Bất cứ ai được yêu mến, thì sẽ đạt được mọi sự, đặc biệt từ các bạn trẻ
DON BOSCO KỂ LẠI
Từ chuyện đẩy xe …
Vào một ngày trời oi ả và ngột ngạt, cha đi bộ đến Tô-ri-nô cùng với cha Rua, người môn đệ trung thành nhất của cha và với một Sa-lê-diêng khác nữa. Đột nhiên, cha phải chứng kiến một cảnh làm cha cảm thấy buồn: một cậu bé khoảng 12 tuổi đang cố gắng kéo lê một chiếc xe chất đầy gạch trên con đường gồ ghề sỏi đá. Cậu bé có lẽ là thợ tập sự đúc gạch, dáng người nhỏ thó và gầy guộc. Vì không sao kéo được chiếc xe nặng vượt quá sức của mình, cậu bật khóc trong sự thất vọng. Cha vội chạy lại giúp cậu bé đáng thương đó. Cậu là một trong nhiều bạn trẻ hiện đang làm việc dưới quyền của những ông chủ vô tâm sống trong thành thành phố Tô-ri-nô, một thành phố đang trên đà phát triển với nhiều tòa nhà được xây dựng rất đẹp. Những ông chủ này chỉ biết dùng đến đòn vọt và những lời mắng nhiếc thậm tệ trong việc quản trị đám trẻ.
Cha thật xúc động khi nhìn thấy những giọt lệ lăn dài trên khuôn mặt của cậu bé. Tiến lại gần cậu với nụ cười trên môi, cha gật gật đầu tỏ dấu thân tình và muốn giúp cậu đẩy chiếc xe nặng đó đến khu vực đang xây cất. Mọi người đứng bên đường chỉ trố mắt nhìn vào ông linh mục mặc áo chùng đen đang làm chuyện đó; còn cậu bé thì hiểu mình chỉ có thể kéo được chiếc xe đến chỗ cần tới, nếu như có ngài ở bên để trợ giúp cậu.
Giữa biết bao sự kiện, cha rất thích nhớ lại sự kiện này, vì cha coi đó là dấu biểu tỏ một tình yêu lớn lao của cha dành cho các bạn trẻ. Tình yêu đâu được đan dệt bằng những lời nói xuông; tình yêu dám chạm đến con tim. Qua điều này, cha chắc chắn một chuyện: con đường dẫn đến trái tim là con đường chinh phục được mọi người, xóa bỏ đi mọi trở ngại và nghi ngờ.
Đến một buổi chiều đáng nhớ
Mỗi khi nghĩ lại buổi chiều ngày 26 tháng giêng năm 1854, cha xúc động như thể sự việc mới xảy ra ngày hôm nay. Sau giờ kinh chiều, cha mời bốn bạn trẻ đến căn phòng chật hẹp của cha. Họ trong độ tuổi từ 16 tới 20 và mới đến sống với cha chỉ một thời gian thôi. Cha đề xuất với họ hãy “thực hành việc bác ái đối với tha nhân”. Cha chưa muốn đòi hỏi họ thêm điều gì khác. Nếu như cha nói thẳng với họ về ý định muốn thành lập một hội dòng, có lẽ cha sẽ không đạt được ý nguyện đó. Vào thời gian đó, nhiều hội dòng nam và nữ đã phải giải tán do chỉ thị của chính quyền. Thế nên, có lẽ tốt hơn chỉ mời gọi họ đến ở với cha để làm việc cho các bạn trẻ khác, theo gương Đức Giê-su, Đấng chỉ nói với những người môn đệ đầu tiên bằng lời mời gọi: “Hãy đến mà xem”. Từ buổi chiều hôm ấy, lần đầu tiên chúng tôi tự gọi mình là “những người Sa-lê-diêng”. Chúng tôi muốn nhìn vào và bắt chước mẫu gương của Thánh Phan-xi-cô Sa-lê, bậc thày về sự nhân từ và đức ái của Tin Mừng. Vào ngày cha chịu chức linh mục cách đây 13 năm, cha đã viết xuống những quyết định, trong đó có điều này: “Tôi sẽ để cho đức ái và sự tốt lành của Thánh Phan-xi-cô Sa-lê điều hướng tôi trong mọi sự”. Buổi chiều hôm ấy, trong thâm tâm cha, Hội Dòng Sa-lê-diêng đã khai sinh; nhưng trên thực tế, 20 năm sau Hội Dòng này mới chính thức được phê chuẩn! Cha mường tượng lại một hành trình dài và gian khổ, một Đường Thánh Giá thực sự. Cha nói thực với các con… quá nhiều gian khổ đến độ nhiều năm sau này, cha phải thú nhận rằng: “Nếu như biết trước việc thành lập một hội dòng sẽ phải trả giá như thế nào, thì có lẽ cha không đủ can đảm để đảm nhận công việc này.”
Một Trái Tim trọn vẹn
“Việc thực hành Đức ái” mà cha đề xuất với nhóm các bạn trẻ ở trên đâu có phải là chuyện trên mây trên gió, nhưng là điều mà cha đã cưu mang từ nhiều năm trước. Nó “ám ảnh” tâm trí cha. Cha muốn thực hiện điều đó cho các bạn trẻ. Sau này, người ta gọi đó là “Đức Ái Mục Vụ”. Hệ thống giáo dục Dự Phòng đâu chỉ là một hệ thống của lòng từ ái, nhưng là chính “lòng từ ái được đưa vào trong một hệ thống”. Không phải cha đã viết được điều này đâu, mà do chính một tu sĩ Sa-lê-diêng khi còn là một cậu bé, thường hay đến với cha để xưng tội trong những năm cuối đời của cha. Cơ bản đó chính là tình yêu của Thiên Chúa được tỏ lộ nơi Đức Giê-su. Cha đã yêu mến các bạn trẻ vì biết rằng Thiên Chúa yêu mến chúng. Cha chẳng bao giờ tỏ ra dửng dưng với bất kỳ ai trong chúng, và cha vẫn luôn tìm tòi học biết được những cách tốt nhất để làm điều tốt cho chúng và đưa chúng đến gần Thiên Chúa hơn. Với kinh nghiệm tích lũy được từ nhiều năm qua, càng lúc cha càng xác tín rằng cha không thể coi một đứa trẻ mãi là như thế, nhưng phải nhìn thấy một con người trưởng thành tương lai nơi bản thân nó. Cha phải làm việc với một cái nhìn về tương lai.
Đó cũng chính là lý do tại sao cha thường sẵn lòng hy sinh để vươn đạt tới những lý tưởng cao đẹp và cao quý này. Cha chẳng bao giờ hài lòng với những gì mình đã đạt được, nhưng vẫn luôn tìm cách làm những điều tốt nhất cho mọi người. Cha cũng tin tưởng vững chắc vào những tiềm năng của chúng. Niềm hy vọng vẫn luôn trợ giúp cha. Chính vì thế, cha thường khích lệ các cộng sự viên của cha với những lời này: “Có lẽ một số người trong các con nghĩ rằng những hy sinh lao nhọc, vất vả của các con đã bị cuốn trôi theo chiều gió. Hiện nay thì có lẽ điều đó đúng, nhưng sẽ không đúng mãi đâu, ngay cả đối với những bạn trẻ ương ngạnh nhất. Những hành vi nhân ái mà các con thể hiện cho chúng sẽ mãi in đậm dấu nơi tâm trí và cõi lòng của chúng. Rồi tới lúc khi hạt giống tốt nảy mầm, nó sẽ sinh hoa kết trái.”
Trong những năm cuối đời, cha cảm thấy thật an ủi khi nhìn thấy mình đã gầy dựng được một “đoàn ngũ”những người Sa-lê-diêng. Mỗi người tuy khác nhau về nhiều mặt, nhưng lại liên kết với nhau trong cùng một đam mê giáo dục. Chẳng hạn như một Cagliero luôn bừng cháy lửa nhiệt thành, một Rua luôn trung thành tuyệt đối, một Francesia thật nồng ấm, một Alasonatti luôn bình thản, một Bonetti dũng mãnh, một thiên tài tri thức như Cerruti… rồi nhiều năm trước đó, có Micaen Magone, Phan-xi-cô Besucco, và đặc biệt bạn trẻ Đaminh Savio, đã cùng bước đi trên hành trình thánh thiện của tuổi trẻ. Các bạn trẻ vây quanh cha và tỏ ra không e ngại khi muốn dấn thân trên con đường thánh thiện ki-tô hữu, sống tình yêu, sự chân thực, sự bình thản và niềm vui mang tính lây lan, luôn mỉm cười và yêu đời.
Một lối giáo dục quan tâm tới từng cá nhân
Dẫu cha làm việc với nhiều bạn trẻ, nhưng những lời dạy dỗ chỉ bảo của cha chẳng bao giờ mang tính chung chung đâu, vì cha luôn chú tâm tới từng bạn trẻ. Cha thường mang theo mình một cuốn sổ tay nhỏ, trong đó ghi chú từng em: tính khí, lối sống của em đó. Một số em chưa sống vui tươi, nhưng một số khác lại tỏ cho thấy có sự khôn ngoan chín chắn. Cha cũng ghi chú sự tiến bộ trong học hành và hạnh kiểm của từng em. Cha dùng cuốn sổ tay này như một người bạn đồng hành khi muốn biết về từng bạn trẻ. Cha cũng áp dụng phương pháp này để hướng dẫn những ai phụ trách việc dạy giáo lý. Mỗi giáo lý viên cần có một Cuốn Sổ Tay Kinh Nghiệm, trong đó ghi lại những vấn đề, những lỗi phạm xảy ra tại trường, ngoài sân chơi hay bất cứ nơi đâu. Cha khuyên họ đọc đi đọc lại những nhận xét đã ghi xuống và đánh giá những kết quả đạt được. Điều này nên làm thường xuyên để cho thấy sự lưu tâm và sự hiện diện thường xuyên của mình với các bạn trẻ. Chính vì thế trong tập sách mỏng bàn về Hệ Thống Giáo dục Dự Phòng, cha đã định nghĩa một nhà giáo dục như “một người toàn tâm lo cho các học sinh của mình, sẵn sàng khắc phục và xử lý mọi vấn đề. Dồn mọi nỗ lực để đạt tới mục tiêu là giúp các học sinh thấm nhuần một nền giáo dục xã hội và luân lý tốt.”
Cha mong muốn nhà giáo dục đóng vai một người “hỗ trợ”, một người luôn “hiện diện bên cạnh” các bạn trẻ, một người biết tất cả mọi học sinh đồng thời được từng em nhận biết. Chỉ khi trở nên giống vị Mục tử Nhân Lành, nhà giáo dục mới biết được mọi con chiên trong đoàn, và mỗi con chiên cũng nhận biết người ấy.