Vậy là một mùa hè nữa đã kết thúc đối với tôi, giờ đây tôi trở lại đất Thủ đô ồn ào, náo nhiệt để tiếp tục công việc học hành của mình. Nếu là một tuần trước, tôi sẽ nghĩ đây là mùa hè thất bại nhất của bản thân từ bé tới giờ, vì hầu hết những niềm hi vọng cho một mùa hè sôi động và nhiều sự kiện thú vị đều xảy ra theo cách tồi tệ nhất của nó. Nhưng sau 4 ngày trải nghiệm hè ở giáo xứ Quảng Nạp, tôi đã có những suy nghĩ khác.
Quảng Nạp, 15h00 Thứ Hai ngày 23/8/2018, không khí thật vắng lặng và yên ả. Đã có một số bạn đến ghi danh nhưng mỗi người đều đứng một góc mà nhìn ra, chẳng ai quen biết ai. Tôi bỗng lo lắng cho chương trình vì không biết rằng làm sao để chúng tôi có thể đoàn kết nếu mỗi người cứ riêng lẻ thế. Rất may đến bữa cơm tối, mọi người đã cởi mở với nhau hơn, tiếng cười nói cũng đã xuất hiện nhiều hơn. Mong rằng trong những ngày tiếp theo chúng tôi sẽ thân nhau hơn.
Ngày 24/8/2018, buổi đầu tiên của khóa học. Sáng Quảng Nạp thật là yên ả và trong lành. Có lẽ rất nhiều người trong số chúng tôi chưa từng được trải qua cảm giác nguyện kinh sáng tại nhà thờ với nhau, thật sốt sắng và an bình. Giáo viên đầu tiên chúng tôi gặp là Sơ Têrêsa Lê Đỗ Quyên, chuyên gia tâm lý. Chất giọng miền Nam của Sơ thực sự là một cái gì đó lạ lẫm và gây hứng thú cho chúng tôi. Qua các bài trắc nghiệm tâm lý, tôi giật mình nhận ra rằng bản thân thật nhiều thiếu sót. Hằng ngày, tôi vẫn mải mê chạy theo cuộc sống xô bồ ngoài xã hội, thức khuya ngủ nướng để làm các việc vô ích như xem phim, lướt facebook, chơi điện tử mà quên mất chăm sóc sức khỏe, trí lực, cảm xúc và đời sống thiêng liêng của chính mình. Thật đáng lo ngại vì nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn thì không biết rằng cái “bánh xe cuộc đời” của tôi liệu có thể lăn một cách trơn tru không khi có sự không đồng đều ở những khía cạnh của bản thân. Có lẽ học viên nào cũng đã lắng đọng tâm hồn lại, suy xét một cách nghiêm túc về việc cân bằng cuộc sống của mình. Sau buổi đầu tiên, chúng tôi đã gần gũi nhau hơn, mọi người đã biết tên của một số thành viên trong khóa. Một tín hiệu tốt!
Chia tay Sơ Đỗ Quyên trong sự luyến tiếc vì thời gian học quá ngắn, chúng tôi gặp diễn giả truyền cảm hứng Nguyễn Thành Quốc, người khiến tôi ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên vì thần thái góc cạnh khá đặc biệt. Ngày học thứ hai bắt đầu. Chúng tôi được chia thành 5 nhóm để thi đua, bắt đầu phải gần gũi và đoàn kết hơn nữa. Thầy lấy được tình cảm của chúng tôi bằng những câu chuyện vui tươi, hóm hỉnh từ chính trải nghiệm trong cuộc sống của thầy. Đội chúng tôi thực sự đã đoàn kết với nhau hơn, các thành viên đã cởi mở chia sẻ về bản thân, về cuộc sống qua các bài tập của thầy. Và tinh thần còn cao hơn nữa khi tất cả cùng đồng thanh hô vang tên và khẩu hiệu của đội: “Tuổi trẻ – truyền cảm hứng”.
Mọi sự cố gắng của chúng ta không bao giờ là vô ích, chỉ là chúng ta đã cố gắng hết sức hay chưa! Cũng như cọng dây thun, nếu chúng ta chỉ kéo nhẹ rồi thả, thì nó sẽ trở lại hình dạng ban đầu, nhưng nếu ta kéo dãn nhiều hơn rồi mới thả thì cọng dây đó sẽ được mở rộng về kích thước. Một hành động tưởng chừng như đơn giản nhưng lại mang một ý nghĩa thật lớn lao.
Nếu chỉ là giới thiệu tên của mình với một người mới gặp lần đầu thì bạn sẽ giới thiệu như thế nào? 20 giây đầu tiên của buổi gặp mặt sẽ quyết định ấn tượng của người khác về ta là tốt hay xấu. Vậy liệu đã có ai từng nghĩ nếu chúng ta giới thiệu tên khéo léo cũng là một cách để ghi điểm trong mắt người khác. Nguyên tắc NN-LL (nhìn, nghe, lặp lại, liên tưởng) là một trong số đó. Chúng tôi được thực hành với chính những học viên xa lạ trong lớp để gần gũi, tự tin và đoàn kết hơn.
Sau 20 giây ngắn ngủi tạo ấn tượng, bạn sẽ làm gì để tiếp tục cuộc trò chuyện? 6 chiến lược giao tiếp sẽ là một công cụ hữu ích để giúp chúng ta tránh những câu chuyện thiếu muối.
Có ai đã từng đếm hoặc ước lượng trong 20 giây mình vỗ tay được bao nhiêu cái chưa ạ? 40, 60 hay 80? Đó đều là những con số mà các học viên trong lớp đưa ra. Thế nhưng tất cả đều quá thấp so với con số trung bình của khảo sát là 150 cái. Và đặc biệt, ngay tại lớp học, bạn Nguyễn Văn Hào đã lập kỷ lục vỗ được 230 cái, phá sâu kỉ lục 1 năm trước đó đã được thiết lập trong Sài Gòn của một học viên là 180 cái. Vậy do đâu mà con số giữa thực tế và suy nghĩ lại lớn như vậy. Đó là do chúng ta chưa từng thử và cũng chưa có phương pháp tốt để làm việc. Thật ý nghĩa phải không nào! Con người thường đánh giá thấp bản thân so với khả năng mà Thiên Chúa ban cho họ. Họ thường sợ vươn tới đỉnh cao vì trên chặng đường đó đầy những chông gai. “ YES, I CAN” hãy động viên bản thân như thế mỗi khi gặp phải khó khăn. Hình ảnh các thành viên trong lớp vỗ vai nhau và nói: “You can and I can” khiến cho tôi thật cảm động và tràn trề năng lượng. “Thân cường, trí lớn, định cuộc đời.” – câu nói tâm đắc của thầy Quốc Nguyễn và chắc chắn cũng sẽ là nguồn động lực trong tôi.
Có chung niềm đam mê đá bóng hoặc bóng rổ là một việc không thể tốt hơn để giúp chúng tôi gắn kết tình thân. Vì khi đó chúng tôi mới thấy được tinh thần đồng đội cần thiết như thế nào. Kết thúc ngày học thứ hai, chúng tôi lắng đọng tâm hồn mình lại bên Chúa, đọc kinh, lần hạt để cám ơn Chúa vì những điều tốt đẹp mà Chúa đã ban tặng và chúc nhau có một giấc ngủ an lành.
Ngày học thứ ba bắt đầu. Ngoài trời hôm nay mưa to, gió lạnh quá! Thế nhưng từ sáng sớm tinh mơ đã có tiếng xe máy chạy. Đó là các anh em trong ban điều hành nhóm sinh viên Công giáo đi chợ chuẩn bị đồ ăn cho các học viên. Đó đều là những con người đã thức đến gần 1 giờ đêm để lên thực đơn và kế hoạch trong ngày tiếp theo. Tôi gọi đó là sự hi sinh thầm lặng, sự hi sinh không cần báo đáp và danh tiếng. Họ chấp nhận thức khuya dậy sớm, chấp nhận được học ít người các thành viên khác để mang lại cho anh em bữa ăn ngon.
Buổi đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy một lớp học lại có nhiều nước mắt rơi đến như vậy. Chính những câu nói đánh động lòng người, những câu chuyện khiến chúng tôi phải nhìn lại bản thân mà thầy Quốc Nguyễn đã vực dậy lòng quyết tâm trong chúng tôi. Tôi cũng đã rơi nước mắt, nước mắt của sự quyết tâm. Tôi nắm chặt tay, dơ lên cao và hô to: “Từ nay tôi sẽ thay đổi bản thân”, “Tôi sẽ làm được”, “Chắc chắn là thế”, “Yes, I can”. Khoảnh khắc cả lớp khoác vai nhau hát vang “Đường tới ngày vinh quang” là khoảnh khắc mà ý chí và lòng quyết tâm của tôi dâng lên cao nhất.
Chiều hôm đó là buổi chiều mà tôi cảm thấy xúc động nhất về tình đồng đội. Vì lí do không quản lý thành viên tốt mà trưởng nhóm và phó nhóm của mỗi đội phải chống đẩy 144 cái, một con số thực sự kinh khủng. Nhưng chính lúc khó khăn đó những thành viên còn lại đã đứng lên xin với thầy chia đều số lần chống ra cho những người còn lại, mỗi người họ đang bị phạt 30 cái. Tôi đã thấy những gương mặt đỏ ửng, những cái thở không ra hơi, những cánh tay quỵ xuống vì kiệt sức, những lời động viên cố lên từ đồng đội. Chúng tôi đã vượt qua và chúng tôi đã ôm nhau, cảm ơn nhau như thể đang giành chiến thắng chứ không phải bị phạt. Chúng tôi là một gia đình!
Một cây cung giương lên sẽ bắn vào đâu? Chắc chắn là vào đích. Các vận động viên điền kinh thi chạy sẽ hướng về đâu? Chắc chắn là cũng sẽ chạy hướng về đích. Mọi thứ đều có mục đích của nó, thế thì tại sao chúng ta lại không đặt mục đích cho công việc của bản thân và vạch ra một con đường để đến được cái đích đó. Khi ngồi vẽ nên con đường đến đích của bản thân, tôi bỗng cảm thấy hoang mang lo lắng vì nó thật sự quá chông gai và trắc trở. Nhưng cũng chính lúc ấy, thầy Quốc lại là người tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi. Bạn biết loài chim đại bàng chứ? Đó là loài chim có thể sống đến 70 tuổi. Thế nhưng để đạt được số tuổi đó, một con chim sẽ phải trải qua một bước ngoặt chọn lựa. Chọn lựa phải đau đớn tự vặt từng sợi lông của mình để mọc ra lớp lông mới hoặc phải chết. Nếu vượt qua được nỗi đau đó, đại bàng sẽ còn mạnh mẽ hơn nhiều so với ban đầu. “Chẳng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”
Tối hôm đó là lễ kính ông Thánh Gio-a-kim và bà Thánh Anna song thân của Đức Maria. Cuối lễ, chúng tôi được trao bằng chứng nhận hoàn thành khóa học. Ngay sau Thánh lễ là chương trình văn nghệ để giúp chúng tôi có thêm những phút giây đáng nhớ. Nhóm chúng tôi được giao nhiệm vụ đóng một vở kịch. Thực sự thời gian mà chúng tôi có để lên kịch bản và tập chỉ vỏn vẹn 1 tiếng đồng hồ. Nhưng bằng sự cố gắng, nỗ lực của từng thành viên, vở kịch đã hoàn thành một cách xuất sắc. Tôi hoàn toàn bất ngờ về khả năng diễn xuất của các thành viên. Sao họ lại có thể làm tốt như vậy, mới 15 phút trước khi tôi đọc kịch bản họ còn ngơ ngác không hiểu gì, hết quên lời thoại lại quên tên nhân vật của chính mình. Tôi đã có những người đồng đội thật tuyệt vời!
Ngày cuối cùng, ngày mà chúng tôi phải thể hiện rằng chúng tôi đã học được những gì, đội chúng tôi đã đoàn kết với nhau ra sao với chương trình team buiding “Chinh phục thử thách”. Chúng tôi đã cùng nhau lăn lê giữa trời mưa, cùng ngồi xích lại với nhau, kiên nhẫn lấy tay múc nước đổ vào chai, cùng đi bán đồ để chuẩn bị cho bữa trưa. Thực sự mà nói nếu không có những người đồng đội, người anh em và lòng quyết tâm thì tôi sẽ không bao giờ có thể vượt qua được các thử thách của chương trình. Khoảnh khắc ý nghĩa nhất đối với tôi có lẽ là khi cả đội phải múc nước truyền tay nhau đổ vào chai. Các chiến lược liên tục được đưa ra nhưng lượng nước lấy được là quá ít vì bị rơi ra ngoài. Nhưng khi chúng tôi ngồi xuống và xích lại gần nhau hơn thì nhanh chóng đã vượt qua được thử thách. Bạn thấy đấy, chỉ là một phần chơi nhỏ thôi mà đã dạy cho chúng tôi hai bài học, một là về tính kiên nhẫn, hai là tinh thần đoàn kết, gắn bó. Trưa hôm đó, chúng tôi được tận hưởng thành quả từ chính số tiền bán đồ lúc sáng với một bữa cơm thịnh soạn.
Và giây phút cảm động, mang lại nhiều nước mắt nhất của khóa học cũng đến. Lửa trại nổi lên bừng sáng tình anh em. Chúng tôi được chơi, được cháy hết mình với những vũ điệu sôi động. Ngay sau đó chúng tôi lại lắng đọng về bên Chúa, dâng Ngài lời cảm tạ ngợi khen: “Con cảm tạ Ngài vì đã dựng nên chúng con, cảm tạ Ngài vì đã cho chúng con nên một, cảm tạ Ngài vì tình thương Ngài thật cao cả…”. Chúng tôi đã khóc, khóc rất nhiều vì ngày mai sẽ không còn được ở bên nhau nữa. Chúng tôi ôm lấy nhau mà òa lên, không muốn rời xa. Chúng tôi trao cho nhau những lời chúc bình an, thành công. Một anh trong sinh viên cũng chạy đến bên tôi mà nức nở rằng: “Em ơi! Chương trình đã thành công rồi! Chúng ta đã làm được rồi!”. Và đó là một đêm khó ngủ đối với tất cả chúng tôi.
Sáng hôm sau chúng tôi ngủ dậy muộn hơn thường ngày. Ai cũng có vẻ mệt mỏi. Ngoài trời mưa rất to, khiến mọi người không thể về như dự kiến được. Tuy thế, cũng chẳng ai mong về sớm làm gì. Mưa ngớt, từng người từng người chào các anh em còn lại để ra về, nét mặt đượm buồn. Tôi và 3 anh nữa về sau cùng, không quên ngoái lại: “Chào Quảng Nạp nhé! Hẹn năm sau gặp lại”.
Hà Nội ngày 29/7/2018. Tôi ngồi đây nhớ lại những người đồng đội, người anh em đã gắn bó với tôi trong suốt 4 ngày học, đã cùng tôi vượt qua khó khăn, vất vả. Nếu ví cuộc đời như một hành trình của tên lửa thì khóa học này như lần tạo lực đẩy ngoài vũ trụ, khi tên lửa đang dần chậm lại, và rơi vào khoảng không bao la để tên lửa có thể đến được đích. Cám ơn Chúa đã mang chúng con đến với nhau và đến nhà Chúa để chúng con được tiếp thêm sức mạnh.
Viết bởi Văn Minh Bùi – SVCG Phát Diệm