RMG – Thông điệp “Dilexit nos” được hiểu qua Vương Cung Thánh Đường Thánh Tâm, công trình của Don Bosco

pjesusj@gmail.com

(ANS – Rôma) – Thông điệp mới nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô, Dilexit Nos, đưa ra những điểm nhấn khác biệt. Nếu độc giả bắt gặp đoạn 26, họ sẽ tìm thấy một liên hệ thú vị với việc Don Bosco đã làm ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Tâm ở Rôma, một nhiệm vụ đòi hỏi ngài phải đánh đổi cả cuộc đời. Đức Thánh Cha đã trích dẫn rằng “Thánh Hồng Y John Henry Newman đã chọn câu châm ngôn “Cor ad cor loquitur [Trái tim nói với trái tim], bởi vì, vượt ra ngoài mọi tư tưởng và ý tưởng của chúng ta, Chúa Giêsu cứu rỗi chúng ta bằng cách nói với trái tim chúng ta từ chính Trái Tim Cực Thánh của Người”.

Đức Thánh Cha tiếp tục: “Sự nhận thức này đã dẫn vị trí thức lỗi lạc ấy đến việc nhận ra rằng cuộc gặp gỡ thâm sâu nhất với bản thân và với Thiên Chúa không phải đến từ việc đọc hay suy gẫm, nhưng từ cuộc đối thoại mang tính cầu nguyện, giữa trái tim với trái tim, với Chúa Kitô, đang sống và hiện diện”. “Điều này có nghĩa là chính trong Thánh Thể mà Đức Hồng Y Newman đã gặp gỡ trái tim sống động của Chúa Giêsu, Đấng có thể giải thoát chúng ta, mặc lấy ý nghĩa cho từng khoảnh khắc trong cuộc sống chúng ta, và ban tặng sự bình an đích thực.” Tại Vương Cung Thánh Đường ở Castro Praetorium, Rôma, một Nhà Thờ quốc tế được dành riêng cho Thánh Tâm Chúa, Don Bosco đã xây dựng nhiều bàn thờ phụ do các gia đình giàu có từ Pháp và Ý tài trợ. Bàn thờ duy nhất mà ngài tự mua là bàn thờ trung tâm được dâng cho Thánh Tâm. Lựa chọn này không phải ngẫu nhiên, nhưng nhấn mạnh vai trò trung tâm của Thánh Lễ trong hệ thống dự phòng của ngài.

Don Bosco, giống như Đức Hồng Y Newman, đã công nhận rằng trái tim Chúa Giêsu chính là Thánh Thể và chỉ có một mối tương quan cá vị với Chúa Kitô hằng sống mới cho phép mỗi bạn trẻ trưởng thành như một người lớn toàn diện. Lịch sử của bàn thờ trung tâm này không được biết đến rộng rãi: Đây là bàn thờ liên quan đến phép lạ Thánh Thể nổi tiếng ở Siena.

Vào ngày 14 tháng 8 năm 1730, vào đêm vọng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, những tên trộm vô danh báng bổ đã trộm bình bạc đựng 351 Bánh Thánh bằng bạc từ nhà thờ Thánh Phanxicô. Số Bánh Thánh này nhằm phục vụ cho Thánh Lễ hôm sau. Sau ba ngày tìm kiếm, vào ngày 17 tháng 8, những Bánh Thánh bị đánh cắp được phát hiện còn nguyên vẹn trong một hộp quyên góp tại nhà thờ Santa Maria Di Provenzano, và ngày hôm sau, đã được rước trọng thể trở lại Nhà Thờ Thánh Phanxicô, nơi các Bánh Thánh vẫn được lưu giữ nguyên vẹn như lúc được tìm thấy cho đến ngày nay.

Vào thời điểm xây dựng Nhà Thờ Thánh Tâm, Nhà Thờ Thánh Phanxicô ở Siena, theo kiến trúc Romanesque (Kiến trúc Trung và Tây Âu thế kỷ 11 và 12), sau đó được cải tạo với các bổ sung theo kiến trúc Barốc (Kiến trúc thời Phục Hưng ở Ý), đang được phục hồi trở lại theo phong cách kiến trúc nguyên gốc, vì vậy các bàn thờ kiểu Barốc bị bỏ đi.

Khi Don Bosco biết rằng chiếc bàn thờ nơi những phần Bánh Thánh của phép lạ Thánh Thể được bảo tồn phải được thay thế, ngài đã nắm lấy cơ hội và mua bàn thờ đó để đặt tại trung tâm Vương Cung Thánh Đường Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thông điệp thật rõ ràng: Thánh Tâm Chúa Giêsu chính là Thánh Thể và chỉ qua việc dâng hiến trái tim mình cho Người và đón nhận trái tim của Người, chúng ta mới có khả năng yêu thương như Người. Đây đúng thật là “cuộc phẫu thuật thay tim”. Cụm từ mà Don Bosco đã chọn đặt trong Nhà Thờ được trích từ Sách Châm Ngôn: “Praebe, fili mi, cor tuum mihi” (Hỡi con, hãy dâng trái tim của con cho ta”). Một hình ảnh đẹp để tái khám phá vai trò trung tâm của Chúa Giêsu Kitô trong đời sống Salêdiêng, như chủ đề mà Tổng Tu Nghị 29 đã nhắc đến.

Visited 44 times, 1 visit(s) today