Verona – Ist. S. Zeno, ngày 19 tháng 9 năm 2020
d. Bonato Giannantonio
Romani 6, 3-4.8-9
Marco 15, 33-40
“Vào giờ thứ sáu trời trở nên tối-tăm khắp mặt đất”. Bóng tối là những gì xảy ra khi người bên chúng ta khép mắt; bóng tối đó trở thành bóng tối của chính chúng ta, vì ấn-tượng rằng cuộc sống đã lìa bỏ chúng ta, thậm chí còn sâu-đậm hơn nữa, rằng Chúa của sự sống, đã quay mặt khỏi chúng ta: “Chúa ơi, Chúa ơi, sao Chúa lại bỏ con?”. Và tiếng kêu của Người cũng vang lên trong chúng ta: “Chúa Giêsu đã kêu lên thống-thiết …” bởi vì mỗi cái chết là một tiếng kêu phản-kháng lại sự xa-lìa cuộc sống.
Nhưng ở Người chết vào giờ thứ sáu, có một điều gì đó hóa ra không thể nghe được, nếu vị quan Roma chứng-kiến cái chết đó, không thể không thốt lên: “Quả thật người này là con Thiên Chúa”. Trong cơn hấp hối đó, một tặng-phẩm hoàn-hảo và duy nhất được bày tỏ cho Chúa Cha và cho loài người. Hành-động yêu thương không gián-đoạn, cuộc sống dệt bằng ánh mắt yêu thương, lời nói trìu-mến, và cử-chỉ thân-ái … Chúa là ánh-sáng không thỏa-hiệp với bóng tối; và đối với những người gặp được Chúa là gặp được niềm vui khiến tất cả những niềm vui khác trở nên nhạt-nhòa. Bởi vì trong Chúa không phải là cho một cái gì đó mà là cho đi tất cả; rằng việc hiến mình cho tất cả những gì đã trở thành sự mặc-khải của Thiên Chúa, được truyền đến cho loài người. Vì vậy, cuộc sống của Chúa, cái chết của Chúa là hành-động của tình-yêu. Ngài cũng là con người như chúng ta, bị nghi-ngờ, thống-khổ, đau-đớn… đến mức phải kêu lên, nhưng luôn luôn và trong mọi trường-hợp, phó-thác cho Chúa Cha và loài người, vì tình yêu thấu-suốt. Đây là trực-giác của viên lãnh-binh là: một người sống và chết theo cách này, mà không giữ gì cho riêng mình thì chỉ có thể là sự tỏ-lộ của Thiên Chúa, sự hiệp-thông với Thiên Chúa, “là Con của Thiên Chúa” mà thôi, nói theo cách diễn-đạt của một người ngoại đạo.
Những ai yêu cuộc sống cách tha-thiết, mạnh-mẽ đã biến cuộc sống thành một món quà sẵn-sàng trong mọi trường-hợp, đều đã tham-dự vào cuộc sống của Chúa Phục Sinh. Sau đó, điều gì xảy ra theo thời-gian, là sự chết, đều là chiến-thắng của cuộc sống: “Chúng ta được chôn cùng với Người trong cái chết để chúng ta cũng có thể bước vào một cuộc sống mới với Người” Thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta như thế. Điều này được những người phụ nữ chạy đến mộ lúc tảng sáng cảm-nhận. “Đừng sợ, Người đã sống lại, Người không còn ở đây. Đây là nơi họ đã đặt xác Người ”. Tiếng khóc biến thành niềm vui vì họ khám-phá ra mình đã sống lại với Ngài, Đấng Phục sinh trong ánh-sáng trọn-vẹn của một ngày không có hoàng-hôn.
Bây giờ không phải là nhắc lại những kỷ-niệm để tưởng nhớ người anh em của chúng ta. Không phải là những gì Thầy Lodovico đã làm trong suốt mười sáu năm truyền-giáo tại Việt Nam khi có sự hiện-diện của những Salesian ở đất nước đó để hiến mình phục-vụ những trẻ em nghèo nhất, thầy phải vượt qua khó-khăn to lớn về ngôn-ngữ, hàng ngày nỗ-lực thiết-lập các cơ-cấu đào-tạo căn-bản, mà không dám chắc tất cả những điều này có thể kéo dài được bao lâu trong vùng đất chiến-tranh bất ổn, (vùng đất xa Nước Ý quê nhà mà Thầy chỉ trở lại thăm một lần), với nỗi cô-đơn, nỗi nhớ, và bấp-bênh. Đó là cái chết mỗi ngày của Thầy. Sau đó là nỗi đau của việc rời bỏ đi (“bị đuổi” một cách cay-đắng như Thầy nói) do sự tàn-phá sau một cuộc chiến đẫm máu; và thấy tất cả công-việc đã hoàn thành bị sụp-đổ, và bao nhiêu hy-vọng được nuôi-dưỡng thầm-kín cũng vụt tắt. Đây là những thử-thách khủng-khiếp, như một tình yêu bị phản-bội.
Thay vào đó, trở về Ý, Thầy Lodovico tái khám-phá sức mạnh của lòng bác-ái trong việc phục-vụ người Việt tị-nạn nơi đất khách, phải tìm nơi ăn chốn ở và công ăn việc làm, canh cánh day-dứt nỗi xa quê và lo-âu về một tương-lai bất-định và sự an-toàn cho con cái. Và thế là Thầy trở nên người trung-gian giữa những người lưu-vong và các cơ-quan có thẩm-quyền, trở thành người đi xin đồ-đạc, khuân-vác và người dọn-dẹp các căn hộ, nhưng cũng trở thành người thầy dạy-dỗ của nhóm trẻ Việt Nam đang rất cần một số kỹ-năng chuyên-môn để tìm việc làm. Tình yêu lớn-lao của Thầy, tất cả đều dựa vào những công việc phải làm hơn là những lời phải nói, vào lòng hảo-tâm và những bàn tay hơn là những dự-án của trí-tuệ, vào lòng can-đảm dấn thân hơn là ủy-thác cho những người có bổn-phận phải làm. Đây không phải là tình yêu sao? Đây là tình yêu đích-thực, bất-chấp sự nghèo-nàn khả-năng của con người, những giới-hạn mà tất cả chúng ta đều có, những giới-hạn mà Đấng yêu thương chúng ta biết rõ, đang soi xét vào trái tim chúng ta.
Thế nào: không phải sự kiên-nhẫn chịu-đựng trong mười năm bệnh-tật đánh dấu sự suy-giảm sức-khỏe của Thầy là tình yêu hay sao? Và không phải một người năng-động dần dần bị rơi vào trạng-thái phải ngưng hoạt-động là đau-khổ sao? Nếu ai không bám vào đức tin, người đó sẽ gục-ngã; và đức tin cho thấy rằng tình yêu vẫn tạo ra sự sống, miễn là nó được trao dâng. Đối với tất cả chúng ta, thí dụ, ngay cả buổi hoàng-hôn này: tin rằng mọi hình-thức của sự sống luôn là nơi cư-ngụ của sự phục sinh của Chúa, và luôn có thể sinh hoa kết trái trong sự phục-sinh cho con người. Có lẽ sự im-lặng kéo dài của Thầy Lodovico trong thời-gian gần đây là sự cầu-nguyện còn hơn cả lời cầu-nguyện.
Tấm màn che của đền thờ bị xé từ trên xuống dưới. Làm thế nào mà màn chắn đã ngăn-cản con người nhìn thấy ít nhất điều gì đó bí-ẩn của Chúa. Và chính cây thánh giá đã phá vỡ rào cản này. Chúng ta ngày nay cũng đang chứng-kiến một bức màn bị xé. Bởi vì mạng sống của những người hiến thân là điều khiến chúng ta hiểu về Chúa, hơn nữa, là điều khiến chúng ta gặp được Chúa. Điều chắc-chắn mở ra là: một người đã sống như thế, và chết như thế thì đã sống lại. “Ngài không còn ở đây, Ngài đã sống lại!”. Tất cả những điều này người ta đã có thể nhìn thấy ở đôi mắt của vị lãnh-binh ngoại giáo. Nhưng họ có biết làm thế nào để nhìn vào mắt chúng ta qua vết rách là cái chết của một người anh em, mà biết đó là một môn-đệ khiêm-nhường của Chúa không?
Chúng ta ở đây để cầu-nguyện chính vì lý do này: để mắt chúng ta có thể nhìn thấy sự sống trong cái chết, và bên ngoài cái chết là “sự sống thậm chí còn hơn là sự sống”. Sau đó, nếu chúng ta có thể nhìn xuyên qua vết rách trong tấm màn che, chúng ta sẽ có thể cảm-tạ sự hiện-hữu của Thầy, nhưng cũng vì cái chết của Thầy, và tảng đá lăn khỏi ngôi mộ của Thầy và của chúng ta, và vì tiếng nói vang lên trong công-hội của chúng ta: “Đừng sợ; Thầy không ở đây, Thầy đã sống lại! ”. Mong bạn là tiếng vang vọng trong mỗi chúng ta và an ủi chúng ta bằng cách hồi-sinh hy-vọng. Thánh Phao-lô nhắc chúng ta một lần nữa: “Nếu chúng ta cùng chết với Chúa Kitô, chúng ta cũng tin rằng mình sẽ sống lại với Người, vì biết rằng Chúa Kitô, đã sống lại từ cõi chết, không chết; sự chết không còn quyền trên người nữa (…) Các bạn cũng hãy coi mình là sống, bởi Thiên Chúa, trong Đức Chúa Giêsu Kitô”.
Chúng ta hãy nói lời tạm-biệt Thầy Lodovico trong giây phút chia tay này. Khi bị quá đãng trí, thầy ra khỏi nhà hưu Zatti và đi trên những con đường xung quanh. Người ta đuổi theo, và có người em thường hỏi: “Anh chạy đi đâu” ? Và câu trả lời luôn là “Tôi chạy về với mẹ”. Bây giờ Thầy đã về rồi, Thầy Lodovico. Cùng với Mẹ, tất cả những người thân-yêu của Thầy, các bạn-hữu, các hội-viên, cả những đứa con Thầy đã phục-vụ và những người đã về nhà Cha, hãy tận hưởng sự hiện-diện của họ, nhưng hãy nhớ đến chúng tôi, những người ở lại đây; giúp chúng tôi trên con đường mà chính Thầy đã đi, nắm chắc rằng chúng tôi không bao giờ bị lạc nhưng sẽ đi theo con đường ấy với lòng trung-thành rộng-lượng của Thầy. Amen.
CHV Nguyễn Văn Thông, Virginia USA
chuyển dịch.