Cộng tác viên Trung tâm Mẹ Phù hộ Đà Lạt học hỏi về Sứ mệnh Truyền giáo Salêdiêng

Tối thứ Tư, ngày 18 tháng 9 năm 2018, tại Học viện Don Rua Đà Lạt, cha Phêrô Ngô Bá Công, Cố vấn Truyền giáo của Tỉnh Dòng đã có buổi nói chuyện và chia sẻ với các Cộng tác viên Trung tâm Mẹ Phù Hộ Đà Lạt về Sứ mệnh và Công cuộc Truyền giáo, tham dự có 14 anh chị em Cộng tác viên.

Trước hết, cha giới thiệu về quyển sách “Lời Loan báo đầu tiên & Sứ mệnh Salêdiêng hôm nay”, đồng thời gửi đến mỗi người 1 cuốn, là quà tặng của Ban Truyền giáo Tỉnh dòng gửi đến các Cộng tác viên tham dự. Một quyển sách được viết nguyên văn bằng tiếng Ý, là kết quả của các Bề trên đã dày công suy tư, trao đổi suốt 5 năm, từ 2010 đến 2015, sách đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt, và được trình bày qua 7 chương.

Cha chia sẻ rằng quyển sách này nhắm đến điều rao giảng: Chúa phải được sống mãi, phải được loan truyền. Nếu Giáo hội, Tu hội Salêdiêng, các thành phần trong gia đình Salêdiêng không nhắm đến những điều này thì Giáo hội, Tu hội Salêdiêng, các thành phần trong gia đình Salêdiêng không là chính họ nữa, vì bản chất Giáo hội chính là Truyền giáo. “Lời Loan báo đầu tiên & Sứ mệnh Salêdiêng hôm nay” là chìa khóa, là những điều đang hoạt động và ăn sâu vào đời sống của chúng ta mà đôi khi chúng ta không nhận biết.

Lời Loan báo đầu tiên là một trải nghiệm thật với Chúa Giêsu. Tiêu biểu là người mù Bartimê, người phụ nữ Samari, ông Nicôđêmô hay ông Giakêu đều trình bày một trải nghiệm cá biệt về Lời Loan Báo Đầu Tiên. Bất kỳ ai là một Kitô hữu, hơn nữa chúng ta là người Salêdiêng, chúng ta tham dự Thánh lễ, tham dự những giờ chia sẻ của Nhóm và của Hội là chúng ta cũng đang trải nghiệm với Chúa Giêsu, chúng ta đang mang trong mình Sứ mệnh của Giáo hội, Sứ mệnh Salêdiêng.

Nhìn lại chặng đường truyền giáo của Don Bosco, nhất là những ngày tháng đầy ắp trải nghiệm tại điểm Truyền giáo K’Rông Nô, cha Công nói: “Thực tế ngày nay, thành phố mới là nơi thực sự cần được truyền giáo”. Cha minh chứng cụ thể, trong 3 năm cuối sống không công khai tại K’Rông Nô, đã có 1000 người dân tộc rửa tội, với rất nhiều những thừa tác viên người dân tộc nhiệt thành, hiện nay trong các buôn làng hầu hết là người đã có đạo. Còn tại các thành phố tỉ lệ người có đạo chiếm một phần rất nhỏ, Đà Lạt cũng không nằm ngoài nhận định đó. Cha nói, Truyền giáo (truyền đạo) không chỉ là nhiệm vụ của các linh mục, tu sỹ, mà còn là sứ mạng của cả Giáo hội và là của các thành phần Salêdiêng. Chúng ta là con cái của Giáo hội, chúng ta phải yêu mến Giáo hội. Nếu một lúc nào đó, chúng ta thấy Giáo hội bị thiệt thòi hay gặp phải một điều gì, chúng ta phải cảm thấy đau lòng, trăn trở. Chúng ta phải hoạt động mạnh mẽ để cùng đẩy mạnh Giáo hội được phát triển.

Ngoài ra, cha cũng gợi ý, nếu chúng ta có những câu chuyện về sự trải nghiệm và sự biến đổi từ Chúa Giêsu, hãy chia sẻ với anh chị em trong những buổi sinh hoạt, hoặc viết ra và gửi đến điều phối trung tâm, điều phối sẽ chuyển đến Văn phòng Truyền giáo Tỉnh dòng.

Lời Loan báo đầu tiên & Sứ mệnh Salêdiêng hôm nay” là cẩm nang, là chìa khóa để chúng ta mở ra điều rao giảng để cùng nhau suy niệm, trăn trở và đóng góp. Chúng hãy đặt mình trước Chúa để nhận ra:

  • Những cảm nghiệm riêng tư với Chúa?
  • Đối với những người chúng ta gặp gỡ, đặc biệt là thanh thiếu niên, chúng ta có giúp họ nhận biết họ thuộc về Chúa?
  • Những biến cố nào đã diễn ra trong quá trình chúng ta đồng hành với các thanh thiếu niên?
  • Chúng ta có thường cầu nguyện sốt sắng cho những người đang thiếu đức tin và những người chúng ta tiếp xúc?

Đây là những câu hỏi cha chia sẻ để các Cộng tác viên chúng ta cùng nhau trả lời. Cha kết thúc buổi chia sẻ bằng việc hát “Kinh Lạy Cha” hết sức sốt sắng cùng các Cộng tác viên. Cha cầu nguyện cho Cộng tác viên chúng ta có một ngọn lửa yêu mến Giáo hội, ngọn lửa Chúa Thánh Thần để chúng ta làm việc cho Giáo hội.

Bài viết và ảnh: Thùy Linh – Thanh Bảo

Visited 3 times, 1 visit(s) today