VATICAN – Lúc 10 giờ sáng Chúa nhật 28/10/2018, tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục Khoá Thường lệ thứ 15 với chủ đề “Người trẻ, Đức tin và sự Phân định ơn gọi”, cùng với các Nghị phụ, các tham dự viên khác và đông đảo tín hữu.
Khai triển nội dung bài Phúc âm của Thánh lễ Chúa nhật thứ 30 Thường niên thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu chữa anh mù Bartimê, Đức Thánh Cha đã nêu lên ba bước căn bản trên hành trình đức tin là: lắng nghe, gần gũi, làm chứng.
Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:
Câu chuyện chúng ta vừa nghe là câu chuyện cuối cùng mà thánh sử Marcô tường thuật về sứ vụ của Chúa Giêsu trên đường rao giảng, vì không lâu sau đó Người sẽ vào thành Giêrusalem để chịu chết và sống lại. Như vậy Bartimê là người cuối cùng đi theo Chúa Giêsu: từ một người hành khất ngồi bên con đường dẫn đến Giêricô, anh trở thành một môn đệ, cùng với những người khác đi Giêrusalem. Chúng ta cũng thế, chúng ta đã cùng đi với nhau (synod), và giờ đây câu chuyện Tin Mừng này ghi dấu ba bước căn bản trên hành trình đức tin.
Trước hết, chúng ta hãy xem Bartimê: tên của anh nghĩa là “con của Timê”. Phúc âm nói về anh: “Bartimê – con của Timê” (Mc 10, 46). Nhưng, thật kỳ lạ, Phúc âm lại chẳng nói gì đến cha của anh. Bartimê nằm đó, một mình bên vệ đường, ở xa nhà và không có cha bên cạnh. Anh không được yêu thương, nhưng bị bỏ rơi. Anh bị mù và chẳng có ai lắng nghe anh; và khi anh muốn nói, họ bảo anh im đi. Chúa Giêsu nghe tiếng van nài của anh. Khi Người đến với anh, Người bảo anh nói. Không khó để đoán được điều Bartimê mong muốn: rõ ràng một người mù thì muốn được nhìn thấy lại. Nhưng Chúa Giêsu không vội, Người dành thời gian để lắng nghe. Đây là bước đầu tiên giúp cho hành trình của đức tin: lắng nghe. Đó là sứ vụ tông đồ của đôi tai: lắng nghe trước khi nói.
Trái lại, nhiều người cùng đi với Chúa Giêsu lại bắt Bartimê im lặng (x. câu 48). Đối với những môn đệ ấy, một người cần giúp đỡ là một người quấy rầy gặp trên đường, một cản trở không mong muốn và bất ngờ xảy đến. Họ đặt lịch thời gian của họ trên lịch thời gian của Thầy, ưu tiên cho việc nói hơn là lắng nghe người khác. Họ đi theo Chúa Giêsu, nhưng đã có kế hoạch của riêng mình trong đầu rồi. Đây là một nguy cơ chúng ta phải luôn cảnh giác. Nhưng, đối với Chúa Giêsu, tiếng kêu của những người cầu xin giúp đỡ không phải là điều quấy rầy, mà là một thách đố. Lắng nghe cuộc sống thật là điều quan trọng biết bao đối với chúng ta! Con cái của Cha trên trời thì quan tâm đến anh chị em của mình, đến nhu cầu của người thân cận, chứ không phải đến những chuyện tầm phào vô ích. Họ kiên nhẫn lắng nghe trong yêu thương, như Thiên Chúa lắng nghe chúng ta, lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta, dù cứ lặp đi lặp lại. Thiên Chúa chẳng bao giờ mệt mỏi, Ngài luôn vui sướng khi chúng ta tìm kiếm Ngài. Chúng ta cũng hãy xin ơn có con tim biết lắng nghe. Tôi muốn thay mặt cho tất cả những người lớn chúng tôi để nói với những người trẻ rằng: xin hãy tha thứ cho chúng tôi nếu chúng tôi đã thường không lắng nghe các bạn; nếu, thay vì mở lòng mình ra, chúng tôi lại lấp đầy đôi tai của các bạn. Là Giáo hội của Chúa Kitô, chúng tôi muốn lắng nghe các bạn với lòng yêu thương, và chúng tôi tin chắc hai điều này: cuộc đời của các bạn rất quý giá trong mắt Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa thì trẻ trung và Ngài yêu thương người trẻ; và trong đôi mắt của chúng tôi cuộc đời của các bạn cũng rất đáng quý, đồng thời thực sự cần thiết để [cùng nhau] tiến bước.
Sau lắng nghe, bước thứ hai trên hành trình đức tin là gần gũi, trở nên người thân cận. Hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu: Người không sai ai đó ở trong “đám đông” đang đi theo Người, nhưng đến gặp trực tiếp Bartimê. Người hỏi anh: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (câu 51). Anh muốn… – Chúa Giêsu đặt mình hoàn toàn vào hoàn cảnh của Bartimê, chứ không tìm cách lảng tránh anh; …tôi làm gì – không phải chỉ nói thôi, mà làm gì đó. …cho anh – không phải theo ý tôi đã định, mà là cho anh, trong hoàn cảnh riêng của anh. Đó là cách Thiên Chúa hành động. Đích thân Ngài dành cho mỗi người chúng ta một tình yêu đặc biệt. Qua hành động, Thiên Chúa truyền thông sứ điệp của Ngài. Và như thế đức tin nở hoa trong cuộc đời.
Đức tin đi ngang qua cuộc sống. Nếu đức tin chỉ tập trung vào các công thức tín lý, nó có nguy cơ chỉ nói với cái đầu, mà không chạm vào trái tim. Còn nếu nó chỉ tập trung vào hành động mà thôi, thì nó lại có nguy cơ trở thành chủ nghĩa thuần tuý đạo đức và công tác xã hội. Trái lại, Đức tin làcuộc sống: tin là sống tình yêu của Thiên Chúa – Đấng biến đổi cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không thể chọn giữa giáo lý hoặc hoạt động. Chúng ta được mời gọi làm công việc của Thiên Chúa theo cách của chính Thiên Chúa: trong sự gần gũi, gắn bó với Chúa, hiệp thông với nhau, sát cánh với anh chị em mình. Gần gũi: đó là bí quyết để thông truyền điều cốt lõi của đức tin, chứ không phải phương diện thứ yếu nào đó.
Trở nên người thân cận nghĩa là đem sự mới mẻ của Thiên Chúa vào trong cuộc đời của anh chị em chúng ta. Đó là liều thuốc giải độc cho cám dỗ đưa ra những câu trả lời dễ dàng và những gì sẵn có. Chúng ta hãy tự hỏi: là người Kitô hữu, chúng ta có khả năng trở nên người thân cận, bước ra khỏi nhóm của chúng ta để đón nhận những người “không thuộc phe mình” mà Thiên Chúa đang mải miết tìm kiếm hay không. Ở đó luôn có cơn cám dỗ thường thấy trong Kinh Thánh: cám dỗ rửa tay. Đó là điều mà đám đông đã làm trong bài Tin Mừng hôm nay. Đó là điều Cain đã làm với Abel, và Philatô làm với Chúa Giêsu: rửa tay. Nhưng chúng ta muốn bắt chước Chúa Giêsu, và giống như Người, chịu bẩn tay mình. Người là con đường (x. Ga 14, 6), Người dừng lại trên đường để gặp Bartimê; Người là ánh sáng của thế gian (x. Ga 9, 5), cúi xuống để giúp một người mù. Chúng ta hãy nhìn nhận rằng Chúa đã chịu bẩn tay vì mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy nhìn lên thánh giá, khởi đi từ đó và nhớ rằng Thiên Chúa đã trở nên người thân cận của tôi trong tội lỗi và cái chết. Ngài trở nên người thân cận của tôi: mọi chuyện bắt đầu từ đó. Và một khi, nhờ lòng yêu mến Ngài, chúng ta cũng trở nên người thân cận, chúng ta sẽ thành những người mang lại cuộc sống mới. Không phải là thầy dạy của mọi người, không phải là chuyên gia trong lĩnh vực thiêng liêng, nhưng là những chứng nhân của tình yêu cứu độ.
Bước thứ ba là làm chứng. Chúng ta hãy quan sát các môn đệ: theo lời Chúa Giêsu, họ gọi Bartimê. Họ không đến với một người hành khất, cho anh ta chút tiền lẻ để bảo anh im đi, hay khuyên bảo anh. Họ đến với anh nhân danh Chúa Giêsu. Thật vậy, họ chỉ nói với anh ba lời, ba lời ấy đều là lời của Chúa Giêsu: “Cứ yên tâm! Hãy đứng dậy. Người đang gọi anh” (câu 49). Ở tất cả những chỗ khác trong Phúc âm, chỉ có Chúa Giêsu mới nói “Hãy yên tâm vì chỉ một mình Chúa mới “khích lệ” những ai tìm đến Người. Chỉ một mình Chúa Giêsu trong Phúc âm mới nói Hãy đứng dậy để chữa lành tinh thần và thể xác. Chỉ một mình Chúa Giêsu mới gọi, để biến đổi cuộc sống của những ai bước theo Người, nâng dậy những ai quỵ ngã, chiếu ánh sáng của Chúa vào trong tăm tối của cuộc đời. Biết bao trẻ em, biết bao bạn trẻ, cũng như Bartimê, đang tìm kiếm ánh sáng trong đời mình. Họ đi tìm một tình yêu đích thực. Và cũng giống như Bartimê giữa đám đông vây quanh đã gọi lớn tên Giêsu, họ cũng tìm kiếm sự sống, nhưng thường chỉ gặp được những lời hứa hẹn trống rỗng và ít ai thực sự quan tâm đến họ.
Người Kitô hữu chúng ta không chờ anh chị em mình đến gõ cửa; chúng ta phải đi ra ngoài để đến với họ, mang đến cho họ không phải chính mình, mà là Chúa Giêsu. Người sai chúng ta đi, cũng như các môn đệ ấy, khích lệ người khác và nâng họ lên nhân danh Người. Người sai chúng ta đến nói với từng người rằng: “Thiên Chúa xin bạn hãy để cho Ngài yêu thương bạn”. Đã bao lần, thay vì sứ điệp giải thoát này, chúng ta lại đem vào trong Giáo hội chính con người chúng ta, những “công thức” và “nhãn hiệu” của chúng ta! Đã bao lần, thay vì làm cho lời Chúa trở thành lời của mình, chúng ta lại biến tư tưởng của mình thành ý Chúa! Biết bao lần người ta cảm thấy gánh nặng cơ cấu của chúng ta hơn là sự hiện diện thân thiết của Chúa Giêsu! Khi ấy, chúng ta hoạt động như một tổ chức phi chính phủ, một cơ quan nhà nước, chứ không phải là cộng đoàn những người được cứu rỗi đang sống trong niềm vui của Chúa.
Lắng nghe, gần gũi, làm chứng. Hành trình đức tin trong bài Phúc âm hôm nay kết thúc thật đẹp và đáng ngạc nhiên khi Chúa Giêsu nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh” (câu 52). Tuy nhiên, Bartimê đã không tuyên xưng đức tin, anh chẳng làm bất kỳ việc gì; anh chỉ xin Chúa thương xót. Cảm nhận được mình cần được cứu rỗi là khởi đầu của đức tin. Đó là cách trực tiếp để gặp Chúa Giêsu. Đức tin đã cứu Bartimê không liên quan gì đến những ý tưởng rõ rệt của anh về Thiên Chúa, nhưng chính trong sự tìm kiếm Ngài, mong muốn được gặp Ngài. Đức tin là chủ động gặp gỡ, chứ không phải lý thuyết. Trong gặp gỡ, có Chúa Giêsu ở đó; trong gặp gỡ, trái tim của Giáo hội gõ nhịp. Vì thế, không phải lời giảng, mà chứng từ cuộc sống của chúng ta mới có hiệu quả.
Với tất cả các nghị phụ, những người đã tham gia “cuộc hành trình chung” này, tôi xin cảm ơn vì chứng từ của các ngài. Chúng ta đã làm việc trong tình hiệp thông và với tinh thần thẳng thắn, với ước muốn phục vụ Chúa và dân Ngài. Xin Chúa chúc lành cho các bước đi của chúng ta, để chúng ta có thể lắng nghe người trẻ, gần gũi với họ và làm chứng cho họ thấy Chúa Giêsu là niềm vui của đời sống chúng ta.
Minh Đức chuyển ngữ