CỬA SỔ TÂM HỒN

Hơn năm mươi năm trước, khi chúng tôi vừa mới kết thúc Đại học Sư Phạm và ra trường, Nha Trung Học tổ chức một buổi lễ đơn sơ và thân mật để trao lệnh bổ nhiệm và giấy đi đường cho các tân giáo sư trung học.

Khi đưa tập hồ sơ cho tôi, thầy Đàm Xuân Thiều, giám đốc Nha Trung học ân cần nói với tôi:

– Anh được chúng tôi bổ về trường Trung học Long Khánh. Có lẽ anh cũng biết tỉnh Long Khánh là tỉnh mới được thành lập trên phần đất của quận Xuân Lộc, tỉnh Biên Hòa. Trường Trung học tại đó mới mở, chưa có nề nếp như các trường Trung học khác ở các đô thị lớn. Anh hãy vui lòng nhận lệnh bổ nhiệm của Nha Trung học về đó, cố gắng giúp anh hiệu trưởng chỉnh đốn để trường Long Khánh trở nên một nhà trường tốt.

Tôi cám ơn thầy Thiều, nhận hồ sơ và sáng hôm sau đi trình diện nhiệm sở.

Trường Trung học Long Khánh rất tồi tàn với hai dãy nhà trệt, vách tường đỏ lòm vì dính đầy bùn đất ba-zan. Gọi là tỉnh lỵ nhưng thị xã Long Khánh nhỏ bé, dơ dáy lọt thỏm giữa khu rừng cao su mênh mông. Học trò, một số ít là con các công chức tại tỉnh, số còn lại đều là con của những gia đình nghèo nàn lam lũ ở xa tỉnh thành.

Trường vừa khai giảng niên khóa mới, nên trình diện hiệu trưởng xong hôm sau, tôi bắt đầu lên lớp. Học trò Trung học Long Khánh không giỏi lắm nhưng rất đáng yêu vì tính tình hiền lành mộc mạc. Do ở miền quê, nhiều em lớn tuổi vẫn còn đi học.

Hôm đó, tôi có giờ dạy ở lớp lớp chín. Mới đầu giờ học, tôi để ý thấy hai nam sinh ở cuối lớp có cử chỉ hơi khác thường. Tôi ngưng giảng bài nhìn xuống thì thấy hai em có vẻ giật mình, cúi gằm xuống nhìn tập vở với cặp mắt pha đôi chút “gian xảo”.

Tôi nói lớn:

– Trò Chí, trò Đa đứng dậy, đem cuốn “Play-boy” lên đây.

Play-boy là tạp chí có hình tục tĩu, rất hấp dẫn, đang phổ biến tại Sài Gòn.

Hai đứa hoảng hốt đứng sậy, mặt tái nhợt. Tôi lại hét to:

– Mang tập Play-boy lên đây.

Hai đứa rón rén cầm cuốn tạp chí đi lên. Tôi ghi vội vào mảnh giấy nhỏ: “Đề nghị phòng giám thị tịch thu tập Play-boy, bắt hai trò quỳ cho hết giờ học”.

Tôi gọi em Thành, trưởng lớp, cầm tập Play-boy cùng mảnh giấy, dẫn hai học sinh “phạm tội” lên phòng giám thị. Sau đó tôi tiếp tục dạy như bình thường.

Đến giờ chơi, tôi đang ngồi uống nước trong phòng giáo sư thì thấy em Thành, trưởng lớp, cùng hai em Chí và Đa đứng lấp ló ngoài cửa. Tôi vội đẩy ghế đứng dậy bước ra hành lang. Em Thành nói với tôi:

– Thưa thầy, hai đứa bị phạt xong, Cô giám thị bảo em dẫn hai đứa về xin lỗi thầy.

Chí nói lí nhí trong miệng, giọng như muốn khóc:

– Thưa thầy, chúng con không dám nữa, xin thầy tha cho chúng con.

Nhìn thấy mắt nó rơm rớm, tôi thực sự cảm động. Tôi bỗng thấy hối hận vì đã đề nghị hình phạt quá nặng cho hai em. Nhưng dạo đó, tôi mới ra trường, chưa có kinh nghiệm nên chưa nghĩ được cách trừng phạt nào khác với nhục hình nói trên. Tôi vỗ vai các em và bảo về lớp.

Chí và Đa quay lại bước đi nhưng em trưởng lớp vẫn ở lại. Tôi biết em có điều gì muốn nói nên tôi cũng không vội trở vào phòng giáo sư. Tôi nghe em Thành hỏi nho nhỏ:

– Thưa thầy, em không hiểu tại sao khi nãy thầy biết hai bạn đó xem tạp chí Play-boy trong khi chúng nó giấu thầy, để trên đùi mà xem.

Tôi mỉm cười:

– Tôi nhìn vào cặp mắt hai em đó thì biết.

Thành ngạc nhiên:

– Tại sao vậy, em không hiểu.

Tôi vỗ vai Thành:

– Có khi nào em nghe nói: “Mắt là cửa sổ của tâm hồn không”? Theo tôi, đúng là như vậy. Với người lớn, trong đa số trường hợp, họ có thể che giấu tâm hồn họ, có nghĩa là hai mắt vẫn mở nhưng hai cửa sổ đã khép lại, mình không nhìn thấy được tâm hồn của họ. Tuy nhiên, với trẻ em thì hai cánh cửa sổ đó luôn luôn mở rộng để người ngoài, nếu tinh ý, sẽ nhìn thấy được những gì đang xảy ra trong tâm hồn của các em. Vì vậy, khi nãy nhìn đôi mắt của Chí vá Đa, tôi biết ngay hai em đó đang nghĩ gì.

– Nhưng tại sao thầy khẳng định hai đứa nó đang xem Play-boy mà không phải xem thứ gì khác?

– Cách đây ba hôm, tôi có nghe cô giám thị Quý bảo rằng vừa bước xuống xe đò, cô gặp ngay một thằng lưu manh đang ôm một xấp Play-boy rao bán. Nhiều người, đa số là trẻ em xúm lại xem, trong đó có cả học sinh trường mình. Cô Quý bảo tôi nên chú ý việc nầy.

Đến đây câu chuyện chấm dứt vì trống vào lớp đánh vang lên.

Trong những ngày tiếp theo, Thành không còn nhắc đến câu chuyện “mắt là cửa sổ của tâm hồn” nữa, nhưng với tôi thì ý nghĩ nầy cứ lởn vởn trong đầu khá lâu. Tôi nhớ lại trong lớp sư phạm, có lần thầy Robin đã nói với chúng tôi: “Đối với học sinh, người làm công tác giáo dục có hai nhiệm vụ, một là trang bị kiến thức cho các em lớn lên thành người hữu dụng cho xã hội, hai là bồi dưỡng tâm hồn để khi lớn lên các em thành người lương thiện”.

Theo tôi, nhiệm vụ thứ nhất thì dễ hoàn thành vì đã sẵn có kiến thức trong sách giao khoa do bộ Giáo dục ấn hành và người thầy có thể đo được mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình qua các kỳ kiểm tra trình độ học sinh trong lớp. Nhiệm vụ thứ hai khó khăn hơn nhiều vì nhìn được tâm hồn các em qua hai cánh cửa sổ là đôi mắt thì không dễ dàng chút nào. Tuy nhiên, nếu làm được điều nầy thì nhà giáo cảm được niềm vui thực to lớn.

Đặc biệt là trong những năm tháng tôi mới bước vào nghề, chiến tranh đang phủ màn đen tang tóc lên quê hương, hằng ngày bước vào lớp để được nhìn xuyên qua hai khung cửa sổ, tâm hồn trong sáng của các em thì đó là điều vui thích tuyệt vời của người thầy giáo.

Nghề dạy học không đem đến cho tôi một đời sống sung túc nhưng đã đem đến cho tôi nguồn vui đậm đà. Vì vậy, cho đến ngày nay, lúc đã đến tuổi gần đất xa trời, trong thâm tâm, tôi vẫn còn yêu cái nghề mà tôi đã chọn lựa trong thời hoa niên của mình.

Kỷ niệm xa xưa của Võ Phá

Visited 15 times, 1 visit(s) today