Có vị hoàng đế nọ sở hữu một tòa lâu đài lỗng lẫy hơn mọi cung điện trên thế giới. Trong khu lâu đài có một vườn thượng uyển trồng toàn những kỳ hoa dị thảo, hương thơm ngào ngạt. Khu vườn ấy cũng là nơi cư ngụ của một con chim sơn ca có tiếng hót hay lạ thường.
Những khách ngoại kiều từ khắp cùng cõi đất đặt chân đến thành phố của vị hoàng đế đều bị choáng ngợp bởi sự hùng vĩ của lâu đài và vẻ đẹp huyền ảo lẫn rực rỡ của khu vườn, nhưng trên hết, họ bị giọng hót tuyệt vời của chim sơn ca hớp hồn. Họ kháo láo với nhau: “Mọi sự đều tuyệt vời nhưng giọng hót của chim sơn ca mới là phép lạ vĩ đại nhất!”. Nghe thấy thế, vị hoàng đế nói: “Chim sơn ca à? Ta chẳng bao giờ nghe ai nhắc đến nó. Nó ở trong vườn của ta sao? Chính trong khu vườn của ta có con chim quý này… Vậy chiều nay, ta muốn chim sơn ca đến đây hót cho ta nghe!”
Con chim nhỏ mầu tro
Mọi quan trong triều đều lo tìm kiếm chim sơn ca, và họ bắt gặp cô hầu bếp nhỏ bé là người thường nghe tiếng chim hót. Cô đưa tay lên miệng khẽ nói: “Chim sơn ca đó! Hãy lắng nghe.Tiếng nó ở đằng kia!”. Và cô chỉ tay vào một con chim mầu tro ẩn mình trên cành cao.
Người ta trang hoàng sân rồng như trong một lễ hội lớn. Ở giữa sân có một ngai lớn bằng vàng cho vua ngự. Gần đó là một cành cây giả bằng vàng để chim sơn ca đậu. Mọi người hiện diện đều vận những bộ lễ phục đẹp nhất, kể cả cô hầu bếp cũng được phép đứng sau cánh cửa để tham dự. Ai ai cũng chăm chú nhìn vào con chim nhỏ mầu tro.
Chim sơn ca cất cao giọng hát tuyệt vời khiến hoàng đế cảm động đến rơi lệ. Những gọt lệ vương trên gò má ửng đỏ của hoàng đế lại càng làm chim sơn ca hát hay hơn nữa, giọng hát của nó như đi thẳng vào tim ngài, khơi lên nguồn cảm xúc dạt dào. Hoàng đế hết sức vui sướng, ngài sai thị vệ ban tặng chim sơn ca một vòng hoa đeo cổ bằng vàng. Chim sơn ca cho dù hãnh diện nhưng không muốn nhận quà tặng này, nó nói: “Tôi đã được nhìn thấy những giọt lệ của hoàng đế và với tôi, nó quý hơn mọi tặng phẩm. Nước mắt của một vị hoàng đế có quyền lực vô cùng!”.
Và rồi nó lại cất lên giọng ngọt ngào, trìu mến. Hoàng đế ra lệnh cho chim sơn ca ở lại trong triều đình vĩnh viễn. Ngài sai làm một cái lồng và cho phép chim sơn ca ngày hai lần được ra khỏi lồng: một lần ban ngày và lần khác vào ban đêm.
Cỗ máy bằng kim cương bị trục trặc
Vào một ngày đẹp trời nọ, có một gói hàng lớn được chở đến dâng cho hoàng đế. Phía trên hộp có ghi hàng chữ “Chim sơn ca”. Hoàng đế nhìn món quà đoán: “Chắc là một cuốn sách mới viết về con chim nổi tiếng của chúng ta”. Nhưng không phải là một cuốn sách, mà bên trong cái thùng nhỏ được bọc cẩn thận trang trọng ấy là một con chim máy, chung quanh mình nó được cẩn bằng những viên hồng ngọc, lục bảo và kim cương quý giá. Vừa khi nhấn nút, con chim máy cất lên tiếng hót giống y con chim sơn ca thật. Thỉnh thoảng nó còn ngước lên, cúi xuống trông thật sinh động. “Tuyệt vời!”, mọi người thốt lên thán phục. Thế rồi họ quyết định để con chim máy và chim sơn ca thật cùng song ca. Tuy nhiên, giọng của hai con chim không thể hòa với nhau được, vì con chim thật hót với điệu riêng của nó, trong khi con chim máy không bao giờ thay đổi giọng điệu.
Thế là con chim máy phải ca một mình. Nó cứ liên tục hót một bài cho dù đến 30 lần liên tục. Mọi người ngây ngất trước giọng hót hoàn mỹ và ánh rực rỡ của kim cương, đá quý. Họ chỉ giật mình tỉnh thức khi vị hoàng đế ban lệnh cho vị quan âm nhạc để chim sơn ca thật hót. Nhưng chẳng ai còn thấy con chim thật đâu nữa. Nó đã bay về khu rừng xanh rộng mênh mông của nó.
Các quan vui vẻ nói: “Cuối cùng thì con chim tốt nhất đã ở lại với chúng ta!”.
Cơn bệnh của hoàng đế
Con chim sơn ca bằng máy được hãnh diện đậu trên chiếc gối lụa gần giường của hoàng đế. Nó làm cho ngài vui vì tiếng hót và vì đồ trang sức quý giá. Nó còn được ưu ái gọi với danh hiệu: “Ca sĩ đầu giường của hoàng đế”. Một năm trôi qua thật tốt đẹp, từ hoàng đế đến quan đại thần, thị vệ, ai ai cũng nhớ nằm lòng từng giai điệu trong bài hát của chim sơn ca bằng máy.
Tuy nhiên, một chiều nọ, trong lúc hoàng đế đang mơ màng thưởng thức điệu hót như thường lệ, bỗng dưng một tiếng rắc…rrrrrr … vang lên, rồi tiếng khực… khực… nối tiếp. Những bánh răng cọ xát và rồi tiếng nhạc im bặt.
Hoàng đế nhảy ra khỏi giường, ngài cho gọi ngay quan ngự y đến, nhưng chẳng có gì thay đổi cả. Thế rồi hoàng đế lâm trọng bệnh, cả vương quốc được bao phủ bởi chiếc màn buồn bã. Họ đã quá yêu thương vị hoàng đế của họ.
Lạnh giá và xanh xao, hoàng đế nằm ủ rũ trên chiếc giường to lớn và lộng lẫy của mình. Thỉnh thoảng ngài lại gào lên: “Âm nhạc! Âm nhạc. Hỡi con chim vàng ngọc, hãy ca lên, hãy hát lên!”. Cả triều đình cho rằng ngài không qua khỏi nên xôn xao lo việc chôn cất nhà vua và tìm hoàng đế mới.
Trở về
Bất thình lình, cánh cửa sổ tầng thượng, nơi hoàng đế nằm bỗng mở ra. Và một tiếng hót lanh lảnh, diệu kỳ cất lên, ngân vang xa. Thì ra đó là tiếng hót của con chim sơn ca thật, nó đang say sưa hót từ cành cao gần cung điện. Nghe biết tình trạng nguy kịch của hoàng đế, con chim đã tìm về và hát dâng ngài bài ca an ủi và hy vọng. Hoàng đế dần hồi tỉnh, nhịp đập tim mạnh dần, cơ thể xanh xao bắt đầu ửng hồng biểu lộ sức sống đang vực dậy. “Cảm ơn! Xin cảm ơn”, hoàng đế thì thào, “ta đã quên ngươi, vậy mà ngươi vẫn nhớ đến ta. Với giọng hát, ngươi đã đuổi khỏi giường ta những tư tưởng đen tối, buồn bã; ngươi đã lấy cái chết khỏi trái tim ta. Ta phải ban thưởng cho ngươi thế nào đây?”.
Chim sơn ca trả lời: “Ngài đã ban thưởng cho tôi rồi! Tôi đã nhìn thấy giọt nước mắt của ngài và tôi chẳng bao giờ quên được. Với tôi, chúng là vàng ròng làm cho con tim nghệ sĩ của tôi sung sướng. Và bây giờ, nếu ngài muốn lấy lại sức, hãy ngủ đi. Tôi sẽ hót lên để ru ngài”.
Vị hoàng đế ân hận vì lối hành xử của mình trước kia, ông hứa sẽ đập nát con chim máy thành trăm mảnh, và yêu cầu chim sơn ca ở lại bên ông mãi mãi, nhưng nó nói: “Tôi sẽ hót khi ngài muốn, nhưng xin ngài đừng đập con chim máy ra, vì nó đã trao cho ngài mọi sự mà nó có thể. Hãy giữ lại nó lại cho ngài như thuở ban đầu. Còn tôi, tôi không thể lưu lại với ngài tại lâu đài này, nhưng hãy cho phép tôi trở lại khi tôi muốn, và mỗi buổi chiều, tôi sẽ đậu trên cành cây ở cửa sổ mà hót dâng ngài, làm cho ngài hạnh phúc và để ngài nhận ra rằng ‘tôi hát về những con người hạnh phúc cũng như đau khổ, tôi sẽ hát về sự tốt lành và xấu xa đang xảy ra chung quanh ngài, và cả những điều ngài chôn giấu trong tim”. Nói rồi, chim sơn ca vỗ cánh bay vào khung trời tự do mênh mông.
Những chỉ dẫn sư phạm
Sứ điệp ẩn giấu
Ngày nay tình yêu là điều khó nói trong gia đình, khi mà những đổ vỡ xảy ra như cơm bữa và những nguy cơ dẫn đến chia tay, làm tổn thương luôn rình chờ trong mọi tình huống. “Li dị” là câu nói cửa môi trong các gia đình, và điều này tác động đến khả năng chinh phục và gìn giữ tình bạn nơi người trẻ.
Câu chuyện cho thấy tình yêu bao giờ cũng nại đến lòng muốn và sự tự do của con người. Vị hoàng đế không thể có những người bạn thật được, vì ông đòi mọi người phải yêu mến ông và với chim sơn ca, ông muốn bắt nó ở trong lồng, rồi sau đó lại yên lòng để thay thế nó bằng một con chim máy. Cuối cùng ông hiểu ra rằng chỉ trong tự do chọn lựa người ta mới tìm thấy tình yêu đích thực và chỉ có con người mới có khả năng yêu mến.
Đối thoại gợi ý
- Tại sao chim sơn ca lại trốn khỏi lâu đài? Cái lồng trong đó buộc sơn ca phải sống có ý nghĩa gì? Chúng ta có “bị bắt buộc” phải trở thành bạn bè của một ai đó không?.
- Người ta có thể thay thế một người bạn bằng xương bằng thịt với một cỗ máy được không? Bạn có biết ai đó đã làm như thế không?
- Tại sao một bộ máy (Ti-vi, vi tính…) không bao giờ có thể trở thành một người bạn thực sự?
- Lý do gì đã làm chim sơn ca trở lại khi biết vị hoàng đế bị bệnh?
- Tại sao chim sơn ca không quay trở lại để sống trong chiếc lồng vàng?
- Theo bạn, đâu là những phẩm chất của một người bạn thực sự?
Hoạt động
Có thể chia các em thành nhiều nhóm nhỏ. Mỗi nhóm thảo luận, dùng bút viết lên một tấm giấy Proky các câu, bắt đầu với “Bạn là…”
Kinh Thánh cũng kể lại
Giáo lý viên có thể cho các em trao đổi trên lời của Chúa Giê-su: “Thầy không gọi các con là tôi tớ, nhưng là bạn hữu” (Ga 15,15)
Trích CĐ Don Bosco 35