Giáo sư Habrich ở Cologne nói về việc giáo dục của Don Bosco: “Khoa sư phạm lý thuyết dễ biến tan, sức mạnh của giáo dục chính là gương sáng. Thế giới phải mang ơn Don Bosco rất lớn về những lời vàng của ngài đã được viết trong phương pháp giáo dục dự phòng, nhưng những gương sáng ngài để lại vì lòng yêu mến trong giáo dục còn đáng được thán phục hơn nữa”. Về điểm này, Đức Thánh Cha Piô XI đã quả quyết khi nói chuyện với nhóm Sinh viên Công giáo tiến hành năm 1934: “Don Bosco là một người thiên về hoạt động hơn là một con người nghiên cứu. Nhưng ngài cũng là một người bạn lớn nhất của giới trẻ mà trước đây nhiều thế kỷ không có” (MB XIX, 319).
Trong thế giới hôm nay, các hình thức quảng cáo là nghệ thuật và là chiêu thức hữu hiệu để người ta hướng mọi người vào tầm ngắm của chủ trương tiêu thụ. Hãng Sony đã viết như thế này để giới thiệu cho game station XBOX mới của họ: “Life is short. Play more” (Cuộc đời ngắn lắm, hãy chơi nhiều hơn!). Và còn rất nhiều người muốn nói với người trẻ những điều hời hợt, thậm chí muốn viết cho giới trẻ những điều dung tục nữa. Nhưng, có bao giờ chúng ta tự hỏi: Giới trẻ chỉ thích những điều xằng bậy, hay họ muốn điều gì khác? Không, họ muốn những lời chân tình, động viên, khích lệ, mời gọi. Chúng ta hãy nghe lại kinh nghiệm giáo dục của Don Bosco theo Hồi sử (MB).
Don Bosco thường nhắc đi nhắc lại: “Hơn bất cứ ai, giới trẻ thích nghe những chân lý đời đời. Và do đó, chúng phân biệt được ai là người muốn cho chúng nên tốt” (MB VI, 386). Vì thế, trong những lần đi thăm các nhà trường, ngài luôn nhấn mạnh: “Các thầy dạy phải nhớ rằng nhà trường là phương tiện dạy dỗ sự lành, các thầy phải đóng vai trò như là các cha xứ đối với giáo dân, như là các vị truyền giáo trong việc tông đồ. Vì thế, thỉnh thoảng phải nói lên những chân lý Kitô giáo, các bổn phận đối với Thiên Chúa, các bí tích, lòng tôn sùng Đức Mẹ. Tóm lại, các bài dạy của các thầy phải là những bài học Kitô giáo; các thầy cũng phải thẳng thắn, và với lòng yêu mến khích lệ học sinh, để các em trở thành những người giáo dân tốt. Đó là điều bí mật để yêu mến và chiếm hữu được sự tín nhiệm của giới trẻ. Ai xấu hổ khi khích lệ lòng đạo đức thì không xứng đáng là thầy. Các thiếu niên sẽ khinh thường họ, và thay vì thành công, họ sẽ làm hư hỏng các tâm hồn mà Thiên Chúa gởi đến cho họ” (MB X, 1019).
Vào tháng 12 năm 1849, để mời gọi mọi người tham dự một cuộc tĩnh tâm cho giới trẻ thợ trong thành phố Turin, Don Bosco đã dán những tờ quảng cáo ở các cửa nhà thờ, hay gởi những tờ chương trình tới các gia đình, các xưởng thợ, các tiệm buôn. Đây là một việc làm hoàn toàn mới mẻ vào thời đó. Nội dung trong những tờ quảng cáo trước hết là lời ân cần mời gọi các bậc cha mẹ, phụ huynh, các chủ tiệm có các bạn trẻ đang làm việc đồng ý, hy sinh và cộng tác với sáng kiến của ngài bằng cách cho các bạn trẻ đến tham dự càng đông càng tốt. Kế đến, Thánh nhân đã khích lệ giới trẻ bằng những lời cảm động sau đây: “Hỡi các bạn trẻ, các bạn trẻ thân mến của cha, chúng con là niềm hoan lạc và là con ngươi trong mắt Chúa, chúng con đừng hối tiếc khi phải chịu đựng một vài sự bất tiện do thời tiết bốn mùa để làm ích cho linh hồn chúng con. Thiên Chúa mời gọi chúng con nghe lời Ngài, Thiên Chúa cũng cho chúng con dịp tốt để được ơn và phép lành của Ngài. Vậy chúng con hãy lợi dụng lấy những dịp đó. Phúc cho các con khi còn nhỏ đã biết lưu tâm thi hành luật Chúa (MB III, 604 – 605).
Vào ngày kết thúc tuần phòng ngài đã phân phát cho những người tham dự những tấm ảnh đẹp với những lời kỷ niệm viết ở mặt sau:
- Hỡi các bạn trẻ, chúng con hãy nhớ rằng chúng con là niềm hoan lạc của Thiên Chúa. Hạnh phúc cho những người con nào khi còn nhỏ đã tuân giữ luật Chúa.
- Thiên Chúa thật đáng yêu, vì Ngài đã dựng nên chúng ta, đã cứu chuộc chúng ta đã và đang làm cho chúng ta nhiều sự lành cũng như đang sửa soạn cho những ai tuân giữ lề luật của ngài một phần thưởng đời đời.
- Bác ái là dấu chỉ phân biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma quỷ thế gian.
- Khuyên bạn bè làm tốt là thực thi đức ái.
- Các con vâng lời bề trên như giới răn Chúa và chúng con sẽ được nhiều thành quả tốt.
- Ai muốn trở thành người giáo hữu tốt, phải tránh xa những kẻ nói xấu đạo, nói xấu hàng giáo phẩm và đặc biệt nói xấu Đức Thánh Cha là cha chung mọi tín hữu. Một người con nói xấu cha mẹ luôn luôn là người con bất hiếu.
- Chúng con hãy dự phòng những sách báo xấu và hãy truyền bá những sách báo tốt.
- Những thói quen có ảnh hưởng suốt đời đứa trẻ. Nếu là những thói quen tốt thì sẽ dẫn đưa chúng tới các nhân đức và chắc chắn sẽ được cứu rỗi. Ngược lại, khốn cho chúng nếu chúng ta lây nhiễm những thói quen xấu (III, 607).
Khi ghé qua Valdocco, cha Ascanio Sacio đã làm chứng: “Tôi bắt đầu xác tín về lời xác quyết của Don Bosco rằng chỉ có một cách duy nhất để chiếm được sự tín nhiệm của giới trẻ và làm chúng lánh xa sự xấu là cư xử với chúng bằng một tấm lòng cởi mở” (MB III, 585). Don Bosco thường nói rằng: “Dịu dàng trong lời nói, việc làm, trong khi cho nhận xét, giải quyết được mọi vấn đề” (MB XVII, 628). Sự dịu dàng của Don Bosco không phải là một thứ tình cảm ủy mị, nhưng thể hiện một tình yêu chân thật trong sạch và to lớn. Trong phần mở đầu của tập sách “Il giovane proveduto”, tập sách Hướng dẫn đời sống Kitô giáo cho giới trẻ, Don Bosco viết: “Các con thân mến, cha yêu mến các con hết lòng, đối với cha, chỉ cần biết rằng chúng con còn trẻ là đủ để cha yêu mến chúng con rồi. Chúng con sẽ thấy nhiều tác giả viết dài hơn và hay hơn cha, nhưng chúng con khó có thể tìm thấy ai yêu chúng con trong Chúa Kitô và muốn chúng con hạnh phúc hơn cha. Cha yêu chúng con bởi vì trong trái tim chúng con cất giấu một kho tàng nhân đức, nếu chiếm được các nhân đức ấy chúng con sẽ có tất cả. Nếu chẳng may chúng con để mất các nhân đức ấy, thì chúng con sẽ là những người bất hạnh, đi lang thang trên địa cầu”.
Don Bosco cũng thường cho những lời nhận xét thân tình, những lời khuyên đặc biệt trong từng trường hợp; và đó cũng là lời mời gọi thiết tha cho sự cộng tác từ người khác. Với học sinh: “Chớ gì trong các khoa học tự nhiên, chúng con tìm ra khoa học Nước Trời và đem nó ra thực hành”. Với học sinh kỹ thuật: “Ngày thường chúng con không có thời giờ để nghĩ đến linh hồn, chớ gì trong ngày lễ chúng con làm việc đó bằng cách tham dự thánh lễ, chăm chú nghe giảng, chầu Mình Thánh Chúa. Chớ gì chúng con chịu các bí tích trong các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng”. Với các thầy tư giáo: “Cha biết rằng họ đã được bán cho Nước Trời vì thế chớ gì họ không tưởng nghĩ gì về trái đất này nữa. Tất cả sự học vấn của họ cốt để tìm vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn. Với ý hướng đó cha khuyên tất cả hãy tích cực trong việc cứu rỗi các linh hồn trước tiên bằng gương sáng rồi bằng các lời khuyên tốt, ngăn cản người ta phạm tội cho dù chỉ là tội nhẹ; khích lệ đọc sách tốt, vun trồng tinh thần phục tùng, khuyên bảo để biến những con chó sói thành những con chiên”. Với các linh mục: “Cho dù ít ỏi, cha cũng khuyên họ hãy đốt cháy lòng nhiệt thành vì các linh hồn”. Và cho chính mình. Ngài kết luận, “Cha sẽ phải nói gì? Cha nói rằng (lúc đó ngài khóc) một năm nữa đè nặng lên vai cha trong khi cái năm 1859 này lui vào quá khứ. Năm nay chúng ta sẽ có ít thời giờ để sống và chúng ta sẽ bất hạnh nếu chúng ta để thời giờ qua đi vô ích. Cha cảm thấy trách nhiệm của cha nặng nề, cha phải tính sổ với Thiên Chúa về tâm hồn mỗi người chúng con. Cha làm những điều có thể làm được, các con thân mến, các con hãy giúp cha” (MB VI, 362 – 363).
Một lần khác, vào lúc huấn từ tối vào năm 1863, Don Bosco nói như sau: “Cha sống không phải để tìm tiền bạc hay danh vọng trong chúng con. Cha ở đây không có một mục đích gì khác hơn là làm ích cho chúng con, ngày cũng như đêm, sáng cũng như nhiều, bất cứ lúc nào. Cha không có mục đích nào khác hơn là làm ích cho chúng con về đàng luân lý, trí tuệ và thể xác. Nhưng để thành công, cha cần chúng con giúp cha một tay, nếu được như vậy cha đoan chắc với chúng con Thiên Chúa sẽ không để chúng ta phải thiếu thốn gì, và chắc chắn chúng ta sẽ làm được nhiều việc lớn. Cha không muốn chúng con coi cha như một bề trên hơn là một người bạn. Vì thế, các con đừng sợ cha, trái lại hãy tín nhiệm cha, và đó là điều cha mong ước; cha xin chúng con hãy là những người bạn chân thật của cha. Cha thành thật nói với chúng con rằng cha loại bỏ hình phạt. Cha không muốn cảnh cáo và phạt những người lỗi phạm, đó không phải là phương pháp giáo dục của cha. Khi có ai xin lỗi, nếu có thể sửa chữa được, cha sẽ khuyên bảo một đôi lời tốt lành, và cha không mong gì hơn là người đó sửa mình. Cả khi phải phạt một người trong chúng con nữa, thì cái hình phạt kinh khủng nhất lại dành cho cha, vì cha đau khổ lắm. Khi người cha nào có đứa con bướng bỉnh thì đôi khi cũng cần phải cho nó mấy cái roi. Làm như vậy cũng phải, bởi vì kiêng đánh đòn là ghét con vậy – Qui parcit virgae odit filium suum – yêu con cho roi cho vọt. Tuy nhiên cha sẽ không thể chịu được, cha sẽ không đánh, cha cũng không muốn xem đánh phạt. Tuy vậy không có nghĩa là cha sẽ không bỏ qua những lỗi lầm; không đâu, nhất là những gương mù cho bạn hữu… nhưng có cách để giải quyết những chuyện ấy giữa cha và chúng con. Chúng ta hãy nhất trí, cha sẵn sàng giúp đỡ các con trong mọi trường hợp. Còn chúng con hãy thiện chí, thẳng thắn thành thật với cha” (MB VII, 503).
Có lẽ, trong giáo dục, sự chân thành và biết lắng nghe hay biết đón nhận người khác không bao giờ là điều lỗi thời, ngay cả cho chúng ta và cho bạn trẻ ngày hôm nay. Người tử tế sẽ biết giá trị của những lời khích lệ, động viên và sẽ chẳng bao giờ bỏ qua các cơ hội để làm việc này cho mọi người. Bạn thì sao?
Tác giả: Lê An Phong, SDB