Trong truyền thống Á Đông, bữa ăn là dịp để sum họp gia đình hay bày tỏ tình liên đới xã hội. Các tác giả Tin Mừng cũng nhiều lần đề cập đến việc Chúa Giêsu đi dùng bữa, như tại nhà ông Lêvi, tại Bêtania hoặc Chúa đi ăn cưới ở Cana. Ngài đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi. Đặc biệt, Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể cũng trong khung cảnh một bữa ăn. Trong những lời giáo huấn, Chúa vẫn hay vay mượn hình ảnh bữa tiệc để mạc khải về mầu nhiệm Nước Trời. Bài Tin Mừng hôm nay là một ví dụ cụ thể.
Chúa Giêsu so sánh Nước Trời giống như một bữa tiệc và chúng ta là những thực khách được mời. Nhưng trong bữa tiệc này, Chúa muốn cảnh giác chúng ta ba điều. Trước hết cánh cửa dẫn vào bàn tiệc thì chật hẹp và chúng ta phải cố gắng phấn đấu để đi qua. Thứ đến, chúng ta phải nhanh chân vì sẽ đến lúc chủ nhà đứng dậy và khóa cửa lại. Sau cùng, bàn tiệc Nước Trời không phải là nơi chỉ dành cho những ai có lý lịch tốt, vì sẽ có nhiều người bị đuổi ra ngoài còn thiên hạ từ đông tây nam bắc sẽ được ngồi vào bàn tiệc. Đó là những huấn thị để nhắc nhở mỗi người chúng ta.
Bàn tiệc Nước Trời: Cùng đích mà chúng ta phải vươn tới
Nước Trời hay Thiên đàng là phần thưởng tối hậu cho mọi Kitô hữu. Ngày xưa, Nữ hoàng Elizabeth của nước Anh đã ngạo nghễ tuyên bố: “Tôi chỉ xin Chúa cho tôi được trị vì trên ngai báu 40 năm, còn ngoài ra tôi không cần đến thiên đàng”. Chúa cho bà được làm nữ hoàng suốt 42 năm. Vào giây phút cuối đời, khi sắp sửa đối diện trước cái chết, bà đã sợ hãi và hối tiếc vì lời thề thốt năm xưa. Đứng trước sự chết, người ta mới thấm thía được đâu là ý nghĩa cuộc đời với những câu hỏi đặt ra: ‘Tôi từ đâu đến, tôi sống để làm gì và cuộc sống tôi sẽ đi về đâu?’. Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta dễ rơi vào tình trạng vô thần mang sắc thái hiện sinh, chỉ biết hưởng thụ trong giây phút hiện tại. Sau biến cố năm 1975, một vị cán bộ đã đứng lớp dạy chính trị và nói với các linh mục: “Thôi các vị hãy hợp tác với chúng tôi để xây dựng một xã hội phồn vinh, giàu có. Còn nếu mai sau có thiên đàng thì chúng tôi mừng cho các vị. Còn nếu không có, thì cũng chẳng sao!”. Nghe nói thế, nhiều linh mục lắc đầu và bụm miệng tủm tỉm cười. Quan niệm hiện sinh này ngày nay vẫn còn khá phổ biến, khi người ta chỉ lo hưởng thụ mà không nghĩ đến cùng đích mai sau.
Con đường chật hẹp và đầy chông gai
Con đường dẫn đến ơn cứu độ không phải là con đường rộng mở thênh thang, được đan dệt bằng những bông hoa và nụ cười. Đây là con đường gian nan đầy sỏi đá gai chông. Thánh Phaolô đã từng sánh ví cuộc lữ hành đức tin như một cuộc chạy đua trên thao trường. Chỉ những ai biết phấn đấu, kiên trì mới dành được chiến thắng sau hết. Thánh nữ Catarina đã nói: “Không bao giờ có ân huệ mà không mang chở Thập giá kèm theo. Có mây mù mới có mưa. Mưa ân sủng tuôn đổ xuống trên ta khởi đầu bằng lớp mây mù của những thử thách giăng kín”.
Chúa nói hôm nay: “Hãy chiến đấu qua cửa hẹp mà vào. Nhiều người tìm cách vào mà không thể được” (c.24). Cửa hẹp cần phải luồn, phải lách, phải qua gian khổ, phải biết đi vào sự tự hủy để được sống. ‘Chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời’ (lời kinh Hòa bình của Thánh Phanxicô Assisi).
Thiên đàng không theo chủ nghĩa lý lịch
Đây là điều Chúa Giêsu nhấn mạnh trong dụ ngôn hôm nay. Nhiều người thưa lên: “Chúng tôi đã từng ăn uống trước mặt Ngài”, nhưng Chúa trả lời họ: “Tôi không biết các anh từ đâu tới”. Khi chúng ta đến trình diện trước mặt Chúa, Ngài không thích ngắm những bộ huy chương chúng ta đeo trên ngực để khoe những thành tích đạo đức. Ngài cũng chẳng bao giờ hỏi đến những bằng khen hoặc giấy khen để chứng nhận chúng ta là những Kitô hữu có lý lịch tốt. Bởi vì những thực khách trong bữa tiệc không phải được xét tuyển theo chủ nghĩa lý lịch. Chúa Giêsu đã từng nói với đám đông: “Không phải những ai cứ mở miệng nói: Lạy Chúa, Lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu”. Vì thế, trong phần kết của dụ ngôn hôm nay, Chúa nhắc lại tiêu chí căn bản để được cứu độ là phải khiêm tốn và tín thác vào Lòng Thương xót của Ngài: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu và những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót”. Sự khiêm hạ là điều kiện tối cần thiết để lãnh nhận ơn cứu độ. Người trộm bị đóng đinh bên phải Chúa đã có một quá khứ đặc kín tội ác, nhưng do khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi mình và tín thác vào lòng thương xót Chúa, ông đã trở thành vị thánh đầu tiên được Chúa Giêsu mở cửa thiên đàng đưa dẫn vào. Khiêm tốn và tin vào tình yêu Chúa là chìa khóa giúp chúng ta đạt đến ơn cứu độ và được đưa vào bàn tiệc Nước Trời mai sau.
Kết luận
Khi tôn vinh Lòng Thương xót, chúng ta được mời gọi hướng cuộc sống về với Chúa là Cha nhân hậu. Cánh cửa thiên đàng luôn mở rộng chờ đón chúng ta, nhưng con đường dẫn vào lại rất chật hẹp. Ơn cứu độ là một ơn nhưng không, do lòng thương xót của Chúa, song chỉ những ai bền đỗ đến cùng người đó mới được cứu thoát. Cửa hẹp vào thiên đàng chính là con đường Thập giá, con đường dẫn đến cái chết nhuốc khổ của Đức Giêsu, nhưng đây lại là con đường độc đạo duy nhất mà chúng ta phải dấn bước vào.
Lm. GB. Trần Văn Hào, SDB