“Hãy trao ban những gì mình đã lãnh nhận”, cha Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB, cựu Giám tỉnh Dòng Don Bosco Việt Nam đã nhắn nhủ như thế với các Cựu học viên Don Bosco Gò Vấp khoá 1967, nhân kỷ niệm 50 nhập trường. Buổi họp mặt với chủ đề: “Tri ân cha, thầy” diễn ra vào sáng Chúa nhật 02.07.2017 tại cộng thể Ba Thôn, Hóc Môn.
Từ 08 giờ 00 sáng, bộ phận tiếp tân đã có mặt để đón tiếp các cựu học viên cùng gia đình đến tham dự, phát áo thun và mời vào phòng đón tiếp. Nơi đây, anh em đã có dịp hàn huyên tâm sự, ôn lại chuyện ngày xưa, xem lại những tấm hình chứa đựng bao kỷ niệm thời niên thiếu của mình, khởi đi từ ngày nhập trường năm 1967.
Họp mặt với chủ đề: “Tri ân cha, thầy”
Đến 10g00, quý cha, quý thầy và mọi người đã tham dự buổi họp mặt kỷ niệm 50 năm nhập trường Trung học Kỹ thuật Don Bosco Gò Vấp (1967-2017) với chủ đề: “Tri ân cha thầy”.
Sau lời phát biểu của anh đại diện, những bó hoa tươi thắm đã được anh em kính tặng quý cha, quý thầy để tỏ lòng tri ân của mình, bởi sau những năm tháng thời niên thiếu được hưởng sự giáo dục của các ngài, anh em đã trưởng thành và thực hiện nhiều việc hữu ích cho Giáo hội và xã hội.
Nối tiếp là phần giới thiệu của các mái ấm, nhà mở… mà anh em CHV đang thực hiện.
Gia đình Tình thương Tê-Phan
Gia đình Tình thương Tê-Phan do anh Piô X Hoàng Văn Bình thành lập vào ngày 10.7.1985. Sau khi rời mái trường Don Bosco, thấy những em thiếu nhi bị bệnh bại não, nghèo khổ… anh đã dấn thân chăm sóc, xoay sở kinh phí để chăm lo cho các em. Đến năm 1985, khi số lượng các cháu đông, cùng với quý ân nhân, anh đã thành lập Gia đình Tình thương Tê-Phan theo mô hình gia đình để nuôi dưỡng, giáo dục và đào tạo; tập vật lý trị liệu cho trên 50 em khuyết tật, mồ côi và chăm sóc 10 cụ già neo đơn, không nơi nương tựa.
Mái ấm Thiên Ân
Năm 1991, vào một buổi chiều, trên đường đi làm về, một tai nạn giao thông đã cướp đi đôi mắt sáng và cả khứu giác của Anh Nguyễn Quốc Phong. Anh trở thành người “mù – tịt” (mù mắt và tịt mũi) ở cái tuổi 33. Dẫu vậy, với ý chí và nghị lực, anh dần thích nghi với cuộc sống và cách làm việc trong bóng tối, tìm học chữ braille (dạng chữ nổi dành cho người mù).
Từ đó, anh có ý tưởng thành lập một “Mái ấm” bắt nguồn từ sự đồng cảm của anh với những trẻ em khiếm thị đang phải vật lộn với cuộc sống. Với tinh thần của Cha Thánh Don Bosco, anh đã tạo cơ hội cho trẻ khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nền giáo dục toàn diện và phù hợp, giúp trẻ phát triển hết tiềm năng, có được kiến thức và kỹ năng cần thiết để vươn lên, vui sống tự lập và hòa nhập xã hội.
Cho đến nay, hằng trăm em học sinh nội trú, là các em khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng nông thôn, đã “ra riêng” tự lập với nghề nghiệp ổn định.
Nhóm tông đồ bác ái Micae
Sau nhiều năm cộng tác với cha Micae Trần Đình Cường Phùng, SDB, đi xin thuốc men, khám chữa bệnh cho người nghèo ở Bình Sơn, Long Thành, nhóm “Công tác Tông đồ Thiếu nhi Micae” đã được hình thành vào ngày 01.10.2003, là ngày cha Micae về hưởng Nhan Thánh Chúa. Trưởng nhóm đầu tiên là anh Vincenté Nguyễn Duy Nha với mục đích “Tự nguyện phục vụ và đem niềm vui đến cho các em thiếu nhi nghèo và bị bỏ rơi”.
Hiện nay, với sự đảm trách của anh Lê Hoài Nhân, nhóm tiếp tục thực hiện các chuyến công tác giúp các em dân tộc ở vùng sâu, vùng xa nơi các nữ tu đang chăm sóc ở Bình Phước, Lagi…
Nhóm bác ái SDB
Anh Phêrô Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng nhóm bác ái SDB, cho biết: “Do bạo bệnh mắt anh gần như bị mù. Sau bốn lần mổ với kinh phí rất lớn, mắt anh đã sáng trở lại, từ đó anh cảm nhận được nỗi khổ của người nghèo khi bị bệnh, và anh đã nghĩ đến việc thành lập nhóm, nhằm vận động tiền giúp người nghèo có điều kiện khám chữa bệnh vào dịp Noen và Tết. Đến nay, với sự đóng góp của nhiều anh em, quý ân nhân trong và ngoài nước, số lượng người được giúp đỡ đã gia tăng đáng kể.
Tổng kết, cha Vinh Sơn F. Vũ Ngọc Đồng, SDB, Giám đốc Caritas Việt Nam, chia sẻ: “Với nhiệm vụ hiện nay, tôi cảm thấy rất vui và hãnh diện vì anh em cựu học viên Don Bosco Việt Nam (CHV) sau khi ra trường, đã trở thành những nhân tố tích cực trong việc giáo dục tại giáo xứ, thực thi bác ái xã hội, tự thân thành lập các nhà mở, mái ấm để chăm lo cho người bệnh tật, nghèo khổ và neo đơn… góp phần xây dựng Giáo hội và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn”.
Thánh lễ tạ ơn
Sau giây phút giải lao, anh em đã hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn tại nhà thờ Ba Thôn do cha Gioan Nguyễn Văn Ty chủ tế. Đồng tế với ngài có quý cha Bề trên và quý cha đồng khoá.
Chia sẻ lời Chúa, sau khi ôn lại quá trình hình thành và phát triển dòng Don Bosco tại Việt Nam, cha Gioan nhắn nhủ: “Thánh Don Bosco và nhiều cha thầy dòng Don Bosco tại Việt Nam cũng xuất thân trong hoàn cảnh bị mồ côi, vì thế các ngài rất đồng cảm và chuyên chăm lo cho thanh thiếu niên nghèo, mồ côi. Nhờ đó, anh em đã đón nhận được hồng ân lớn lao của Thiên Chúa, là lớn lên và trưởng thành trong môi trường giáo dục, học tập tại trường Don Bosco với phương pháp giáo dục dự phòng. Vì thế, anh em hãy tiếp tục trao ban những gì mình đã đón nhận cho người khác, để nền giáo dục của Thánh Don Bosco được tiếp tục lưu truyền đến các thế hệ mai sau”.
Thánh lễ kết thúc lúc 12g00 cùng ngày. Sau khi chụp hình lưu niệm, mọi người tham dự bữa cơm thân mật tại khuôn viên cộng thể Ba Thôn, và thưởng thức những tiết mục văn nghệ do các em thuộc Ban kèn đồng thuộc cộng thể Đức Huy, những em mồ côi, khiếm thị, khuyết tật từ các mái ấm trình diễn.
Sau bữa cơm, mọi người lưu luyến chia tay cha, thầy và anh em với quyết tâm sẽ tiếp tục “Trao ban những gì mình đã lãnh nhận”.
Bài & Ảnh: Văn Chiến, CHV