Hiệp hội “Đức Mẹ Phù Hộ” (ADMA)

Kính thưa cha Giám Tỉnh,

Quý cha Giám Đốc/Trưởng Cộng Đoàn, cùng toàn thể anh em hội viên,

Tỉnh dòng chúng ta đang mong muốn thành lập Hiệp hội “Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu” (ADMA), gọi tắt là Hiệp hội “Đức Mẹ Phù Hộ”, và chúng ta cũng đã bắt đầu triển khai ở một số nơi. Theo Nội quy Hiệp hội thì Giám tỉnh thành lập Hiệp hội tại địa phương (x. Nội quy, 7); hơn nữa, thời gian chuẩn bị cho ứng sinh gia nhập Hiệp hội là 1 năm, gặp gỡ mỗi tháng một lần (x. Nội quy, 10).

Để giúp cho việc thành lập Hiệp hội “Đức Mẹ Phù Hộ” tại các nơi trong Tỉnh dòng, điều trước hết là cộng thể, cộng đoàn, giáo xứ, trường học …  quy tụ một số người, cùng với họ cầu nguyện và biểu lộ lòng yêu mến Đức Mẹ với tước hiệu Phù Hộ Các Giáo Hữu; sau đó là gặp gỡ và chia sẻ với họ ước muốn việc thành lập Hiệp hội.

Con mạn phép gợi ý outline nội dung 12 bài gặp gỡ trong năm phụng vụ mới 2025.

  1. Giấc mơ chín tuổi của Don Bosco (Hoa thiêng 2024)
  2. Lòng sùng kính của Don Bosco: Thánh Thể và Mẹ Phù Hộ (Giấc mơ hai cột trụ)
  3. Don Bosco và Đức Mẹ Phù Hộ; Don Bosco thành lập Hiệp hội Đức Mẹ Phù Hộ (ADMA)
  4. Bản chất và mục đích: Nội quy 1-3
  5. Việc gia nhập, trách nhiệm cá nhân: Nội quy 4; Nội quy 10-11.
  6. Hoa Thiêng 2025 (1)
  7. Hoa Thiêng 2025 (2)
  8. Lợi ích thiêng liêng: Nội quy 5; Ân xá (Nội quy, tr. 31-34).
  9. Tổ chức: Nội quy 6-9 (tr. 16-18)
  10. Tông huấn Kitô hữu giáo dân: (Nội quy, tr. 27-30)
  11. Cơ cấu Hiệp hội: Nội quy 12-17 (tr. 21-25)
  12. Tĩnh Tâm (Bản văn nghi thức gia nhập: Nội quy, tr. 37-43)

——————

Con sẽ gởi nội dung này hàng tháng, để quý cha quý thầy có thể sử dụng và chia sẻ với các ứng sinh trong các cuộc gặp gỡ và cầu nguyện hàng tháng.

Quý cha quý thầy cũng có thể tham khảo đề tài hàng tháng trong Tập san “Có mẹ trong đời” trên trang web của FMA: https://fmavtn.org/news/Gia%20%C4%90%C3%ACnh%20SAL%C3%8ADI%C3%8ANG/ADMA

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu và của Don Bosco.


HIỆP HỘI “ĐỨC MẸ PHÙ HỘ”  (ADMA)

Đào luyện ứng sinh

——————-

Ý cầu nguyện tuần chín ngày tháng 12:

1) Cầu cho những người hành hương hy vọng (Xin cho Năm Thánh củng cố đức tin của chúng ta, giúp chúng ta nhận ra Chúa Kitô Phục sinh trong đời sống thường ngày, biến đổi chúng ta thành những người hành hương của niềm hy vọng Kitô giáo).

2) Cầu cho các công cuộc vùng Sài Gòn (Ba Thôn, Bến Cát, Bình Chánh, Cần Giờ, Cầu Bông, Hốc Môn, Nhà Tỉnh, Rinaldi Xuân Hiệp)

——————

BÀI 1:

GIẤC MƠ 9 TUỔI CỦA DON BOSCO

Năm 2024 đánh dấu kỷ niệm hai trăm năm “Giấc mơ chín tuổi” của Don Bosco. Giấc mơ đó  “quyết định toàn bộ lối sống và suy nghĩ của Don Bosco; và đặc biệt, cách cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của mỗi người và trong thế giới”.[1]

Đây là giấc mơ do chính Don Bosco kể lại: [2]

“Vào độ tuổi đó (lúc chín tuổi), cha có một giấc mơ đã khắc ghi trong tâm trí suốt cuộc đời.

Trong giấc mơ, cha thấy mình ở gần nhà, trong một cái sân rất rộng, nơi nhiều trẻ em quy tụ vui chơi với nhau. Đứa thì vui cười, những đứa khác vui chơi, một số khác chửi thề. Khi nghe những lời chửi thề, cha lập tức xông vào chúng, dùng nắm đấm và lời nói của mình để làm cho chúng câm miệng.

Ngay lúc đó, một người đáng kính xuất hiện, độ tuổi thanh niên, ăn mặc sang trọng. Một chiếc áo choàng trắng phủ lên toàn bộ thân hình, và khuôn mặt ngài sáng chói, đến nỗi cha không thể nhìn ngắm ngài. Người đàn ông đáng kính đó gọi đích danh tên của cha và truyền cho cha đứng đầu những đứa trẻ đó. Ngài nói: “Không phải bằng những cú đánh cú đá, mà bằng sự dịu hiền và đức ái, con sẽ chinh phục những bạn trẻ của con. Vì vậy, con hãy lập tức dạy cho chúng biết về sự xấu xa của tội lỗi và sự quý giá của các nhân đức”. Bối rối và sợ hãi, cha nói rằng cha là một đứa trẻ nghèo và ngu dốt, không có khả năng dạy giáo lý cho những đứa trẻ này. Ngay lúc đó, đám trẻ ngừng vui đùa, hết la hét và chửi thề, tất cả quy tụ bên người đàn ông đáng kính đang nói.

Hầu như không biết mình phải nói gì, cha lên tiếng: “Ngài là ai mà truyền cho con những điều con không thể làm được?”.

“Chính vì những điều dường như là không thể đối với con, thì con phải biến nó trở thành khả thể, bằng sự vâng lời và tiếp thu kiến thức”.

 “Con có thể tiếp thu kiến thức ở đâu và bằng phương tiện nào?”.

“Ta sẽ trao cho con một bà giáo, dưới sự hướng dẫn của bà, con có thể trở nên khôn ngoan, mà nếu không có bà giáo này, thì mọi sự khôn ngoan đều trở thành ngu xuẩn”.

“Nhưng ngài là ai mà nói cho con những điều như thế?”.

“Ta là Con của Đấng mà mẹ của con dạy con phải chào mỗi ngày ba lần”.

“Mẹ của con dạy con không được kết giao với những người con không quen biết, nếu không có phép của mẹ; vì vậy, ngài hãy cho con biết tên của ngài”.

“Tên của Ta, con hãy hỏi mẹ Ta”.

Ngay lúc đó, cha nhìn thấy bên cạnh người đàn ông đáng kính là một người nữ uy nghi, mặc chiếc áo choàng rực sáng, như thể toàn bộ chiếc áo choàng được đính bằng những ngôi sao sáng ngời. Thấy cha lúng túng trong các câu hỏi và trả lời, người nữ ra hiệu cho cha tiến lại gần, âu yếm cầm tay cha và nói: “Con hãy nhìn xem!”.

Cha nhìn và cha thấy đám trẻ đã biến mất, và thay vào đó là rất nhiều động vật, nào là dê, chó, mèo, gấu và nhiều động vật khác. Người nữ nói với cha: “Đây là cánh đồng của con, là nơi con phải làm việc. Hãy trở nên khiêm tốn, mạnh mẽ và kiên cường. Những gì con thấy giờ đây đang xảy ra với những con vật này, con cũng sẽ phải làm như vậy cho các con của Ta”.

Cha quay lại nhìn, và kìa, thay vì những con vật hung dữ, lại xuất hiện những con chiên dịu dàng, chúng nhảy tung tăng và kêu be be, như thể để chào đón người đàn ông đáng kính và người nữ quý phái đó.

Đến lúc này trong giấc mơ, cha bật khóc và cha cầu xin người nữ giải thích cho cha mọi chuyện, bởi vì cha không hiểu những gì đang xảy ra có nghĩa là gì. Người nữ đặt tay lên đầu cha và nói: “Đến thời của nó, con sẽ hiểu tất cả”.

Sau khi người nữ nói xong câu đó, một tiếng động làm cha tỉnh giấc, và mọi sự biến mất. Cha hoàn toàn sửng sốt, cảm thấy tay chân mình đau nhức vì những cú đấm cú đá, đồng thời mặt của cha cũng đau vì những cái tát của đám trẻ đó; rồi nhân vật đáng kính đó là ai? Người phụ nữ kia là ai? Những điều xảy ra và những điều đã nghe trong giấc mơ chiếm hết tâm trí cha đến nỗi đêm đó cha không tài nào ngủ thêm được.

Sáng hôm sau, cha lập tức kể lại giấc mơ đó, trước tiên cho các anh của cha, họ bắt đầu cười. Sau đó, cha kể cho mẹ và bà nội nghe. Mỗi người giải thích giấc mơ đó theo suy nghĩ riêng của mình.

Anh Giuse nói: “Em sẽ trở thành người chăn dê, chăn chiên hoặc chăn dắt các loài động vật khác”.

Mẹ của cha thì nói: “Biết đâu con sẽ trở thành linh mục”.

Anh Antôn lên tiếng cộc lốc: “Mày sẽ là thủ lĩnh của bọn cướp”.

Bà nội, người biết nhiều về giáo lý và thần học dù hoàn toàn không biết chữ, nói lên lời phán quyết cuối cùng: “Không nên để ý tới mộng mị”.

Cha cũng đồng ý với bà nội, tuy nhiên cha không bao giờ có thể gạt bỏ giấc mơ đó ra khỏi tâm trí mình. Cha luôn giữ im lặng về mọi chuyện này; những người thân của cha cũng không lưu tâm đến nó. Nhưng vào năm 1858, khi cha đến Rôma để yết kiến Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Piô IX, trình bày cho ngài về việc thành lập dòng Salêdiêng Don Bosco, ngài yêu cầu cha thuật lại chi tiết tất cả những điều thậm chí mang dáng vẻ siêu nhiên. Thế là lần đầu tiên cha kể lại giấc mơ mà cha đã mơ vào năm chín hay mười tuổi. ĐGH truyền lệnh cho cha viết lại giấc mơ một cách chi tiết, từng lời từng chữ, và để lại như một lời khích lệ cho các tu sĩ Salêdiêng, bởi vì việc thành lập dòng Salêdiêng Don Bosco là mục đích chuyến viếng thăm Rôma của cha năm đó”.

Tóm tắt giấc mơ

  1. Vào khoảng 9 tuổi, Don Bosco mơ thấy mình ở trong một cái sân gần nhà, nơi nhiều trẻ em quy tụ vui chơi với nhau: vui cười, chửi thề. Khi nghe những lời chửi thề, Don Bosco xông vào chúng, dùng nắm đấm cú đá để làm cho chúng câm miệng.
  2. Ngay lúc đó, một người đàn ông đáng kính (Chúa Giêsu) xuất hiện, gọi đích danh Don Bosco và nói: “Không phải bằng những cú đánh cú đá, mà bằng sự dịu hiền và đức ái, con sẽ chinh phục những bạn trẻ của con”. Nhưng Don Bosco nói rằng ngài là “một đứa trẻ nghèo và không được đi học; làm sao có thể làm được những điều đó”.

Người đàn ông nói với Don Bosco: Con làm được nhờ sự vâng lời và tiếp thu kiến thức”; “Ta sẽ trao cho con một bà giáo”.

  1. Cùng lúc đó, một người nữ uy nghi (Đức Maria) xuất hiện, ra hiệu cho Don Bosco tiến lại gần, âu yếm cầm tay ngài nói: “Con hãy nhìn xem!”.

Don Bosco nhìn và thấy các động vật, và người nữ nói với Don Bosco: “Đây là cánh đồng của con, là nơi con phải làm việc. Hãy trở nên khiêm tốn, mạnh mẽ và kiên cường. Những gì con thấy giờ đây đang xảy ra với những con vật này, con cũng sẽ phải làm như vậy cho các con của Ta”.

Don Bosco quay lại nhìn, và kìa, thay vì những con vật hung dữ, lại xuất hiện những con chiên dịu dàng.

  1. Đến lúc này trong giấc mơ, Don Bosco bật khóc và cầu xin người nữ giải thích mọi chuyện, bởi vì ngài không hiểu những gì đang xảy ra có nghĩa là gì. Người nữ đặt tay lên đầu Don Bosco và nói: “Đến thời của nó, con sẽ hiểu tất cả”.

Gợi ý suy tư

  1. Giấc mơ chín tuổi là câu chuyện ơn gọi của Don Bosco: Thiên Chúa tuyển chọn và kêu gọi cho một sứ mệnh.
  2. Tôi cũng được Thiên Chúa kêu mời sống ơn gọi làm người, là Kitô hữu, phục vụ trong các hội đoàn, phục vụ tha nhân. Ơn gọi và sứ mệnh của tôi là gì?
  3. Tôi có thể gặp gỡ và giúp đỡ người khác, đặc biệt các bạn trẻ, những người đồng trang lứa với tôi, ở đâu?
  4. Tôi có thể giúp người khác thăng tiến trong đời sống và trong đức tin như thế nào?

[1] Pietro Stella, Don Bosco nella storia della religiosità cattolica. 1. Vita e opere, LAS, Roma 1979, 31.

[2] Giovanni Bosco, Memorie dell’oratorio di san Francesco di Sales dal 1815 al 1855, saggio introduttivo e note storiche a cura di Aldo Giraudo, LAS, Roma 2011, 62-63. 

 

 

 

Visited 124 times, 5 visit(s) today