GIÁO HỘI LÀ BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN

Nguyễn Xuân Quang, sdb

    Khi đại dịch Coronavirus diễn ra, cụm từ “bệnh viện dã chiến” cũng được nhắc đến như là một trong những lá chắn hàng đầu trong cuộc chiến không cân sức với con virus khủng khiếp này trên toàn nhân loại. Như chúng ta đã thấy khi dịch Covid-19 bùng phát đã gây khủng hoảng cho các cơ sở y tế về số lượng bệnh nhân cần chữa trị trên toàn thế giới. Các quốc gia ngay lập tức tiến hành nhiều biện pháp trong đó có việc gấp rút xây dựng các bệnh viện dã chiến làm nơi chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm virus. Nhiều nơi như sân vận động, trung tâm hội nghị, công viên, thậm chí bãi đậu xe đều được biến thành các bệnh viện dã chiến với thời gian xây dựng ngắn kỉ lục trong bối cảnh đã có hơn 14 triệu người nhiễm virus và hơn 600.000 người tử vong trên toàn thế giới (tính đến ngày 19/7/2020).

Vậy bệnh viện dã chiến là gì?

    Bệnh viện dã chiến là loại hình bệnh viện có từ xa xưa trong thời chiến tranh được tạo ra với mục đích sử dụng tạm thời để xử lý một tình trạng nào đó. Thường các loại bệnh viện này trong các dịch bệnh phát huy rất hiệu quả nhằm tập trungcô lập dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân, nghĩa là tại bệnh viện dã chiến này họ sẽ chẩn đoán bệnh tình, cô lập đề phòng ngừa sự lây lan và chữa trị lành mạnh.

Ta có thể kể đến một số bệnh viện dã chiến hiện nay trên thế giới đang dùng để chống lại cơn đại dịch: Trung tâm trẻ em Fira Barcelona -Tây Ban Nha; Trung tâm Jacob K Javits tại thành phố New York, Mỹ; Sân vận động Pacaembu ở Sao Paulo, Brazil; Trung tâm tổ chức sự kiện CenturyLink ở Seattle, Washington, Mỹ; Bệnh viện NHS Nightingale tại Trung tâm ExCel ở London, Anh; Lều dã chiến tại Bệnh viện Brescia ở Bologna, Italy; Bệnh viện dã chiến ở Rafah, Dải Gaza; Lều y tế quân sự ở Mulhouse, miền đông nước Pháp; bệnh viện dã chiến Mê Linh, Hà Nội, bệnh viện dã chiến Củ Chi, Tp HCM…

Bạn thân mến, tôi hiện đang sống trong vùng dịch của nước Ý, đã nhìn thấy tận mắt, cảm nghiệm tận đáy lòng và hiểu được hoàn cảnh cũng như tình trạng của các bệnh viện dã chiến như thế, nó đánh động tôi phải nghĩ nhiều hơn đến những con người không may mắc phải và đang chống chọi với con virus từng ngày. Chính những tâm tình ấy nó đã liên kết tôi với những suy tư của Đức Thánh Cha Phanxicô, tôi còn nhớ:

Trong cuộc phỏng vấn đã dàn trải trong ba ngày (19,23 và 29/ 08/ 2019) và kéo dài trong 6 tiếng đồng hồ giữa Đức Phanxicô với giám đốc tở tạp chí bằng tiếng Ý Civiltà Cattolica, Cha Antonio Sparado, Đức Jorge Mario Bergoglio đã vẽ một chân dung tự họa chưa từng thấy về chính mình, phân tích vai trò của Giáo Hội hôm nay và đưa ra những ưu tiên trong hoạt động mục vụ. Trong bài phỏng vấn này, Đức Thánh Cha đã nhắc đến “bệnh viện dã chiến”: “Tôi có thể nhìn thấy rõ ràng rằng những gì Giáo Hội cần hôm nay là khả năng hàn gắn những vết thương và sưởi ấm tâm hồn của người tín hữu, cần thiết phải ở bên cạnh họ. Tôi thấy Giáo Hội như một bệnh viện dã chiến sau chiến trận. Thật vô nghĩa khi hỏi một bệnh nhân bị thương trầm trọng rằng mỡ hay đường trong máu anh ta có cao hay không! Chính những vết thương của anh ta cần được cữa trị. Cái gì còn lại chúng ta có thể nói đến sau. Bây giờ chúng ta phải nghĩ đến chuyện chữa trị những vết thương đó. Và chúng ta cần phải bắt đầu từ ngọn nguồn”.

Phải chăng đây là một lời mời gọi “mang tính tiên tri” của Đức Thánh Cha cho thế giới và giáo hội, bởi lẽ ngài nói điều này trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra khoảng 4 tháng !!! Cùng với những suy tư của tác giả Ronald Rolheiser, chúng ta hãy xem Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngày nay Giáo hội phải là bệnh viện dã chiến. Điều này ngụ ý điều gì?

Trong buổi tiếp kiến chung vào ngày thứ tư 28/08/2019 với khoảng 30.000 tín hữu tại quãng trường thánh Phêrô, trong bài giáo lý của mình, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

Giáo hội như «một bệnh viện dã chiến»; các bệnh nhân là ưu tiên chăm sóc của Giáo hội

    Trong chương 5 của sách Công vụ Tông đồ, Giáo hội mới khai sinh được miêu tả như «một bệnh viện dã chiến», đón nhận những người yếu đuối nhất, đó là các bệnh nhân. Nỗi đau đớn của họ đã thu hút sự chú ý của các Tông đồ, những người không có vàng bạc (Cv 3,6) – thánh Phêrô nói với người què như thế – nhưng họ manh mẽ nhờ danh Chúa Giêsu. Đối với các Tông đồ, cũng như các Kitô hữu của mọi thời đại, các bệnh nhân là đối tượng ưu tiên của tin vui Nước Trời, là những anh chị em mà Chúa Giêsu hiện diện trong họ cách đặc biệt, để họ được tất cả chúng ta tìm kiếm và gặp thấy (xem (Mt 25,36.40). Các bệnh nhân là đối tượng ưu tiên của Giáo hội, của trái tim linh mục, của tất cả tín hữu. Họ không phải là những người bị loại bỏ, nhưng ngược lại, họ được chăm sóc ủi an. Họ là đối tượng sự quan tâm của các Kitô hữu.

Ngài nói điều này trước tiên hết, cho đến lúc này giáo hội không phải là bệnh viện dã chiến, hay ít nhất cũng có đôi chút, nhưng không còn nhiều. Đây rõ ràng là điều mà ĐHY Cupich, Giám mục Địa phận Chicago đã nhận định khi nói về tư tưởng của Đức Thánh Cha: “Việc chấm dứt chủ nghĩa giáo sĩ trị không chỉ là về việc “giành lại sự tin tưởng, sự tôn trọng và tín nhiệm của người dân của chúng ta”, mà “đây chính là trọng tâm của công cuộc đổi mới mà Giáo hội cần thực hiện vào thời điểm này để quay lưng lại với một Giáo hội tự coi mình là điểm quy chiếu ngõ hầu có thể trở thành một bệnh viện dã chiến giữa thế giới”.

Rõ ràng chúng ta thấy có quá nhiều giáo hội của nhiều phái xem thế giới như đối thủ phải chiến đấu hơn là chiến trường nơi người bị thương đang nằm la liệt đây đó để chờ được phục vụ. Các Giáo hội ngày nay, theo chữ dùng của Đức Phanxicô thường ngược với hình ảnh trong sách Khải Huyền khi Chúa Giêsu đứng ngoài cửa, gõ cửa, Ngài đang cố gắng bước vào bên trong, thì giờ đây ngược lại nó đi đến một tình huống Chúa ở bên trong giáo hội và Ngài đang cố gắng để đi ra bên ngoài.

Tác giả Ronald Rolheiser đã nêu ra câu hỏi:

Vậy làm thế nào các cộng đoàn giáo hội chúng ta lại có thể trở thành bệnh viện dã chiến?

    Trong một bài viết khiêu khích rất hay của báo America Magazine gần đây, nhà văn thiêng liêng người Czech Tomas Halik đề nghị các cộng đoàn giáo hội của chúng ta phải trở thành “bệnh viện dã chiến”, nghĩa là họ phải đảm nhận ba vai trò: một là chẩn đoán, nghĩa là phải nhận ra dấu chỉ của thời đại; hai là phòng ngừa, nghĩa là trong đó Giáo hội chế tạo ra được một vaccin miễn nhiễm với các virus ác tính như sợ hãi, hận thù, chủ nghĩa mị dân, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa giáo sĩ trị làm tan nát các cộng đoàn và thứ ba là dưõng bệnh, nghĩa là trong đó Giáo hội giúp thế giới vượt lên tổn thương của quá khứ bằng lòng thương xót và sự tha thứ.

Cụ thể mỗi yếu tố này được dự kiến làm như thế nào?

    Các giáo hội chúng ta phải có khả năng chẩn đoán; phải định danh cho thời điểm hiện tại một cách ngôn sứ. Nhưng điều này đòi hỏi phải có can đảm mà lúc này dường như thiếu, bị trật đường vì sợ hãi và ý thức hệ. Lúc này các người tự do và các người bảo thủ có một sự chẩn đoán hoàn toàn khác nhau, không phải vì các sự việc không giống nhau cho cả hai, nhưng vì mỗi bên nhìn sự việc theo ý thức hệ riêng của họ. Thêm nữa, cuối cùng, cả hai bên dường như quá sợ hãi khi nhìn các vấn đề khó khăn trước mặt, cả hai đều hãi sợ về những gì họ có thể nhìn thấy.

Chỉ nêu ra một vấn đề mà cả hai dường như sợ nhìn vào mà không chớp mắt: các nhà thờ trống rỗng nhanh chóng và thực tế là rất nhiều trẻ em của chính chúng ta không còn đi nhà thờ hoặc chúng không còn lấy bản sắc của chúng ở nhà thờ nữa. Phía bảo thủ thì đơn giản đổ lỗi cho chủ nghĩa thế tục, mà họ không bao giờ thực sự muốn cởi mở tranh luận với các phê phán khác nhau của các nhà thờ đến từ hầu hết mọi thành phần của xã hội. Còn phía tự do thì có xu hướng đơn giản đổ lỗi cho sự cứng nhắc bảo thủ mà không thực sự can đảm cởi mở nhìn một vài nơi thế tục, nơi đức tin vào một Thiên Chúa siêu việt và một Chúa Kitô nhập thể đối nghịch với một vài tiêu chuẩn đạo đức và ý thức hệ văn hóa của thế tục. Cả hai bên, cho thấy sự phòng thủ quá độ của họ, có vẻ như họ sợ nhìn vào tất cả vấn đề.

David Tracy có viết một cuốn sách nhan đề Gọi Tên Khoảnh Khắc Hiện Tại (On Naming the Present Moment). Cuốn sách của David Tracy chứa đầy hy vọng và cho chúng ta các chỉ dẫn giống như vị bác sĩ giỏi cho chúng ta hy vọng và các chỉ dẫn liên quan đến sức khỏe chúng ta. Chẩn đoán đúng là điều kiện tiên quyết để cho toa đúng, cũng như chẩn đoán sai, gọi tên sai, dẫn đến đơn thuốc sai hoặc vô dụng. Ngày nay, tôi cảm nhận, cả trong giáo hội lẫn trên thế giới, đều có nhiều cách gọi tên một cách tùy tiện. Chúng ta cần chẩn đoán tốt cũng như tiên đoán tốt để gọi tên khoảnh khắc đức tin hiện tại của chúng ta một cách chính xác hơn. Một triệu chứng sẽ gây nhiều thiệt hại khi nó không được gọi tên một cách chính xác.

Điều này đã được Thượng hội đồng về giới trẻ chẩn đoán bệnh qua những dấu chỉ:

«Tại Thượng Hội Đồng, các Nghi Phụ đã công nhận rằng, một số đáng kể những người trẻ, vì đủ mọi thứ lý do, đã không yêu cầu Hội Thánh bất cứ điều gì vì các em không thấy Hội Thánh quan trọng với cuộc sống của các em. Một số em thậm chí còn yêu cầu một cách rõ ràng là để cho các em được yên, vì các em thấy sự hiện diện của Hội Thánh là một sự phiền hà, thậm chí khó chịu. Yêu cầu này thường không xuất phát từ sự khinh miệt thô lỗ hoặc bốc đồng, nhưng cũng có thể bắt nguồn từ những lý do nghiêm trọng và dễ hiểu: những gương xấu về tình dục và tài chính; việc thiếu chuẩn bị của các thừa tác viên có chức thánh, là những vị không biết cách tham gia có hiệu quả với sự nhạy cảm của người trẻ; thiếu quan tâm trong việc soạn bài giảng và trình bày lời Chúa; vai trò thụ động được trao cho giới trẻ trong cộng đồng Kitô hữu; Những khó khăn của Hội Thánh trong việc giải thích các quan điểm về  giáo lý và luân lý của mình cho xã hội đương thời» (ChV 40).

«Các em không muốn thấy một Hội Thánh im lặng và nhút nhát, nhưng không phải lúc nào cũng chiến đấu vì hai hoặc ba vấn đề luôn ám ảnh mỉnh. Để đáng tin cậy với những người trẻ, có những lúc Hội Thánh cần lấy lại sự khiêm nhường của mình và chỉ cần lắng nghe, nhận ra rằng những gì người khác nói có thể cung cấp một số ánh sáng để giúp mình hiểu rõ hơn về Tin Mừng. Một Hội Thánh luôn luôn phòng thủ, quên đi sự khiêm nhường của mình và ngừng lắng nghe những người khác, không cho phép người ta chất vấn mình, sẽ mất đi tuổi trẻ và biến thành một viện bảo tàng. Làm sao Hội Thánh có thể đáp ứng những giấc mơ của người trẻ?» (ChV 41)

Yếu tố thứ hai là phòng ngừa.

    Chúng ta phải làm gì để phòng ngừa, để biến đổi giáo hội, giáo xứ, cộng đoàn dòng tu chúng ta thành bệnh viện dã chiến? Hình ảnh nhà văn Halik đề nghị ở đây thì phong phú nhưng chỉ có thể dễ hiểu nếu thấu hiểu được Nhiệm thể Chúa Kitô và một sự chấp nhận kết nối sâu đậm giữa chúng ta với gia đình nhân loại. Chúng ta tất cả là một, một chi thể sống động, cùng một chi thể, do đó, như bất kỳ một cơ thể sống nào, bệnh tật hay sức khỏe, một bộ phận đau là đau toàn thân (một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ). Và sức khỏe của cơ thể tùy thuộc vào hệ thống miễn nhiễm, vào chất xúc tác sinh học (enzim) đi khắp cơ thể để giết các tế bào ung thư. Ngày nay, thế giới chúng ta bị bủa vây bởi các tế bào ung thư của sự cay đắng, của lòng thù hận, những bộ mặt của dối trá, của nỗi sợ hãi tự bảo vệ và chủ nghĩa cá nhân đầy ích kỷ. Thế giới chúng ta bị bệnh trầm kha; bị bệnh ung thư hủy hoại cộng đồng.

Về phần các bạn trẻ, Đức Thánh Cha Phanxicô dành trọn 3 số trong tông huấn Christus Vivit để nêu những con virus nguy hoại đang rình rập để tàn phá các bạn, đó là:

Nhiều người trẻ sống trong hoàn cảnh chiến tranh và chịu đựng bạo lực dưới vô số hình thức: bắt cóc, tống tiền, các nhóm tội phạm có tổ chức, buôn người, nô lệ và bóc lột tình dục, hãm hiếp trong chiến tranh, vv. Những người trẻ khác, vì đức tin của các em, rất khó tìm được công ăn việc làm trong xã hội của mình và chịu đựng nhiều kiểu ngược đãi khác nhau, thậm chí cả cái chết. Nhiều người trẻ, vì bị ép buộc hoặc thiếu các lựa chọn khác, đang sống trong tình trạng gây ra các tội ác và bạo lực: các binh lính trẻ em, các băng đảng vũ trang và tội phạm, buôn bán ma túy, khủng bố, vv. Bạo lực này làm tan vỡ nhiều đời sống của người trẻ. Những sự lạm dụng và nghiện ngập, cùng với bạo lực và những sự lầm đường lạc lối, là nhiều lý do trong các lý do khiến những người trẻ phải vào tù, với ảnh hưởng đặc biệt trong một số nhóm chủng tộc và xã hội nào đó (ChV 72).

Nhiều người trẻ bị đầu độc tư tưởng, bị khai thác và bị dùng làm bia đỡ đạn hoặc như một lực lượng tấn công để tiêu diệt, đe dọa hoặc chế giễu người khác. Và tồi tệ nhất là nhiều em cuối cùng trở thành những kẻ theo cá nhân chủ nghĩa, thù nghịch và không còn tin tưởng người khác; như thế, các em dễ dàng trở thành mồi ngon của các để nghị phi nhân và những kế hoạch phá hoại được dựng nên bởi các nhóm chính trị hoặc các quyền lực kinh tế.  (ChV 73).

Vẫn còn “nhiều người trên thế giới là những người trẻ phải chịu các hình thức loại trừ và bị đẩy ra ngoài lề xã hội, vì lý do tôn giáo, dân tộc hoặc kinh tế.  Chúng ta hãy nhớ lại hoàn cảnh của những trẻ vị thành niên và thiếu nữ có thai, tệ nạn phá thai, cũng như sự lan tràn của HIV, các dạng nghiện ngập khác nhau (ma túy, trò chơi may rủi, tranh ảnh khiêu dâm, vv.) và tình trạng trẻ em và thanh thiếu niên sống ngoài đường phố vô gia cư, vô gia đình, và không có nguồn lợi kinh tế” (ChV 74).

Do đó các cộng đoàn giáo hội chúng ta phải trở thành nơi tạo các chất xúc tác sinh học lành mạnh cần thiết để giết các tế bào ung thư. Chúng ta phải tạo một hệ thống miễn nhiễm đủ mạnh để làm điều này. Và để làm được, trước hết chính chúng ta phải ngưng, không là thành phần của căn bệnh ung thư thù hận, sợ hãi, chống đối và tinh thần cục bộ, lợi ích nhóm…

Và quá thường xuyên, chính chúng ta là tế bào ung thư. Thử thách tôn giáo lớn nhất của chúng ta ngày nay là thành lập một hệ thống miễn nhiễm đủ mạnh và đủ sức giết chết các tế bào ung thư của sợ hãi, của dối trá, của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa giáo sĩ trị đang trôi nổi tự do trên khắp thế giới.

Theo ĐHY Cupich, Giám mục Địa phận Chicago cho rằng: “Bằng cách gọi Giáo hội là ‘một bệnh viện dã chiến’, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta suy nghĩ lại một cách triệt để về đời sống Giáo hội và tiếp tục cuộc hoán cải mà mỗi người trong chúng ta bắt đầu khi được rửa tội như một kinh nghiệm chung”.

Cuối cùng vai trò dưỡng bệnh: các cộng đoàn giáo hội chúng ta phải giúp thế giới đi đến hòa giải sâu sắc hơn với các tổn thương trong quá khứ. May thay đây là một trong các điểm mạnh của chúng ta. Các giáo hội của chúng ta là đền thánh của tha thứ. Theo hồng y Francis George: “Trong xã hội chúng ta, tất cả đều được phép nhưng không có gì được tha thứ; trong nhà thờ thì cấm rất nhiều, nhưng tất cả đều được tha thứ.” Nhưng ở lãnh vực này chúng ta cần phải chủ động hơn, là đền thánh tha thứ ngày nay là liên kết với một số “chấn thương đau đớn trong quá khứ”. Tóm lại, tha thứ, chữa lành và chuộc tội sâu đậm hơn thì phải ở bên cạnh lịch sử của thế giới với chế độ thuộc địa, với tình trạng nô lệ, tình trạng phụ nữ, với tra tấn, với sự biến mất các dân tộc, đối xử tệ với người di dân, hỗ trợ lâu dài cho các chế độ bất công và chuộc tội với mẹ trái đất. Chúng ta phải thể hiện Lòng thương xót của Thiên Chúa thật rõ trong vai trò dưỡng bệnh này của chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp Phục Sinh 2016 ngài đã khẳng định: “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không bao giờ chết”. Tuy nhiên Lòng Thương Xót đó bị chính những con người trong Giáo hội ngăn chặn lại nếu họ không khơi thông trái tim của mình, nghĩa là không biết thực thi lòng thương xót của Chúa.

Những cơ cấu quá nặng nề, quá rườm rà… Những mục tử không quảng đại, không biết hy sinh, quên mình… Những con chiên tranh giành, đấu đá lẫn nhau…

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở cho mọi người trong Giáo hội biết rằng: “Tất cả chúng ta đều là đối tượng của Lòng Thương Xót”. Nghĩa là chúng ta đều là những con người tội lỗi nhưng Chúa sẵn sàng tha thứ và mở một cánh cửa khác cho chúng ta. Lòng Thương Xót của Chúa sẽ bị tổn thương khi con người không biết trân trọng điều đó để kết án người khác.

    Để kết thúc, tôi xin mượn hình ảnh Tin Mừng Ga 21,1-14 các môn đệ ra đi trong đêm tối, vất vả, cực nhọc mà không được gì; chỉ khi ánh sáng bừng lên, Đấng Phục Sinh hiện diện thì các ông mới được sưởi ấm, mới được ăn uống no nê… cho chúng ta thấy Giáo hội của Chúa cứ việc lên đường dù là đêm tối, vì chúng ta tin rằng ánh sáng sẽ bừng lên.

    Chúng ta lên đường bằng một con tim quảng đại, biết yêu thương, thông cảm, tha thứ cho người khác giống như Thiên Chúa đã đối xử với chúng ta; biết hạ mình xuống đi bên cạnh cuộc đời của những người cô đơn, bất hạnh, khốn khổ, nghèo hèn. Chúng ta hãy trở thành những bệnh viện dã chiến cho thế giới nói chung và cho các bạn trẻ hôm nay nói riêng.

Visited 8 times, 1 visit(s) today