Như thường lệ hằng tuần, Đức Thánh Cha có buổi tiếp kiến chung trước hàng ngàn tín hữu và khách hành hương trước quảng trường Thánh Phêrô. Trong phần huấn giáo, ngài đã chia sẻ với tất cả mọi người trong chuyến công du lần thứ 43 tới Mông Cổ vừa qua.
Các tín hữu Mông Cổ sau khi cử hành Thánh Lễ – Hình ảnh tại new.italy24.press
Bài huấn giáo của ĐTC giống như một bài giáo lý. Sau đây là một vài suy tư của ngài sau chuyến tông du tới đất nước Mông Cổ:
Thứ hai vừa qua, cha đã trở về từ Mông Cổ. Cha muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã đồng hành với cha trong chuyến viếng thăm bằng lời cầu nguyện, và cha cũng cám ơn chính quyền Mông Cổ đã đón tiếp rất long trọng, và đặc biệt đối với ông Tổng thống Khürelsükh, người đã mời cha đến thăm đất nước xinh đẹp này. Cha thật sự vui mừng khi nghĩ đến Giáo hội địa phương và người dân Mông Cổ, một dân tộc cao thượng và khôn ngoan, thân thiện và đơn sơ.
Các tín hữu Mông Cổ chào đón Đức Thánh Cha tại thủ đô Ulán Bator. Hình ảnh tại Vatican Media/AFP
Có người đã hỏi cha: tại sao cha lại đi một quãng đường rất xa để đến thăm một nhóm nhỏ tín hữu? Bởi vì chính ở đó cách xa ánh hào quang của cuộc sống và rất dể thấy được sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng không nhìn bề ngoài mà nhìn vào trái tim (x. 1 Sam 16:7 ) Chúa không tìm kiếm sự hào nhoáng bên ngoài nhưng tìm kiếm những trái tim đơn sơ của những ai khao khát và yêu mến Người. Họ không tỏ ra, không muốn nổi bật hơn những người khác. Và cha đã tìm thấy điều ấy ở Mông Cổ một Giáo hội khiêm nhường và hạnh phúc, họ nằm trong trái tim của Thiên Chúa.
Các tín hữu Mông Cổ sau khi cử hành Thánh Lễ – Hình ảnh tại new.italy24.press
Khoảng 30 năm trước, những nhà truyền giáo đã đến đây vì lòng yêu mến Tin Mừng. Mặc dù họ đến từ các quốc gia khác nhau, nhưng họ đã học ngôn ngữ, tiếp nhận một nền văn hóa mới bằng một con tim khiêm nhường và đơn sơ, và họ đã khơi lại sức sống cho một cộng đoàn Công giáo nhỏ bé nhưng đầy sức sống. Đây chính là ý nghĩa của từ “Công giáo”, có nghĩa là “hoàn vũ”. Nhưng không phải tính phổ quát mang tính giống nhau, mà là tính phổ quát mang tính hội nhập văn hóa. Đây là tính Công giáo: một tính phổ quát Nhập Thể. Các nhà truyền giáo đã đón nhận mọi thứ một cách đơn sơ và phục vụ những người mà họ sống cùng với một trái tim đầy tình yêu của Chúa. Đây là cách Giáo hội sống: làm chứng cho tình yêu của Chúa Giêsu bằng sự hiền lành và khiêm nhường, phục vụ Chúa và phục vụ anh em.
Các tín hữu Mông Cổ chào đón Đức Thánh Cha tại thủ đô Ulán Bator. Hình ảnh tại Vatican Media/AFP
Vào ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm, cha vui mừng đã làm phép và khánh thành “Nhà Lòng Thương Xót”, một công trình bác ái đầu tiên xuất hiện ở Mông Cổ như một cách bày tỏ góp sức của các thành phần Giáo hội địa phương. Ngôi nhà nhắc nhở mỗi chúng ta hãy là một ngôi nhà của lòng thương xót, một nơi luôn chào đón tất cả mọi người, nơi những nỗi khốn khổ của mỗi người có thể đụng chạm trực tiếp tới lòng thương xót của Thiên Chúa mà không hề phải che dấu hay ngại ngùng và Ngài sẽ nâng dạy và chữa lành. Chứng từ của Giáo hội Mông Cổ về các nhà truyền giáo, họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, họ luôn sống gần gũi với người dân, vui vẻ phục vụ và khám phá những vẻ đẹp hiện có nơi đất nước và con người nơi đó. Những nhà truyền giáo này không đến đó để truyền đạo. Đây không phải là Tin lành. Họ đến đó để sống như người Mông Cổ, nói ngôn ngữ của những người bản địa, tiếp nhận những giá trị của họ, rao giảng Tin Mừng theo phong cách Mông Cổ bằng những lời, và tiếng Mông Cổ, họ đến đó và “hội nhập văn hóa”. Họ lấy văn hóa Mông Cổ để loan báo Tin Mừng.
Đức Thánh Cha làm phép và khánh thành ngôi nhà “Lòng Thương Xót”. Hình ảnh tại Vatican Media/AFP
Mông Cổ có một truyền thống Phật giáo vĩ đại, nhiều người sống âm thầm sống với tôn giáo của mình một cách chân thành và triệt để, thông qua lòng vị tha và đấu tranh chống lại những đam mê của chính mình. Chúng ta hãy thử nghĩ xem có bao nhiêu hạt giống tốt lành, từ trong tiềm ẩn, làm cho khu vườn thế gian nảy mầm, trong khi chúng ta thường chỉ nghe thấy tiếng cây đổ ầm ĩ! Chúng ta cũng thích tiếng ồn, thích sự hào nhoáng bên ngoài: ‘Nhìn kìa, một cái cây đổ, nó tạo ra tiếng động!’ Nhưng chúng ta lại không thấy khu rừng đang mọc lên mỗi ngày sao?’ Vẫn có những hạt nầm, những cây nhỏ lớn lên một cách thầm lặng.
Đại diện các tôn giáo chào đón Đức Thánh Cha tại thủ đô Ulán Bator. Hình ảnh tại Vatican Media/AFP
Đó là lý do tại sao người dân Mông Cổ luôn hướng cái nhìn của họ lên trên, hướng tới ánh sáng của điều thiện. khi chúng ta cảm nhận được cái đẹp, điều thiện hảo thì chúng ta mới có thể xây dựng được một tương lai tươi sáng; chỉ khi nào chúng ta coi trọng người khác thì mới giúp chúng ta tiến bộ. Cha thật vui khi được gặp người dân Mông Cổ, những người bảo vệ cội nguồn và truyền thống của mình, tôn trọng người già và sống hòa hợp với môi trường, họ là một dân tộc nhìn lên bầu trời và cảm nhận hơi thở của tạo hóa.
Đức Thánh Cha ban phép lành trọng thể cho các tín hữu và khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô. Hình ảnh tại Vatican Media/AFP
Sau bài giáo lý, Đức Thánh Cha đọc kinh truyền tin với toàn thể tín hữu và khách hành hương sau đó ngài ban phép lành trọng thể.
Ngọc Toản Sdb