Vào ngày thứ hai trong chuyến tông du tại Mông Cổ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với các giám mục, linh mục, nhà truyền giáo, tu sĩ nam nữ và các nhân viên mục vụ tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Phêrô và Phaolo.
Sau đây là bài nói chuyện của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến: Chào buổi chiều!
Cảm ơn những lời chia sẻ thật tuyệt của anh chị em, cảm ơn Sor Salvia, cha Peter Sanjaajav và anh Rufina vì những chứng từ của anh chị em, cảm ơn tất cả anh chị em vì sự hiện diện và vì đức tin của anh chị em. Tôi rất vui được gặp anh chị em. Niềm vui của Tin Mừng là động lực thúc đẩy tất cả anh chị em, những người nam nữ thánh hiến trong đời sống tu trì hoặc trong thừa tác vụ tư tế, và có mặt ở đây cùng với anh chị em giáo dân đã hiến mình cho Chúa và cho tha nhân. Tôi chúc tụng Chúa vì điều này và qua lời cầu nguyện tuyệt vời được trích từ Thánh Vịnh 34, một lời cầu nguyện truyền cảm hứng cho tôi chia sẻ một số suy nghĩ với anh chị em. Câu Thánh vịnh ấy như sau: “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy!” (câu 9).
Hãy nếm thử và hãy nhìn xem, vì niềm vui và sự tốt lành của Chúa không phải là điều gì chóng qua mà trường tồn bên trong, chúng mang lại niềm vui cho cuộc sống và cho phép chúng ta nhìn mọi sự theo một cách mới; như anh vừa chia sẻ những lời chứng đẹp đẽ với chúng tôi, anh Rufina. Trên hết, tôi muốn nếm thử hương vị đức tin ở mảnh đất này bằng cách nhớ lại những câu chuyện và những khuôn mặt, những cuộc đời cống hiến cho Tin Mừng. Anh chị em đã dành cuộc đời mình cho Tin Mừng: đây là một định nghĩa đẹp đẽ về ơn gọi truyền giáo của người Kitô hữu, và đặc biệt là cách thức người Kitô hữu sống ơn gọi đó ở đây.
Tôi nhớ đến Đức Giám mục Wenceslao Selga Padilla, vị Phủ Doãn Tông tòa đầu tiên, người tiên phong trong lịch sử đương đại của Giáo hội ở Mông Cổ và là người xây dựng ngôi nhà thờ chánh tòa này. Tuy nhiên, ở đây đức tin không chỉ có được từ những năm 1990 của thế kỷ trước, mà có nguồn gốc rất xa xưa. Những kinh nghiệm của thiên niên kỷ thứ nhất, được đánh dấu bằng phong trào truyền giáo theo truyền thống Syriac lan rộng dọc theo Con đường Tơ lụa, được tiếp nối bằng sự dấn thân truyền giáo đáng kể. Làm sao chúng ta có thể không nhớ đến các sứ mệnh ngoại giao vào thế kỷ 13, bao gồm cả lòng nhiệt thành tông đồ được thể hiện qua việc bổ nhiệm John of Montecorvino làm giám mục đầu tiên của Janbalic vào khoảng năm 1310. Ngài chịu trách nhiệm toàn bộ khu vực rộng lớn này trên thế giới dưới triều đại nhà Nguyên Mông. Chính ngài là người thực hiện bản dịch tiếng Mông Cổ đầu tiên của sách Thánh vịnh và Tân Ước. Vâng, câu chuyện vĩ đại về niềm đam mê Tin Mừng này đã được nối lại một cách đặc biệt vào năm 1992 với sự xuất hiện của những nhà truyền giáo đầu tiên của Tu hội Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, cùng với sự tham gia của các hội dòng khác, các giáo sĩ và giáo dân tình nguyện. Trong số tất cả, tôi muốn nhớ đến Cha Stephano Kim Seong-hyeon năng động và nhiệt thành. Và chúng ta cũng hãy nhớ đến rất nhiều tôi tớ trung thành của Tin Mừng ở Mông Cổ, những người đang ở đây với chúng ta và những người đã cống hiến cả cuộc đời cho Chúa Kitô, đã nhìn thấy và nếm trải những điều kỳ diệu mà lòng thương xót của Người tiếp tục hành động nơi anh chị em và qua anh chị em.
Nhưng tại sao các nhà truyền giáo lại dành cuộc đời mình cho Tin Mừng? Chính vì, như Thánh Vịnh 34 nhắc nhở chúng ta, chúng ta đã được nếm thử sự dịu dàng của tình yêu Thiên Chúa và được cảm nghiệm tình yêu ấy trong cuộc sống của chính mình. Thiên Chúa đã tỏ mình ra và chúng ta có thể cảm nhận được trong Chúa Giêsu. Đúng vậy, Người là Tin Mừng dành cho mọi dân tộc, Lời loan báo mà Giáo hội không thể không thực hiện, thể hiện nó trong cuộc sống và “thì thầm” nó vào tâm hồn của mỗi cá nhân và mỗi nền văn hóa. Cảm nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô là ánh sáng thuần khiết làm biến đổi khuôn mặt và làm cho nó trở nên rạng ngời. Anh chị em thân mến, đời sống Kitô hữu nảy sinh từ việc chiêm ngưỡng dung nhan này, đó là vấn đề tình yêu, là cuộc gặp gỡ hàng ngày với Chúa trong Lời Chúa và trong Bánh Hằng Sống, nơi khuôn mặt người khác, nơi những người thiếu thốn, nơi Chúa Kitô hiện diện.
Trong 31 năm hiện diện ở Mông Cổ, các linh mục, các tu sĩ nam nữ và các nhân viên mục vụ, đã thực hiện nhiều sáng kiến bác ái khác nhau với khả năng của mình và phản ánh khuôn mặt thương xót của Chúa Kitô, Người Samaritanô nhân hậu. . . Nó giống như tấm danh thiếp của các nhà truyền giáo, khiến họ được tôn trọng và quý trọng vì nhiều lợi ích mà họ đã mang lại trong vô số lĩnh vực khác nhau; từ hỗ trợ xã hội đến giáo dục, từ chăm sóc sức khỏe đến quảng bá văn hóa. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục con đường hiệu quả và hữu ích này cho mọi người Mông Cổ thân yêu.
Vào thời gian này, tôi mời gọi anh chị em hãy nếm thử và hãy nhìn Thiên Chúa, hãy nhìn ngắm thật kỹ về những hành trình đầu tiên, những sóng gió, những thử thách đã xuất hiện. Không có điều này, sự kiên cường sẽ giảm sút và sự dấn thân mục vụ có nguy cơ chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ vô ích, trong một danh sách các nhiệm vụ phải được thực hiện, nhưng cuối cùng điều đó không mang lại gì hơn ngoài sự mệt mỏi và thất vọng. Tuy nhiên, bằng cách tiếp xúc với khuôn mặt của Chúa Kitô, tìm kiếm Ngài trong Kinh thánh và chiêm ngưỡng Ngài trong sự thinh lặng trước Nhà tạm, anh chị em sẽ nhận ra Ngài trên khuôn mặt của những người anh chị em phục vụ và sẽ cảm thấy được rung động bởi một niềm vui sâu sắc, niềm vui ấy dành cho những ai có được sự bình an trong tâm hồn ngay cả khi họ gặp những lúc khó khăn. Điều chúng ta cần, không phải những người bận rộn, tập trung khi thực hiện các dự án, có nguy cơ tỏ ra thất vọng vì một cuộc sống không hề dễ dàng. Người Kitô hữu là người có khả năng chiêm niệm, chiêm niệm Chúa trong thinh lặng và sau đó là hành động. Đừng quên đời sống chiêm niệm. Chúng ta đã mất đi thói quen chiêm niệm trong thế kỷ này. Hãy cầu nguyện, sau đó mới làm việc. Cần phải trở về nguồn, về dung nhan Chúa Giêsu, nếm trải sự hiện diện của Người; Người là kho báu của chúng ta (x. Mt 13,44), viên ngọc quý mà chúng ta đáng phải đánh đổi mọi thứ để có được (x. Mt 13,45-46). Anh chị em tu sĩ, là những người có ý thức cao quý về sự thiêng liêng như điển hình ở lục địa Châu Á – một lịch sử tôn giáo rộng lớn và tinh tế, mong đợi chứng từ này từ anh chị em và biết cách nhận ra tính xác thực của nó. Lời chứng mà anh chị em phải đưa ra, đức tin không phát triển nhờ việc chiêu dụ tín đồ, mà bằng lời chứng.
Chúa Giêsu, khi sai các môn đệ rao giảng, Ngài không sai họ đi truyền bá tư tưởng chính trị, nhưng để làm chứng bằng cuộc sống của họ về sự mới mẻ của mối quan hệ với Chúa Cha, để Người có thể là “Cha của chúng ta” (Ga 20, 17), là nguồn của tình huynh đệ với mọi người. Giáo Hội được sinh ra từ mệnh lệnh này là một Giáo Hội nghèo, chỉ dựa vào đức tin chân chính, vào quyền năng loại trừ vũ khí của Đấng Phục Sinh, có khả năng xoa dịu những đau khổ của nhân loại bị tổn thương. Đó là lý do tại sao các chính phủ và các tổ chức thế tục không có gì phải sợ hãi trước hoạt động truyền giáo của Giáo hội, bởi vì Giáo hội không có bất kỳ chương trình nghị sự chính trị nào để theo đuổi, mà chỉ nhờ đến sức mạnh khiêm tốn của ân sủng Thiên Chúa và Lời của lòng thương xót và sự thật, có khả năng thúc đẩy điều tốt đẹp cho mọi người.
Để thực hiện sứ mệnh này, Chúa Kitô đã ban cho Giáo hội của Người một cơ cấu gợi lại sự hòa hợp giữa các chi thể khác nhau trong thân thể con người. Ngài là đầu, nghĩa là Đấng tiếp tục hướng dẫn Giáo hội, tuân đổ vào thân thể, tức là trong chúng ta Thần Khí của chính Ngài, Đấng hành động trên hết trong những dấu hiệu của sự sống mới là các bí tích. Để bảo đảm tính xác thực và hiệu quả của Giáo hội, Người đã thiết lập chức vụ tư tế, được đánh dấu bằng sự kết hợp mật thiết với Người, vị Mục Tử nhân lành, Đấng hiến mạng sống vì đàn chiên của mình. Cả cha nữa, Don Peter, cha cũng đã được kêu gọi thực hiện sứ mệnh này, cảm ơn cha đã chia sẻ kinh nghiệm của mình. Bằng cách này, dân thánh của Thiên Chúa ở Mông Cổ cũng nhận được đầy đủ các hồng ân thiêng liêng. Và ở góc độ này, tôi mời cha nhìn nhận ở vị giám mục chứ không phải một người quản lý, là hình ảnh sống động của Chúa Kitô Mục Tử nhân lành, Đấng quy tụ và hướng dẫn dân của Người; một người môn đệ tràn đầy đặc sủng tông đồ để xây dựng tình huynh đệ của anh chị em trong Chúa Kitô và đâm rễ sâu hơn nữa vào quốc gia có bản sắc văn hóa cao quý này. Hơn nữa, cha không chỉ làm giám mục mà còn là Hồng Y còn thể hiện thêm một biểu hiện gần gũi, chỉ xa cách về mặt thể xác, nhưng rất gần gũi với trái tim của Thánh Phêrô; và toàn thể Giáo hội gần gũi với cha, với cộng đồng của cha, một cộng đồng thực sự là Công giáo, nghĩa là hoàn vũ, vì nó thu hút sự cảm thông của nhiều anh chị em rải rác khắp nơi trên thế giới, trong một sự hiệp thông lớn lao của Giáo hội.
Tôi nhấn mạnh từ này: Hiệp Thông. Giáo hội không được hiểu dựa trên một tiêu chí thuần túy chức năng, Giáo hội không phải là một công ty có đầy đủ các chức năng, Giáo hội không phát triển nhờ chiêu dụ, Giáo hội là một cái gì đó khác, trong thân thể này của Giáo hội. Giám mục không đóng vai trò là người điều hành các thành phần khác nhau, thậm chí dựa trên nguyên tắc đa số, nhưng dựa trên một nguyên tắc thiêng liêng. Qua đó, chính Chúa Giêsu hiện diện nơi con người vị giám mục để bảo đảm sự hiệp thông trong Nhiệm Thể của Ngài. Nói cách khác, sự hiệp nhất của Giáo hội không phải là vấn đề trật tự và tôn trọng, thậm chí không phải là một chiến lược tốt để “kết bạn”, mà là vấn đề đức tin và tình yêu đối với Chúa, là lòng trung thành với Ngài. điều quan trọng là tất cả các thành phần trong Giáo hội phải cùng nhau tập hợp xung quanh vị giám mục, người đại diện cho Chúa Kitô hằng sống ở giữa dân Ngài,
Đức Thánh Cha mời gọi tất cả các nhà truyền giáo hãy nếm thử và hãy nhìn món quà là chính anh chị em, là vẻ đẹp của việc hiến thân hoàn toàn cho Chúa Kitô, Đấng đã mời gọi anh chị em làm chứng cho tình yêu của Người ngay tại đất nước này. Hãy tiếp tục làm như vậy bằng cách vun trồng sự hiệp thông. Hãy thực hiện nó trong sự đơn sơ với một cuộc sống tiết độ, noi gương Chúa, Đấng đi vào Giêrusalem trên lưng lừa và thậm chí còn bị lột trần trên thánh giá. Nhà truyền giáo luôn gần gũi với mọi người, quan tâm đến họ, học ngôn ngữ của họ, tôn trọng và yêu mến nền văn hóa của họ, không để mình bị cám dỗ bởi những an toàn trần thế, nhưng vẫn vững vàng trong Tin Mừng qua đời sống gương mẫu về thiêng liêng và luân lý. Đơn sơ và gần gũi, đừng ngần ngại nói cho Chúa về những vấn đề và những câu chuyện anh chị em đang gặp phải, hãy dành thời gian cầu nguyện hàng ngày, điều này sẽ giúp cho anh chị em có thể đứng vững trước sự mệt mỏi trong đời sống phục vụ và vươn tới “Thiên Chúa là Đấng nâng đỡ ủi an” (2 Cr 1,3) đây là niềm hy vọng mà chúng ta phải mang đến cho tâm hồn của những người đau khổ.
Gần gũi với Chúa, một điều chắc chắn được củng cố trong chúng ta, như Thánh Vịnh 34 một lần nữa nhắc cho chúng ta: “Ai kính sợ Chúa sẽ chẳng thiếu thốn chi […]. Ai tìm kiếm Ngài chẳng thiếu thốn gì” (Tv 34, 10-11). Những sự mất cân bằng và mâu thuẫn trong cuộc sống cũng ảnh hưởng đến các tín hữu, và tới những người rao giảng Tin Mừng. Tác giả Thánh vịnh không ngại nói về sự độc ác và những kẻ làm điều ác, nhưng nhớ rằng Thiên Chúa đáp lại tiếng kêu xin của những kẻ khiêm nhường, “giải thoát họ khỏi mọi thống khổ,” bởi vì “Ngài gần gũi với những ai đau khổ và cứu những ai đang chán nản, thất vọng” (c. 18-19). Vì lý do này, Giáo hội thể hiện mình trước thế giới như một tiếng nói liên đới với tất cả những người nghèo khổ và thiếu thốn, không im lặng trước sự bất công và cam kết thăng tiến phẩm giá của mỗi con người.
Anh chị em thân mến, trên con đường của các nhà truyền giáo luôn có Mẹ Thiên Quốc đồng hành. Mẹ thực hiện điều này một cách kín đáo và ân cần, như cho phép mọi người được tìm thấy hình ảnh của Mẹ trong một bãi rác. Bức tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội xinh đẹp này đã xuất hiện ở một bãi rác. Mẹ, không tì vết, miễn nhiễm với tội lỗi, muốn trở nên gần gũi đến mức bị nhầm lẫn như rác của xã hội, để từ bụi bẩn của rác rưởi sự trong sạch của Thánh Mẫu Thiên Chúa lộ ra. Tôi đã biết về một truyền thống thú vị của người Mông Cổ về Suun Dalai Ijii, người mẹ có trái tim rộng lớn như đại dương của sữa. Nếu trong câu chuyện truyền tai về lịch sử của người Mông, một ánh sáng xuyên qua lỗ trên của con chim đã thụ tinh cho nữ hoàng thần thoại Alan Qo’a, thì anh chị em cũng có thể chiêm ngưỡng hành động của ánh sáng thần thánh trong tình mẫu tử của Đức Trinh Nữ Maria từ trên cao đồng hành với các bước đi của Giáo hội mỗi ngày.
Khi ngước nhìn lên Mẹ Maria, anh chị em sẽ được thêm sức mạnh, khi thấy rằng sự nhỏ bé không phải là một vấn đề mà nó như là một câu trả lời. Đúng vậy, Thiên Chúa yêu mến sự nhỏ bé và thích làm những việc vĩ đại qua sự nhỏ bé, như Đức Maria đã làm chứng (Lc 1, 48-49). Thưa anh chị em, đừng sợ những con số nhỏ bé, những thành công muộn màng hay không đến. Đây không phải là cách của Chúa. Chúng ta hãy nhìn lên Đức Maria, Đấng mà trong sự nhỏ bé của mình lại cao cả hơn cả đất trời, bởi vì Mẹ đã đón tiếp Đấng mà cả trời lẫn tầng trời cao nhất đều không thể chứa đựng được (1V 8, 27). Chúng ta hãy phó thác mình cho Mẹ, cầu xin Mẹ cho chúng ta có lòng nhiệt thành mới, một tình yêu nồng nàn không bao giờ mệt mỏi khi làm chứng cho Tin Mừng. Hãy tiếp tục đi, Chúa yêu thương anh chị em, Ngài đã chọn anh chị em và tin tưởng anh chị em. Tôi ở bên anh chị em và hết lòng nói với anh chị em: cảm ơn anh chị em, cảm ơn vì lời chứng của anh chị em, Cảm ơn anh chị em vì cuộc đời anh chị em đã dành cho Tin Mừng. Hãy tiếp tục như thế, kiên trì cầu nguyện và sáng tạo trong bác ái, vững vàng trong hiệp thông, vui tươi và hiền lành trong mọi sự và với mọi người. Tôi chúc lành cho anh chị em và nhớ đến anh chị em. Và xin anh chị em cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn.
Nguồn: https://www.aciprensa.com
Chuyển ngữ: Ngọc Toản Sdb