HÀNH TRÌNH THEO CHÚA

Tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuộc giáo xứ nghèo miền quê, nhưng đầy tình người. Gia tài mà tôi thừa hưởng chính là tình gia đình, tình bạn bè, tình làng nghĩa xóm và một lòng đạo đức đơn sơ nhưng thâm sâu của người dân giáo xứ mà tôi đã từng tham gia. Tất cả những điều ấy đã sớm gieo vào lòng tôi ước nguyện dâng hiến. Thời gian thấm thoát trôi qua, với bao tình thương mến và hy sinh của ba mẹ, anh chị em và những người thân, tôi đã hoàn tất chương trình phổ thông. Tình thương ấy là nguồn động viên, khích lệ rất lớn, giúp tôi có được sự tự tin, lạc quan để bước vào đời với mong ước chân thành là được dâng mình cho Chúa.

Ươm Mầm Ơn Gọi Sa-lê-diêng

Ước muốn theo Chúa của tôi cứ dần dần rõ nét hơn. Khi học năm thứ hai đại học vào năm 2002, tôi có dịp biết đến Don Bosco qua việc lưu ngụ tại lưu xá của các tu sĩ Sa-lê-diêng dành cho sinh viên nghèo ở quê lên thành phố trọ học. Cuối năm 2005, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi xin gia nhập Tiền Tập Viện Sa-lê-diêng ở Cầu Bông, rồi sau đó vào Tập viện tại Ba Thôn. Ngày 14 tháng 8 năm 2008, tôi chính thức trở thành hội viên Sa-lê-diêng qua việc tuyên khấn lần đầu.

Trải qua các giai đoạn đào luyện, đặc biệt trong thời gian 3 năm học triết tại cộng đoàn hậu tập viện, tôi đã nhận ra tiếng Chúa mời gọi tham gia vào việc truyền giáo: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”(Lc 10, 2a). Những Ngày Sinh động Truyền giáo Tỉnh, những video clip, những hình ảnh về công cuộc truyền giáo của Tu hội, nhất là  những chia sẻ cụ thể của các anh em truyền giáo lớp đàn anh, đã giúp tôi hiểu và xác tín hơn về ơn gọi đặc biệt này.Trước khi kết thúc ba năm hậu tập viện, với sự bàn hỏi, cầu nguyện và với ý thức tự do, tôi viết đơn xin đi truyền giáo và được Tỉnh dòng cũng như Tu hội chấp thuận. Tôi được sai đến vùng đất Patagonia- Ắc-hen-ti-na, vùng đất truyền giáo mà Don Bosco đã từng mơ về nó và sau đó đã gởi phái đoàn truyền giáo đầu tiên đến.

Bước chân lạ trên miền đất Ắc-hen-ti-na

Tháng 11 năm 2011, lần đầu tiên tôi đặt chân lên đất nước Ắc-hen-ti-na, một đất nước nằm trong khu vực Nam Mỹ, có diện tích 3,761,274 km2, lớn thứ tư so với các nước Nam Mỹ và lớn thứ bảy so với các nước trên thế giới. Phía bắc giáp Bolivia, Paraguay; phía đông giáp Braxin, Uruguay và phía tây giáp Chi-lê. Dân số Ắc-hen-ti-na là 39 triệu người, với tỷ lệ 93% là người Công giáo. Ngôn ngữ chính của họ là tiếng Tây Ban Nha.

Ắc-hen-ti-na có rất nhiều danh lam thắng cảnh và giàu tài nguyên thiên nhiên. Cụ thể là vùng đất Patagonia, với diện tích 1.254.259 km2, thuộc Tỉnh dòng Nam Ắc-hen-ti-na, gồm 40 cộng đoàn Sa-lê-diêng, 51 giáo xứ, 117 nhà thờ, 195 trường học, trường nghề và một trường Đại học (khoảng 51.000 học sinh). Ngoài ra, còn có những Trung tâm Ơn gọi, Trung tâm trẻ và Nguyện xá. Đây là vùng đất có ý nghĩa lịch sử rất lớn đối với Tu hội Sa-lê-diêng và là vùng đất của “sự thánh thiện” với các mẫu gương như Sư huynh Artemide  Zatti,  Ceferino Namuncura và Laura Vicuna.

Tôi thật hạnh phúc khi được sống, học tập và làm việc tại vùng đất Patagonia, vùng đất thánh thiện Sa-lê-diêng này. Tuy nhiên, thời gian đầu khi mới đến, vì giới hạn về mặt ngôn ngữ, những khác biệt văn hóa, khí hậu… tôi đã gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn có một lần nọ, cha Giám đốc đoàn nói với tôi: “Ngày mai, chúng ta sẽ đi cắm trại với học sinh”. Tôi  hiểu  từ ngữ  “cắm trại” nhưng không biết rõ nội dung chi tiết việc cắm trại như thế nào. Sáng hôm sau, tôi thức dậy sớm, nhưng chẳng thấy động tĩnh gì cả, đợi hoài, đợi mãi cho đến giữa trưa, họ mới khởi hành. Cứ tưởng đi cắm trại như ở Việt Nam, chỉ kéo dài một hoăc hai ngày, nên tôi chẳng mang gì, ngoài đồ dùng cá nhân là một chiếc áo khoác và đôi giày vải hiệu Asian sport mang từ Việt Nam sang. Nhưng Chúa ơi! Nào ngờ, chuyến đi kéo dài suốt một tuần lễ; chẳng có quần áo để thay, ngày qua ngày, tôi chỉ mong những ngày trại này sớm kết thúc!

Ngoài khí hậu quanh năm khắc nghiệt với gió lạnh và nhiệt kế thường chỉ dưới âm độ, thì ngôn ngữ và văn hóa Ắc-hen-ti-na cũng rất khác biệt. Nếu như ở Việt Nam, chúng ta chào hỏi nhau bằng một nụ cười hay một cái bắt tay, thì tại Ắc-hen-ti-na, người ta chào hỏi bằng một cái ôm, một nụ hôn áp má, bất luận là nam hay nữ. Ôi thật thân thiện và dễ gần, nhưng cũng thật ngại ngùng biết bao khi mới thoạt đến.

Giờ đây, sau gần ba năm sống đời truyền giáo với biết bao thách đố, niềm vui lẫn nỗi buồn, tôi cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn bao bọc, che chở tôi. Ngài mời gọi tôi tiếp tục sứ mạng loan báo Tin mừng cho các thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi tại Patagonia. Như đã nói ở trên, Patagonia là vùng đất có nhiều khoáng sản; và để khai thác, cần rất nhiều nhân lực. Vì vậy, nhiều người dân từ khắp nơi, nhất là các quốc gia lân cận như Paraguay, Uruguay, Chi-lê, Bolovia… cũng đến để tìm việc làm. Họ mang theo gia đình, con cái, kể cả phong tục tập quán riêng. Những điều này đã làm cho vùng đất Patagonia trở nên nhộn nhịp, sinh động với nhiều màu sắc văn hóa và lễ hội khác nhau. Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội như: nghiện ngập bia rượu, ma túy, lạm dụng sức lao động, kể cả khủng hoảng gia đình và giáo dục…

Một Tâm Hồn dành trọn cho các Người Trẻ

Đứng trước bối cảnh xã hội đang diễn ra như thế, người Sa-lê-diêng có rất nhiều việc để làm: cần suy nghĩ và sáng kiến ra những phương thế thức thời để tiếp cận với thanh thiếu niên,  đồng hành và giáo dục các em. Thời gian đầu, khi làm việc tại Nguyện xá, tôi gặp nhiều trở ngại: chẳng hạn như: nói gì các em cũng không thèm nghe, và ngược lại các em còn chế diễu, xem thường điều tôi nói. Tôi cảm thấy mình thật vô dụng, chán nản và muốn bỏ cuộc. Chính những lúc ấy, tôi chợt nhớ đến lời thánh Phao-lô: “Chính khi tôi yếu, là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10).  Vượt lên trên tất cả những thách đố ấy, tôi đã suy nghĩ và cầu nguyện nhiều. Cuối cùng, tôi đi đến quyết định: dù bọn trẻ có xem thường, chế diễu hoặc không tôn trọng tôi, tôi coi đó là chuyện nhỏ! Điều quan trọng là tôi vẫn niềm nở đón tiếp các em đến Nguyện xá, chơi với các em, hiện diện với các em, và kiên nhẫn khéo léo mời gọi các em tuân thủ những quy định của Nguyện xá như: đọc kinh  trước và sau giờ chơi, và các em có thể tư do chạy nhảy vui chơi tùy thích, miễn đừng phạm tội. Ban đầu quả thật rất khó; nhưng với thời gian, các em quen dần với kỷ luật. Cho đến một ngày nọ, không hiểu vì lý do gì, tôi quên không cùng các em đọc kinh kết thúc giờ chơi; thì một em đến hỏi tôi: “Sao hôm nay chúng ta không tập trung lại cầu nguyện trước khi ra về?” Tôi hết sức sửng sốt và ngỡ ngàng. Thì ra bấy lâu nay, tôi có ngờ rằng những điều tôi hướng dẫn đã đi sâu vào tâm hồn các em!

Tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì những thành quả giáo dục nhỏ bé của mình đã bắt đầu nảy mầm nơi tâm hồn người trẻ. Sự hạnh phúc đó đã nâng đỡ  và thúc đẩy tôi tiếp tục dấn thân mạnh mẽ hơn trong cánh đồng truyền giáo. Chẳng phải bằng những công việc lớn lao mà trước đây tôi hằng mơ tưởng, nhưng là một sự hiện diện âm thầm, không sợ mệt mỏi, qua việc đồng hành với người trẻ. Qua gần ba năm đồng hành với thanh thiếu niên tại Patagonia, tôi học được nhiều điều thú vị trong cuộc sống. Giới trẻ giúp tôi biết sống kiên nhẫn và khiêm tốn hơn, đồng thời qua các em, tôi nhận ra  sự tuyệt vời của Hệ thống Giáo dục Dự phòng của Don Bosco: một phương pháp giáo dục đến với các thanh thiếu niên bằng cõi lòng. “Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu thương các con” (Don Bosco)

Thanh Phương, SDB – Truyền giáo Patagonia

Visited 3 times, 1 visit(s) today