Chúa nhật 4 Mùa vọng năm A – Chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến.

Chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến.

Gần ngày lễ Giáng sinh, người ta thường viết những cánh thiệp để gửi trao cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Chúng ta chúc nhau một mùa Giáng sinh vui tươi và an bình. Chúa đi vào trần gian đem niềm vui và bình an đến cho con người. Nhưng để hưởng nhận niềm vui sâu xa ấy, chúng ta cần dọn tâm hồn thật kỹ lưỡng. Các bài đọc lời Chúa hôm nay gợi mở những tâm tình suy niệm và cầu nguyện để giúp chúng ta dọn lòng cách xứng hợp.

Dọn tâm hồn với tác động của Thần Khí.

Trong thư gửi giáo đoàn Rôma, Thánh Phaolô đã cắt nghĩa : “Hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an” (Rm 8,6). Muốn hưởng nhận bình an đích thực mà Chúa Giêsu đem đến, chúng ta phải trải lòng mình ra để cho Thần Khí tác động. Trong ngày Chúa giáng sinh, các thiên thần ca hát : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Sự bình an chúng ta trao chúc cho nhau trong mùa Giáng sinh không phải là sự bình an được đánh đổi bằng bom đạn hay được mua bán bằng tiền bạc. Sự an bình nội tâm chỉ có được bằng ân sủng, qua tác động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy chiêm ngắm hình ảnh của Đức Maria để học hỏi thái độ nội tâm này. Để đón Chúa đến ẩn cư trong cung lòng mình, Mẹ đã trải rộng tâm hồn cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn. ‘Bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần’ (Mt 1,18b). Qua tác động của Thần khí, Mẹ đã tìm kiếm và hoàn toàn quy thuận thánh ý Thiên Chúa. Mẹ đã cảm nghiệm niềm vui và sự bình an cách sâu xa, nên đã thốt lên : “Thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, Đấng Cứu chuộc tôi”. Vì vậy chìa khóa căn bản để hưởng nhận niềm vui khi Chúa đến viếng thăm, chính là việc chúng ta biết mở toang cánh cửa tâm hồn để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

Học nơi thái độ nội tâm của thánh Giuse.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Thánh Matthêu đã nêu cao mẫu gương của Thánh Giuse như một ‘Người Công chính’. Theo quan niệm cựu ước, người công chính là người luôn chu toàn luật Chúa một cách nghiêm túc. Người Biệt phái khi lên đền thờ cầu nguyện, đã tự mãn cho mình là người ‘công chính’ và khoe khoang thành tích đạo đức của mình : ‘Con ăn chay mỗi tuần 2 lần, con dâng cho Chúa một phần mười hoa lợi, con không trộm cắp, không bất chính, không ngoại tình…’ Song, sự công chính mà Chúa Giêsu khai mở không phải dựa trên những thành tích đạo đức giả tạo và rỗng tuếch bề ngoài, nhưng phải đi vào nội tâm một cách sâu xa. Thánh Giuse là người đầu tiên đã trở nên gương mẫu cho chúng ta về quy chuẩn này. Thoạt đầu Giuse toan tính bỏ bà Maria cách kín đáo vì không muốn tố giác một phụ nữ không chồng mà mang thai. Phụ nữ ấy sẽ bị ném đá theo luật Moisen. Thánh Guise không muốn làm hại Đức Maria, nhưng đã hành xử ‘cách công chính’ theo toan tính tự nhiên. Nhưng cuối cùng, Thiên Chúa đã hướng dẫn và Thánh Guise đã hoàn toàn quy thuận theo đường lối Ngài.

Thái độ nội tâm của Thánh Guise là gương mẫu để chúng ta bắt chước và học hỏi. Ngài ít nói, không phải vì trầm cảm hay vì ít giao tế xã hội. Thánh Giuse thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa. Giữa đêm khuya tĩnh lặng, Thánh Guise đã nghe được tiếng Chúa nói qua Thần Sứ. Và khi tỉnh dậy, Thánh nhân đã làm như lời thần sứ dạy bảo và đón vợ về nhà (c 24). Chỉ trong thinh lặng nội tâm, chúng ta mới có thể nghe điều Thiên Chúa ngỏ trao. Giuse đã làm như thế và Giáo hội muốn chúng ta nhìn vào thái độ nội tâm này để bắt chước trong những ngày đón chờ Chúa đến.

Học hỏi thái độ khiêm hạ của Đức Maria.

Trong bài đọc 1, ngôn sứ Isaia đã báo trước hình ảnh của Đức Maria : ‘Này người trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Emmanuel’. Việc 1 trinh nữ mang thai và sinh con là điều mà đầu óc suy lý con người không thể hiểu được, bởi vì con người dù khôn ngoan đến mấy cùng không thể đi vào thế giới của huyền nhiệm nếu không được Thần khí khai sáng. Đức Maria là người đầu tiên đã cảm nghiệm được nghịch lý ấy và Mẹ đã hoàn toàn trải lòng mình ra để Thánh Thần hướng dẫn. Chính Đức Maria đã trải nghiệm mầu nhiệm vĩ đại này một cách sâu xa. Ngài cảm thấu điều mà sứ thần Gabriel đã nói : “Không có gì mà Thiên Chúa không thể làm được”.

Khi con người kiêu ngạo, chỉ biết khép kín trong không gian chật chội nơi đầu óc mình, họ sẽ không thể lĩnh hội được những mầu nhiệm cao sâu. Ngược lại, chỉ với tâm hồn đơn sơ khiêm tốn như Đức Maria, chúng ta mới có thể đi vào thế giới của huyền nhiệm để cộng tác với Thiên Chúa trong công trình cứu độ. Chúng ta hãy học lấy thái độ khiêm tốn của Đức Maria để thưa lên với Chúa : “Xin cứ thực hiện nơi tôi những gì Chúa muốn”. Lời thưa ‘Fiat’ của Đức Maria luôn là chuẩn mẫu để chúng ta thăng tiến trong cuộc lữ hành đức tin, đặc biệt trong những ngày chuẩn bị lễ Chúa Giáng sinh sắp tới.

Kết luận.

Chúng ta đang sống trong một xã hội quá ồn ào và náo động. Ồn ào không phải do những âm thanh ầm ỹ trên các sân khấu, trong các buổi lễ hội, hay bởi những tiếng còi xe nhức nhối ngoài đường phố. Sự ồn ào ở ngay trong chính nội tâm của mỗi người. Đó là những tiếng động ầm ĩ của tiền bạc, của những tiếng gầm rú do thù hận, chém giết, của những tiếng la thét cay cú bởi ghen tương hay oán giận. Chúng ta hãy học lấy gương mẫu của Thánh Giuse và Đức Maria với thái độ khiêm tốn nội tâm để có thể hưởng nhận niềm vui và sự bình an Đức Giêsu mang đến trong đêm Ngài Giáng sinh.

Lm GB Trần Văn Hào, SDB

Visited 12 times, 1 visit(s) today