Lan Tỏa Tinh Thần Truyền Giáo Của Don Bosco

Chúng ta đang tiến gần đến lễ kỷ niệm 150 năm xuất phát truyền giáo Salêdiêng đầu tiên (1875-2025). Chiều kích truyền giáo của Tu Hội Salêdiêng là một phần trong “DNA” của Tu Hội. Ngay từ đầu, Don Bosco đã mong muốn điều đó, và ngày nay Tu Hội đã hiện diện tại 136 quốc gia. Động lực ban đầu này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay và được Ban Truyền giáo hỗ trợ. Chúng ta hãy cùng trình bày vắn tắt về các hoạt động và tổ chức của Ban Truyền giáo.

Mặc dù Don Bosco chưa bao giờ đặt chân đến những vùng đất xa xôi với tư cách là một nhà truyền giáo ad gentes, nhưng Ngài luôn có một trái tim truyền giáo và một mong muốn mãnh liệt là chia sẻ đặc sủng Salêdiêng để vươn tới mọi vùng miền của thế giới và góp phần vào sự cứu rỗi của những người trẻ.

Điều này có thể thực hiện được là nhờ sự sẵn sàng của rất nhiều Salêdiêng được sai đi truyền giáo (cuối tháng 9 năm nay sẽ kỷ niệm lần thứ 155) những người đã làm việc với người dân địa phương và giáo dân, giúp cho đặc sủng Salêdiêng được lan tỏa và hội nhập vào nền văn hóa. So với những “vị truyền giáo” tiên khởi, ngày nay hình ảnh nhà truyền giáo phải đáp ứng những thách thức khác nhau, và mô hình truyền giáo đã được cập nhật để trở thành phương tiện truyền giáo hiệu quả trong thế giới ngày nay. Trước hết, như Cha Alfred Maravilla, Tổng Cố vấn Truyền giáo, nhắc nhở chúng ta (vào năm 2021, ngài đã viết một lá thư, “Ơn gọi truyền giáo Salêdiêng”), việc truyền giáo không còn đáp ứng các tiêu chí địa lý như trước đây nữa, các nhà truyền giáo ngày nay đến từ và được gửi đến năm châu lục, vì vậy không còn có sự tách biệt rõ ràng giữa “các vùng đất truyền giáo” và các sự hiện diện khác của Salêdiêng. Hơn nữa, có sự phân biệt rất quan trọng giữa ơn gọi truyền giáo Salêdiêng và tiếng gọi dành cho một số Salêdiêng được sai đi trọn đời ở một nơi khác với tư cách là những nhà truyền giáo, và tinh thần truyền giáo, đặc trưng của tất cả những người Salêdiêng và của tất cả các thành phần trong cộng đoàn giáo dục mục vụ, được thể hiện trong con tim nguyện xá và trong động lực loan báo Tin mừng cho giới trẻ.

Nhiệm vụ thúc đẩy tinh thần truyền giáo và duy trì tinh thần truyền giáo nơi những người Salêdiêng và giáo dân được giao phó trước hết cho “Cố vấn Truyền giáo Tỉnh” (PDMA: Provincial Delegate for Missionary Animation), tức là những người Salêdiêng, hoặc giáo dân, nhận được từ vị có trách nhiệm, Bề trên Salêdiêng Tỉnh, nhiệm vụ chăm sóc và sinh động truyền giáo. PDMA có một vai trò rất quan trọng, ngài là “người lính canh truyền giáo”, ngang qua sự nhạy cảm và kinh nghiệm của mình, cam kết lan toả nền văn hóa truyền giáo ở nhiều cấp độ khác nhau (xem việc sinh động truyền giáo salêdiêng. Cẩm nang của Cố vấn Tỉnh, Rôma, 2019).

PDMA khơi dậy niềm cảm hứng truyền giáo trong tất cả các Cộng Thể của Tỉnh Dòng và làm việc hiệp lực với các vị trách nhiệm của các vùng khác để làm chứng cho tầm quan trọng của chiều kích truyền giáo, cũng là chiều kích chung cho mọi Kitô hữu. Ở cấp độ thực hành, được diễn tả qua một số sáng kiến, như thúc đẩy việc cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo vào ngày 11 hàng tháng, để tưởng nhớ lần xuất phát truyền giáo đầu tiên vào ngày 11 tháng 11 năm 1875, tổ chức “Ngày truyền giáo Salêdiêng” cấp Tỉnh Dòng hàng năm, phổ biến các tài liệu do Tu Hội chuẩn bị về các chủ đề truyền giáo, chẳng hạn như bản tin “Cagliero11” hoặc video “CaglieroLife”. Ngày truyền giáo Salêdiêng, được tổ chức định kỳ từ năm 1988, là một dịp tuyệt vời để dừng lại, suy ngẫm và khởi động lại hoạt động truyền giáo. Nó không nhất thiết phải là một ngày, nó có thể kéo dài nhiều ngày và không có ngày cố định, để mọi người có thể chọn thời điểm tốt nhất trong năm phù hợp với nhịp điệu và lịch của Tỉnh Dòng. Mỗi năm, một chủ đề chung được chọn và một số tài liệu sinh động được chuẩn bị như một chất liệu giúp suy tư và hoạt động, có thể được điều chỉnh và sửa đổi. Năm nay, chủ đề là “những người xây dựng sự đối thoại”, trong khi vào năm 2025, trọng tâm sẽ là kỷ niệm 150 năm lần xuất phát truyền giáo đầu tiên với ba động từ “Tri ân, Suy nghĩ lại, Khởi động lại”. Mặt khác, “Cagliero11” là một bản tin sinh động truyền giáo đơn giản, được hình thành vào năm 2009 và được xuất bản hàng tháng, với hai trang có nội dung suy tư truyền giáo, phỏng vấn, tin tức, sự hiếu kỳ và lời cầu nguyện hàng tháng được đề xuất. “CaglieroLife” là một video dài một phút dựa trên lời cầu nguyện truyền giáo của tháng (lần lượt dựa trên ý cầu nguyện hàng tháng do Đức Giáo hoàng đề xuất), giúp suy ngẫm về chủ đề. Đây đều là những công cụ giúp PDMA thực hiện tốt nhiệm vụ thúc đẩy tinh thần truyền giáo, phù hợp với thời đại ngày nay.

PDMA hợp tác hoặc điều phối với Nhóm tình nguyện viên truyền giáo Salêdiêng, tức là những trải nghiệm của giới trẻ về sự liên đới và phục vụ vô vị lợi trong một cộng đoàn với một khoảng thời gian liên tục (vào mùa hè, trong nhiều tháng, một năm…), được thúc đẩy bởi đức tin, với phong thái truyền giáo và theo phương pháp sư phạm và linh đạo của Don Bosco (Tình nguyện viên trong Sứ mệnh Salêdiêng. Bản sắc và định hướng của Tình nguyện viên truyền giáo Salêdiêng, Rôma, 2019).

Năm nay, vào tháng 3, một cuộc họp đầu tiên của các điều phối viên Mission Volunteering (Tình nguyện viên truyền giáo) đã được tổ chức tại Rôma, có sự tham dự của khoảng 50 người, bao gồm cả giáo dân và Salêdiêng, dưới sự hướng dẫn của một nhóm hỗn hợp tổ chức. Trong số những điểm nổi bật xuất hiện trong cuộc họp, rất phong phú, đặc biệt là về mặt chia sẻ kinh nghiệm, là việc khám phá bản sắc của tình nguyện viên truyền giáo Salêdiêng, đào tạo tình nguyện viên và điều phối viên, hợp tác giữa giáo dân và tu sĩ, đồng hành ở mọi cấp độ và kết nối mạng. Một cây thánh giá mới tượng trưng đã được trình bày, có thể được sử dụng bởi tất cả các tình nguyện viên trong nhiều trải nghiệm khác nhau trên khắp thế giới, và bản thảo của một trang web mới, sẽ đóng vai trò là nền tảng dữ liệu và mạng lưới nối kết.

PDMA cũng đến thăm các Cộng Thể và đồng hành họ trong chiều kích truyền giáo, đặc biệt quan tâm đến những Salêdiêng đang xem xét liệu họ có được kêu gọi trở thành nhà truyền giáo ad gentes hay không.

Rõ ràng, tất cả công việc này không thể do một người thực hiện. Tinh thần làm việc nhóm và não trạng kết hoạch là rất quan trọng. Mỗi Tỉnh Dòng đều có một Ban sinh động truyền giáo bao gồm các tu sĩ Salêdiêng, giáo dân và giới trẻ, cùng nhau đưa ra những đề xuất, gợi ý sáng tạo và điều phối các hoạt động. Ban cũng lên kế hoạch sinh động truyền giáo của Tỉnh Dòng để trình lên Giám tỉnh, đây là la bàn cần tuân theo với các mục tiêu, thời gian biểu, nguồn lực và các bước cụ thể. Theo cách này, chúng ta tránh được sự ứng biến và hành động được thực hiện theo một kế hoạch có cấu trúc và chiến lược trên cơ sở Kế hoạch Giáo dục và Mục vụ Salêdiêng (SEPP) rộng hơn, thúc đẩy tầm nhìn chung về sinh động truyền giáo. Trong thời gian đào luyện liên tục của Tỉnh Dòng, các buổi suy ngẫm và thảo luận được tổ chức, và văn hóa truyền giáo được thúc đẩy ở nhiều cấp độ khác nhau. Các cấu trúc này đã được tạo ra theo thời gian cho phép sinh động và điều phối hiệu quả hơn, với mục đích luôn mang lại điều tốt nhất cho lợi ích của người trẻ.

Một khía cạnh quan trọng khác là sự chia sẻ giữa các PDMA từ các quốc gia và Tỉnh Dòng khác nhau. Mỗi Vùng (có bảy Vùng: Nam Mỹ, Châu Mỹ La tinh, Trung-Bắc Âu, Địa Trung Hải, Châu Phi – Madagascar, Đông Á – Châu Đại Dương và Nam Á) họp thường xuyên, trực tiếp một lần một năm và trực tuyến khoảng ba tháng một lần, đóng góp nguồn lực, chia sẻ những thách thức và vạch ra lộ trình cho khu vực. Các cuộc họp trực tuyến, bắt đầu từ vài năm trước đây, tạo cơ hội hiểu biết sâu sắc hơn về các PDMA và bối cảnh hoạt động của họ, cập nhật chất lượng liên tục và trao đổi hiệu quả làm giàu cho mọi người. Ở mỗi Vùng có một điều phối viên triệu tập các cuộc họp, thúc đẩy hành trình khu vực và điều hành các quy trình chung, cùng với người liên lạc thuộc Ban Truyền giáo Salêdiêng Trung Ương, người đại diện cho Tổng cố vấn Truyền giáo, đưa ra các ý tưởng, hiểu biết sâu sắc và gợi ý cho nhóm.

Trách nhiệm lớn lao này, tuy vất vả nhưng rất hữu ích và tràn đầy niềm vui thực sự, là một trong những mảnh ghép kết nối nhiều mảnh ghép của bức tranh toàn thể Salêdiêng, và đảm bảo rằng giấc mơ của Don Bosco có thể tiếp tục cho đến hôm nay.

Marco Fulgaro

(chuyển ngữ Quang Hiền sdb)

 

 

Visited 93 times, 1 visit(s) today