Từ lâu, câu chuyện cậu bé mũi dài vui nhộn đã luôn làm say lòng các độc giả, vì nét ngộ nghĩnh đáng yêu. Câu chuyện không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà cho mọi người. Đọc chuyện con rối Bu-ra-ti-nô, mỗi người đều có thể bắt gặp một chút ‘con rối ranh mãnh’ nào đó nơi mình. Và hành trình làm người của Buratino phần nào đó giống mỗi người chúng ta.
Hành trình ấy khởi đầu thế nào?
Thầy giáo Chi-li-ê-gia tình cờ nhặt được một khúc gỗ biết cười nói trôi dạt từ bờ biển Địa Trung Hải. Thầy giáo đem tặng khúc gỗ này cho ông bạn thợ mộc tài hoa Giep-pét-tô với hy vọng ông này sẽ hoàn thành một kiệt tác. Và thực sự, với tài nghệ, ông Giep-pét-tô đã nên làm một con rối kỳ diệu: nó biết chạy, nói, cười, nhảy muá như người thật. Ông đặt tên nó là Bu-ra-ti-nô – thằng người gỗ.
Vốn tinh nghịch, ngay hôm sau Bu-ra-ti-nô trốn nhà đi chơi, và đây là lần rời nhà đầu tiên. Do thói nghịch ngợm vô tâm, nó bị bắt cảnh sát bắt rồi lại được thả ra. Vậy ai thay thế nó trong tù? Chính là bố Giep-pét-tô là người bảo trợ cho nó. Ở nhà một mình, Bu-ra-ti-nô gặp con ‘Dế mèn biết nói’ đã cư ngụ ở căn nhà này hơn một trăm năm. Bức xúc, con Dế mèn giảng giải cho nó nghe nhiều điều chí lý về lẽ sống, về ứng xử. Như những thiếu niên hư hỏng, con rối gạt phắt đi và nhất quyết bỏ qua những lời nhàm tai ấy.
Thực ra, Dế mèn được ví như tiếng lương tâm luôn đồng hành với nó và nhắc nhở, nhưng Bu-ra-ti-nô rất ghét con dế. Nó đã từng cầm búa để nện chết ‘tiếng lương tâm’ này. Vì sao nó không thích Dế mèn? À, vì Dế mèn nói với nó về những lẽ phải, cảnh tỉnh nó về lối sống vô trách nhiệm và vô vị, rồi cả sự hời hợt cả tin của nó. Cũng dễ hiểu thôi. Con rối Bu-ra-ti-nô đã lên hẳn một chương trình sống gồm ăn, uống, ngủ, lãng du khắp nơi từ sáng sớm đến chiều tối, chạy đuổi theo các nàng bướm, leo lên cây cao hóng gió và bắt những con chim non trong tổ.
Trong căn phòng vắng lặng, thằng người gỗ Bu-ra-ti-nô buồn bã ngủ gục ở lò sưởi với cái bụng rỗng. Sáng sớm hôm sau nó thức giấc với đôi chân đã cháy thành than. Chính trong lúc đau buồn cô đơn ấy, Bố Giep-pét-tô trở về, đem lại cho nó một trời an ủi. Thế là nó tha hồ nhõng nhẽo. Ông đem đồ ăn sáng cho nó, sửa lại đôi chân cho nó. Ông còn bán đi chiếc áo lạnh để mua cho nó một cuốn sách vỡ lòng. Tình thương này đã làm tan chảy trái tim một thằng người gỗ. Nó quyết tâm đi học tử tế để bố vui lòng. Tuy nhiên, quyết tâm mãi mãi chỉ là quyết tâm. Trên đường đến trường, nhìn thấy bảng quảng cáo hấp dẫn, tính ham vui nổi lên, Bu-ra-ti-nô bán cuốn sách, lấy tiền để coi kịch. Nó tự biện hộ: “Ngày mai ta sẽ đến trường, đi học lúc nào mà chẳng được. Còn nhiều thời gian”.
Tại nhà hát múa rối, nó say sưa chìm đắm giữa thế giới các con rối. Nhưng sự có mặt của nó làm cho màn kịch bị bể. Và ông chủ rạp xiếc tức giận quyết định dùng nó làm củi. Mềm lòng trước lời năn nỉ, ông chủ rạp xiếc nguôi giận, lại còn cho nó 5 đồng tiền vàng đem về cho bố Giep-pét-tô nghèo nàn, tội nghiệp. Và những rắc rối bắt đầu xảy ra chung quanh 5 đồng tiền vàng này.
Được tiền trong tay, Buratino mừng lắm. Lòng tốt làm nó nghĩ ngay đến bố Giep-pét-tô đáng thương. “Mình sẽ mua một cái áo mới cho bố, một đống tướng những bánh mật ong, những con gà bằng đường phèn, rồi một cuốn sách vỡ lòng nữa”, nó nghĩ thế. Trái lại, ước mơ đẹp ấy đã chóng tan vì sự xuất hiện của hai tên lừa đảo xấu xa là tên Mèo mù và Cáo thọt. Dẫu sao, Bu-ra-ti-nô chỉ là một con rối ngây thơ, cả tin.
Nó tin mọi lời dụ dỗ ngon ngọt của hai tên để đến xứ sở Ngu Si, trồng cây tiền trong Cánh đồng Kỳ diệu. Tại quán rượu “Tôm đỏ”, bọn chúng kêu những món ăn ê hề, để rồi Bu-ra-ti-nô phải trả mất một đồng tiền vàng. Dế mèn cũng đã lên tiếng cảnh báo Bu-ra-ti-nô về mưu mô lừa đảo nhưng nó bỏ ngoài tai. Trong đầu nó, Mèo mù và Cáo thọt là hai bạn tốt, rất thân thiện. Nó tự nhủ: “Cứ để bọn họ nói. Mọi người cứ làm như họ là cha là mẹ mình hết ấy! Cả Dế mèn cũng thế! Tại sao mình không muốn nghe những lời càu nhàu của Dế mèn? Theo hắn, không ai biết sẽ có bao nhiêu điều bất hạnh mình sẽ gặp. Kể cả những kẻ giết người! Nhưng may mắn, mình không tin rằng có những kẻ giết người. Không bao giờ mình tin. Với mình, những kẻ giết người là sản phẩm tưởng tượng mà các ông bố và thầy cô bày ra để dọa những thiếu niên muốn đi chơi tối thôi!”.
Nhưng trong đêm đã hẹn đi chôn 4 đồng tiền vàng, nó thực sự gặp hai tên giết người mặc áo đen, đeo mặt nạ với giọng nói khá quen thuộc. Chúng đuổi theo và trấn lột của Bu-ra-ti-nô số tiền, nhưng nó chạy thoát và sau đó bị chúng treo cổ trên cây Sồi lớn. May mắn thay, nó được Cô bé Áo xanh cứu khỏi cái chết sau một đêm bị treo trên cây và được chăm sóc tử tế. Có một điều tệ hại xảy ra là do không dám trách nhiệm trên những gì mình đã làm, nó nói dối liên tục và cái mũi cứ dài ra theo từng lời nói dối.
Tuy nhiên ước mơ có nhiều tiền cách nhanh chóng lớn hơn tình thương mến của Cô bé Áo xanh, Bu-ra-ti-nô âm thầm trốn đi trong đêm, đến Cánh đồng Kỳ diệu. Trên đường, nó gặp lại Cáo thọt và Mèo mù. Hai con lại tiếp tục dụ dỗ và nó lại ngây thơ mắc bẫy. Chôn bốn đồng tiền vàng xong, nó ngồi canh đợi hừng đông cho cây mọc và ra lá tiền để hái. Nhưng rồi nó bị các chú chó cảnh sát bắt và đưa ra tòa vì bị Cáo và Mèo vu oan cho tội ăn cắp tiền, cộng với không có giấy tờ nên Bu-ra-ti-nô bị bỏ tù 4 tháng. Đến lúc này nó mới rõ được mặt thật của hai tên bạn bè xấu xa và khóc cho tội không vâng lời Dế Mèn. Sau khi được trả tự do, trên đường về nó bị dính bẫy của người nông dân và bị nhốt thay con chó trông chuồng gà. Trong khi thi hành nhiệm vụ, ngày kia, nó khám phá ra tên trộm và vì rất trung thành, nên nó được người nông dân ân thưởng tự do.
Bu-ra-ti-nô trở lại nhà Bà Tiên Áo Xanh, mọi sự hoang tàn, nó chẳng tìm thấy gì ngoài nấm mộ ghi: “Cô tiên Áo xanh chôn tại đây. Cô chết vì bị người em nhỏ Bu-ra-ti-nô bỏ rơi”. Tại nhà bố Giep-pét-tô, ông cũng đã bỏ nhà ra đi để tìm đứa con người gỗ. Lúc này nó ân hận đến tột cùng vì những gì đã chọn lựa, đã làm sai, nó gào lên: “Bố của con ơi, bố ở đâu? Cô tiên của con ơi, hãy nói cho con biết con có thể gặp cô ở đâu? Cô muốn con làm gì một mình ở thế gian này? Bây giờ con mất cô rồi! Bố ơi, ai sẽ cho con ăn đây? Con sẽ ngủ ở đâu đây? Ai sẽ may áo mới cho con đây?”.
Nó nhất quyết lên đường tìm bố. Tại đảo Api, nó hạnh phúc gặp lại Bà tiên. Với nhận thức sâu xa, nó tự thú: “Con thật mệt mỏi khi mình cứ mãi là một con rối… Giờ đây, con ước muốn trở thành một con người. Con sẽ đi học, sẽ làm việc. Con sẽ làm tất cả những gì cô nói. Nói chung, cuộc sống của một con rối làm cho con chán ngán, con muốn trở thành một con người với mọi giá!”.
Làm người có dễ không? Ngày hôm sau, nó đến trường hòa mình cùng với bạn bè và được mọi người thương mến. Tuy nhiên, không phải là tất cả. Một số ganh tị với nó, chúng chơi xấu và trong lần xô xát, một đứa bị thương. Thế là Bu-ra-ti-nô bị cảnh sát bắt đi. Thời gian sau, nó được thả ra và trở về nhà Cô Tiên. Nó lại ăn năn hối lỗi, lại thề sống thề chết rằng hôm sau sẽ không còn là một con rối bằng gỗ nữa, nhưng là một cậu trai ngoan ngoãn. Và Cô Tiên mở tiệc lớn mừng quyết định quan trọng này của nó.
Trên đường mời bạn bè dự tiệc, nó gặp lại cậu bạn thân Lu-ci-gno-lo. Cậu đang chờ xe ngựa đến chở đến xứ sở đồ chơi. Như lời quảng cáo thì tại xứ sở sung sướng đó, người ta chỉ chơi thôi. Không cần học, không cần làm gì cả. Viễn ảnh vui nhộn huy hoàng của xứ đồ chơi hấp dẫn hơn những gì nó đã hứa với Cô tiên Áo xanh, và nó tự do chọn lựa ra đi. Có rất nhiều người trẻ chen chân đến xứ đồ chơi. Nhưng chỉ sau 5 tháng vui chơi, tất cả chúng bị biến thành lừa và được chở đi bán cho các nông trại, các gánh xiếc…
Bu-ra-ti-nô đã trở thành một con lừa thực sự. Nó đầu quân vào một gánh xiếc, nhưng chẳng may bị gẫy chân, thế là người ta lột da nó làm trống và con lừa Bu-ra-ti-nô bị quăng xuống biển. Nó bị nó cá mập nuốt chửng và ngạc nhiên thay, tại đây nó gặp được bố Giep-pét-tô.
Trở về lần này, Bu-ra-ti-nô thay đổi hoàn toàn với cuộc sống mới. Nó biết nghĩ đến những người nó thương yêu và tìm cách đền bù. Nó tìm việc tại một nông trại và may mắn gặp lại cậu bạn thân Lu-ci-gno-lo, đang làm lừa xay lúa cho ông chủ. Một chút sữa tìm được cho bố, bốn mươi đồng bạc gom góp được để nhờ Ốc Sên gởi tới cho Cô tiên giờ đây đang lâm cảnh túng bấn, thay cho lòng biết ơn của nó.
Trong đêm tối nọ, Cô Tiên bất ngờ đến dưới căn nhà của bố Giep-pét-tô, thật đẹp và hiền dịu. Cô nở nụ cười tươi và trả lại cho Bu-ra-ti-nô 40 đồng tiền, và đó là 40 đồng tiền vàng. Cô cũng biến con rối gỗ ấy thành một cậu bé dễ thương với mái tóc nâu, cặp mắt xanh với khuôn mặt tươi vui rạng rỡ. Bố Giep-pét-tô cũng được chữa lành. Ông mãn nguyện ngắm nhìn cậu con Buratino. Không còn là một con rối gỗ, nhưng đã trở thành một con người.
Câu chuyện kết thúc bằng một cảnh tuyệt đẹp: Cậu bé Bu-ra-ti-nô vui bước đến trường. Trước khi bước vào lớp, nó để lại hình bóng “con rối Bu-ra-ti-nô” ở ngoài cửa vui chơi với bướm. Còn nó, cậu bé Bu-ra-ti-nô đàng hoàng bước vào lớp.
Con người chúng ta mang tố chất là người, nhưng tiến trình làm người phải được trải nghiệm trong thời gian. Khi ta bắt đầu có trách nhiệm trên mình, trên người khác và trên cộng đồng, ta được trở thành người hơn. Mong lúc nào bạn cũng nhớ để “con rối Bu-ra-ti-nô” ở ngoài cửa, trước khi bước vào “trường”.
Trích CĐ Don Bosco số 33