Một hôm Don Bosco mơ một giấc mơ lạ lùng: ngài thấy các học sinh ngài đang ở trên một cánh đồng mênh mông. Thình lình một trận lụt kinh khủng tràn ngập cả cánh đồng. Tất cả các học sinh đều chạy trốn vào một nhà máy xay, ngôi nhà duy nhất giữa cánh đồng. Nhưng nước vẫn tiếp tục dâng lên tới lầu cuối cùng. Đám trẻ kinh hãi, co rúm người lại. Bỗng một cái bè lớn xuất hiện với nhiều giỏ bánh; các học sinh phải khó khăn lắm mới leo được lên bè; một phần tư các em bị chìm không lên kịp. Don Bosco phó thác tất cả cho Đức Mẹ “Sao Biển”. Đang khi chèo bè đi, họ lại gặp những nguy hiểm khác: số nạn nhân trên bè bớt đi; một số nhảy xuống thám hiểm một hòn đảo nhỏ, một số khác rớt xuống nước, một số khác nữa mạo hiểm trên những chiếc bè giả và bị chết chìm. Sau một đêm kinh hoàng, họ đi vào một eo biển. Cách đó không xa, có một lò lửa khổng lồ phun lên những ngọn lửa rất cao: trong các ngọn lửa ấy có những phần thân thể con người quay cuồng. Phía trên lò lửa, có một yết thị khắc trên tấm gang: “Giới răn thứ sáu và thứ bảy dẫn tới chỗ này”. Nhiều học sinh bị chìm vẫn còn sống, chúng trốn ở một chỗ cao. Don Bosco đi xuống, và khi thấy chúng ở trong tình trạng ấy, ngài liền chỉ cho chúng một dòng suối nước có chất sắt. Phần lớn nghe theo lời ngài tới giải khát tại dòng suối ấy; nước suối chữa chúng lành khỏi mọi đau đớn, bệnh tật. Đó là nước hằng sống chảy từ cạnh sườn bị đâm thủng của Chúa Giêsu. Chúng cùng lên bè với Don Bosco và hát lớn tiếng bài ca ngợi Đức Mẹ. Đột nhiên cơn bão dịu đi; một cầu vồng ngũ sắc xuất hiện. Các học sinh cập bến tại một bãi biển tuyệt vời giữa những vườn nho của Nhà Vua, và dẫn tới một lâu đài của Đại Vương. Một người hầu mặc bộ đồ xinh đẹp đón tiếp chúng và dẫn chúng đi thăm tất cả những sự kỳ diệu huyền ảo của lâu đài. Trong nhà thờ hiện lên một tượng Đức Mẹ rực rỡ. Thình lình tượng đó chuyển động: mắt, tay, môi đều cử động. Trải rộng áo choàng để che chở và kêu lớn tiếng: “Nếu các con là những đứa con tôn sùng Mẹ, Mẹ sẽ là người mẹ thương xót các con”.
* Trong vấn đề trong sạch, Don Bosco hướng thẳng tới bình diện siêu nhiên. Trong một giấc mơ quan trọng khác, Don Bosco đã hỏi ma quỉ xem điều gì ngăn cản và làm hại nó nhiều nhất. Ma quỉ đã trả lời rằng có hai điều: thứ nhất là lòng tôn sùng Đức Mẹ; thứ hai là năng lãnh nhận các bí tích giải tội và rước lễ. Rồi ma quỉ tiết lộ cho ngài: “Điều mà tôi sợ hơn hết là tuân giữ những điều dốc lòng khi xưng tội”.
* Trong một nghiên cứu khoa học, tạp chí “Edu-cateurs” của Paris đăng một bài dài về việc giáo dục đức trong sạch. Bài đó nêu bật bình diện thần linh của tình yêu theo ý Thiên Chúa khi tạo dựng, và nhấn mạnh trên ba yếu tố cần thiết cho mỗi việc giáo dục luân lý đích thực:
- tiệm tiến hiểu biết chân lý:
- giáo dục trẻ em về sự tự chủ;
- ơn thánh Chúa.
* Don Bosco cũng nhấn mạnh nhiều về việc tránh xa các dịp nguy hiểm. Trong thế giới hiện đại này, một thế giới đã được triết gia Bergson định nghĩa là “khích dâm”, người ta thấy có những người bất quân bình, những kẻ bị ám ảnh, những người nhụt chí, và một điều ít ai nghĩ tới là càng ngày càng có nhiều thanh thiếu niên là nạn nhân của bạn bè xấu hoặc của người lớn bạo dâm.
Người mẹ phải biết nói thật tự nhiên với đứa con nhỏ của mình: “Nếu con gặp một người bạn xấu nết, nếu có người muốn chơi với con một cách thô lỗ, nếu hắn tìm cách làm hại con, con hãy lánh xa nó ngay và đến nói với mẹ”.
Kinh nghiệm cho thấy ít là 60 phần trăm trẻ em đã bị thứ nguy hiểm và cám dỗ ấy đả thương, thế mà cha mẹ chúng không bao giờ nghĩ tới, cho dù chỉ là nghĩ tới xa xa.
Một đứa trẻ được dặn dò sẽ can đảm hơn và sẽ dễ dàng báo cho cha mẹ biết trường hợp nguy hiểm nó gặp phải.
“Để giữ gìn sức khỏe và sống lâu, cần phải:
- Có một lương tâm an lành, nghĩa là ngủ yên ban tối, không lo sợ bị trầm luân đời đời;
- Ăn uống thanh đạm;
- Sống hoạt động;
- Có bạn tốt và tránh những bạn xấu”. (Don Bosco)
Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB