Gáp-ba-tha, Nền Đá

Cả 4 sách Tin Mừng đều nói về cuộc xét xử của quan Tổng trấn Phi-la-tô về số phận của Đức Giê-su. Thế nhưng chỉ Tin Mừng của Gioan đề cập đến nơi chốn xét xử:

“Khi nghe thấy thế, ông Phi-la-tô truyền dẫn Đức Giê-su ra ngoài. Ông đặt Người ngồi trên tòa, ở nơi gọi là Nền Đá, tiếng Híp-ri là Gáp-ba-tha.” (Ga 19,13).

Gáp-ba-tha, nơi Đức Giê-su bị xét xử

Gáp-ba-tha (tiếng Do Thái cổ ) là tên một nơi chốn tại Giê-ru-sa-lem, và trong tiếng Hy Lạp dịch ra là Lithostrotos (ĩơđợị).

Hạn từ “Gáp-ba-tha” chắc chắn là một hạn từ Do Thái cổ mà vào thời của Gioan và các thánh sử Tin mừng, ngôn ngữ ngày được dùng phổ biến tại Giu-đê-a. Tuy nhiên, việc dịch sang tiếng Hy Lạp là Lithostrotos lại làm người ta liên tưởng đến một chỗ được lát đá để đặt tòa xét xử Đức Giê-su. Thực ra, nó là một khu vực phía đằng trước dinh Phi-la-tô, được xây cao lên: Gáp-ba-tha có nghĩa là “chỗ cao” để làm nơi xét xử.

Một số nhà chú giải cho rằng “Gáp-ba-tha” hoặc là sân bên ngoài Đền Thờ mà thường được lát nền đá, hoặc là nơi hội họp của Thượng Hội Đồng gồm một phần sân bên trong và  một phần sân bên ngoài Đền thờ. Tuy nhiên, việc giải thích như thế chắc không đúng. Có lẽ nên hiểu theo mạch văn của Gioan (19,13): “Gáp-ba-tha” là một nơi quen thuộc tại Giê-ru-sa-lem, chỗ Phi-la-tô ngồi xét xử và truyền đưa Đức Giê-su ra ngoài trước mặt dân Do thái. Ông nói: “Đây là vua các người!”, và dân Do thái la lên: “Đem đi. Đem nó đi! Đóng đi nó vào thập giá!”. Phi-la-tô lại nói với họ: “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?”. Các thượng tế đáp: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da”. Thế rồi, Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho người Do Thái mang đi đóng đinh vào thập giá.

Xác định địa điểm của “Gáp-ba-tha”

Hiện nay, khó có thể xác định chính xác được chỗ nào là “Nền Đá” mà Tin mừng Gio-an nói tới (Ga 19,13). Có hai địa điểm được cho là nơi này tại Giê-ru-sa-lem: hoặc ở phía tây của thành Giê-ru-sa-lem sát với 3 tháp canh là dinh thự của Hê-rô-đê và gần cổng Jaffa hiện nay, hay tại Doanh trại Antonia nằm ở phía Tây Bắc của Đền thờ, nơi trước đó là doanh trại Hasmonean. Việc Phi-la-tô lưu ngụ ở nơi nào trong 2 nơi này vào dịp lễ Vượt Qua của người Do thái là chuyện quan trọng để xác định chỗ được gọi là “Nền Đá”. Theo các nhà khảo cổ học, chỉ tại Doanh Trại Antonia, người ta mới tìm thấy một phiến đá vôi với kích thước 105 x 155 feet.

1. Truyền Thống Giáo Hội: Doanh Trại Antonia

Theo truyền thống Giáo hội, thì Phi-la-tô lưu ngụ tại dinh thự ở doanh trại Antonia trong dịp lễ Vượt Qua của người Do thái. Dinh thự và Doanh trại này do vua Hê-rô-đê xây cất, và lấy tên của người bạn thân của ông là Marco Antonia để đặt tên cho nơi này. Vào năm 70 sau Công nguyên, tướng Ti-tô của Roma đã phá hủy nơi này, chỉ còn lại một di tích là “Nền Đá” (Lithostrotos) nằm ở phía lối vào của Doanh Trại. Người ta cho rằng trên nền đá này, Phi-la-tô đã xét xử Đức Giê-su. 

Vào thế kỷ thứ 4 sau công nguyên, “Nền Đá”, “Dinh thự Phi-la-tô” cũng dần bị lãng quên. Đến thế kỷ thứ 5, người ta xây dựng tại đây một ngôi nhà thờ và đặt tên là Saint Sophia (theo tiếng Hy lạp là “Khôn Ngoan”). Sau này, người ta cũng không còn biết gì về ngôi nhà thờ này.

Đến thế kỷ 12 dưới thời Thập Tự Chinh, người ta xây dựng “Ngôi Nhà Thờ Đức Giê-su bị đánh đòn” tại đây, và sau đó cũng bị bỏ quên trong nhiều thế kỷ. Đến năm 1838, các tu sĩ dòng Phan-sinh tái tu bổ nơi thờ phượng này với sự giúp đỡ của Maximilian Bavaria, như có khắc trên bia đá ở mặt tiền. Năm 1929, kiến trúc sư A. Barluzzi tái tu bổ và giữ lại hình dáng của lối xây dựng thời Trung Cổ. Những cửa kính màu của A. Cambellotti mô tả cảnh Phi-la-tô xét xử Đức Giê-su, việc Đức Giê-su bị đánh đòn, và việc trả tự do cho tên cướp Ba-ra-ba. Một bức tranh vẽ của M. Barberis trên bức tường bên cạnh mô tả việc Thánh Phao-lô bị cầm tù tại doanh trại Antonia.

Hiện nay tại Tu viện Nữ Tu Sion (thuộc Hội Dòng Đức Bà Sion) có một nhà thờ mang tên Ecce Homo (‘Này là người’). Từ thời Thập tự chinh, truyền thống Giáo Hội đã lấy nơi này làm chặng đường thánh giá thứ 1: Phi-la-tô xét xử Đức Giê-su. Chính nơi đây, Đức Giê-su bị trao vào tay người Roma, chịu đánh đòn và bị Phi-la-tô xét xử.

Nhà thờ mang tên Ecce Homo vì lấy từ Tin mừng Gioan 19,5: Đức Giê-su bước ra ngoài đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Phi-la-tô nói với họ: “Đây là người!”.

2. Địa điểm khác: Dinh Thự Hê-rô-đê

Dù truyền thống Giáo Hội vẫn coi Doanh Trại Antonia là nơi Tổng Trấn Phi-la-tô lưu ngụ trong dịp lễ Vượt qua và ông đã xét xử Đức Giê-su tại đó, viện lẽ nơi đó có ban-công nhìn ra sân Đền Thờ, và Tin mừng Ga 19,13 nói tới “Nền Đá” nơi Đức Giê-su bị xét xử. Tuy nhiên cũng có những học giả và các nhà nghiên cứu khác cho rằng Đức Giê-su bị xét xử tại Dinh Thự Hê-rô-đê nằm ở phía Tây Bắc của thành Giê-ru-sa-lem, gần cổng Jaffa hiện nay. Vào dịp lễ Vượt qua của người Do Thái, Tổng Trấn Phi-la-tô đã lưu ngụ tại đây, chứ không phải tại Doanh Trại Antonia. Người ta cũng thấy những lời khẳng định của sử gia Josephus cho rằng trụ sở của quan Tổng Trấn Roma là ở khu dinh thự Hê-rô-đê (x. Bách Khoa Tự Điển Kinh Thánh quốc tế).

Shimom Gibson, một nhà khảo cổ học kinh thánh trong tác phẩm “Những ngày sau cùng của Đức Giê-su: Những bằng chứng của khảo cổ học” đã bàn tới vấn đề này. Theo Gibson, nơi mà quan Tổng Trấn Phi-la-tô xét xử vụ án Đức Giê-su là ở phía sân ngoài bức tường phía tây của thành phố Giê-ru-sa-lem cổ, còn dinh thự Hê-rô-đê nơi ông lưu ngụ thì ở bên trong tường thành. Hai nơi được thông qua một cánh cổng. Cánh cổng này dẫn vào khu dinh thự bên trong (Ga 18,28: “Vậy, người Do Thái điệu Đức Giê-su từ nhà ông Cai-pha đến dinh tổng trấn. Lúc đó trời vừa sáng. Nhưng họ không vào dinh kẻo bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được”). Tại khu vực bên trong này, Đức Giê-su bị tra hỏi vào sáng sớm hôm Ngài bị hành hình. Đám đông tố cáo Ngài chờ đợi ở bên ngoài.

Vào những năm của thập niên 1970, Shimom Gibson đã phụ giúp Magen Broshi để khai quật khu vực bức Tường phía tây. Bạn có thể nhìn thấy nơi đó trong bức hình dưới đây. Khi quan sát, bạn có thể vẫn nhìn thấy những bậc thang dẫn tới một mặt bằng nơi Phi-la-tô ngồi, và cả khu vực phía cổng dẫn vào dinh thự bên trong. Chỗ mặt bằng được gọi là Gáp-ba-tha trong Tin mừng Ga 19,13 và những hòn đá bằng phẳng làm thành một mặt bằng vẫn còn đó. Sau khi Đức Giê-su bị tra hỏi ở bên trong, Ngài được mang ra ngoài và ngồi vào chỗ xét xử, đối diện với những kẻ tố cáo Ngài. Chính tại đây, Phi-la-tô đã nói những lời nổi tiếng: “Này là người!”. Sau đó, Đức Giê-su bị dẫn xuống những bậc thang để quân lính điệu đi hành hình ở bên ngoài thành.

Balage Balogue đã vẽ một bức tranh tuyệt vời, tái tạo lại chính xác những gì bạn đang thấy. Ông đã làm việc với nhóm khảo cổ về vị trí mà Gibson đã tìm thấy, cũng như chú ý cả đến việc trang phục và những khía cạnh khác.

Visited 23 times, 1 visit(s) today