Cha Mario Acquistapace SDB (1906 – 2002)

Cha Mario Acquistapace SDB (1906 – 2002)

 Lm. Tôma Vũ Kim Long, SDB

   Tiểu sử cuộc đời

Cha Mario Acquistapace sinh ngày 16 tháng 7 năm 1906 tại Lodi Vecchio, nước Ý.

Năm 16 tuổi, ngài vào Nhà Salêdiêng, làm Nhà Tập tại Este, gần Venice và khấn lần đầu ngày 21 tháng 9 năm 1922.

Ngài đã viết đơn xin đi truyền giáo và cha Bề trên Cả sai ngài đến làm việc tại tỉnh dòng Hồng Kông; và ngày 19 tháng 7 năm 1926 ngài đã đặt chân đến Macao.

Ngày 30 tháng 05 năm 1931, ngài thụ phong linh mục và đến Hồng Kông dạy học.

Năm 1947, cha Mario Acquistapace được gửi sang Bắc Kinh. Tại đó, ngài đã xây dựng một mái ấm Don Bosco để quy tụ các trẻ nghèo và bị bỏ rơi. Ngài dành hầu hết thời gian để chăm sóc và dạy dỗ các em.[1]

Vào buổi tối ngày 24 tháng 9 năm 1952, cha Mario nhận lệnh của chính quyền buộc phải rời khỏi Trung Quốc. Ngài đã từ giã các em mà ngài đã hết lòng quý mến và tận tụy hy sinh. Tất cả những nhà truyền giáo ngoại quốc đều phải ra khỏi Trung quốc, và cha Mario là linh mục cuối cùng cũng rời khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, các tu sĩ dòng Don Bosco người Trung Quốc vẫn can đảm và kiên trì ở lại với Giáo Hội “hầm trú”.

Năm 1952, cha Mario Acquistapace được bổ nhiệm làm Giám Tỉnh của Tỉnh Dòng Don Bosco Hong kong, bao gồm Trung Hoa, Philippines và Việt nam. Trong suốt 6 năm, từ 1952 đến 1958, ngài đã tận tụy phục vụ Tỉnh dòng, hằng năm ngài đi thăm các quốc gia trong Tỉnh dòng.

Năm 1958, cha Mario Acquistapace tình nguyện phục vụ Việt Nam và ngài đã truyền giáo ở đây cho đến năm 1974.

Sau 16 năm truyền giáo tại Việt Nam, cha Mario trở về Hồng Kông, đến đảo Coloane gần Ma Cao để tìm cách thu thập hài cốt của các vị tử đạo Việt nam, Trung Quốc và Nhật Bản, rồi mở Trung tâm Di tích các vị tử đạo.

Năm 1990, cha Mario trở về nhà hưu tại Hồng Kông. Ngài luôn ân cần chào đón bạn bè thân hữu và các cựu học sinh Don Bosco một cách niềm nở; những người đến với ngài đều được hướng dẫn về mặt tinh thần. Ngài khích lệ và cầu mong mọi người có một cuộc sống đức tin sâu xa và sống động.

Cha Mario Acquistapace qua đời tại Hồng Kông ngày 25 tháng 9 năm 2002, hưởng thọ 96 tuổi.

  1. Truyền giáo tại Việt Nam

Đức Tổng Giám Mục Trịnh Như Khuê, Tổng Giáo Phận Hà Nội, xin cha Bề Trên Cả cho các tu sĩ Salêdiêng Don Bosco sang Việt Nam làm việc. Cha Bề trên Cả Renato Zigiotti chỉ định cha Giám tỉnh Mario Acquistapace từ Hong Kông đến Hà Nội gặp Đức Tổng Giám Mục. Sau đó, những tu sĩ dòng Don Bosco đầu tiên người Pháp, Ý và Brazil đã đặt chân đến đất nước Việt Nam vào tháng 10 năm 1952, tiếp nhận mái ấm nuôi trẻ mồ côi, mang tên Gia đình Têrêsa, do cha Paul Seitz thành lập và trao lại cho dòng Don Bosco, khi ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục giáo phận Kon Tum.

Năm 1953, với tư cách Giám Tỉnh, cha Mario Acquistapace đã đến thăm Hà Nội và chủ sự thánh lễ nhậm chức Giám đốc của cha Anrê Majcen.

Biến cố năm 1954, đất nước Việt Nam bị chia đôi, cha Mario đã quyết định di tản gia đình Têrêsa vào miền Nam, đến thành phố Ban mê thuột. Đồng thời, ngài cũng yêu cầu các tu sĩ dòng Don Bosco có nguồn gốc từ Tỉnh dòng Hồng Kông, trong đó có cả cha Anrê Majcen, phải trở về Hồng Kông.

Sau khi kết thúc nhiệm Giám Tỉnh của Tỉnh dòng Hồng Kông (1952-1958), cha Mario Acquistapace đã tình nguyện sang Việt Nam làm việc và được cha Bề Trên Cả sai đến Việt Nam năm 1958. Cha Mario vẫn tiếp tục với sự năng động và lạc quan của tuổi trẻ thường thấy. Cùng với các tu sĩ dòng Don Bosco tiên khởi tại Việt Nam, ngài đã xây dựng cơ sở mồ côi  cho khoảng 600 em tại Gò Vấp, Đệ tử viện tại Thủ Đức, và Tập viện tại Trạm Hành (Tp. Đà Lạt).

Cha Mario Acquistapace làm Giám đốc nhà Gò Vấp năm 1959-1964, nhà Thủ Đức năm 1964-1970, Bề trên Phụ Tỉnh năm 1961-1974.

Ngày 12 tháng 7 năm 1974, Don Bosco Việt Nam chính thức trở thành Phụ Tỉnh trực thuộc cha Bề Trên Cả. Khi công bố việc thành lập này, cha Giám Tỉnh Alexander Machuy mong muốn các hội viên thuộc Tỉnh dòng Hồng Kông về lại Hồng Kông. Tại Hồng Kông vào cuối năm 1974, cha Mario tham dự phiên họp bàn luận về công cuộc Salêdiêng Việt Nam; sau đó, ngài xin trở lại Hồng Kông.

Cha Mario Acquistapace đã hiến trọn đời mình cho sứ mạng truyền giáo của dòng Don Bosco. Giữa những những lúc gian truân đầy khó khăn thử thách, ngài vẫn sống mạnh mẽ, can trường và trung thành với đặc sủng Salêdiêng đến cùng.

  1. Dung mạo thiêng liêng

3.1. Ba lòng sùng kính của Don Bosco

Cha Mario noi gương Don Bosco, yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, Mẹ Maria và Đức Giáo Hoàng.

Ngài cổ võ Nhóm Đoàn kết Tâm linh dành cho các Ứng sinh tại Don Bosco Thủ Đức vào mỗi ngày Chúa Nhật. Ngài liên tục nhắc đi nhắc lại về tầm quan trọng của tinh thần cầu nguyện và sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh thể. “Cha Mario dạy chúng tôi rằng, Thánh Thể là lương thực của tâm hồn, là trung tâm của đời sống Kitô hữu và là nguồn mạch của sự thánh thiện. Tất cả chúng tôi đều cảm thấy mùi hương thơm ngọt ngào của hoa hồng từ những lời cầu nguyện của ngài lan tỏa sang chúng tôi”.

“Cha Mario còn dạy chúng tôi, yêu mến và bảo vệ Giáo hội. Để thắp sáng tình yêu đối với Giáo hội và Đức Giáo Hoàng, cha Mario đã tận dụng thời gian nghỉ hè để mở các khóa học về Giáo huấn và Sứ điệp của Công đồng Vaticanô II. Nhiều giải thưởng đã được trao tặng khiến việc học trở nên hấp dẫn và thú vị hơn. Những lời dạy dỗ quý báu cùng tấm gương sống động của ngài đã trở thành động lực thôi thúc chúng tôi chọn Chúa Kitô làm nền tảng vững chắc cho đời sống nội tâm của mình”.

Cha Mario Acquistapace yêu mến Đức Maria một cách đặc biệt. Ngài luôn mang theo kẹo, tràng hạt và ảnh các thánh trong túi áo chùng thâm (cassock) hay trong túi xách, để tặng cho người khác, đặc biệt cho trẻ em. Ngài luôn động viên, khích lệ và mời gọi mọi người sống tốt và yêu mến Đức Mẹ.

“Nhiều đêm nằm trên giường trằn trọc chưa ngủ được, chúng tôi có thể nghe thấy tiếng lách cách của cỗ tràng hạt trên tay trái, khi cha Mario đi ngang qua dãy nhà ngủ của chúng tôi, và tay phải, ngài ban phép lành cho từng giường học sinh. Hình ảnh này không thể phai mờ trong ký ức chúng tôi. Đây là bằng chứng cụ thể tình thương ngài dành trọn cho tất cả và từng người chúng tôi, bằng con tim mục tử nhân lành. Chính vì thế, chúng tôi rất kính sợ ngài và không dám làm điều gì mất lòng ngài”.

Là con người của Don Bosco, cha Mario sùng kính Đức Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu. “Trong các bài giảng về Đức Maria trong tháng Năm, lời nói của ngài trở nên mạnh mẽ, hùng hồn và hấp dẫn đối với người nghe; đôi mắt xanh của ngài ánh lên như những vì sao sáng giữa đêm khuya tăm tối; cử chỉ của cha không ngừng thể hiện cảm xúc về cuộc đời, các nhân đức và phép lạ của Đức Maria đối với nhân loại qua nhiều thế kỷ. De Maria, numquam satis: bằng thuật ngữ này, cha Mario thường khơi dậy trong chúng tôi ngọn lửa tình yêu đối với Mẹ của Chúa Giêsu”.

“Tôi, một cựu hội viên Salêdiêng, vẫn còn giữ một cỗ tràng hạt của cha Mario tặng cho em gái, khi ngài đến nhà tôi mời gọi em tham gia Chí nguyện viên Don Bosco (VDB). Cha Mario đã khuyên em tôi hãy phó thác cuộc đời mình cho Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu bằng cách đọc kinh Mân côi hàng ngày. Năm 1982, em gái đã trao cho tôi chuỗi tràng hạt đó, trước khi lên đường đi vượt biên trên một chiếc thuyền đánh cá nhỏ bé, mong manh và cũ kỹ, mà chở đến 105 người. Thật là một chuyến hành trình mạo hiểm, đầy sóng gió và phải nói: cận kề cái chết. May mắn, chúng tôi được một tàu biển Pháp cứu vớt một cách kỳ diệu, sau nhiều ngày lênh đênh trên đại dương vô tận”.

“Một lần nọ, cha Mario huấn từ tối, kể cho chúng tôi nghe mấy sự kiện mà ngài cảm nhận là có sự can thiệp của Mẹ Maria trong cuộc đời ngài. Khi còn làm việc tại Trung Hoa lục địa. Ngài đang đi trên xe lửa, tất cả hành khách đều bị kiểm tra an ninh. Viên sĩ quan kiểm tra hành lý của ngài và bắt gặp cỗ tràng hạt mà không biết công dụng của nó, nên chỉ vì cỗ tràng hạt mà ngài bị giữ lại không được tiếp tục cuộc hành trình. Hôm sau, ngài được tin xe lửa ấy gặp tai nạn”.

Vào những thập niên 1960 và 1970, chiến tranh xảy ra thật khốc liệt trên đất nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Những thanh niên từ 18 tuổi trở lên được gọi nhập ngũ. Một số lượng lớn cựu học sinh Don Bosco phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Một cựu học sinh Trung học Kỹ thuật Don Bosco Gò vấp được nghỉ phép sau những trận chiến đẫm máu và khủng khiếp ngoài mặt trận. Ngay lập tức, anh đến gặp Cha Mario và chia sẻ với ngài về cơn ác mộng kinh hoàng mà anh đã từng đứng giữa ngưỡng cửa của cái chết. Bộ quân phục của anh ta vẫn còn phủ đầy bụi đất và mùi thuốc súng của chiến trường. Anh ta chỉ cho cha Mario thấy vết đạn bắn trúng ngay phía trước mũ bảo hiểm của mình và viên đạn vẫn còn nằm yên dưới lớp lưới xanh che bên ngoài mũ bảo hiểm. Sau đó, anh còn cho ngài xem bên trong mũ bảo hiểm là chuỗi tràng hạt nhỏ và bức ảnh Đức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu do cha Mario trao tặng vào ngày anh chuẩn bị ra chiến trường, cùng với phép lành Đức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu. Lúc đó, với cảm xúc vừa bối rối vừa lo âu, anh quỳ xuống hôn tay cha Mario với những giọt nước mắt vui mừng và lòng biết ơn. Cha Mario dẫn anh vào nhà Thờ, cầu nguyện và cảm tạ Chúa cũng như Mẹ Maria đã gìn giữ anh được bình an.

3.2. Niềm vui và lạc quan

Cuộc sống của cha Mario Acquistapace, dù đi đâu, cũng đều tỏa sáng niềm vui và sự lạc quan, lòng nhân hậu và sự quảng đại, mà ai đã từng sống với ngài, đều cảm nhận được ngay. Những đức tính này được tỏa chiếu ngay trên khuôn mặt, đôi mắt, nụ cười, lời nói và cách sống của ngài.

Cha Mario đã sống tình cha qua cung cách giao tiếp vui tươi, lạc quan và thân thiện; kèm theo sự hướng dẫn hợp tình hợp lý của ngài, và nhất là lòng đạo đức thâm sâu được thể hiện qua lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh thể và Mẹ Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu đã khắc ghi sâu xa nơi tâm hồn các học sinh Don Bosco.

Những bộ phim về cuộc đời thánh Gioan Bosco, thánh Vinh sơn Phaolô, thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, câu chuyện về cậu bé “Marcellino, Pane e Vino”, v.v… không chỉ làm tăng thêm niềm vui cho những buổi tối Chúa Nhật đầu tháng, mà còn khơi lên nơi các học sinh tâm tình đạo đức và sự tin tưởng vào Thiên Chúa.

Các vở trường kịch như Cổng thành Jubilo, Tên nô lệ Numida, Mèo Bạch Tuyết, tại sao ngươi chết?, Bóng ma trên hồ, Tên Tử tù số 49, Những chính khách vĩ đại của thế giới, Cây ba-toong của ông Cậu, Vũ điệu tử thần, v.v. là những vở kịch nổi tiếng quốc tế và những vở hài kịch được chuyển sang Việt ngữ và được các tập sinh, các hội viên Salêdiêng, kể cả các sinh viên trình diễn, không chỉ củng cố những giá trị luân lý đạo đức, mà còn làm lây lan niềm vui và hạnh phúc cho thế giới nhỏ bé của các học sinh.

Các ban hòa tấu gồm các loại nhạc khí như piano, guitar, mandoline, sáo và dàn kèn đồng cũng như các cuộc giao lưu bóng rổ, bóng chuyền và bóng đá, các cuộc thi đấu  Olympic, các buổi đồng diễn thể dục không chỉ làm cho bầu khí của các nhà Don Bosco tại Thủ Đức, Gò Vấp, Trạm Hành, Đà Lạt trở nên sinh động, vui tươi một cách lành mạnh, mà còn là phương thế giáo dục rất hấp dẫn và hữu hiệu cho người trẻ.

3.3. Hệ thống giáo dục dự phòng

Hệ thống giáo dục dự phòng Don Bosco dựa trên ba chiều kích: Tình yêu, lý trí và tôn giáo. Cha Mario đã sống và thực hành phương pháp giáo dục của Don Bosco qua cuộc sống hằng ngày, với những hướng dẫn hợp tình hợp lý, và nhất là lòng đạo đức.

Hoa trái đầu mùa và kiệt tác của Hệ thống Giáo dục Don Bosco là Thánh trẻ Đaminh Saviô. Ngài đã trở nên tấm gương thánh thiện và lòng trong sạch cho các học sinh tại trường học và trong các gia đình Công giáo.

Những sách tranh về cuộc đời Thánh Đaminh Saviô, những tấm huy chương mang hình của ngài được trao tặng cho mọi người, đặc biệt các học sinh trong trường học Don Bosco, các em giúp lễ, kể cả các trẻ em trong Nguyện xá. Vào ngày mùng 6 tháng 5 hàng năm, các thiếu niên từ nhiều giáo xứ trong thành phố Sài Gòn và vùng ngoại ô cũng được mời đến trường Don Bosco để tham dự Thánh Lễ, vui chơi và học hỏi về cuộc đời thánh trẻ. Ấn tượng về một ngày vui chơi đầy hấp dẫn, xen kẽ những việc đạo đức phụng vụ nhẹ nhàng đã để lại trong tâm trí nhỏ bé của các em một kỷ niệm khó phai, đã từng là khởi đầu cho một lý tưởng dấn thân theo Don Bosco trong sư mạng giáo dục giới trẻ.

Một cặp vợ chồng trẻ đã kết hôn nhiều năm nhưng vẫn chưa có một mụn con nào. Tình cờ một ngày nọ, cha Mario gặp và tặng cho cô ta một ảnh đeo nhỏ của thánh Đaminh Saviô và bảo cô ấy cứ kiên tâm cầu nguyện với Chúa qua sự chuyển cầu của vị thánh trẻ này. Không lâu sau đó, ước mơ của cô đã thành hiện thực. Ngay năm sau, cô ấy đã sinh được một đứa con đầu lòng.

 3.4. Nhân hậu và quảng đại

“Trong một lần huấn từ tối, cha Mario kể rằng, kẻ trộm lẻn vào phòng ngài ăn cắp một số tiền khá lớn. Với vẻ mặt bình thản, ngài nói với chúng tôi: cha xin chúng con cầu nguyện cho tên ăn trộm đã lấy số tiền của cha, để nó sử dụng cho tốt. Hồi đó, mới chỉ là học sinh lớp 7, tôi không thể hiểu được tại sao mình lại phải cầu nguyện cho một tên trộm; rồi lại còn cầu nguyện cho nó dùng số tiền ấy cho nên. Sau này tôi mới hiểu tâm hồn cha Mario thật quảng đại, tốt lành và thánh thiện đến mức nào”.

Sự quan tâm chăm sóc của cha Mario đã chạm sâu vào trái tim người khác và khắc họa trong cuộc đời họ những ký ức không phai nhòa. “Một phương châm sống của cha Mario mà tôi không bao giờ quên được là: nghĩ tốt, nói tốt, và làm tốt cho mọi người”.

Sự quảng đại và nhân hậu của cha Maria biểu hiện ở việc rộng mở và khôn ngoan trong tương quan với chính quyền vào giáo quyền. Ngài từng là cha giải tội cho thượng nghị sĩ Việt Nam Cộng Hòa; mời gọi bộ trưởng Trương Công Cừu đi lễ Chúa Nhật trong trường Don Bosco, đưa ban kèn Don Bosco Thủ Đức đi đến các doanh trại Hoa kỳ phục vụ mừng lễ Giáng Sinh cho binh lính Mỹ. Cha Mario mời Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn văn Bình đến chủ sự thánh lễ tri ân hàng năm; tổ chức những buổi giao lưu thể thao giữa các dòng Lasan, Phanxicô, Châu sơn, trại Giáo hóa thiếu niên Thủ Đức.

Cuộc đời của cha Mario được điểm tô bằng các nhân đức của lòng trắc ẩn và thương xót. Đó là những viên kim cương của tám mối phúc thật trên trời. Bằng trái tim của người mẹ, cha Mario đã yêu thương và chăm sóc những người bất hạnh, nghèo đói và bệnh tật. “Có một phụ nữ trẻ đang mang thai và bị chồng bỏ rơi. Cô ấy vừa buồn sầu vừa lo lắng không biết tương lai của mình sẽ ra sao khi đứa con chào đời. Thất nghiệp và trắng tay là những đám mây u ám phủ kín tương lai của cô. Cô đến gặp cha Mario để xin giúp đỡ. Cha Mario đã an ủi cô bằng những lời khích lệ động viên. Ngài còn cho cô ở tạm trong một ngôi nhà gần đó, vốn dành cho những phụ nữ bất hạnh và được một số người tốt bụng chăm sóc”.

Thay lời kết

Cha Mario Acquistapace là một trong những bậc tiền bối vĩ đại của tỉnh dòng Salêdiêng Việt Nam. Ngài hết lòng tận tụy với vùng đất truyền giáo tại Trung Quốc và Việt Nam.[2] Trong thời gian sống tại Việt Nam, cha Mario từng đảm nhiệm nhiều trách vụ quan trọng: Giám đốc Don Bosco Gò Vấp; Giám đốc Đệ tử viện Don Bosco Thủ Đức, và là Bề trên Phụ tỉnh đầu tiên của Don Bosco Việt Nam.

Ngày 26 tháng 9 năm 2002, “khi được tin cha Mario qua đời, tôi thật sự đã mất đi người ân nhân tâm linh vĩ đại nhất của cuộc đời mình”. Cha Mario, “một Don Bosco sống động”, đã sống tinh thần của Đấng sáng lập, yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, Mẹ Maria Phù Hộ, yêu mến Giáo Hội, sống niềm vui và lạc quan, nhân hậu và quảng đại, khôn ngoan và rộng mở, trắc ẩn và thương xót.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Mario Rassiga (ed.), Don Andrea Majcen. Missionario salesiano in Cina e Vietnam, Ljubljana 1989 (bản tiếng Việt: Cha Anrê Majcen, Tổ phụ gia đình Salêdiêng Việt Nam, Tp. HCM 2006).

Lm. G.B. Nguyễn Văn Thêm SDB, Lịch sử Don Bosco Việt Nam theo Niên Giám (1952-1971), digital edition, Tp. HCM 2024.

Lm. Đa Minh Phạm Xuân Uyển, Lịch sử Salêdiêng Việt Nam. Tự thuật của cha Anrê Majcen nhà truyền giáo Salêdiêng tại Trung Hoa và tại Việt Nam, Xuân Hiệp, Tp. HCM 2017.

 [1] X. Lm. Đa Minh Phạm Xuân Uyển, Lịch sử Salêdiêng Việt Nam. Tự thuật của cha Anrê Majcen nhà truyền giáo Salêdiêng tại Trung Hoa và tại Việt Nam, Xuân Hiệp, Tp. HCM 2017, 593.

[2] X. GB. Nguyen Van Them SDB, Spiritual Portrait of a Salesian Missionary Father Mario Acquistapace, digital edition, Sai Gon 2024.

Visited 51 times, 1 visit(s) today