Chúa Nhật 23 Thường Niên Năm A: Sửa Lỗi Cho Nhau Trong Tinh Thần Đức Ái

Cộng đoàn Giáo hội gồm những con người thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa. Nếu chúng ta xác tín Thiên Chúa là tình yêu như Thánh Gioan tông đồ đã viết (1 Ga 14,16), thì tình yêu phải là khung căn bản kết nối mọi người chúng ta nên một khi sống trong cộng đoàn này. Tình yêu sẽ xóa bỏ những dị biệt, lấp đầy những cách ngăn, làm cho đời sống cộng đoàn trở nên phong phú và giầu ý nghĩa. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay vạch dẫn cho chúng ta con đường đức ái để xây dựng cộng đoàn trong tình yêu huynh đệ.

Đức ái, thẻ căn cước của mọi Kitô hữu

Trong bữa tiệc ly trước khi đi thụ nạn, Chúa Giêsu đã để lại di chúc thiêng liêng cho các học trò của mình bằng những lời tâm huyết đầy thân tình: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Cứ dấu này, mọi người sẽ nhận ra anh em là môn đệ Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34). Tình yêu là ‘thẻ căn cước’, là thẻ ID mà chúng ta luôn phải mang nơi mình. Thẻ căn cước đó không phải là một tờ giấy, nhưng là cách hiển thị đức ái cách cụ thể trong cuộc sống của tất cả những ai nhận mình là Kitô hữu. Những ai thuộc về Chúa Giêsu, thuộc về Giáo hội, thuộc về Nước Trời, luôn phải lấy đức ái làm quy chuẩn, và đức ái chính là luật sống tối thượng cho tất cả mọi người chúng ta.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa nói với các học trò: “Ở đâu có 2 hoặc 3 người tụ lại nhân danh thầy, thì Thầy ở đấy giữa họ” (Mt 18,20). Nơi nào có Chúa hiện diện, nơi đấy chính là Thiên Đàng. Giáo hội là nhiệm thể Chúa Kitô, nên Đức Giêsu luôn hiện diện trong Giáo hội. Ngài trao quyền cầm buộc hay tháo cởi cho Hội thánh, để Hội thánh thực thi năng quyền và diễn bày tình yêu của Thiên Chúa cho con người (Mt 18,18). Sống hiệp thông trong Giáo hội và thực thi đức ái, chúng ta sẽ thể hiện tính cách môn đệ của Chúa Giêsu một cách tròn đầy.

Sửa chữa lỗi lầm cho nhau để thăng tiến cộng đoàn

Chúng ta vẫn tuyên tín: “Tôi tin Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Giáo hội tự bản chất là thánh thiện, nhưng Gíao hội hữu hình lại bao hàm những con người đầy yếu đuối và tội lỗi. Sống trong lòng Giáo hội, chúng ta cũng cần chung tay góp sức làm cho Giáo hội ngày càng trở nên tinh tuyền, không tì vết, để xây dựng cộng đoàn trong tinh thần đức ái. Bài học rất cụ thể mà Chúa Giêsu nêu ra hôm nay là cách thực hành đức ái trong việc sửa chữa lỗi lầm cho nhau hầu giúp nhau hoàn thiện. Chúa đưa ra ba tiến trình. Bước đầu là gặp gỡ thân tình giữa cá nhân với cá nhân. Bước thứ hai là có thêm sự trợ giúp của người khác và bước cuối cùng là đem ra cộng đoàn.

Việc gặp gỡ cá nhân để giúp nhau thăng tiến là bước quan trọng khởi đầu. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh khá nhiều đến nền ‘văn hóa gặp gỡ’ (culture of encountering) của thời đại hôm nay. Nền văn hóa ấy chính là nghệ thuật đồng hành (art of accompaniment), thiết lập mối tương quan nhân vị giữa chúng ta với cận nhân. Một vị linh hướng có bổn phận hướng dẫn người khác về đời sống thiêng liêng đặc biệt trong quá trình đào luyện, vẫn được gọi là vị ‘Đồng hành thiêng liêng’ (spiritual accompaniment). Vị linh hướng sẽ đóng vai trò như một người bạn, cùng đồng hành để trợ giúp đối nhân thăng tiến. Việc đồng hành này thể hiện qua sự gặp gỡ, đối thoại và giúp nhau trong tinh thần đức ái. Hai ngàn năm trước, Chúa cũng nêu gương cho chúng ta về hình thái này. Ngài trò chuyện thân tình với Nicôđêmô để hướng dẫn ông trên lộ trình tìm kiếm chân lý. Ngài cũng đàm đạo với  thiếu phụ Samari bên bờ giếng Giacóp để khải thị cho chị về Đấng Messia. Người phụ nữ này cuối cùng đã được biến đổi. Chị bỏ lại vò nước bên bờ giếng và chạy về làng công bố cho mọi người tin mừng mà chị mới được mặc khải. Nicôđêmô cũng được biến đổi trong hành trình đức tin như thế. Đức tin đó đã trở nên hoàn hảo khi ông giang rộng đôi tay đón xác Chúa từ trên Thập giá và tin nhận con người bị đóng đanh ấy chính là Đấng Messia.

Kế tiếp, việc sửa chữa lỗi lầm cho nhau cần có sự tương trợ của cộng đoàn. Đưa ra cộng đoàn không phải là để lập một tòa án nhằm luận tội hay đấu tố người khác. Các cụ ngày xưa vẫn còn nhớ về một giai đoạn lịch sử khi người ta tổ chức những màn đấu tố để giết hại lẫn nhau, thậm chí con cái đấu tố cả cha mẹ, vợ đấu tố chồng, chồng đấu tố vợ… Trong Giáo hội, cộng đoàn của sự hiệp thông và đức ái, chúng ta không bao giờ được hành xử như vậy. Đưa những người mắc lỗi lầm trở về với cộng đoàn chỉ nhắm đến một mục tiêu duy nhất là giúp họ biến đổi và đi vào sự thông hiệp trọn vẹn. Thánh Giacôbê đã viết: “Chỉ có một Đấng ra lề luật mới có quyền xét xử, còn bạn là ai mà dám xét đoán tha nhân” (Gc 4,11). Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã từng cảnh báo một thói xấu vẫn thường hay xảy ra nơi các cộng đoàn Kitô hữu, đặc biệt là giữa các anh em linh mục, đó là thói hay xầm xì hoặc chỉ trích, nói hành nói xấu nhau để cuối cùng dẫn đến việc kết án tha nhân. Ngài gọi đó là 1 hình thái khủng bố (terrorist) vẫn hay xảy ra trong Giáo hội.

Nghệ thuật sửa lỗi

Sửa chữa lỗi lầm cho nhau là một nghệ thuật. Việc giúp nhau thăng tiến trên con đường tu đức hướng tới sự thánh thiện, chính là một nghệ thuật mang tính thánh thiêng. Người được sửa lỗi phải biết khiêm tốn lắng nghe và quyết tâm vươn lên. Người có trách nhiệm sửa lỗi cần ý thức mình chỉ là công cụ của Thiên Chúa chứ không phải là một quan tòa. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới là ‘Đấng sửa lại mọi sự trong ngoài chúng tôi’, còn chúng ta chỉ là những con người được thừa ủy trách nhiệm. Con người ai cũng có lầm lỗi. Từ các bề trên đến bề dưới, từ ‘các đấng các bậc’ trong Giáo hội đến giáo dân, không ai là những con người hoàn hảo. Trước khi sửa lỗi cho người khác, chúng ta cần ý thức về những giới hạn và bất toàn nơi mình. Điều quan trọng là chúng ta cần phải học hỏi nghệ thuật đồng hành hơn là dùng quyền bính để cai trị. Trong bài đọc hai của phụng vụ hôm nay, thánh Phaolô cũng nhắc lại một tiêu chí căn bản và  quan trọng hơn tất cả mọi tiêu chí khác. Ngài viết : “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10). Lề luật duy nhất cần phải tuân giữ chính là luật của tình yêu.

Kết luận

Có một giai thoại kể lại cách ứng xử khôn khéo của cha Trần Lục, chánh xứ nhà thờ đá Phát Diệm. Ngài có nuôi một cậu giúp lễ và thỉnh thoảng cậu ta hay la cà ra ngoài để say xỉn. Một bữa kia sau khi đánh chén no nê, anh ta khất khưởng trở về nhà xứ và gọi mở cửa. Đích thân cụ Sáu ra mở cổng để dìu anh ta vào. Trong lúc nửa tỉnh nửa say, anh ta không nhận ra Ngài, tưởng là người làm bếp. Anh ta còn nói: “Ông kín miệng nhé, đừng nói cho cụ Sáu biết”. Cha Trần Lục không hề mở miệng trách móc hay la rầy. Sáng hôm sau, chàng thanh niên mới vỡ lẽ. Anh ta đến xin lỗi cụ Sáu và dần dần từ bỏ nết xấu.

Đức ái chính là chìa khóa giúp ta làm được mọi công việc cho dầu khó khăn đến mấy, đặc biệt trong nghệ thuật sửa chữa lỗi lầm cho nhau để giúp nhau nên hoàn thiện.

Lm. GB Trần Văn Hào, SDB


 

Visited 17 times, 1 visit(s) today