Chúa Nhật 17 Thường Niên Năm B: Anh Em Hãy Cho Họ Ăn

Hai mươi năm trước, báo chí thế giới đăng tải một bức hình chụp khá nổi tiếng, đã từng đoạt giải Pulitzer. Bức ảnh nói về nạn đói ở Somalia năm 1994. Trong bức ảnh, một chàng thanh niên gầy gò đang ôm xác đứa con trai duy nhất của mình đem đi chôn. Đứa bé gầy trơ xương vì nhiều tháng qua nó không có gì để ăn. Nó đã chết vì đói. Người thanh niên, bố của đứa bé, với khuôn mặt đau khổ hốc hác cũng đang đói. Phía sau là một con quạ đen đậu gần đó. Nó chờ khi người cha vùi xác đứa con trong cát, sẽ bới lên tìm cái gì để ăn vì nó cũng đói. Cả người và vật đều đói. Cái đói lộ rõ trên khuôn mặt trơ xương của ông bố. Cái đói hằn sâu trên thân thể còm cõi của đứa trẻ, và cái đói cũng lồ lộ nơi cặp mắt hau háu của con quạ. Cái đói luôn là một tai họa khủng khiếp đè nặng trên thân phận hiện sinh của mọi người.

Cái đói nơi phận người

Mọi người chúng ta ít nhiều đều đã kinh qua cái đói. Các cụ lớn tuổi đã từng có kinh nghiệm về cơn đói kinh hoàng năm Ất Dậu 1945. Những tháng ngày sau biến cố năm 1975, nhiều gia đình cũng từng phải ăn độn hoặc đi vay mượn ít gạo để  sống cầm cự qua ngày. Những trải nghiệm về cái đói luôn là một ám ảnh sợ hãi nơi chúng ta.

Khi mang thân phận làm người, Đức Giêsu cũng từng nếm trải cơn đói. Sau 40 ngày chay tịnh trong hoang mạc, Chúa đói. Ma quỷ đến tấn công vào bao tử xẹp lép của Ngài. “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy truyền cho những hòn đá này biến thành bánh đi” (Mt 4,3). Vì thế, trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu chạnh lòng cảm thương thực sự khi đối diện trước một đám đông khổng lồ đang vật vã trong cơn đói. Phép lạ đã xảy ra và 5000 người được ăn no nê. Phép lạ không nhằm phô diễn một kỳ tích để thỏa mãn những nhu cầu vật chất nơi con người. Trong cái nhìn thần học của thánh Gioan, phép lạ mang chở những dấu chỉ nhằm khải thị một thực tại sâu xa hơn. Thánh Gioan muốn chúng ta chiêm ngắm dung mạo của một Thiên Chúa làm người luôn diễn bày tình yêu mục tử của Ngài cho đoàn chiên. Phép lạ nhân bánh ra nhiều khởi dẫn chúng ta đi đến một chân trời rộng lớn hơn, đó là chân trời ơn cứu độ được thể hiện qua cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá. Mầu nhiệm Thập giá chính là cách diễn bày tình yêu của Thiên Chúa cách tròn đầy nhất.

Sự cộng tác của con người

Phép lạ Chúa Giêsu thực hiện trong Tin mừng hôm nay cũng được phác vẽ trước qua phép lạ của tiên tri Elisêu mà chúng ta được nghe trong bài đọc thứ nhất. Vị ngôn sứ nhận 20 chiếc bánh từ tay một người hảo tâm dâng tặng. Với 20 chiếc bánh, Êlisêu đã phân phát đủ cho cả trăm người. Quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện qua vị tiên tri. Cũng vậy, sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa đã được diễn bày nơi Đức Giêsu, vị ‘Ngôn sứ đặc thù’ của Chúa Cha. Cả hai phép lạ đều hàm ngậm những sứ điệp quan trọng mời gọi chúng ta suy gẫm và thực hành.

Trước hết, đó là bài học về sự cộng tác của con người. Chúng ta có thể mạnh dạn nói rằng, Đức Giêsu đã không làm phép lạ nuôi sống 5000 người ăn no, nếu đã không có lòng quảng đại của một đứa bé. Em nhỏ đã trao cho Chúa 5 cái bánh và 2 con cá, là khẩu phần lương thực ít ỏi nó mang theo. Cũng thế, với 20 chiếc bánh do một người tốt bụng dâng tặng, Elisêu đã phân chia đủ cho cả trăm người. Thiên Chúa có thể thực hiện những điều kỳ diệu bắt đầu từ sự cộng tác nhỏ nhoi khiêm tốn của con người. Trong cuốn Tự thuật (Confessio), Thánh Augustinô ghi lại lời cầu nguyện mà Ngài đã thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con, không cần có con. Nhưng để cứu rỗi con, Chúa lại cần có con cộng tác”. Con người chúng ta vẫn được Thiên Chúa mời gọi cộng tác để hoàn thiện công trình sáng tạo và cả công trình cứu chuộc mà Ngài đã khởi sự.

Trong một bài giảng, Cha Gioan Maria Vianney có kể một câu chuyện. Một buổi chiều nọ, Chúa Giêsu và Thánh Phêrô cùng rảo bước trên con đường làng. Hai Ngài gặp một người nông dân đang đánh chiếc xe bò cũ kĩ. Chiếc xe chở nặng và bị mắc lầy. Người nông dân này khá đạo đức. Ông ta bước xuống, sấp mình sát đất và xì sụp cầu nguyện xin Chúa đến giúp. Ông cứ sụp lạy và cầu khẩn mãi, nhưng chẳng ai đến giúp ông ta. Còn chính ông cũng chẳng buồn đụng tay vào để lôi chiếc xe lên. Chúa nói với Phêrô, “Thôi hãy đi và mặc kệ hắn”. Đi đến cuối làng, hai Ngài cũng gặp một tình huống tương tự. Gã đánh xe bò là một thanh niên trông nét mặt khá bặm trợn. Khi chiếc xe bị lầy, anh ta bước xuống, mồ hôi nhễ nhãi, miệng thì văng tục nhưng cố gắng hết sức để đẩy chiếc xe lên. Chúa nói với Phêrô, “Nào hãy đến phụ anh ta một tay”. Cuối cùng, chàng thanh niên đã kéo được chiếc xe ra khỏi vũng bùn. Về đến nhà, Phêrô hỏi Chúa tại sao lại hành xử như thế. Chúa trả lời: “Ta không giúp những ai lười biếng. Phải cố gắng, rồi ta sẽ giúp”. Ngạn ngữ Pháp có câu ‘Hãy tự giúp mình trước, rồi Chúa sẽ giúp chúng ta sau (Aide-toi toi même, le ciel t’aidera)’.

Chúa cũng đã nói với Phaolô: “Ơn Ta thì đủ cho ngươi”. Ơn Chúa luôn đủ và dư tràn trên mọi người, nhưng nếu chúng ta lười biếng, không mở lòng ra để cộng tác, Chúa cũng đành bất lực. Mặc dầu sức lực con người yếu đuối, khả năng chúng ta giới hạn, nhưng Chúa vẫn luôn cần chúng ta cố gắng vươn lên để cộng tác với Ngài. Chỉ với 5 chiếc bánh và 2 con cá, một khẩu phần quá ít ỏi và chẳng đáng gì, nhưng Đức Giêsu đã làm phép lạ nhân bánh và cá lên gấp cả ngàn lần. Đó là bài học rất thực tế cho mỗi người chúng ta về nỗ lực cũng như sự cộng tác của con người.

Chúng con hãy cho họ ăn

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho thấy, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2 triệu trẻ em chết vì đói. Hàng chục triệu trẻ em sống vất vưởng nơi đầu đường xó chợ, không được cắp sách đến trường. Chúng đói về thức ăn vật chất, nhưng cũng đói về tình thương. Nói theo thuật ngữ của Đức Thánh Cha Phanxicô, đây là những con người ở tận vùng ven (periphery), những con người đang bị xã hội gạt ra bên ngoài. Mẹ Têrêsa Calcutta cũng luôn nghe vang vọng bên tai lời thét gào não nùng của Chúa Giêsu trên Thánh Giá trước khi tắt thở: “Ta khát”. Đức Giêsu ngày nay vẫn còn đang đói, đang khát, giống như đám đông năm ngàn người sau những ngày lang thang đi theo Chúa. Chúa nói với các tông đồ: “Anh em hãy cho họ ăn”. Lời cầu ngỏ đó vẫn đang được lặp lại và gởi trao đến mỗi người. Một vị Thánh nọ sau một ngày đi bách bộ qua nhiều dãy phố, thấy quá nhiều người đói nghèo, quần áo tả tơi, ngồi ăn xin bên vệ đường. Buổi tối về nhà, Ngài cầu nguyện và hỏi Chúa: “Tại sao trên thế giới này còn nhiều người khốn khổ như thế? Chúa không làm gì hay sao?”. Chúa trả lời: “Có chứ, Ta đã làm. Điều Ta làm là dựng nên con. Ta dựng nên con với đôi bàn tay để biết trao ban, với một trái tim rung cảm để biết yêu thương và dâng tặng.

Kết luận

Phép lạ nhân bánh và cá ra nhiều mà Chúa đã thực hiện 2000 năm trước là dấu chỉ tiên báo phép lạ vĩ đại Chúa đang thực hiện ngay ngày hôm nay nơi bàn tiệc Thánh Thể mà chúng ta được mời tới tham dự. 5000 người ngày xưa Chúa cho ăn bánh no nê, nhưng họ vẫn còn đói, vẫn chưa no thỏa thực sự. Còn nơi bàn tiệc hôm nay, Chúa xác quyết rằng: “Tôi là Bánh Hằng sống, ai ăn bánh này sẽ không còn đói, ai uống chén này sẽ không còn khát”. Đó là bữa tiệc thịnh soạn nhất diễn bày tình yêu bất tận của Thiên Chúa. Một nhà tu đức đã diễn tả có vẻ hơi cường điệu nhưng rất chính xác: “Thiên Chúa đã thực hiện một giấc mơ rất điên rồ là phân thây xẻ thịt chính con một yêu quý của Ngài để ban tặng chúng ta”. Đó quả là một sự điên rồ và táo bạo. Chúng ta chỉ có thể cảm nghiệm được sự điên rồ ấy khi đi vào quỹ đạo tình yêu sâu xa của Thiên Chúa. Muốn nếm cảm tình yêu này, chúng ta phải có cảm thức đức tin. Trước khi làm phép lạ, Chúa nói với các môn đệ: “Anh em hãy bảo họ ngồi xuống”. Đám đông phải ngồi xuống để có thể lắng nghe và lãnh nhận. ‘Ngồi xuống’ là một hình tượng diễn bày đức tin, tín thác vào tình yêu Thiên Chúa. Xin Chúa khơi dậy lòng tin yếu kém nơi chúng ta để chúng ta có thể lãnh nhận quà tặng tình yêu, và để chúng ta cũng biết chia sẻ tình yêu đó cho mọi người.

Lm. GB. Trần Văn Hào, SDB

Visited 8 times, 1 visit(s) today