Bàn về Chữ Tín

Trong sách “Cổ học tinh hoa” của Ôn Như Nguyễn văn Ngọc có một câu chuyện giáo dục về “chữ tín” với nội dung như sau:

Vợ thầy Tăng Tử đi chợ. Con khóc đòi đi theo. Mẹ bảo:

  • Con ở nhà, rồi mẹ về, mẹ làm thịt lợn cho con ăn.

Lúc vợ về, thầy Tăng Tử đi bắt lợn làm thịt. Vợ nói:

  • Tôi nói đùa nó đấy mà ?

Thầy Tăng Tử bảo:

  • Nói đùa là thế nào? Đừng khinh trẻ thơ là không biết gì. Cha mẹ làm gì, nó thường hay bắt chước. Nay mình nói dối nó, chẳng là mình dạy nó nói dối ư .

Tăng Tử nói xong, làm thịt lợn cho con ăn thật.

Đó là nguyên văn đề thi dịch ra Pháp văn trong kỳ thi tuyển vào năm thứ nhất trung học Pétrus- Ký mà tôi đã tham dự cách nay 65 năm. Tuy chỉ là một đề thi nhưng lại làm cho tôi luôn lưu tâm đến chữ tín và trong những năm dạy học thỉnh thoảng tôi vẫn có dịp nói với học sinh về giá trị của đức tính thành thật. Người hay nói dối chắc chắn bị người chung quanh khinh bỉ, xã hội có nhiều người nói dối ắc sẽ loạn và nhà cầm quyền nói dối tất bị nhân dân chán ghét.

Thế mà một lần tôi đã nói dối với anh hiệu trưởng của trường tôi và cho tới bây giờ tôi vẫn chưa quên.

Năm đó, lớp tôi chủ nhiệm có vài học sinh ngồi ở cuối lớp có tính hay đùa giỡn. Tôi biết đó là tính cách tự nhiên của tuổi trẻ nên không quan tâm lắm. Không ngờ một hôm sự tinh nghịch của một em lại gây to chuyện. Sự việc xảy ra thế nầy:

Chị giáo viên dạy Anh văn của lớp là người rất nghiêm khắc và có thói quen khi giảng bài thường đi xuống cưới lớp, một tay cầm quyển sách có bài giảng, tay kia để sau lưng. Em nào lơ đễnh thường bị cô la rầy, đôi khi hơi nặng lời.

Một hôm, em T. bắt được một ổ chuột con mới đẻ ở nhà. Em lén đem một con vào lớp. Khi cô giáo xuống cuối lớp vừa quay lưng lại, em nhét ngay con chuột vào bàn tay cô. Không ngờ cô có tính sợ chuột con và thằn lằn như những vật kinh tởm nhất trên đời. Khi nhìn thấy con vật đỏ hỏn đang ngo ngoe trong tay, cô hét to, quăng cả chuột và sách giáo khoa rồi phóng chạy ra khỏi lớp, đến ngay phòng hiệu trưởng. Dãy phòng học nhốn nháo cả lên. Lập tức anh hiệu trường xuống, hỏi lý do và đuổi em T. ra khỏi lớp, đưa về phòng giám thị.

Đến giờ chơi, anh hiệu trưởng cho người mời tôi lên kể lại sự việc. Tôi để ý thấy cô giáo bị học sinh quấy phá ngồi với vẻ mặt còn nguyên nét giận dữ. Anh hiệu trưởng cho biết em T. tỏ vẻ hối hận và xin đến gặp cô giáo để xin lỗi. Tuy nhiên cô giáo không đồng ý và nhất định không trở lại lớp dạy nếu nhà trường chưa có biện pháp trừng phạt nặng đối với em T. Vì lý do đó, anh hiệu trưởng quyết định triệu tập hội đồng kỷ luật theo thủ tục khẩn cấp để xét xử. Tôi là giáo viên chủ nhiệm phải tham dự hội đồng kỷ luật cùng với cha mẹ em T.

Tôi cảm thấy lo lắng cho em T. Với sự việc có vẻ nghiêm trọng nầy, hội đồng kỷ luật chắc chắn sẽ phán xét một cách nghiêm khắc. Em T. có thể bị đuổi học, hay nhẹ lắm cũng bị một sự trừng phạt nào đó chẳng hạn như ghi vào lý lịch học sinh. Tôi biết em T. không phải là một học sinh mất dạy, hành động dại dột vừa qua chỉ là chỉ là một sự tinh nghịch không phải chỗ của tuổi trẻ mà thôi. Tôi cũng biết thân phụ của em là người rất nghiêm khắc lại trọng danh dự, được hàng xóm chung quanh kính nể, cho nên, việc nhận giấy báo tham dự hội đồng kỷ luật xét xử con mình thì quả thực là điều vô cùng cay đắng rất đáng thương cho ông. Nghĩ như thế, tôi nhất định tìm cách cứu em khỏi phải ra hội đồng kỷ luật. Tôi nói một cách ôn tồn với anh hiệu trưởng:

– Thưa anh, dù là thủ tục khẩn cấp thì vài ngày sau hội đồng kỷ luật mới triệu tập được. Tôi mong muốn việc nầy được sớm kết thúc nên tôi xin đề nghị biện pháp trừng phạt em T. một cách đích đáng. Ngay tối nay, tôi sẽ đến nhà em T. trình bày cái tội của em T. cho cha mẹ em rõ và đề nghị ông bà bắt em T. nằm xuống đánh mấy roi thực đau ngay trước mặt tôi. Tôi nghĩ rằng, với một học sinh đang đến tuổi trưởng thành, sự trừng phạt đó là nặng và xứng với cái tội của em T. lắm rồi.

Anh hiệu trưởng tỏ vẻ ngạc nhiên với đề nghị khá lạ lùng của tôi. Anh quay sang hỏi ý cô giáo đang ngồi im lặng. Cô có vẻ chăm chú nghe, nét mặt dịu lại và khẽ gật đầu. Thế là anh hiệu trưởng chấp thuận ngay ý kiến giải quyết của tôi để lớp học và cả nhà trường sớm trở lại sinh hoạt bình thường.

Tôi đến ngay phòng giám thị gặp em T. và dặn em T. trưa nay về thưa với ba má là tối nay tôi sẽ đến nhà. Em T. tỏ ra rất sợ hãi nhưng không dám cãi lời.

Tối lại, khi tôi bước vào nhà, ba của em T. đón tiếp tôi một cách trịnh trọng và vui vẻ, hình như ông chưa được em T. nói cho biết mục địch tôi đến thăm ông. Tôi ngồi vào ghế và để ý thấy em T. đứng lấp ló phía sau màn cửa buồng với vẻ bồn chồn lo lắng. Nhìn thấy vẻ mặt đáng thương và sợ hãi của em T, tôi nghĩ rằng em đã thực sự hối hận nên sự trừng phạt không cần thiết nữa. Nghĩ như thế, tôi ngồi nói chuyện vui vẻ với ba em T. như trong một chuyến viếng thăm bình thường rồi ra về.

Sáng hôm sau vào trường, tôi đến gặp ngay anh hiệu trưởng để báo cho anh biết rằng tôi đã đến thăm gia đình em T. như đã hứa. Anh hỏi người cha có trừng trị em T. hay không. Tôi nói dối rằng mọi việc đều xảy ra như tôi đã trình bày ngày hôm qua. Anh hiệu trưởng tỏ ý bằng lòng và việc lôi thôi được kết thúc một cách êm thắm.

Đó là lần tôi đã nói dối chỉ vì lòng thương đứa học trò dại dột của tôi. Tôi thầm nghĩ nói dối thông thường là điều đáng chê trách, nhưng đôi khi cũng đáng được tha thứ nếu là nói dối vì lòng nhân chứ không phải vì một lợi ích tầm thường nào đó. Tỉ như trường hợp một vị y sĩ có lương tâm phải nói dối với một người đang bị bệnh trầm trọng để giúp cho bệnh nhân không quá bi quan với chứng bệnh của mình, có phải không các bạn?

Võ Phá

Visited 3 times, 1 visit(s) today