RMG – Ngày Truyền giáo Salêdiêng trong dịp kỷ niệm 150 năm chuyến xuất phát Truyền giáo Salêdiêng đầu tiên

TẠ ƠN, SUY NGHĨ LẠI, KHỞI ĐỘNG LẠI
 
(ANS – Rome) – Tập sách nhỏ, poster và lời cầu nguyện cho Ngày Truyền Giáo Salêdiêng (SMD) 2025 đã sẵn sàng với chủ đề “Tạ ơn, Suy nghĩ lại và Khởi động lại”, kỷ niệm chuyến xuất phát Truyền giáo Salêdiêng đầu tiên vào năm 1875.
 
150 năm là một khoảng thời gian dài và Gia đình Salêdiêng đang chuẩn bị cử hành biến cố này một cách thích hợp. Tập sách nhỏ Ngày Truyền giáo Salêdiêng 2025 là một nguồn tài liệu phong phú và hữu ích để tạ ơn, suy nghĩ lại và khởi động lại tinh thần truyền giáo Salêdiêng.
 
Tập sách nhỏ này bắt đầu với vài lời của Cha Phó Bề Trên Cả Stefano Martoglio SDB, hiện đang lãnh đạo Tu hội, ngài nhắc lại tầm quan trọng của ngày kỷ niệm này đối với Tu hội và Gia đình Salêdiêng. Sau đó, Cha Alfred Maravilla SDB, Tổng Cố Vấn Truyền Giáo, chia sẻ suy tư về lựa chọn truyền giáo của Don Bosco. Ngay cả khi Don Bosco chưa bao giờ ra đi như một nhà truyền giáo ad gentes, ad exteros, ad vitam, thì vẫn có thể khám phá lại tinh thần truyền giáo của ngài từ thời thơ ấu: sự dấn thân truyền giáo của Tu hội là biểu hiện đầy đủ nhất về đặc sủng của ngài, được tóm tắt trong câu châm ngôn và khẩu hiệu của ngài và của Tu hội: Da mihi animas, caetera tolle.
 
Một số đóng góp khác đưa ra từ những quan điểm khác nhau: Hoa Thiêng 2025 “Cắm neo trong niềm hy vọng, những người hành hương cùng giới trẻ”, Năm Thánh về Thánh Tâm Chúa Giêsu, với một số phần của thông điệp “Dilexit Nos” do Đức Thánh Cha Phanxicô viết, Năm Thánh của Giáo Hội. Tất cả những yếu tố này có thể được hiểu như một lời mời gọi của Chúa Thánh Thần để trở nên “người truyền giáo hơn” trong đời sống hằng ngày với đức tin và đức cậy.
 
Trong số rất nhiều sự kiện của năm 2025, có một sự kiện rất đặc biệt đối với người Salêdiêng: đó là Tổng Tu Nghị lần thứ 29 (GC 29) của Tu hội. Cha Alphonse Owoudou, Tổng Cố Vấn Vùng Châu Phi-Madagascar, sẽ là Người điều hành TTN 29 và đã chuẩn bị một bài suy tư mang tính ngôn sứ về tinh thần truyền giáo Salêdiêng dưới ánh sáng của Tổng Tu Nghị.
 
Sau đó là phần trình bày của các thành viên trong chuyến xuất phát truyền giáo đầu tiên vào năm 1875, được biết đến nhiều hơn nhờ bức ảnh nổi tiếng do Michele Schemboche chụp. Ngày 11 tháng 11 năm 1875 là một ngày trọng thể và đầy cảm động. Don Bosco đã chuẩn bị một bài giảng để đồng hành cùng những người con của ngài là những người đầu tiên vượt đại dương để hướng tới Argentina.
Để hiểu rõ hơn bối cảnh của các nhà truyền giáo Salêdiêng, tập sách này có một bài viết về việc trao đổi thư từ với Don Bosco và một bản tóm tắt về năm giấc mơ truyền giáo. Ngoài ra còn có cơ hội để biết rõ hơn và ghi nhớ tám vị Tổng Cố Vấn Truyền Giáo đến năm 2025: Cha Modesto Bellido Iñigo (1948-1965), Cha Bernard Tohill (1971-1983); Cha Luc Van Looy (1984-1990); Cha Luciano Odorico (1990-2002); Cha Francis Alencherry (2002-2008); Cha Václav Klement (2008-2014), Cha Guillermo Basañes (2014-2020) và Cha Alfred Maravilla (2020-2025). Tập sách cũng kể lại một số nhân vật Salêdiêng “tiên phong” ít được biết đến, những người đã góp phần truyền bá đặc sủng Salêdiêng khắp năm châu: Cha Francisque Dupont, người khởi xướng việc truyền giáo Salêdiêng tại Việt Nam; Cha Valeriano Barbero, người gieo mầm đặc sủng Salêdiêng ở Papua New Guinea; Cha Jacques Ntamitalizo, người truyền cảm hứng cho Kế hoạch Châu Phi; Cha Raffaele Piperni, tiền thân của Salêdiêng tại Hoa Kỳ; Cha Pascual Chávez, người tạo ra Kế hoạch Châu Âu; và Cha Bronisław Chodanionek, người tiên phong ẩn danh ở Moldova.
 
Sự phát triển của Gia đình Salêdiêng là một dấu hiệu cho thấy hoa trái của đặc sủng Salêdiêng, và đặc biệt, nhiều nhóm trong Gia đình Salêdiêng được các nhà truyền giáo Salêdiêng thành lập: trong tập sách này có phần trình bày ngắn gọn về từng nhóm. Thật tuyệt vời khi thấy sự thánh thiện truyền giáo của Gia đình Salêdiêng, với số lượng người ngày càng tăng trên con đường nên thánh. Một hoa trái hữu hình khác của việc truyền giáo Salêdiêng là đời sống của bốn người trẻ có thể được coi là những chứng nhân trẻ của niềm hy vọng Kitô giáo: Zeffirino Namuncurá, Laura Vicuña, Simão Bororo và Akash Bashir.
Những sự hiện diện mới của Salêdiêng là một dấu chỉ cho thấy động lực truyền giáo của Tu hội Salêdiêng vốn hồi sinh đức tin, mang lại nhiệt tình ơn gọi mới và làm sống lại căn tính đặc sủng: mới nhất là Niger, Botswana, Algeria, Hy Lạp và Vanuatu.
 
Sự phong phú của các sứ mạng Salêdiêng vượt qua biên giới và vươn tới nhiều lĩnh vực: các viện bảo tàng truyền giáo Salêdiêng, với tư cách là người trông coi di sản văn hóa và Salêdiêng; các tình nguyện viên Truyền giáo Salêdiêng, những người cống hiến thời gian và cuộc sống của mình cho người khác; các nhóm truyền giáo, chẳng hạn như những nhóm phổ biến ở Cộng hòa Dân chủ Congo, ở Tỉnh dòng AFC.
Mỗi năm Ngày Truyền Giáo Salêdiêng đề xuất một kết hoạch, gắn liền với một chủ đề của năm, như một cơ hội cụ thể cho tình liên đới và sinh động truyền giáo. Năm nay Ban Truyền giáo đã chọn mở một nguyện xá ở Pagos, Hy Lạp, một trong những biên cương truyền giáo mới của Salêdiêng, trên đảo Syros.
 
Tập sách kết thúc bằng một số trò chơi giải trí và nâng cao kiến thức về sứ mạng Salêdiêng, phần trình bày của các thành viên trong Ban Truyền Giáo, những người giúp Tổng Cố Vấn Truyền Giáo thực hiện vai trò sinh động tinh thần và sự dấn thân truyền giáo trong Tu Hội Salêdiêng và lời cầu nguyện cuối cùng.
 
Marco Fulgaro,
Thành viên của Ban Truyền Giáo
(Chuyển ngữ Quang Hiền sdb)
Visited 26 times, 1 visit(s) today