Ngày xưa, ở Trung Hoa, có một vị hoàng đế muốn tìm thuốc trường sinh bất tử. Phù Tang được liệt vào loại cây ấy. Tìm hiểu thêm thì được biết Phù Tang trong thần thoại Trung Quốc là một loại cây thần mọc ở phương Đông hướng mặt trời mọc. Chính vì vậy mà vị vua nay ra sức tìm kiếm và cho rằng ở hòn đảo tít ngoài khơi xa nơi biển Đông kia có loại cây thần ấy. Vị vua có tìm thấy được loại cây ấy hay không thì không rõ, chỉ biết một điều rằng từ đấy, trên bản đồ hành chính của Trung Quốc, Nhật Bản được ghi chú với cái tên Phù Tang.
Bản thân người Nhật không công nhận Phù Tang là tên nước họ. Có rất nhiều tranh cãi của các nhà sử học bên Đông Tây như các nước Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản, và cuối cùng năm 1980, các nhà sử học Nhật mới chính thức công nhận cái tên này.
Theo Bách Khoa Toàn Thư mở (Wikipedia), sở dĩ người ta gọi Nhật Bản là đất nước Phù Tang là vì theo truyền thuyết cổ phương Đông, có cây dâu rỗng lòng gọi là Phù Tang hay Khổng Tang, là nơi thần Mặt Trời nghỉ ngơi trước khi cưỡi xe lửa du hành ngang qua bầu trời từ Đông sang Tây, do đó Phù Tang hàm nghĩa văn chương chỉ nơi Mặt Trời mọc. Theo chữ Hán hai chữ “Nhật Bản” có nghĩa là “gốc của Mặt Trời” và như thế, được hiểu là “Đất nước Mặt Trời mọc”.
Nghĩ đến đất nước Phù Tang, tôi liên tưởng đến ngọn núi Phú Sĩ (Fuji) hùng vĩ quanh năm tuyết phủ và là nơi các thần thánh tề tựu; những rặng đào dài hun hút, đường phố không một cọng rác; những bộ đồ Kimono làm cho các thiếu nữ đẹp như những cô tiên trong chuyện thần thoại; rồi các chàng samurai, tinh thần võ sĩ đạo và nghi thức mổ bụng Harakiri để bày tỏ sự dũng cảm, bảo vệ danh dự.
Và tôi đã có may mắn đến vùng đất thần thoại này, không để đọc một câu chuyện cổ tích, hay học hỏi tinh thần nhân văn và nền giáo dục tuyệt vời của họ, nhưng là để phục vụ giới trẻ và đem họ đến với Chúa Ki-tô. Một công việc không dễ dàng đối với một đất nước có nền tâm linh Thần đạo lâu đời này.
Đôi nét về Nhật Bản
Nhật Bản thuộc vùng ôn đới, có 4 mùa rõ rệt. Nước Nhật có 4 đảo lớn theo thứ tự từ Bắc xuống Nam là: Hokkaido, Honshu, Shikoku và Kyushu cùng hàng ngàn đảo nhỏ chung quanh. Phần lớn đảo ở Nhật Bản có rất nhiều núi và núi lửa, tiêu biểu như núi Phú Sĩ, cao nhất ở Nhật Bản. Nhật Bản là quốc gia có dân số lớn thứ mười thế giới với ước tính khoảng 128 triệu người. Vùng thủ đô Tokyo bao gồm thủ đô Tokyo và một vài tỉnh xung quanh là vùng đô thị lớn nhất thế giới với khoảng 30 triệu người sinh sống.
Tuy được đánh giá là cường quốc kinh tế, nhưng trong những năm gần đây, nền kinh tế Nhật Bản có phần suy thoái. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân Chủ Tự Do, nền kinh tế Nhật đang dần được phục hồi,và có thể nói cho đến nay, Nhật Bản vẫn là một trong những cường quốc phát triển mạnh mẽ về lãnh vực kinh tế.
Về phương diện văn hóa, tôn giáo Nhật bản rất phong phú và đa dạng, cho nên một người dân có thể cùng lúc tham gia hai hoặc ba tổ chức tôn giáo. Thần đạo (Shinto) được coi là quốc giáo, vì đại đa số dân chúng Nhật đều theo đạo này. Thần đạo là một tôn giáo đa thần; họ thờ tất cả các hiện tượng trong thiên nhiên, như núi non, sông ngòi, cây cối, đất đá, các vị anh hùng… Đạo Phật cũng phát triển mạnh tại Nhật, với khoảng 75.000 ngôi chùa và 200.000 nhà sư. Tuy nhiên, khi du nhập vào Nhật Bản, đạo Phật có những thích nghi để phù hợp với văn hóa bản địa. Ngoài ra còn một số tôn giáo khác chiếm vị trí thiểu số, trong đó có đạo Công giáo. Theo thông kê năm 2011, số tín hữu Công Giáo tại Nhật Bản là 447,944 người, chiếm 0,4% dân số.
Giáo Hội tại Nhật Bản
Năm 1549 thánh Phanxico Xavie đã đặt chân đến Nhật Bản truyền đạo và ngài đã thâu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp trong việc truyền giáo. Tuy nhiên, Giáo Hội Nhật đã bị bách hại, bắt bớ và đàn áp. Với đức tin kiên cường, Giáo hội Nhật đã có nhiều thánh Tử Đạo đổ máu đào minh chứng lòng tin của mình. Tấm gương sáng đó cùng với đức tin trung kiên đã khiến cho đức tin Kitô giáo vẫn duy trì từ đời nọ qua đời kia, cho dù trong suốt 200 năm bế quan tỏa cảng, không một giáo sĩ ngoại quốc nào được hiện diện tại Nhật. Khi các vị truyền giáo được phép trở lại Nhật bản thì những hạt giống đức tin ấy như được tưới gội dòng nước mát để tiếp tục lớn lên và sinh hoa kết trái.
Trong thế giới khoa học phát triển như hiện nay, Nhật bản không đi ra khỏi cơn khủng hoảng mà Giáo hội tại các nước văn minh tây phương phải đối đầu, đó là tình trạng già nua của Giáo Hội, khan hiếm ơn gọi. Bạn hãy hình dung, cả đất nước Nhật chỉ có một Đại Chủng viện với hai cơ sở đào luyện ơn gọi Giáo sĩ.
Giới trẻ đến với thánh lễ và các nghi thức tôn giáo ngày càng thưa thớt. Chính vì vậy công cuộc Truyền giáo Salêdiêng tại Nhật Bản gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta luôn tin tưởng Chúa Quan Phòng đã dự liệu cho kế hoạch của Người.
Công cuộc Salêdiêng tại Nhật Bản
Hiện nay Tỉnh dòng Salêdiêng Nhật Bản có 112 hội viên và 2 tập sinh, thuộc 14 Cộng đoàn và một vài Điểm Hiện diện. Hoạt động tông đồ của Tỉnh dòng tập trung nhiều vào giáo dục với một số nhà trẻ, bốn trường phổ thông từ cấp 1 đến cấp 3 và một trường dạy nghề.
Việc đào luyện ơn gọi ở đây cũng khá phức tạp so với Việt Nam và một số quốc gia khác. Để đáp ứng trình độ tri thức của xã hội Nhật bản hiện nay, tất cả hội viên đều phải đi học Triết Học và Thần Học tại các Đại Học quốc gia, để có văn bằng chính thức phục vụ trong các trường hoặc những cơ sở Phúc Lợi của Tỉnh dòng. Sau khi tốt nghiệp đại học, các hội viên làm việc tại các trường phổ thông và trường nghề của Tỉnh dòng. Đây cũng là môi trường để các tu sĩ Salêdiêng có cơ hội tiếp xúc với các thanh thiếu niên và giới thiệu Tin mừng của Chúa Ki-tô cho các em.
Trong cánh đồng truyền giáo bao la rộng lớn của xứ sở Thần đạo và những thách đố trình bày ơn cứu độ cho những người trẻ được trang bị một nền kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến thì quả thực không ít khó khăn cho những nhà truyền giáo. Tuy thế, trong tâm hồn của từng người trẻ vẫn có đó những hạt mầm Tin mừng, dù dưới dạng hình thức tâm linh nào. Điều cần nơi các nhà truyền giáo là có khả năng biểu tỏ được nét đẹp của sự thánh thiện. Dù ở đâu và bất cứ môi trường nào, một khi cung đàn Chân-Thiện-Mỹ được rung lên thì người ta đều có thể gặp gỡ được Thiên Chúa là Đấng dựng nên họ.
Khắc Điệp, SDB