CÁC NHÓM BẠN XẤU: LÀM THẾ NÀO ĐÂY?

Vào một buổi sáng, có em trên 12 tuổi đẩy vội cửa bước vào phòng Don Bosco và nói thật quyết liệt: “Xin cha ghi chép ngay”. Don Bosco đã từng biết đứa trẻ đó (một thiên thần nhỏ trong trắng). Vì thế cha lập tức cầm bút viết theo lời em đọc. Cậu bé đã đọc cho cha danh sách nhóm thanh thiếu niên được ma quỉ đưa vào Nguyện xá để làm hại linh hồn các học sinh bằng cách rủ chúng gia nhập các phong trào trẻ của nhóm Tam điểm. Chúng có những thẻ hội viên đặc biệt và có một chương trình hành động chi tiết. Đó là nhóm thứ năm do ma quỉ tổ chức.

Cậu bé trình bày rõ ràng cho Don Bosco tất cả mọi chi tiết trong kế hoạch làm hư hỏng các học sinh. Don Bosco rất nhạy bén trước mối nguy hiểm của những “giọt mật hư hỏng” (như ngài thường gọi), chúng sẽ phá hủy toàn thể số mật tốt. Vì thế, với danh sách trong tay, ngài bắt đầu cuộc điều tra; sau một vài giờ ngài đã nắm được tất cả những đứa trẻ xấu ấy và đuổi chúng khỏi Nguyện xá, vì chúng đang tìm cách làm bạn với những em còn ngây thơ. Tuy nhiên, ngài muốn biết làm thế nào cậu bé 12 tuổi ấy lại có thể khám phá ra lũ trẻ xấu đó. Rất ái ngại nhưng cuối cùng cậu trả lời rằng mấy ngày hôm trước Chúa đã cho cậu thấy tất cả mọi sự như thể trong gương để nói lại cho Don Bosco và vì không nói, nên sáng hôm đó, sau khi rước lễ, cậu bị Chúa Giêsu khiển trách nghiêm khắc.

Để phá vỡ những tình bạn xấu, ngoài những phương thế nhân bản thường dùng. Don Bosco còn đề cao việc năng lãnh nhận các bí tích vốn ngăn cản sự hình thành những tình bạn như thế. Trong các trường hợp này, Thánh Thể tác động như bông hướng dương: phát hiện và xác định vị trí của điều hư hỏng trong tâm hồn.

Cha mẹ và nhà giáo dục thường gặp vấn đề bạn bè xấu nơi con em của họ. Trẻ em không lường trước được chúng đang mạo hiểm như thế nào; chúng trách các nhà giáo dục đã không hiểu chúng và không coi trọng các bạn bè của chúng. Làm thế nào đây?

* Phải tách trẻ ra khỏi khung cảnh sống quen thuộc, ít là trong một thời gian: việc đi trọ học, đi dạo hay du ngoạn, nhờ người họ hàng hay nơi quen biết bảo trợ, thường là những dịp tốt để phá vỡ được những tình bạn xấu; trong thời gian đi vắng, tình bạn của chúng sẽ phai dần, và thường chấm dứt. Khi không còn tiếp xúc với bạn xấu, trẻ em sẽ suy nghĩ lại và trở nên chín chắn.

* Nếu không thay đổi được gì? Nếu người thiếu niên hay em nhỏ ấy vẫn duy trì những tình bạn có hại đó thì sao? Cần phải chạy đến Thiên Chúa bằng kinh nguyện. Còn về phần nhân loại, cần nhớ một qui luật luôn có giá trị là bằng mọi giá, phải giữ cho được lòng yêu mến và cuộc đối thoại sống động. Cô Lan 19 tuổi, sau nhiều tháng căng thẳng liên tục và xung khắc mãnh liệt với cha mẹ, đã rũ bỏ tất cả và đi sống với một người bạn trai mà cha mẹ không hề ưa thích. Dĩ nhiên là cha mẹ cô cũng có lý. Cô ra đi, không nói một lời với người cha, con người nghiêm khắc và yêu sách, hoàn toàn cứng rắn; với ông cuộc đối thoại đã chấm dứt từ lâu. Nhưng tuần sau, cô trở về nhà vào ngày đã định để gặp người mẹ. Cô đã giúp bà xếp lại quần áo và nói chuyện “to nhỏ” với bà. Tim đèn chưa tắt, bà mẹ tốt lành ấy đã gìn giữ cho nó cháy tiếp: luôn luôn còn có một chút hy vọng.

* Phá vỡ một tình bạn xấu thường rất khó, nếu người ta chưa thay thế được bằng một tình bạn khác. Buộc trẻ em quyết định và cắt thôi chưa đủ, còn phải giúp nó tạo nên những tình bạn mới, đi những con đường mới. Cha mẹ và nhà giáo dục phải khôn khéo hướng dẫn trẻ em tới những môi trường và tình bạn lành thánh. Nhất là trong giai đoạn trẻ em cảm thấy thiếu thốn yêu thương, phải biết lợi dụng mọi dịp để khỏa lấp chỗ trống tình cảm của chúng hầu có thể tỏ cho chúng biết rằng chúng ta muốn điều tốt cho chúng. Nhằm mục đích này, nhà giáo dục cần phải nhạy bén để có thể bắt được những lời kêu cứu xuất phát từ cõi lòng của trẻ em một cách bí nhiệm. Một nhà giáo dục vĩ đại đã nói: “Phải biết nghe tiếng dế kêu giữa những tiếng sấm sét”.

“Trong các tình bạn, phải để cho kinh nghiệm, chứ đừng để cho con tim hướng dẫn ta”. (Don Bosco)

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB


 

Visited 3 times, 1 visit(s) today