Ban Mục Vụ Giới Trẻ cho Xuất Bản sổ tay “Nhận Biết Để Đồng Hành Về Sức Khoẻ Tâm Thần Của Người Trẻ. Sổ Tay Hướng Dẫn Dành Cho Các Nhà Giáo Dục”

“NHẬN BIẾT ĐỂ ĐỒNG HÀNH VỀ SỨC KHỎE TÂM THẦN CỦA NGƯỜI TRẺ: SỔ TAY HƯỚNG DẪN DÀNH CHO CÁC NHÀ GIÁO DỤC”
 
Ngày 08 tháng 4 năm 2025
(ANS – Turin) – Ước tính có khoảng 10–20% thanh thiếu niên trên toàn thế giới mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần, nhưng nhiều trường hợp không được chẩn đoán và điều trị. Các số liệu thống kê đáng báo động cho thấy tỷ lệ tự làm hại bản thân và tự tử ngày càng gia tăng. Trẻ em và thanh thiếu niên gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần đặc biệt dễ bị loại trừ khỏi xã hội, dẫn đến phân biệt đối xử, khó khăn trong học tập, hành vi nguy cơ, các vấn đề sức khỏe thể chất và vi phạm quyền con người.
 
Ngay cả ngày nay, sự kỳ thị về sức khỏe tâm thần vẫn là một vấn đề nhức nhối trong xã hội và môi trường giáo dục. Ngày càng có nhu cầu cấp thiết cần thúc đẩy một quan điểm cởi mở hơn và lồng ghép việc chăm sóc sức khỏe cảm xúc vào mọi lĩnh vực giáo dục. “Hạnh phúc của người trẻ chúng ta là một hành trình, không phải là đích đến. Trong một thế giới không ngừng đòi hỏi chúng ta phải mạnh mẽ, chúng ta phải nhớ rằng đôi khi yếu đuối cũng không sao cả. Sự tổn thương là một dấu hiệu của lòng can đảm,” Cha García Morcuende, nguyên Tổng Cố Vấn Ban Mục Vụ Giới Trẻ Salêdiêng và là người khởi xướng cuốn sổ tay hướng dẫn mới này dành cho các nhà giáo dục về sức khỏe tâm thần của giới trẻ, đã chia sẻ.
 
Những dữ liệu thực tế đặt ra một thách đố cho tất cả các nhà giáo dục: liệu người trẻ có đủ không gian an toàn và phương thế để chia sẻ về những vấn đề này tại trường học, trung tâm giới trẻ, hiệp hội, dự án xã hội và đại học – những nơi diễn ra phần lớn cuộc sống hàng ngày của họ?
 
CUỐN SỔ TAY HƯỚNG DẪN DÀNH CHO CÁC NHÀ GIÁO DỤC này, do Ban Mục Vụ Giới Trẻ biên soạn, phá vỡ sự im lặng xung quanh vấn đề sức khỏe tâm thần. Sổ tay này thách thức sự kỳ thị, đồng thời thúc đẩy nhận thức và hỗ trợ giáo dục thông qua việc:
• Diễn giải các tình huống
• Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo
• Thiết kế các can thiệp
 
Các cơ sở Salêdiêng không chỉ đơn thuần là trung tâm học tập – chúng là nơi để tăng trưởng và xây dựng các mối tương quan. Thông thường, đây cũng là nơi những dấu hiệu đầu tiên của sự khó khăn tâm lý xuất hiện. Theo triết lý giáo dục của Don Bosco, sự phát triển toàn diện của người trẻ – bao gồm cả sức khỏe tâm thần – cũng quan trọng như sức khỏe thể chất của họ. Một nền tảng giáo dục vững chắc nuôi dưỡng các yếu tố bảo vệ chính cho sự an vui: thói quen lành mạnh, mạng lưới xã hội hỗ trợ và khả năng đối phó với những thách đố của cuộc sống.
Đóng góp này của Ban Mục Vụ Giới Trẻ nhấn mạnh sự cần thiết phải ưu tiên sự an vui trong môi trường giáo dục. Trọng tâm được đặt vào bối cảnh – một không gian sống được chia sẻ không chỉ bởi trẻ em và người trẻ mà còn bởi các tu sĩ, nhà giáo dục, nhân viên xã hội, cha mẹ, ông bà và những nhân vật quan trọng khác, những người mang đến kiến thức, giá trị, lời dạy và – quan trọng nhất – là cảm xúc.
Việc thúc đẩy một tầm nhìn toàn cầu và hợp tác giữa những nhân vật chủ chốt này không chỉ giúp xây dựng kiến thức mới mà còn tạo ra những môi trường giáo dục mới, đáp ứng tốt hơn. “Sức khỏe tâm thần không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật, mà là một trạng thái an vui cho phép chúng ta nhận ra tiềm năng của mình, đối mặt với những thách đố của cuộc sống và xây dựng những mối tương quan ý nghĩa. Sức khỏe tâm thần là một tài sản quý giá cần được bảo vệ và nuôi dưỡng. Chúng ta hãy đầu tư vào sự an vui của chính mình và của giới trẻ,” Tiến sĩ Antonella Sinagoga, người đồng sáng tạo và cộng tác viên của dự án, kết luận.
 
Sổ tay hướng dẫn, “Nhận Biết để Đồng Hành về Sức Khỏe Tâm Thần của Người Trẻ: Sổ Tay Hướng Dẫn Dành Cho Các Nhà Giáo Dục,” có sẵn ở cuối trang bằng năm ngôn ngữ: Ý, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
 
Ban truyền Thông SDB Chuyển ngữ
Visited 36 times, 1 visit(s) today