Gia đình Salêdiêng tại Nhật bản chuẩn bị cho cuộc thăm viếng của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Bài viết của Văn phòng Truyền thông tỉnh dòng  Nhật bản

Tokyo, Nhật bản 15/10/2019. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện cuộc tông du tại Thái lan từ ngày 20 đến 23 tháng 11, và sau đó Ngài sẽ đến thăm Nhật bản từ ngày 23 đến 26 tháng 11 năm nay. Cả 2 cuộc thăm viếng đều rất quan trọng và rất có ý nghĩa, bởi vì trong cả 2 quốc gia, số tín hữu Công giáo đều chưa đến 0,3%. Ở Nhật bản, tỷ lệ người Công giáo còn ít hơn nữa. Vì thế, các phương tiện Truyền thông Công giáo đang rất tích cực quảng bá về chuyến tông du của Đức Thánh Cha để cho mọi người Nhật bản, nhất là anh chị em lương dân hiểu rõ hơn về Đức Thánh Cha, về vai trò của Ngài cũng như về mục đích chuyến tông du của Ngài tại đất nước Phù Tang.

Theo lịch trình dự kiến, vị Cha chung của Giáo hội hoàn vũ sẽ đến thăm 2 thành phố bị dội bom nguyên tử trong thế chiến thứ 2, đó là thành phố Nagasaki và thành phố Hiroshima. Đức Thánh Cha cũng sẽ gặp Thái tử Naruhito và Thủ tướng Shinzo Abe. Vào năm 1981, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 cũng đã từng ghé thăm 2 thành phố này.

Tập san Salêdiêng của tỉnh dòng Nhật bản trong số báo tháng Mười cũng đã cho đăng tải những thông tin và hình ảnh liên quan đến cuộc tông du sắp tới của Đức Thánh Cha.

Năm nay, Giáo hội Nhật bản cũng kỷ niệm 470 năm Thánh Phanxicô Xaviê đến Nhật bản để gieo hạt giống Tin mừng.

Cha Nakamaro Abe, SDB đã cho đăng khá nhiều bài để quảng bá về Giáo hội Công giáo hoàn vũ và về Đức Thánh Cha Phanxicô trên tờ báo Nishi Nippon. Tác giả cũng nhắc lại sự kiện về chàng trai trẻ Bergolio (tức Đức Phanxicô hiện nay), sau khi gặp gỡ tướng Pedro Aruppe, đã tình nguyện xin đi truyền giáo tại Nhật bản.

Ngài kết luận : “Chúng ta hãy nhìn vào chiếc đồng hồ Nhật bản lung linh trên cổ tay trái của Đức Thánh Cha. Đây là 1 biểu tượng thật đẹp khi Ngài viếng thăm đất nước mặt trời mọc tại đây. Chúng ta sẽ cùng nhau kiến tạo hoà bình như Đức Thánh Cha hằng mong muốn, bằng cách luôn tin tưởng lẫn nhau, cho dù có sự khác biệt về niềm tin tôn giáo”.

GB Văn Hào SDB, lược dịch

Visited 6 times, 1 visit(s) today