng quở trách dân chúng vì Ngài đã làm nhiều phép lạ tại đó, nhưng dân chúng lại không biết nhận ra để thay đổi cuộc sống của mình (Mt 11,20-24; Lc 10,13-15).

Kho-ra-din và Hội đường với chiếc ‘Ngai tòa Môi-sen’

Kho-ra-din là một địa danh thuộc miền Ga-li-lê, cách Ca-phác-na-um khoảng 2 hay 3 cây số và núi Bát Phúc khoảng 3,5 cây số về phía bắc.

Địa danh này gồm nhiều đá ba-san màu đen, một loại đá núi lửa đặc trưng của vùng này. Di tích hiện nay của địa danh trải rộng trên một diện tích 100.000 mét vuông, gồm 5 khu vực riêng biệt và Hội đường tọa lạc ở chính giữa. Hội đường được xây dựng khá rộng bằng loại đá ba-san màu đen với những trang trí theo kiểu cách Do thái. Điểm đặc biệt của hội đường này là ‘ngai tòa Môi-sen’, được làm từ một tảng đá ba-san màu đen. Từ ngai tòa này, người ta công bố luật Tô-ra cho dân chúng (Mt 23,1). Phía sau ngai có khắc những dòng chữ Do thái cổ (Aramic). Chiếc ngai nguyên thủy của hội đường hiện nay đang được lưu giữ tại Bảo tàng Do Thái, còn chiếc ngai được đặt tại đây chỉ là bản sao. Ngoài ra những di tích còn lại khác của hội đường cũng thật ấn tượng. Bên cạnh hội đường là nhà tắm dùng trong lễ nghi phụng vụ. Chung quanh là những khu nhà công cộng, nhà ở của dân chúng.

Dầu các bản văn Tin mừng đã nói tới địa danh này và việc dân chúng sinh sống tại đây, nhưng các nhà khảo cổ học đến nay vẫn chưa thành công trong việc tìm ra những di tích sinh hoạt của dân chúng tại Kho-ra-din vào thế kỷ thứ nhất. Những di tích hiện nay của địa danh này hẳn phải của thế kỷ thứ 3 hay thứ 4 sau này, cụ thể như di tích của hội đường.

Kho-ra-din đã phát triển đáng kể sau khi những người Do thái bị đuổi khỏi miền Giu-đê-a vào năm 135 sau Công Nguyên, thế nhưng sử gia Esebius cho biết nơi này đã bị bỏ hoang vào lối năm 330, vì dường như do một trận động đất lớn. Một trăm năm sau đó, khi hội đưởng được xây dựng lại, người ta mới trở lại sống định cư tại đây cho tới thế kỷ thứ 8 AD.

Sau đó, việc tái định cư lại xảy ra vào lối thế kỷ 13, và một số ít dân chúng vẫn còn định cư tại đây cho đến đầu thế kỷ 20 trước khi nơi này lại bị bỏ hoang một lần nữa. Ngày nay, Kho-ra-din chỉ còn lại những tàn tích, và được gọi là Khirbet Kerazeh.


Visited 1 times, 1 visit(s) today