Cha Minh Walter Van Wouwe – Hạt Nhân Vi-Mô

Nguyễn Văn Thông

    Hình-ảnh về Cha Minh Walter truyền-giáo người Bỉ gần 60 năm về trước ở Nhà Don Bosco Thủ Đức hầu như mờ dần trong tôi cho tới khi nhận tin ngài qua đời. Tôi không có những hình-ảnh đậm nét về ngài như với các vị truyền-giáo khác – Cha Mario, Cha Lương Luvisotto, Cha An Art, hay Cha Trang… Nhưng khi chậm-rãi ôn lại những ngày tháng xa-xôi được kết nối với những tin-tức về ngài được tôn-vinh trong những miền đất truyền-giáo mới sau khi ngài bị trục-xuất khỏi Việt Nam năm 1976 thì bỗng dưng trong tôi loé sáng như trăng rằm vừa thoát ra khỏi những tầng mây trên bầu trời đêm hè.

Lớp đệ-tử sinh chúng tôi không được hân-hạnh ngài dạy học môn nào. Vì thế tôi chỉ nhớ được vài hình-ảnh của ngài ở cuối hành-lang nhà ngủ Đoàn Besucco, trên Nhà Nguyện, và văn-phòng quản-lý. 

Dãy nhà ngủ của hơn 200 đệ-tử sinh chúng tôi dài bằng chiều dài của sân bóng đá của Đoàn Savio, và chiều ngang của sân bóng rổ cộng lại. Cả hai sân nằm ở phía sau nhà ngủ. Mỗi buổi chiều có bữa bốn giờ – thường là khúc bánh mì chấm mỡ hành phi nước mắm, và ly sữa nóng. Tuy vậy, có lẽ đó là bữa hào-hứng nhất vì tiếp theo là giờ chơi bóng đá. Xong các lớp học vất-vả trong ngày, bây giờ là lúc tung-hoành. Nhiều bạn rất nổi trong các môn học trong lớp thì bây giờ chìm-lỉm trên sân banh. Mấy anh thủ-quân, tiền-đạo (làm bàn nhiều) bảo đứng đâu, chạy phía nào là chúng tôi phải nghe răm-rắp. Họ tài thật, quả banh họ lừa như có nam-châm dính vào chân. Họ luồn-lách, chạy nhanh, chạy chậm, quả banh đều theo ý của họ. Nhiều anh nhỏ con mà sút banh cú nào cú nấy vùn-vụt. Tôi đã cố sức đá những cú phạt hết sức mình mà quả bóng chẳng mấy khi theo ý muốn! Tuy nhiên, giờ chơi banh là giờ chúng tôi chờ mong nhất trong ngày. 

Hào-hứng nhanh-nhẹn túa ra sân bao nhiêu thì tiếng còi chấm-dứt giờ chơi khiến chúng tôi tiu-nghỉu bấy nhiêu. Bây giờ là nửa giờ tắm giặt. Mấy anh tỉnh-táo nhanh chân xếp đầu hàng về nhà ngủ lấy đồ đi tắm giặt trước. Những người sau phải xếp hàng chờ trước hành-lang nhà ngủ thẳng góc với dãy phòng tắm. Các đoàn lớn là Magone, Savio, và sau này có thêm Đoàn Don Bosco không phải xếp hàng như đoàn bé Besucco chúng tôi, phần vì đông, phần vì hay nói chuyện. Có thời-gian Cha Minh Giám Linh đứng đầu hàng coi chúng tôi. Khi nào có phòng tắm trống thì ngài cho chúng tôi đi tới. Chúng tôi đứng xếp hàng và giữ im-lặng, thật khó. Có bao nhiêu chuyện cần phải nói, nhất là chuyện ở sân banh vừa rồi, mấy lần chút xíu thì mình đã làm bàn! Uổng ghê…. Thế cho nên Cha Minh phải coi hàng cho chúng tôi. Ngài thường đọc cuốn kinh Nhật Tụng cầm trên tay. 

Sau tắm giặt, chúng tôi lên nhà nguyện chầu Thánh Thể. Mới tắm giặt xong, người ngợm đầu tóc tươi-tỉnh, áo quần thẳng-thớm, chúng tôi hát những bài kinh chầu và bài Tantum Ergo trang-trọng. Kết-thúc thường là bài kính Đức Mẹ Ave Maris Stella. Hơn 200 tiếng hát vang trong nắng chiều chênh chếch xiên ngang hàng cây cao cạnh Nhà Nguyện. Ban đầu chỉ là cung điệu bình-ca Latin mê-hoặc. Lâu dần, học Latin hiểu lõm-bõm được những câu mình hát, tôi có lúc cảm-tưởng như được hát chung với các Thiên Thần ca-tụng Chúa Ba Ngôi, Mẹ Maria, và các thánh.

Cha Minh trong chức-vụ giám-linh phụ-trách Nhà Nguyện và các lễ. Bầu-khí Nhà Nguyện đã trang-trọng mà bước vào phòng áo đầu Nhà Nguyện lại càng thấy tươm-tất với tủ áo lễ ngăn-nắp, tủ rượu lễ và sách lễ gọn-gàng, các nến cao, bình hương sáng bóng, đâu ra đấy. Tôi đã là cậu gíup lễ ở xứ đạo, được quan-sát vài nơi trong những dịp lễ lớn chung trong giáo-hạt, và tôi thấy không có nơi nào có thể so-sánh với phòng áo nhà Dòng của chúng tôi ở đây. Lúc ấy tôi không ý-thức người đứng đàng sau những công-việc ấy là Cha Minh.

Dưới con mắt tuổi nhỏ, các Cha Thầy đều là bề-trên đáng kính và đều … già, ít nhất là già-giặn. Hồi ấy Cha Mario râu tóc bạc nhiều, Cha Lương cũng bạc. Cha An còn đen, chỉ có Cha Minh là không để râu. Dầu vậy, có để râu hay không, chúng tôi không bao giờ thắc-mắc về tuổi-tác các ngài. Bây giờ đọc tiểu-sử, tính ra Cha Minh chịu chức năm 30 tuổi, và trở lại truyền-giáo tại Việt Nam năm 34 tuổi – trẻ mâng! Thấy thế mới thương các ngài. 

Thời ấy theo luật Dòng, các vị truyền-giáo chỉ được về thăm quê-hương 10 năm một lần. Ôi, đúng là cuộc đời truyền-giáo: bỏ gia-đình, bỏ quê-hương đến vùng đất lạ với bao nhiêu chuyện không thể ngờ – bỡ-ngỡ, gian-nan, nguy-hiểm về đủ mặt. Đáp lại tiếng gọi đi tu đã là từ-bỏ; đi truyền-giáo lại là từ-bỏ thêm một bậc, như chết đi lần thứ hai.

Khi ấy vì không biết thương các ngài nên chúng tôi chẳng bao giờ hỏi các ngài có nhớ nhà, nhớ bố mẹ, anh chị em hay không. Chúng tôi coi sự hiện-diện của các ngài là tự-nhiên, làm nũng các ngài được huyện gì thì làm. Có lần gia-đình Cha Minh từ Bỉ gởi quà Chocolate. Ngài nhịn chia cho hơn 200 đứa chúng tôi. May cho đứa nào được thỏi chocolate sữa, không may cho đứa lãnh phải chocolate đen, cắn vào lè ra vì đắng quá. Già rồi mới biết, dark chocolate ngon tuyệt-vời!

Cha Minh trẻ nhưng ít nói, vì tôi chả nhớ ngài nói câu gì! Tuy nhiên, ngài có cách nói riêng. Mỗi buổi sáng, sau Thánh Lễ, và giờ học riêng là bữa điểm-tâm. Sau điểm-tâm là nửa giờ công-tác. Trừ vài công-tác đặc-biệt, chúng tôi mỗi tháng xoay quanh các công-tác như quyét lớp, quyét sân, dọn nhà vệ-sinh, tưới cây, cào cỏ, trồng hoa… Một lần tôi đang quyét sân, cào cỏ, Cha Minh đứng gần đó nhìn. Tháng sau tôi được chia công-tác làm trong văn-phòng quản-lý của ngài, và kéo dài một thời-gian.

Vài hôm trước Cha Thịnh Nguyễn báo tin Cha Minh qua đời. Cha Thịnh có gởi kèm cái hình chụp chung có ngài bé tí-xíu, mở rộng ra cũng chỉ thấy mờ nhạt không khác gì trong kí-ức của tôi. Hôm qua, Đinh Xuân Thái chuyển tôi bài cảm-tưởng của Cha Giám Tỉnh Timor-Leste nói về công-việc truyền-giáo của Cha Minh Walter nơi là một trong những vùng đất truyền-giáo nguy-hiểm nhất ở vùng Đông Á Châu Đại Dương trong suốt 17 năm từ 1982 đến 1998 sau khi bị trục-xuất khỏi Việt Nam năm 1976, và những năm làm việc ở Indonesia và Philippines.

Hãy nghe Cha Giám Tỉnh Apolinario Neto, SDB tôn-vinh Cha Minh thân-yêu của chúng ta sau khi ngài đã nhận sứ-mệnh ở nơi khác sau 22 năm.

“…Sự hoàn-toàn tận-hiến của ngài như người cha, anh, và bạn được cảm thấy sâu-xa và thực-sự biến-đổi các gia-đình Kitô-hữu, giới trẻ, và các em mồ-côi. Là một nhà truyền-giáo Salesian, Cha được coi như người tạo-dựng vi-mô trong nền giáo-dục và đào-tạo cho nhiều thanh thiếu niên nghèo ở Timor-Leste. 

Đồng thời, Cha được ghi ơn là “người xây-dựng” đức-tin Kitô-giáo và ơn gọi Salesian qua sứ-vụ là một linh-mục quản xứ. Ngày nay, ơn gọi Salesian ở Timor-Leste đang phát-triển, và một số người đã theo bước chân của Cha trở thành những nhà truyền-giáo ở các quốc-gia khác . Cảm ơn Cha Walter thân-yêu. 17 năm là nhà truyền-giáo ở Timor-Leste, mang đặc-trưng của sự làm việc không mệt-mỏi đã đóng góp trực-tiếp vào việc đào-luyện các Salesian Timor, và một số lớn thanh thiếu niên Timor trở thành Kitô-hữu tốt và công-dân lương-thiện. Cảm ơn Cha, Cha Walter thân-yêu…”

Sau 22 năm mà còn được tôn-vinh vì những công-việc mình làm! Tuyệt-vời ở mọi phía! Điều tôn-vinh ấn-tượng nhất đối với tôi là Cha Minh được gọi là “người tạo-dựng vi-mô – infrastructure – trong nền giáo-dục và đào-tạo cho nhiều thanh thiếu niên nghèo ở Timor-Leste.” Vi-mô không phải là vĩ-mô, không to-tát, vĩ-đại, chỉ nhỏ-bé nhưng tinh-tế nằm trong cốt-lõi của sự giáo-dục và đào-tạo để 22 năm sau, từ vùng đất gai-góc, sỏi-đá, khô-cằn của chiến-tranh, nhân-quyền, và tình người thì bây giờ triển sinh hoa trái. Nhiều mầm non từ vùng đất ấy đã vươn lên theo chân các vị truyền-giáo của chúng ta trở-thành các nhà truyền-giáo ở các vùng đất mới. 

Cha Minh ở trong tôi gần 60 năm trước là những ký-ức nhỏ-nhoi, bây giờ rực sáng như ánh trăng rằm. Ngài nhẹ-nhàng, không to-tiếng, không nóng-giận vì nền giáo-dục Don Bosco dựa trên sự hiểu-biết, tình yêu, và tôn-giáo. Đó là hạt nhân vi-mô trong giáo-dục và đào-tạo. Việt Nam cũng là mảnh đất Cha Minh và các nhà truyền-giáo đã đến. Các ngài đã gieo những hạt đức tin và đức ái trong cuộc sống âm-thầm, và qua thời-gian đã sinh hoa kết trái mà thường là người đi gieo dễ bị chìm trong quên-lãng.

Dẫu sao, cuộc đời các ngài vẫn reo vui vì danh Chúa được cả sáng.***

Nguyễn Văn Thông

August 21, 2020

——

Cha Minh WALTER VAN WOUWE, SDB

Thuộc Tỉnh Dòng Bỉ

đã an nghỉ trong bình an của Đức Kitô Phục Sinh

Ngày 16 tháng 08 năm 2020

Hưởng thọ 88 tuổi

Truyền Giáo tại Việt Nam:

–  Tập vụ tại Thủ Đức 1960-1962

–  Sau khi chịu chức linh mục ngài tiếp tục phục vụ tại Việt Nam từ 1964-1976 (Giám Linh, Quản Lý Don Bosco Thủ Đức; Giám Đốc Don Bosco Gò Vấp)

Visited 11 times, 1 visit(s) today