Đức cha Vergsilia, SDB, một trong các vị Truyền giáo Salêdiêng tiên khởi tại Miền EAO

(EAO, 06.10.2018) – Trong tháng Mười, tháng truyền giáo Salêdiêng, chúng ta ôn nhắc lại những mẫu gương truyền giáo nổi bật. Đức cha Vergsilia và cha Caravario là 2 vị truyền giáo Salêdiêng đầu tiên đã đến làm việc tại miền EAO của chúng ta. Cả 2 vị đã được tuyên phong Hiển Thánh, trở nên 2 vị thánh Tử đạo Salêdiêng. Đức cha Vergsilia đã đến Macao vào năm 1906 cùng với 5 hội viên SDB khác. Ơn gọi truyền giáo của Ngài đã được khơi mào từ nguyện xá Valdocco khi ngài còn là học sinh của Don Bosco. Sau này, Ngài đã chính thức viết lá đơn gửi cha Giulio Barberis, Giám đốc của Ngài, và bày tỏ ước nguyện xin đi truyền giáo. Chúng ta hãy đọc lại lá thư của Ngài:

“Thưa cha Giám đốc kính mến,

Đã nhiều lần, con đã nói lên ước muốn được đi truyền giáo. Bây giờ, theo lời khuyên của Cha, con chính thức viết đơn để bày tỏ ước nguyện đó.

Trước tiên con muốn nói rằng, ước nguyện này khởi phát từ Thiên Chúa, Đấng đã lôi kéo con đến với Ngài. Chính xác là ngay từ năm 1888, khi còn là một sinh viên Thần học năm thứ ba, con đã rất cảm kích trước tấm gương của các vị Thừa sai Salêdiêng trong đợt xuất phát truyền giáo lúc bấy giờ do cha Cassini dẫn đầu. Ơn thánh Chúa đã thôi thúc con rất mãnh liệt. Con gạt bỏ tất cả những toan tính và những mơ ước trước đây, để chỉ mong muốn trở thành Salêdiêng, với hy vọng được sai đi truyền giáo.

Nhưng, dường như ước muốn của con đã bị từ chối một cách vô vọng, và con được chỉ định phải ở lại Italia để tiếp tục công việc học hành cũng như làm việc tại đây. Vả lại, con biết rằng đi đến những phương trời xa lạ đòi hỏi rất nhiều hy sinh, nhưng lúc đó con chưa được chuẩn bị sẵn sàng.

Tuy vậy, khi con được chuyển từ Foglizzo đến Vasalice nơi đây, những gương sáng của các anh em hội viên đã nung nấu con tim con trở lại. Đặc biệt, trong buổi dạ hội kính Mẹ Vô nhiễm, sau khi nghe Cha Micae Rua nói về vùng đất truyền giáo tại Phi châu và những nơi khác, niềm khao khát muốn được đến Phi châu để làm việc truyền giáo trỗi dây rất mạnh mẽ nơi con. Niềm khao khát này đã xâm chiếm tâm hồn con, những lúc con ở trong nhà nguyện, tại lớp học, trong giờ giải trí và ngay cả trong những lúc chuẩn bị đi ngủ.

Nhưng, phải thú thật rằng, niềm khát khao ấy lắm khi được pha trộn với những toan tính ích kỷ, chỉ muốn quy về cái tôi của mình mà thôi. Con biết rằng, con cần phải thoát bỏ cái tôi ấy, để chỉ lo tìm kiếm các linh hồn. Con phải làm việc và hy sinh để phụng sự một mình Thiên Chúa mà thôi.

Nhiều lần con đã nhụt chí, và chỉ biết cầu nguyện cho những anh em đi truyền giáo, đặc biệt khi đứng trước phần mộ của Cha Thánh. Những lúc ấy, con hứa sẽ làm những gì có thể để trợ giúp các anh em đó, như hiệp thông, dâng những hy sinh để cầu nguyện cho họ. Riêng cá nhân con, con sẽ đảm nhận bất cứ công việc gì được trao phó, cho dầu là những công việc khiêm tốn và âm thầm nhất. Con chỉ biết làm như thế thôi.

Tuy vậy, bây giờ con không còn bị những tư tưởng đó khuynh đảo nữa. Ước muốn dấn thân đi truyền giáo lại bùng cháy nơi con, và ước muốn đó trỗi dậy rất đều đặn trong tâm trí con. Đây không phải là những suy nghĩ mang tính viễn vông một cách mơ hồ. Con ý thức rằng sứ mệnh truyền giáo đòi hỏi nhiều hy sinh, cần phải làm việc không mỏi mệt, không chán nản, không nghỉ ngơi chứ không phải chỉ là những cố gắng để tập tành các nhân đức mà thôi…”.

(Xem lá thư của Thánh Vergsilia gửi cho Don Barberis, được lưu tại văn khố Salêdiêng 9,3)

Qua lá thư trên, chúng ta hiểu rõ hơn về bản chất ơn gọi Truyền giáo Salêdiêng, đó là: Cùng với Don Bosco; sống cho sứ mệnh truyền giáo; và bản chất ơn gọi Salêdiêng chính là truyền giáo.

Bài viết của Thông Tấn xã Salêdiêng
Văn Hào, SDB chuyển ngữ

Visited 3 times, 1 visit(s) today