Trong dịp đầu năm, người ta thường cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất, cụ thể là được khang an trường thọ, được hưởng nhận dồi dào những ân lộc và được sống bình an hạnh phúc trong suốt một năm sắp tới (Phúc – Lộc – Thọ). Hạnh phúc là niềm mơ ước mà ai ai cũng nghĩ đến. Nhưng đâu là hạnh phúc đích thực và đâu là những hạnh phúc giả tạo? Tiền bạc, lạc thú hay sự thành công trong cuộc đời có đem lại hạnh phúc thực sự cho chúng ta hay không? Hay hạnh phúc hệ tại ở những điều gì khác sâu xa hơn? Các bài đọc Lời Chúa hôm nay gợi mở cho chúng ta lời giải đáp.
Hiến chương Nước Trời
Trong bài giảng trên núi với lời huấn dụ đầu tiên ngỏ cho đám đông cũng như cho các môn sinh, Đức Giêsu đã trình bày các mối phúc như là tiêu chí căn bản để đạt đến hạnh phúc thực sự. Tuy nhiên, điều rất nghịch thường và cũng trái với những suy nghĩ tự nhiên nơi mọi người, là Chúa mời gọi chúng ta hãy tiến sâu vào cuộc hành trình tự hủy để vươn tới hạnh phúc. Đây là nghịch lý mà theo lẽ thông thường chúng ta không thể nào chấp nhận. Trong khi thế gian đề cao sự giầu sang, Chúa lại cổ súy lối sống nghèo khó. Trong khi mọi người thích cầu an, Chúa lại chúc phúc cho những ai khóc lóc, sầu buồn. Trong khi ai cũng mong ước được no cơm ấm áo, Chúa lại nêu bật lý tưởng của những người đói khát. Đặc biệt, Chúa vạch dẫn một con đường hạnh phúc cho những ai đang bị bách hại, bị thù ghét và bị chối bỏ. Nếu không cắm sâu vào mầu nhiệm Thập giá, chúng ta không thể thấu đạt và chấp nhận những điều rất nghịch thường mà Chúa đề cập đến trong Tin mừng hôm nay.
Nghèo khó là mối phúc đầu tiên
‘Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó vì nước Thiên Chúa là của anh em’. Đây là điều kiện đầu tiên Chúa đặt ra như một thách đố đối với những ai muốn bước theo Ngài trên con đường trọn lành. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu (Lc 10,58). Chúa Giêsu không phải là một nhà mô phạm lý thuyết, trái lại trong suốt 3 năm rao giảng Tin mừng, Chúa đã hiển thị rất rõ nét những gì Chúa nói qua lối sống nghèo khó một cách cụ thể. Thánh Phaolô đã xác quyết: “Người vốn giầu sang phú quý, nhưng đã tự nguyện trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình làm cho anh em nên giầu có (2C 8,9). Khi sống ẩn dật như một người nghèo tại Nazareth, Đức Giêsu cũng phải lao động cật lực để sinh nhai, và ‘Ngài sống giống hệt như chúng ta ngoại trừ tội lỗi’ (Dt 4,15).
Chắc chắn Chúa Giêsu không bao giờ cổ võ 1 lối sống cùng cực hay nghèo mạt rệp, khiến chúng ta dễ bị tha hóa (aliéné) và làm mất đi phẩm giá con người. Sự nghèo khó Chúa nói hôm nay chính ta tinh thần thanh thoát, cắt đứt mọi dính bén đối với của cải thế gian và biết mở rộng cõi lòng cho đi với 1 con tim quảng đại, sẵn sàng hiến dâng và trao ban. Tinh thần nghèo khó là thước đo của 1 tình yêu chân thật dành trao cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Thánh Phanxicô Assisi đã sống triệt để mối phúc đầu tiên này và chính ông Stalin, một lãnh tụ tuy vô thần, nhưng đã cảm phục trước lối sống khó nghèo của thánh nhân và nói rằng “Nếu tôi có trong tay 10 người như Phanxicô, tôi sẽ làm thay đổi cả thế giới này”.
Niềm tin tôn giáo có phải là thuốc phiện ru ngủ quần chúng hay không?
Có một thời, trong các trường học dưới chế độ xã hội chủ nghĩa vô thần, người ta đã cố nhồi nhét vào đầu óc các em học sinh tư tưởng của ông Karl Marx: ‘Tôn giáo là thuốc phiện, là ‘opium’ ru ngủ quần chúng nhân dân’. Chúng ta không cần tốn thời giờ để bình phẩm về quan điểm trên, bởi vì nếu đứng trên góc độ duy vật vô thần, thiên đường mà các tôn giáo nói tới đúng chỉ là những ‘ảo tưởng’ hoàn toàn do con người ngụy tạo ra mà thôi. Vì vậy đối với họ, các mối phúc được nói tới trong Tin mừng hôm nay chỉ là một thế giới ảo, không có thực. Là những người tin vào Thiên Chúa và tin vào cuộc sống mai sau, chúng ta chẳng cần lý luận hay tranh cãi với họ làm gì. Tuy nhiên trong thực tế, ý tưởng về một ‘thiên đường xã hội chủ nghĩa’ nơi mà tất cả mọi người được no cơm ấm áo, không còn người bóc lột người, mọi người ‘làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu’… đang dần dần bị xã hội ngày hôm nay đào thải, vì một ‘thiên đường trần thế’ như thế chỉ là chiếc bánh vẽ rỗng tuếch và rất giả tạo. Là những học trò của Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi hướng về một thực tại mới, một thiên đường mới rất hiện thực mà chính Chúa Giêsu đã khai mở qua cái chết của Ngài. Chúng ta tự hỏi xem chúng ta có đang thực sự dấn sâu vào cuộc hành trình tự hủy như Chúa mời gọi hay không? Chúng ta có can đảm cùng đi với Chúa trong lộ trình Thập giá để đạt đến thiên đường trong niềm hạnh phúc chân thực mà Chúa Giêsu đã công bố trong bài Tin Mừng hôm nay hay không?
Thánh Phanxicô Assisi đã từng bị thân phụ cũng như các bạn hữu của Ngài xem như một gã điên, vì suốt ngày Ngài đi lang thang đó đây, vừa đi vừa hát ngêu ngao như một tên khùng. Khi sống vất vưởng nay đây mai đó, Chúa Giêsu cũng bị các thân nhân của Ngài xem như một kẻ bị mất trí giống như thế. Lý do rất dễ hiểu, vì trong trật tự Nước Trời, mọi bậc thang giá trị theo quy chuẩn trần gian đã bị đảo lộn hoàn toàn. Người giầu sang sẽ bị đuổi về tay không. Kẻ đói nghèo Chúa ban cho dư dật… Sự đảo ngược trật tự đó cũng được Chúa Giêsu nhắc lại trong Tin mừng hôm nay.
Kết luận
Thánh Vinh sơn đã nói với các con cái của Ngài rằng: “Những người nghèo luôn là ông chủ của các con. Các con hãy phục vụ họ như phục vụ Chúa Giêsu”. Cũng vậy, Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta cũng dạy các nữ tu của Mẹ: “Chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta những người nghèo khổ, tật nguyền, để chúng ta có cơ hội phục vụ và làm giầu cho ơn gọi của chúng ta. Chúng ta hãy xem họ như những vị ân nhân của chúng ta”. Sống nghèo để phục vụ người nghèo là con đường nên thánh mà Chúa Giêsu đã vạch dẫn và nêu gương. Đây chính là mối phúc đầu tiên và cũng là bản Hiến chương Nước Trời, giúp định hướng và vạch ra những tiêu chí căn bản để chúng ta vươn tới hạnh phúc đích thực.
Lm. GB. Trần Văn Hào, SDB