
(ANS – Torino) – Bên cạnh nét đặc trưng “kiểu Torino” riêng biệt của phong tục và truyền thống, các vị Salêdiêng tiên khởi đã góp phần quảng bá một trong những biểu tượng quý giá nhất của thành phố: Khăn Liệm Thánh, mà Đức Tổng Giám Mục Torino thay mặt cho toàn thể Giáo hội gìn giữ. Ngay từ thuở ban đầu, các vị Salêdiêng đã vun đắp một sự gần gũi đặc biệt với Khăn Liệm – tấm khăn thánh thiêng mang hình ảnh được tin là của Chúa Giêsu sau khi Ngài được mai táng và đã phục sinh.
Khi các nhà truyền giáo Salêdiêng tiên khởi lên đường vào năm 1875, chưa có phương pháp kỹ thuật nào được áp dụng để nghiên cứu Khăn Liệm. Mãi cho đến năm 1898, ông Secondo Pia, một luật sư người Asti giống như Don Bosco, mới thuyết phục được giới chức Giáo hội cho phép chụp ảnh Khăn Liệm. Ông trở thành người đầu tiên kinh ngạc trước những gì xuất hiện trên phim âm bản: Một khuôn mặt và toàn thân thể hiện rõ ràng – bằng chứng mạnh mẽ về việc đóng đinh, phù hợp với các trình thuật Tin Mừng.
Vào cuối một thế kỷ được đánh dấu bằng sự trỗi dậy của lý trí thuần túy và tiến bộ công nghệ, chính một trong những công cụ của thời đại đó – chiếc máy ảnh – đã đóng vai trò then chốt trong việc chuyển đổi Khăn Liệm từ chỗ chỉ là một đối tượng của lòng sùng kính truyền thống thành một chủ đề nghiên cứu khoa học và suy tư sâu sắc cho cả tín hữu lẫn người không cùng tín ngưỡng.
Giống như trong thời kỳ đầu mở rộng của Tu Hội, các vị Salêdiêng ngày nay tiếp tục là những sứ giả của Khăn Liệm trên khắp thế giới. Ví dụ, vào năm 2002, khi Đức Hồng Y Severino Poletto, lúc đó là Tổng Giám Mục Torino, đến thăm các linh mục fidei donum thuộc giáo phận của ngài tại Brazil và Argentina, các vị Salêdiêng tiếp đón ngài đã đặt nhiều câu hỏi về các nghiên cứu mới nhất, vốn xác nhận với độ chắc chắn hợp lý rằng Khăn Liệm có nguồn gốc từ Palestine vào thế kỷ thứ nhất.
Mối liên hệ này gần đây lại được nối kết, lần này là ngay dưới chân hòm đựng Khăn Liệm, với Đức Tổng Giám Mục đương nhiệm của Torino, Đức Cha Roberto Repole. Ngài đã mời các Thành viên Tổng Tu Nghị Salêdiêng đến tham dự một buổi cầu nguyện tối tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Gioan Tẩy Giả vào Thứ Sáu, ngày 5 tháng 4 năm 2025, trong Mùa Chay.
Bầu khí thiêng liêng thật sốt sắng khi 250 vị Salêdiêng quy tụ trước điều mà Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI từng gọi là “mầu nhiệm của Thứ Bảy Tuần Thánh”. Những lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, được ngài nói cách đây mười năm cũng tại chính nhà thờ chính tòa này, đã vang vọng sâu sắc với các chủ đề của Tổng Tu Nghị hiện tại đang tập trung vào giới trẻ – đặc biệt là những người bị tổn thương bởi bạo lực và bất công:
“Khăn Liệm cuốn hút chúng ta đến với khuôn mặt và thân thể bị tra tấn của Chúa Giêsu, và đồng thời thúc đẩy chúng ta hướng đến khuôn mặt của mỗi người đau khổ và bị bách hại cách bất công.”
Ông Gian Maria Zaccone, Giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Khăn Liệm, đã gửi một thông điệp đến Bề Trên Cả, Cha Fabio Attard, người dẫn đầu cuộc hành hương:
“Buổi cử hành tối nay tại Nhà thờ Chính tòa cho tôi cơ hội bày tỏ với Cha và tất cả các vị Salêdiêng tham dự Tổng Tu Nghị, lòng biết ơn sâu sắc của tôi về tất cả những gì Gia đình Salêdiêng đã làm – và đang tiếp tục làm – để chia sẻ hình ảnh Khăn Liệm trên khắp thế giới.
Trung tâm Nghiên cứu của chúng tôi, vốn phục vụ Đức Tổng Giám Mục và Người Quản thủ của Đức Thánh Cha, từ lâu đã được hưởng lợi từ sự đóng góp của nhiều vị Salêdiêng với tư cách là nhà nghiên cứu và truyền thông viên. Trong những năm gần đây, chúng tôi đã củng cố sự hợp tác với Đại học Giáo hoàng Salêdiêng (UPS) để phát triển các chương trình giáo dục nhằm thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về Khăn Liệm. Ngay hôm nay, chúng tôi đã kết thúc một khóa chuyên khảo gồm sáu phần tại cơ sở Torino-Crocetta, với sự tham dự của khoảng 250 người. Chúng tôi hân hạnh kính tặng Cha tập kỷ yếu vừa mới in xong như một dấu chỉ của lòng biết ơn.
Cuối cùng, chúng tôi vui mừng kính tặng Cha một bản sao khuôn mặt trên Khăn Liệm bằng vải lanh (từ dự án ‘Lino Val Gandino’), mà chúng tôi hy vọng sẽ trở nên quen thuộc với Cha như đã từng quen thuộc với Don Bosco.”
Ban Truyền Thông Chuyển ngữ