“Có một người ở giữa các anh mà các anh không nhận ra” (Ga 1,26).
Chúa Nhật hôm nay được gọi là Chúa Nhật Gaudete, hạn từ Latinh mang ý nghĩa “Hãy vui lên”. Sứ điệp “Hãy vui lên” được dàn trải trong cả 3 bài đọc. Niềm vui của dân Israel được trở về cố hương sau cuộc lưu đày, cùng với niềm vui của Đức Maria được diễn tả qua kinh Magnificat chúng ta đọc lên trong Thánh vịnh đáp ca, và niềm vui mọi nơi mọi lúc mà Thánh Phaolô nói tới trong thư gửi giáo đoàn Thessalonica, là tư tưởng chính của chủ đề phụng vụ hôm nay. Diễn bày sự vui mừng trong mọi trạng huấn mà cả ba bài đọc nhắc đến, không phải là những tình cảm hời hợt nhất thời, hay chỉ là một ý niệm trừu tượng mông lung. Đây chính là niềm vui sâu tận trong tâm hồn, khi chúng ta nhận ra những dấu chỉ rõ rệt diễn bày tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.
Isaia vạch dẫn những lý do rất quen thuộc để kiến tạo niềm vui: Những tâm hồn tan nát được chữa lành, người bị giam cầm được phóng thích, sự giải cứu cho những ai bị bắt bớ. Đây là những điều tương hợp, giống nội dung khi Đức Giêsu nói về sứ mạng cứu thế của Ngài (Lc 4,18-19). Những động thái giải phóng này được nói tới trong sách Lêvi chương 25 khi đề cập đến năm hồng ân. Cứ 50 năm một lần, người Do Thái cử hành năm hồng phúc này. Mọi nợ nần được xóa bỏ, đất đai bị cầm cố được trả về cho chủ nhân, những ai bị giam giữ được tha bổng. Chúng ta không biết ngày xưa năm hồng phúc, như sách Levi nhắc tới, được tổ chức như thế nào, nhưng ý nghĩa của nó vẫn được lập lại ngày hôm nay, nhất là trong mùa vọng này.
Khi con người bị nợ nần về kinh tế, hoặc bị giam giữ và tự do bị tước đoạt, thì quà tặng năm hồng ân quả là quý giá đối với họ. Họ chẳng tốn kém gì nhưng chỉ cần rộng mở tâm hồn và đón nhận hồng ân được ban trao. Ví dụ, khi tôi biểu tỏ sự tha thứ cho một ai đó đã xúc phạm hay nợ nần đối với tôi, tôi có cảm giác như đang khoác cho họ ‘chiếc áo choàng cứu độ’, hoặc giống như một chiếc ‘áo công chính’ được mặc vào cho cả hai chúng tôi, tựa như chúng tôi đón nhận chính tình yêu hòa giải và ơn cứu độ từ nơi Thiên Chúa. Đây qủa là một quà tặng được trao ban rất hào phóng, còn quý hơn cả những ‘bảo ngọc trân châu của chú rể’ hay những ‘đồ trang sức quý báu của cô dâu’. Đó là quà tặng làm khởi phát một mùa xuân mới, giữa những tháng ngày mùa đông rét buốt.
Trong lời kinh Magnificat, Đức Maria diễn tả niềm vui, không chỉ vì những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc đời của Mẹ, nhưng còn là vì tình yêu thương của Chúa luôn trải rộng từ đời nọ sang đời kia. Đức Maria đã cất lên lời ca khen: “Kẻ đói nghèo Chúa ban cho đầy ơn, còn kẻ tham lam chỉ biết làm giàu cho chính mình, sẽ bị đuổi về tay trắng”. Trong cái nhìn của Đức Maria, sự công chính của Thiên Chúa không phải là thay đổi vận may của kiếp người, giàu trở thành nghèo, đói khát trở nên no đủ, nhưng còn sâu xa hơn nhiều. Theo nhãn quan Kinh Thánh, những ai sống trong tương quan thân tình với Thiên Chúa, sẽ không bao giờ phải đói, phải khát. Để thực hiện điều này, những người giàu có và sống hưởng thụ cho chính mình, phải loại bỏ sự ích kỷ nơi họ, để những ai bị bóc lột do sự tham lam vô độ của kẻ khác, có quyền được ăn, được sống và được thỏa mãn mọi nhu cầu chính đáng.
Làm cách nào chúng ta có thể vun trồng nơi mình một con tim quảng đại và rộng mở để có thể phân phát quà tặng như thế. Trong thơ gửi tín hữu Thessalonica, Thánh Phaolô khuyên mời chúng ta thực hành ba phương thức: “Hãy vui lên, hãy cầu nguyện và hãy dâng lời tạ ơn Chúa”. Cả ba cách thế này giúp chúng ta biết quên mình để tìm lại chính bản thân. Nếu chúng ta quy hướng cuộc đời về nơi Thiên Chúa, Thần Khí sẽ lưu lại và đốt nóng tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta biết phân định chân lý và thực hành lời Chúa truyền dạy. Khi chúng ta biết tạ ơn Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc, chúng ta sẽ loại bỏ được mọi cuồng vọng ích kỷ hay sự khoe trương trống rỗng bên ngoài. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta nhận ra rằng, mỗi khi chúng ta thực hành như thế, thì đó chính là quà tặng Chúa ban. Thiên Chúa, Đấng chúng ta tin tưởng, sẽ lấp đầy nơi chúng ta những thiếu sót.
Trong Tin Mừng, chúng ta lắng nghe lời giải trình của Gioan tiền hô, khi ông mượn lời của ngôn sứ Isaia để giới thiệu về chính Ngài. “Ngài chỉ là tiếng kêu trong sa mạc: Hãy san phẳng đường lối Chúa”. Khi trả lời cho các lãnh đạo tôn giáo đến hỏi xem ông là ai, trước tiên Gioan khẳng quyết rằng, ông không phải là nhân vật như họ nghĩ tưởng. Gioan nói rõ, ông không phải là Đức Kitô, người “được xức dầu”, không phải là Messia theo cái nhìn của người Do thái. Hạn từ christos trong tiếng Hy lạp, hoặc messia trong tiếng Do thái, ám chỉ về người được Thiên Chúa xức dầu, để đặc cách thực thi những phần vụ chuyên biệt mà Thiên Chúa giao phó, ví dụ các vua (Tv 2,2), các tư tế (Lv 3-5), hoặc các ngôn sứ (1V 19,16). Thời Đức Giêsu, người Do thái đang mong mỏi Đấng Cứu Độ, Đấng ‘được xức dầu’ sẽ đến. Nhiều người vẫn kỳ vọng và nghĩ tưởng rằng Êlia sẽ trở lại để thanh tẩy hàng ngũ tư tế (Mal 3,2-4), đồng thời khôi phục các chi tộc Israel (Hc 48,10). Một số khác lại đợi chờ một vị ngôn sứ như Moisen (Đệ nhị luật 15,18). Gioan đã khẳng quyết ông không phải là một trong các vị đó như họ suy nghĩ hay mơ tưởng. Ngài chỉ là một con người bình thường, nhưng sẽ vạch dẫn cho họ biết Đấng sẽ đến là ai. Ngài không phải là ‘ánh sáng’. Ngài chỉ đến để làm chứng cho ánh sáng và dẫn đưa mọi người đến với niềm tin, để họ tin vào những gì ông làm chứng. Dầu sao, ở một nghĩa nào đó, Gioan cũng chính là ánh sáng soi dẫn người khác, để họ nhận ra Đức Kitô. Cũng như trong căn phòng tối tăm, một nguồn ánh sáng được thắp lên để người khác nhờ ánh sáng đó, có thể nhìn ra cảnh vật. Ánh sáng chỉ là phương tiện. Cũng vây, Gioan không phải là người để chúng ta quy chiếu về, nhưng Ngài chỉ dẫn, để chúng ta nhận ra và đến với Đức Kitô, là chính Ánh Sáng thật. Đấng đó đang ở giữa các ông, đang ở giữa chúng ta. Thế, chúng ta có nhận ra Ngài hay không?
Nữ tu Barbara E.Reid, OP
Văn Hào, SDB chuyển ngữ