Bài phỏng vấn Sư huynh Raymundo Fernandes, SDB thuộc Á tỉnh Đông Timor – Indonesia

1- Điều gì khiến Thầy hạnh phúc trong ơn gọi Sư huynh Salêdiêng?

+ Đã 4 lần, tôi được bề trên sai về làm việc tại cộng thể Fuiloro. Trước khi trở thành tu sỹ Salêdiêng, tôi đã từng là học sinh của trường Kỹ thuật nông nghiệp tại đây từ năm 1988. Lúc đó có 2 tu sỹ Salêdiêng đi từ Los Palos đến đây để ở với chúng tôi, đó là Cha Jose Vattaparambil, người Ấn độ và Sư huynh Jose Riberio, người Bồ đào nha. Đây là 2 vị truyền giáo Salêdiêng. Từ lúc đó tôi biết có 2 hình thái của ơn gọi tu sỹ Salêdiêng: Linh mục và Sư huynh. Hai ngài làm việc quần quật suốt cả ngày, hầu như không nghỉ tay. Có lúc các Ngài làm việc tại trang trại để hướng dẫn các học sinh, những lúc khác các Ngài hộ trực chúng tôi trong giờ chơi, giờ ăn… và luôn luôn ở giữa học sinh. Vào cuối năm học thứ ba, tôi hỏi Cha Joe: “Thưa Cha, con muốn đi tu Salêdiêng, con phải làm thế nào?”. Cha Jose trả lời, con hãy đợi khi Cha Carbonelli đến rồi Ngài sẽ trả lời cho con. Lúc đó Cha Carbonelli là bề trên của phụ tỉnh Indonesia. Khi tôi gặp Cha bề trên và nói lên ước nguyện của mình, Ngài chấp nhận để tôi gia nhập tu sinh niên khóa 1992-1993. Năm sau, tôi được nhận vào tập viện tại Fatumaca.

2- Trong ơn gọi Sư huynh, đều gì khiến thầy vui thích nhất?

+ Tôi thâm tín rằng cuộc sống Sư huynh Salêdiêng mà thiếu cầu nguyện, không sống kết hiệp sâu xa với Chúa Giêsu, thì sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc. Song song vào đó, tôi cảm thấy vui thích khi được sống và làm việc giữa các em học sinh, tức là giữa giới trẻ.

3- Đâu là mẫu gương Sư huynh Salêdiêng nơi thầy?

+ Năm nay, 4 anh em chúng tôi mừng ngân khánh khấn dòng: Tôi; Cha Djoko, người Indonesia; Sư huynh Eligio, người Mozambique và Cha Yosef người Indonesia. Ở đây, tôi chưa thấy có mẫu gương Sư huynh nào, vì con số Sư huynh còn rất ít. Riêng tôi, tôi rất thán phục mẫu gương nơi Cha Jose Vattaparambil, vị truyền giáo Salêdiêng người Ấn độ.

4- Anh em Sư huynh đóng góp được những gì cách chuyên biệt cho sứ mệnh Salêdiêng?

+ Đó là sống và thực hành 3 lời khấn trong Tu hội. Triệt để sống ơn gọi thánh hiến theo những lời khuyên phúc âm là cách đóng góp thiết thực nhất cho cộng thể và cho Tu hội. Khi sống như thế, anh em Sư huynh phải toàn tâm toàn lực với cả tâm hồn mình để làm việc, và đây chính là sự đóng góp căn bản nhất.

5- Làm cách nào để ơn gọi Sư huynh được hiển thị rõ nét hơn trong Giáo hội?

+ Trước hết, anh em Sư huynh cần phải thể hiện qua đời sống chứng tá của mình, qua những việc tông đồ và luôn dấn thân làm việc cho giới trẻ. Ở Đông Timor, các sơ FMA và nhiều anh em hội viên SDB chỉ nhắc đến các linh mục, còn các Sư huynh hầu như bị lãng quên hoàn toàn, khiến nhiều anh em Sư huynh rời bỏ Tu hội. Chúng tôi rất cần những vị lãnh đạo tài giỏi, biết quan tâm đến các Sư huynh và trợ giúp để chúng tôi bền đỗ trong ơn gọi.

6- Thầy có ước mong gì về việc các anh em linh mục cần cổ võ ơn gọi Sư huynh?

+ Khi tôi đến thăm nhà thỉnh sinh ở Los Palos niên khóa 2009-2010, tôi có nói với Cha Giám đốc ở đây rằng cần có sự hiện diện của Sư huynh Salêdiêng tại nhà tu sinh và nhà thỉnh sinh. Đợi đến nhà tập thì hơi muộn. Cần phải trình bày cho các em trong giai đoạn tìm hiểu ơn gọi Salêdiêng biết về 2 hình thái của một ơn gọi Salêdiêng duy nhất.

7- Điều gì đã nâng đỡ ơn gọi của thầy?

+ Chắc chắn điều căn bản nhất chính là ơn Chúa. Sau đó, tôi tìm được nguồn nâng đỡ từ cộng thể Salêdiêng, khi chúng tôi cùng chung sống, cùng làm việc, cùng chia sẻ sứ mệnh.

8-Thầy có đề nghị gì cho Đại hội Sư huynh miền EAO sắp tới?

+ Đây là một sự kiện quan trọng đối với tôi, bởi vì lần đầu tiên tôi được tham dự Đại hội như vậy. Tôi mong ước được gặp gỡ các anh em Sư huynh từ các tỉnh dòng khác. Vả lại, tôi cũng khao khát đến Việt Nam để tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau, vì trong Đại hội lần này có gần 200 anh em đến từ nhiều quốc gia trong miền cũng như từ những nơi khác.

9- Thầy còn điều gì muốn chia sẻ với các độc giả?

+ Trong đời sống Salêdiêng, chúng ta rất cần những vị sinh động và lãnh đạo tài giỏi để giúp cộng thể thăng tiến. Tại Đông Timor, từ năm 1946, chúng tôi may mắn có được những vị truyền giáo Salêdiêng kiệt xuất người ngoại quốc. Các Ngài đã có công rất lớn để đặt nền móng văn hóa Salêdiêng tại đất nước này. Nhưng hiện nay, đa phần các hội viên ở Đông Timor đều là người bản địa. Anh em chúng tôi cần phải học hỏi và trau dồi kỹ năng để việc sinh động được hiệu quả hơn. Vì thế chúng tôi cũng muốn học hỏi kinh nghiễm từ các tỉnh dòng khác trong miền EAO, trải dài trên 23 quốc gia. Chúng tôi cần có những bề trên có phẩm chất thực sự để lãnh đạo, để điều hành và nhất là để biết cách nắm bắt các hội viên của mình.

Fuiloro, Đông Timor – 13/04/2018
Bài viết của Thông Tấn xã Salêdiêng
Văn Hào, SDB chuyển ngữ


Visited 3 times, 1 visit(s) today