Chúa Nhật 5 Phục Sinh Năm A: Sống Hiệp Thông Trong Giáo Hội

Chúa Kitô Phục sinh đã khai sinh Hội Thánh, Nhiệm Thể của Ngài. Chúng ta vẫn tuyên xưng đức tin: Tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Đây là 4 thuộc tính căn bản của mầu nhiệm Hội Thánh. Trong các Chúa Nhật Phục Sinh, Giáo Hội chọn các bài đọc Lời Chúa trong phụng vụ để dẫn đưa chúng ta đi sâu vào cảm thức về Giáo Hội (Sensus Ecclesiae). Ý thức thuộc về Giáo Hội giúp chúng ta kiện cường đức tin và cũng là cách thế thể hiện niềm tin vào Đấng Phục Sinh một cách rõ nét nhất.

Tôi tin Giáo Hội duy nhất

Trong bài đọc 1, tác giả sách Tông đồ Công vụ thuật lại một số hoạt động của cộng đoàn Giê-ru-sa-lem tiên khởi với con số tín hữu khá đông, gồm cả những người gốc Do Thái và những người gốc Hy Lạp. Công việc mỗi lúc một nhiều, nên 12 Tông đồ không thể quán xuyến hết, nhất là cần có người đảm trách việc phân phối lương thực hằng ngày. Cuối cùng, các Tông đồ đã chọn thêm 7 Phó tế, đặt tay trên các ông để các ông thi hành tác vụ. Trong thư gửi Giáo đoàn Êphêsô chương 4, Thánh Phaolô đã liệt kê ra 5 đặc sủng trong Hội Thánh: Ơn làm Tông đồ; ơn làm Ngôn sứ; ơn đi Rao giảng Tin mừng; ơn làm Người lãnh đạo và ơn Dạy dỗ. Nhưng tất cả những đặc sủng ấy đều hợp nhất trong đức tin, để mọi người với những tác vụ khác nhau, đều gắn kết nên một với Đức Kitô là Đầu (Eph 4,11-13). Vì vậy, Giáo Hội vẫn luôn là một thực thể duy nhất, không thể bị chia cách, cho dù trong quá khứ, Giáo Hội hữu hình vẫn có những vết thương của sự rạn nứt. Công đồng chung Vatican II khi nói về Giáo Hội đã dùng thuật ngữ ‘Hiệp nhất trong dị biệt’ (Unity in Diversity). Nét giáo lý này cũng được thánh Phaolô nói tới rất nhiều trong các lá thơ Ngài viết, ví dụ trong thơ gửi giáo đoàn Galat, Thánh nhân viết: “Anh em đều thuộc về Đức Kitô, không có chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, nhưng tất cả chỉ là một trong Đức Kitô” (Gal 3,28).

Đọc lại sách Tông đồ Công vụ, chúng ta cũng nhận ra những dị biệt trong cộng đoàn đầu tiên tại Giêrusalem. Hai Tông đồ trưởng là Phaolô và Phêrô cũng có những xung khắc trong quan điểm, nhất là về việc có cần phải cắt bì hay không cắt bì. Công đồng đã được triệu tập, và chính Thánh Thần đã hóa giải những khác biệt để tất cả trở nên một lòng một trí với nhau. Thánh Thần là sự sống của Đấng Phục Sinh, và Thần Khí luôn hoạt động trong Hội Thánh để nối kết mọi người trong một nhiệm thể duy nhất.

Tôi tin Giáo hội thánh thiện

Đây là tín điều thứ hai nói về Hội Thánh. Trong phụng vụ hôm nay, Giáo Hội trích đọc lại lá thư thứ nhất của Thánh Phêrô. Ngài mời gọi các tín hữu hãy trở nên những viên đá sống động để xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng, vì Thiên Chúa đã chọn chúng ta để hình thành nên hàng tư tế thánh, dâng của lễ lên Thiên Chúa. Thánh Tông đồ viết: ‘Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa’ (1P 2,9). Đức Giêsu là Đầu và chúng ta là Chi thể. Ngài thông truyền sự thánh thiện của Ngài cho tất cả chúng ta, bao lâu chúng ta còn gắn kết với Ngài như cành nho tháp nhập vào thân cây nho. Vì vậy, thánh Phaolô vẫn quen gọi các tín hữu là các ‘Đấng Thánh của Thiên Chúa’. Chúng ta là thánh không phải chỉ khi nào được Giáo Hội tuyên phong (canonize), nhưng tự bản chất ơn gọi Kitô hữu, chúng ta là những vị thánh khi còn thông hiệp với Giáo Hội. Tư tưởng này có thể làm cho nhiều người dị ứng, bởi vì chúng ta nhìn thấy bao nhiêu tội lỗi và những gương mù trong Giáo Hội, ngay cả nơi các phẩm trật cao cấp. Tuy nhiên, Giáo Hội hữu hình luôn đi đôi với Giáo Hội vô hình, và đây không phải là hai thực tại tách biệt. Hiểu như một mầu nhiệm thánh thiêng và là nhiệm thể của Đức Giêsu, tự bản chất, Giáo Hội vẫn luôn thánh thiện. Trong thực tế, Giáo Hội lữ hành trần thế vẫn luôn bao gồm những con người yếu đuối đầy tội lỗi, và tất cả chúng ta không ai dám vỗ ngực tự hào nói tôi là một con người thánh thiện. Vì thế, trong cuộc lữ hành trần gian, Hội Thánh luôn mời gọi con cái mình phải thực hành cuộc hoán cải (conversion) không ngừng. Hoán cải là trở về, là canh tân, là làm mới lại con người chúng ta trong máu Đức Kitô. Năm 2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chuẩn nhận văn kiện ‘Bắt đầu tiến trình làm mới lại từ Đức Kitô (Starting afresh from Christ) của Thánh bộ Đặc trách Đời sống Thánh hiến và các Tu đoàn tông đồ, để mời gọi các tu sĩ canh tân lại đời sống, khởi nguồn từ Đức Kitô. Bắt nguồn từ Đức Kitô, Đấng Thánh của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể thực hiện cuộc hoán cải canh tân này, và khi sống trong lòng Giáo Hội, chúng ta luôn ý thức mình là những chi thể thuộc về một nhiệm thể thánh thiêng.   

Khởi nguồn từ Đức Kitô, là Đường, là Sự thật và là Sự sống

Vào năm 1989, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tiếp tổng thống Gorbachop, bấy giờ là Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên xô. Trước khi từ giã, Đức Thánh Cha đã tặng ông ta một cuốn Kinh Thánh ở ngoài bìa có viết dòng chữ ‘Tôi là Đường, là Sự thật và là Sự sống’. Đây chính là câu nói của Chúa Giêsu, ngỏ cho Tôma và các Tông đồ, mà Giáo Hội đọc lại trong bài Tin mừng hôm nay. Toàn thể Giáo Hội đều quy hướng về Đức Giêsu là Đầu của Nhiệm thể. Ngài cũng là Con đường, là chính lộ dẫn đưa chúng ta tới hạnh phúc. Ngài là Sự thật giải thoát chúng ta khỏi những lầm lạc gây nên do tội lỗi. Ngoài Ngài ra, không có sự sống và ơn cứu độ. Những tư tưởng thần học của Thánh Gioan dẫn đưa chúng ta đến mầu nhiệm ngôi hiệp giữa Chúa Cha và Chúa Con: Chúa Con ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Chúa Con. Cũng vậy, lưu lại trong Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được thông truyền sự sống khởi nguồn từ Chúa Cha.

Cả 3 bài đọc Lời Chúa hôm nay đều khơi dậy nơi chúng ta ý thức ‘thuộc về’ (sense of belonging). Chúng ta thuộc về Hội Thánh, và Hội Thánh thuộc về Đức Giêsu. Điều quan trọng là khi sống trong lòng Giáo Hội lữ hành, chúng ta đã sống cảm thức thuộc về như thế nào, không phải trên lý thuyết, nhưng bằng lối sống chứng tá cụ thể hàng ngày.

Kết luận

Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện. Giáo Hội lữ hành đã trải qua 2000 năm với biết bao vết thương của sự rạn nứt và chia rẽ. Những vết rạn nứt này không phải chỉ do những nhóm ly khai gây ra, nhưng trong đây còn là trách nhiệm của mỗi người chúng ta. Nhà văn Sienkievic người Ba Lan, trong cuốn sách ‘Quo vadis’ đã viết: “Đế quốc Rôma hùng mạnh của bạo chúa Neron rồi sẽ ngã đổ, nhưng con thuyền mộc mạc của bác dân chài miền Galilê vẫn luôn vững vàng lướt sóng”. Con thuyền đó chính là Giáo Hội, là Nhiệm thể thánh thiện của Chúa Giêsu mà chúng ta đang thuộc về.

Lm. GB. Trần Văn Hào SDB

Visited 9 times, 1 visit(s) today