🌿Truyền giáo tại Gambella – Ethiopia
Đã trọn 10 năm kể từ ngày đầu tiên tôi đặt chân đến vùng đất Ethiopia, một nơi mà tôi đã nhận làm quê hương thứ hai của tôi mà tôi xác tín như là một vùng đất mà Thiên Chúa đã sai tôi đến từ năm 2008. Trong những hàng chia sẻ dưới đây, tôi muốn viết về vùng đất GAMBELLA – Miền Đất Hứa (St 28,4).
Tôi vừa rời bỏ cộng đoàn cũ, nơi tôi cảm thấy rất yên ấm, chẳng phải lo lắng gì, để đến vùng đất mới Gambella để sống và làm việc. Gambella là một vùng đất nằm phía tây nam Ethiopia, giáp ranh với Nam Sudan. Nền văn hóa và truyền thống của vùng này hoàn toàn khác với những nơi còn lại của Ethiopia. Dân số của Gambella khoảng 1.532.000 người; trong đó sắc tộc Nuer chiếm khoảng 42,66%; sắc tộc Anuak khoảng 27,8%; Oroma 15,1%; Kafficho 5,04%; Kambaatar 4,3%; Itang 3,4%; số còn lại là những sắc tộc thiểu số khác. Tôn giáo của người Gambella gồm Tin lành 57,1%; Chính thống giáo 27,3%; Hồi giáo 9%; Công giáo 3,7%; số còn lại là các tôn giáo truyền thống của dân bản địa.
Gambella còn được bao quanh bởi các trại tỵ nạn rất lớn như trại Tỵ nạn Tierkidi; trại Okugo; trai Nguenyyiel, hoặc trại Jewi, dành cho người Nam Sudan, với tổng số 128.000 người. Đây cũng là nơi tôi thay mặt Giáo phận làm tuyên úy cho một trong các trại Tỵ nạn này.
Người dân tại đây đang phải đối mặt với nội chiến sắc tộc giữa người Nuer và người Anuak, trong việc tranh giành quyền lực và lấn chiếm đất đai tại những trung tâm thành phố. Đầu tháng 10 vừa qua, cuộc nội chiến lại bùng lên và cướp đi sinh mạng của 25 người. Trường Don Bosco tại đây phải đóng cửa 3 tuần lễ. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nghiệm được thế nào là chiến tranh, thế nào là tiếng súng. Sự sợ hãi và lo lắng tràn ngập cộng đoàn, nhất là khi chúng tôi đang tập huấn cho 30 bà mẹ kèm theo các con nhỏ của họ, khi họ đến tham gia khóa huấn luyện về nông nghiệp. Chúng tôi phải nhờ đến quân đội hộ tống để đưa các bà mẹ trở về gia đình cách an toàn.
Đây vừa là vùng đất truyền giáo, vừa là đầu chiến tuyến của Ethiopia, mà Phụ tỉnh Saledieng đang ra sức xây dựng, vì chính Tòa thánh đã trao vùng đất truyền giáo Gambella này cho Tu hội Saledieng vào Đại Năm thánh 2000. May mắn thay, năm 2010, Tòa thánh nâng Gambella lên thành Hạt Tông tòa trực thuộc Tòa thánh và bổ nhiệm cha Angelo Moreschi sdb làm Giám mục tiên khởi tại đây. Cũng chính ngài, cách đây 4 năm về trước, đã ban Thừa tác vụ Linh mục cho tôi và cha Giuse Trịnh kinh Luân.
Gambella được xem như là đầu chiến tuyến trong cánh đồng truyền giáo tại Ethiopia, nơi mà hầu hết dân địa phương chẳng phải là Công giáo. Đây thực sự là cánh đồng truyền giáo rộng lớn và cần rất nhiều thợ gặt. Khởi điểm của hạt Tông tòa Gambella chỉ là 2 giáo xứ nhỏ nhoi và một vài giáo điểm; thế mà đến hôm nay, đã có 12 giáo xứ và 43 giáo điểm truyền giáo. Nhân sự làm việc tại Gambella gồm 14 linh mục vừa của giáo phận vừa của Saledieng, cùng với 4 nữ tu thuộc dòng Mẹ Teresa Calcutta. Việc chăm sóc mục vụ tại đây đòi các linh mục phải đảm nhận nhiều giáo điểm rải rác, trên một địa bàn rộng lớn, mà mỗi tuần phải di chuyển từ 30km đến 65km.
Giám đốc Cộng đoàn của tôi vừa là cha xứ Chánh tòa, vừa phụ trách 3 giáo điểm lân cận. Còn tôi, vừa là Hiệu trưởng trường cấp 1, cấp 2 và cấp 3 với 800 học sinh, vừa làm quản lý cộng đoàn với một lưu xá và một khu nông nghiệp rộng 65 hecta, đồng thời còn làm tuyên úy cho Trại Tỵ nạn Jewi với 2.000 giáo dân đến từ miền Nam Sudan.
Một vài chia sẻ với Tỉnh dòng Mẹ Việt nam, cho thấy Gambella thực sự là tuyến đầu trong công cuộc truyền giáo tại Ethiopia. Gambella mãi mãi là thao thức trong trái tim Giám mục Giáo phận và cũng là nỗi trăn trở của Giám tỉnh Ethiopia. Khi cha Giám tỉnh biết tôi sẽ viết một bài chia sẻ về Ethiopia cho báo Chuyên đề Don Bosco Việt nam, ngài yêu cầu tôi gửi đến các hội viên tỉnh dòng Việt nam lời thỉnh cầu tha thiết và nỗi trăn trở của ngài, để mong có những thợ gặt lành nghề đến vùng truyền giáo Gambella này trong một tương lai gần: Hãy đến Gambella giúp chúng tôi (Tđcv 16:9).
❤Linh mục Giuse Maria Bùi Vũ Phong, Sdb