Chúa Nhật 3 Phục Sinh Năm A: Emmaus – Thành Phố Chiến Thắng

Câu truyện về hai môn đệ trên con đường về làng quê Emmaus rất sinh động và giầu ý nghĩa. Chỉ duy một mình Thánh sử Luca kể lại câu truyện này, đan nối với nội dung được chính Thánh sử thuật lại trong sách Tông đồ Công vụ. Thánh Luca kể lại giai thoại nhằm nêu bật chứng tá của cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi, cộng đoàn mà Cleopas cũng như người bạn đường là những thành viên. Thánh ký viết rằng, sau khi nhận ra Chúa, họ đứng dậy quay trở lại Giêrusalem, gặp nhóm 11 và các bạn hữu đang tụ họp tại đó (Luca 14,33). Sau đó, mọi người chia sẻ với nhau về những trải nghiệm khi họ đã tiếp cận với Đấng Phục sinh.

Emmaus, thành phố chiến thắng

Thánh Luca nhắc đến địa danh Emmaus với nhiều dụng ý. Đây là một thành phố nhỏ với tên gọi ‘Nicopolis’ thời đế quốc Rôma. Nicopolis có nghĩa là ‘Thành phố Chiến thắng’. Nội dung câu chuyện mà hai người bộ hành trao đổi với nhau liên quan đến một mơ ước cháy bỏng của dân chúng thời bấy giờ. Dân Do Thái mong chờ một vị cứu tinh, người sẽ chiến thắng quân đội Rôma để giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị ngoại bang. Riêng các môn đệ lại kỳ vọng rằng người chiến thắng ấy chính là Đức Giêsu, Đấng mà họ đã bỏ mọi sự, đi theo để làm môn sinh. Họ mơ tưởng đến một vị anh hùng sẽ chiến thắng vang dội, khai mở một trang sử mới, đưa nước nhà đến cuộc sống độc lập trong phồn vinh và thịnh vượng. Ngay cả hai con ông Zêbêđê còn mơ ước cao hơn nữa. Họ mong muốn một người sẽ được làm chủ tịch nước, một người làm thủ tướng trong vương quốc do vị anh hùng chiến thắng ấy thiết lập. Nhưng cái chết nhục nhã của Đức Giêsu trên Thập giá là dấu chấm hết đối với họ. Bao mộng ước và mơ tưởng về một tương lai tươi sáng đã hoàn toàn sụp đổ.

Thánh sử Luca nhắc đến địa danh Emmaus cũng làm chúng ta liên tưởng đến trận chiến thắng của Guiđa Macabê vào năm 166 trước Công Nguyên. Tại phía Nam Emmaus (1Mcb 3,57), Guiđa Macabê đã quyết tử chống lại Seleucid, tướng quân của Lysias và đội quân của vua Antiôkhô Epiphanes. Thật kỳ diệu, Guiđa Macabê với số quân ít ỏi và vũ khí thô sơ so với đối phương, nhưng đã đánh tan tành lực lượng hùng hậu của Seleucid. Mục đích của Guiđa Macabê là chiếm lại đền thờ Giêrusalem để thanh tẩy và bảo tồn. Anh em nhà Macabê đã liều lĩnh quyết chiến và tin tưởng vào sự trợ giúp của Thiên Chúa. Trước khi lâm trận, ông nói với dân: “Bây giờ, chúng ta hãy ngước nhìn lên Chúa và xin Người thương đến chúng ta. Xin Người nhớ lại giao ước đã thiết lập với tổ tiên mà nghiền nhát đoàn quân đang ở trước mặt chúng ta đây. Bấy giờ, mọi dân tộc sẽ biết rằng có một ‘Đấng Giải cứu Israel’ (1 Mcb 4,10-11). Hạn từ ‘Giải cứu’ mà Guiđa Macabê đã nói năm xưa, cũng được Thánh Luca lập lại trong câu chuyện của hai người bộ hành hôm nay. Cleopas và người bạn đường biểu tỏ nỗi buồn mênh mông, bởi vì họ cũng từng khao khát một cuộc chiến thắng của vị anh hùng, như họ đã bộc bạch: “Chúng tôi hy vọng rằng Ngài sẽ là ‘Đấng Giải cứu Israel’ (c.21)”.

Đức Giêsu Phục sinh, Đấng Chiến thắng đang ở bên họ

Chúa Giêsu đang sánh bước cùng hai môn đệ trên đường về làng quê, nhưng họ không nhận ra. Đây cũng là một thực tại hiện sinh trong cuộc lữ hành đức tin của chúng ta ngày hôm nay. Chúa vẫn luôn song hành trong từng dấu chân chúng ta đi qua trên mọi nẻo đường, đặc biệt giữa những bầm dập và sóng gió của cuộc sống. Hai môn đệ đang chôn mình trong hố sâu của tuyệt vọng và chán chường, nhưng họ vẫn không nhận ra ‘Đấng Giải cứu’ đang ở sát bên họ, đang trò chuyện, đang sẻ chia và đang cảm thấu nỗi bi thương nơi tâm hồn họ. Chúng ta cũng thường rơi vào tâm trạng giống như vậy, mỗi khi cặp mắt đức tin của chúng ta bị che chắn bởi những ngáng trở giăng mắc. Câu chuyện về hai môn đệ giúp vạch dẫn lộ trình đức tin để chúng ta có thể nhận ra Chúa đang cùng sánh bước với ta trong mọi biến cố cuộc sống thường ngày.

Trước hết, hai môn đệ nghe Chúa cắt nghĩa về Thánh Kinh. Đức Giêsu là trung tâm của lịch sử cứu độ mà các sách Cựu ước đều quy chiếu vào. Chắc chắn, Cleopas và người bạn đồng hành đã rất nhiều lần tham dự các buổi hội họp tại các hội đường và đã được nghe các đầu mục Do Thái giáo đọc cũng như cắt nghĩa các bản văn Kinh thánh, nhưng họ vẫn chưa hiểu. Chỉ sau khi được Chúa dẫn giải, lòng các ông mới bùng cháy lên (c.32), bởi vì ‘Giải thích Lời Ngài là đem lại ánh sáng, cho kẻ đơn sơ thông hiểu am tường (Tv 119,130). Nếu chúng ta ý thức rằng ‘Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường’, thì việc đầu tiên để con mắt đức tin chúng ta được mở ra, đó là chúng ta phải chuyên cần lắng nghe Lời của Chúa. Mỗi khi tham dự Thánh lễ, chúng ta cần chú tâm nghe Lời Chúa, nhưng không phải nghe bằng lỗ tai của thân xác mà nghe với đôi tai của cõi lòng (Thánh Biển Đức).

Thứ đến, con mắt đức tin của hai môn đệ được khai mở hoàn toàn khi họ ngồi vào bàn ăn với Chúa. ‘Mắt họ mở ra và nhận ra Người’ (c.31). Thánh Luca thuật lại bữa tiệc này với cách diễn tả giống như câu chuyện phép lạ nhân bánh ra nhiều cho 5.000 người ăn no nê: “Người cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá, ngước mắt lên trời, tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ và các môn đệ phân phát cho dân” (Lc 9,16-17). Phép lạ đó chính là biểu thị việc cử hành Bí tích Thánh Thể. Trong sách Tông đồ Công vụ, Thánh Luca cũng nói về đời sống đức tin của cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi với nhiều đặc nét. Một trong những đặc nét ấy, chính là việc họ trung thành trong ‘Việc bẻ bánh’, tức là cử hành Bí tích Thánh Thể cách đều đặn (Cv 2,40).

Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể là hai quà tặng vô giá Chúa ban mỗi lần chúng ta đi tham dự Thánh lễ. Đây là những phương thế tuyệt hảo giúp khai mở và kiện cường đức tin nơi chúng ta.

Kết luận

Hai môn đệ sau khi gặp gỡ Chúa và nhận ra Ngài, họ liền quay về Giêrusalem, nơi mà họ đã chứng kiến cái chết bi thảm của Thầy chí thánh. Khi trở về, con người họ đã được biến đổi hoàn toàn, từ thất vọng đến hy vọng, từ nỗi khiếp sợ đến lối sống anh hùng, dám chấp nhận ngay cả cái chết để làm chứng cho Đấng đã sống lại.

Trong cuộc sống đời thường, mỗi khi gặp những thử thách và nghiệt ngã, chúng ta hãy bắt chước hai môn đệ để thưa với Chúa: “Xin mời Ngài ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Trong bóng đêm của cuộc sống, lúc ánh mặt trời rực rỡ đã khuất bóng, khi chúng ta chìm ngập trong những nỗi sầu buồn mênh mang, chúng ta hãy xin Chúa lưu lại nơi căn nhà của chúng ta. Có Ngài, chúng ta sẽ không bao giờ còn phải sợ hãi và tuyệt vọng.

Lm. Trần Văn Hào, SDB

Visited 1 times, 1 visit(s) today