Chúa Nhật 21 Thường niên Năm A: Anh em bảo Thầy là ai

Có một họa sĩ muốn phác lại chân dung của Đức Giêsu, nhưng ông ta không biết phải làm thế nào. Ông lang thang khắp đó đây để tìm một người làm mẫu, nhưng tìm mãi vẫn không ra. Thoạt đầu ông gặp một đứa bé với nụ cười ngây thơ trong trắng. Ông về nhà vẽ khuôn mặt Chúa Giêsu và cố đưa nét đơn sơ hồn nhiên ấy vào trong bức họa. Gặp một ẩn sĩ đang đăm chiêu cầu nguyện, ông cũng muốn lột tả khuôn mặt sâu lắng và thanh thản nơi bức tranh. Về đến gần nhà, ông gặp một bà mẹ trẻ đang âu yếm vỗ về đứa con thơ, ông cũng khám phá ra nét dịu dàng của tình mẫu tử và cố gắng diễn bày nét đẹp ấy trong tác phẩm của mình. Nói chung, gặp bất cứ nét đẹp nào, người nghệ sĩ kia đều muốn đưa vào trong bức chân dung vẽ Chúa Giêsu. Khi gần hoàn thành xong tác phẩm, ông ta vẫn còn thấy thiếu một cái gì đó. Một bữa nọ, khi lang thang bên bìa rừng, ông bắt gặp một bóng ma đang động đậy, đúng hơn đó là một con người đang nặng nề lê bước với chiếc khăn che kín mặt. Đó là một người cùi đang lầm lũi bước đi với nỗi đau tột cùng. Anh vui mừng về xưởng, vẽ phủ lên khuôn mặt Chúa Giêsu một tấm khăn mỏng, giống như chiếc khăn trùm trên gương mặt đau khổ của người bệnh phong. Người họa sĩ muốn nói lên rằng, Đức Giêsu vẫn mãi là một mầu nhiệm còn đang ẩn dấu đối với sự tìm kiếm của con người.

Anh em bảo Thầy là ai?

Đây là câu hỏi Chúa đặt ra cho các học trò năm xưa, cũng như cho mọi người chúng ta ngày hôm nay. Chúa muốn mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống đức tin để thẩm định xem, Đức Giêsu là ai đối với tôi. Chúng ta vẫn giơ tay làm dấu Thánh giá, tin nhận Đấng chịu đóng đinh năm xưa là đối tượng duy nhất của niềm tin, nhưng trong thực tế, chúng ta đã sống niềm tin ấy như thế nào.

Đứng trên góc độ thuần lý, có lẽ mọi người chúng ta là những kẻ xuẩn ngốc nhất. Chúng ta tin vào một con người cũng giống hệt chúng ta, không có gì nổi trội. Con người đó sống cách chúng ta cả 20 thế kỷ, khác màu da, khác chủng tộc, khác nền văn hóa, nói chung đó là một con người hoàn toàn xa lạ. Có một thời, một số cán bộ đã tuyên truyền nói rằng, đạo của các anh, những người công giáo là đạo lai căng, do thực dân Pháp đưa vào. Các anh tôn thờ một con người ở mãi tận đâu, chứ không phải một vị thần ở tại quê hương mình, ví dụ như Thánh Gióng, như Vua Hùng chẳng hạn… Lời nhận xét đó rất đúng, nếu chỉ xét trên bình diện logic của lý trí. Vì vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, sau khi Phêrô tuyên tín ‘Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống, Chúa đã nói: “Không phải phàm nhân đã mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”. Lời tuyên xưng của Phêrô cho chúng ta thấy rằng, Đức Giêsu không phải chỉ là một con người của lịch sử, một vĩ nhân hay là một vị sáng lập tôn giáo như các vị khác. Trên hết, Ngài là một Thiên Chúa – Người, là Messia, là Đấng đã đến trần gian để trở nên căn nguyên ơn cứu độ cho chúng ta.

Diễn bày đức tin như thế nào?

Vào năm 1997, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đi thăm viếng mục vụ tại nước Pháp. Giáo hội Pháp từng được mệnh danh là trưởng nữ của Hội thánh, là cái nôi Kitô giáo của Châu Âu. Tuy nhiên, trong lần thăm viếng năm ấy, Đức Thánh Cha cảm thấy rất buồn vì ngoài đường phố có khá nhiều nhóm bạn trẻ Công giáo đứng ra biểu tình để chống đối Ngài và chống luôn cả Giáo Hội. Có nhóm chủ trương phải cấp tiến, có nhóm lại rất bảo thủ. Có nhóm đứng lên đòi Giáo Hội phải cho phép ngừa thai bằng mọi cách, thậm chí cổ xúy ngay cả việc phá thai. Có nhóm đòi Giáo Hội phải cho kết hôn đồng tính hay được quyền ly dị, v.v.. Đau lòng hơn cả, là có một số bạn trẻ đã nộp đơn đồng loạt xin rút tên khỏi Giáo Hội vì nhiều lý do. Đức Hồng y Etchegarey nhận định rằng, nước Pháp có 90% dân số theo đạo Công giáo, nhưng chỉ 10% trong số ấy thực hành đức tin, ít ra là còn lui tới nhà thờ. Còn lại, đa số chỉ giữ đạo trên lý thuyết, việc thực hành thì không (Croyant mais non practiquant). Khi đến Việt Nam, Ngài tiên đoán rằng, 30 năm nữa, Giáo hội Việt Nam sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng giống như vậy.

Nhiều bạn trẻ tại Việt Nam ngày nay cũng đang sống trong tình trạng tương tự như thế. Việc đi đến nhà thờ trở nên thưa thớt dần. Có muôn ngàn lý do họ trưng ra để biện minh, nhưng tất cả chỉ là ngụy biện, hòng lấp liếm cho sự lười biếng của mình.

Đặt Thiên Chúa vào chỗ tối thượng (in primacy)

Đây là đòi hỏi nền tảng mà Chúa Giêsu đã nêu ra trong bài Tin Mừng hôm nay. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã đưa ra 3 nguy cơ làm sói mòn đức tin nơi người Công giáo, đó là sống theo chủ nghĩa duy vật  (matérialism), sống theo chủ nghĩa hưởng thụ (consumérism) và sống theo chủ nghĩa tục hóa (sécuralism). Chủ nghĩa duy vật là một lối sống thượng tôn tiền bạc, đặt tiền bạc làm thước đo mọi giá trị. Chủ nghĩa hưởng thụ là sống một cách ích kỷ để chỉ lo cho bản thân, và chủ nghĩa tục hóa là đào thải mọi chiều kích linh thánh trong những sinh hoạt thường ngày. Ngài gọi chung cả ba chủ nghĩa trên là một lối sống vô thần (athéist), từ từ khai tử và gạt bỏ Thiên Chúa ra bên ngoài. Để tránh rơi vào những cám dỗ này, thánh Phaolô trong bài đọc 2 của phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta hãy quy hướng cuộc sống về với Thiên Chúa và đặt Ngài vào chỗ tối thượng. Thánh nhân viết: “Muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại, và tất cả phải quy hướng về Người. (Rm 22,36).

Kết luận

Đức Giêsu là đối tượng duy nhất của niềm tin chúng ta. Ngài vẫn đang hoạt động trong lòng Giáo hội. Giáo hội được xây dựng trên đá tảng là Thánh Phêrô, và tòa nhà Giáo hội vẫn luôn đứng vững trước những thử thách. Chúa Giêsu đã khẳng định với Thánh Phêrô “Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”. Để sống đức tin một cách cụ thể, chúng ta phải nuôi dưỡng nơi mình cảm thức thuộc về (sense of belonging), thuộc về Chúa Kitô và thuộc về Giáo hội. Sống với cảm thức sâu xa ấy, đức tin của chúng ta sẽ mãi luôn triển nở.

Lm. GB Trần Văn Hào, SDB 

Visited 14 times, 1 visit(s) today