Trong một chương trình Siêu trí tuệ, khi theo dõi cuộc đối đầu đầy kịch tính giữa hai tuyển thủ nhí, tôi đã phải ngỡ ngàng, ngưỡng mộ trước trí tuệ siêu vượt của các em. Tuy nhiên, điều làm tôi ấn tượng lại chính là những câu phát biểu chẳng liên quan gì đến trí tuệ của cậu một trong hai cậu bé đó. Ở lứa tuổi lên 7, cậu bé ấy lắng nghe rất chăm chú, đến mức những lời của giám khảo em cũng ghi nhớ, khiến giám khảo Tóc Tiên phải thốt lên: Tất cả những lời của người lớn đều được em ghi nhớ, khắc sâu trong tâm trí.
Tôi để ý thấy cậu bé đó trong mọi sự kiện rất hay nói về ba mẹ của mình. Có khi là lời nhắc, có khi là lời dạy, hay lời động viên. Nhưng như một điệp khúc, cậu bé ấy hay nói: “Bố cháu bảo thế này… Bố cháu bảo thế nọ…”.
Còn Giám khảo Lại Văn Sâm đưa ra câu nhận định: “Những bố mẹ người Việt Nam, hãy chú ý đến sự phát triển từng ngày từng ngày của con mình. Bây giờ, bất kỳ cái gì cho dù nhỏ nhất cũng có thể vào đầu, tác động vào đầu các bé, dù tích cực hay tiêu cực”.
Từ sự kiện này, tôi nhận ra rằng trong mọi trường hợp, đời sống gia đình luôn là cơ hội để người ta lớn lên. Gia đình là trường học trong đó người ta học nhận biết chính mình và thăng tiến bản thân.
Trong trường học gia đình này, cần phải học biết năm bài học quan trọng sau đây:
Bài học thứ nhất là chia sẻ. Nếu không có chia sẻ thì đời sống gia đình chỉ như một tập hợp những cá nhân riêng lẻ ích kỷ mà thôi. Việc chia sẻ là công việc chính yếu của nhóm, để cho mọi người cùng đồng lòng, làm các thành viên mở lòng, mở trí, mở tay, mở không gian cho lợi ích chung.
Bài học thứ hai là kiên nhẫn. Mỗi người lớn lên với nhịp điệu riêng, hoàn cảnh riêng, và nhất là những gì rất độc đáo của bản thân như thân thể, cảm xúc, trí thông minh, và tinh thần. Để có thể hoà hợp với nhau trong đời sống chung, cần có sự nhẫn nhịn, nhường bước, chờ đợi. Mọi sự bất nhẫn, khiên cưỡng đều có thể là nguyên nhân gây ra những phiền toái.
Bài học thứ ba là lòng biết ơn. Chỉ trong gia đình người ta mới sẵn sàng để trợ giúp lẫn nhau cách vô vị lợi. Và trong gia đình, mỗi thành viên sống chung với nhau 24/24, mọi vui buồn, sự kiện phiền phức hay phúc lợi đều liên đới lẫn nhau. Các thành viên chịu ơn lẫn nhau và gắn bó với nhau. Sống lòng biết ơn, các thành viên học biết yêu mến từng thành viên trong gia đình mình, vì tất cả những gì họ là và vì tất cả những gì họ là,
Bài học thứ tư là biết chấp nhận người khác. Sự chấp nhận người khác không hệ tại ở chỗ họ là ai hay có chức vị gì, nhưng chủ yếu ở chính bản thân họ là. Điều quan trọng là biết thông cảm với người khác, thấu hiểu họ vô điều kiện, tập sống chung với những cá tính rất khác mình, với xác tín rằng sự khác biệt là sự bổ xung làm cho mình thêm phong phú, chứ không bao giờ trở thành đối thủ.
Bài học thứ năm là biết tha thứ. Đây không là bài tập dễ dàng, nhưng lại là bài học cần thiết để có thể sống tình gia đình cách lâu dài với nhau.
Vượt trên cả năm bài học này, khả năng thông tri là hết sức quan trọng và chính yếu. Việc đàm thoại được xem như dòng nhựa sống động, như nguồn năng lượng cho đời sống gia đình. Việc đối thoại được ví như cầu nối giữa thực tại vốn rất khó hiểu rõ, mà nếu không có sự giải thích rõ ràng, có khi làm cho mối tương quan rơi vào bế tắc, vào sự cô đơn không lối thoát. Thực sự, chẳng có gì đau khổ hơn việc ở gần nhau mà lại tâm tư, tình cảm lại xa nhau.
Việc đối thoại chân thành được diễn tả qua ánh mắt, sự bình tĩnh và với sự mong muốn cao. Ánh mắt là công cụ cần thiết để khám phá ra nhu cầu và ước muốn của người khác. Sự đối thoại còn cần được làm với nghệ thuật thương lượng, để không ai thua, mà cả hai đều được lợi ích.
Một bí mật khác nuôi dưỡng bầu khí gia đình ấm áp, chính là tình yêu thương. Khi một đứa trẻ cảm nhận mình được yêu thì sẽ luôn tin tưởng, tự hào.
Cảm nhận mình được yêu thương, từng thành viên trong gia đình sẵn lòng trao ban thời gian, sự quan tâm, sự cố gắng, và nối kết mọi tương quan. Và chắc chắn đây là bí quyết khiến cho các em luôn tin tưởng, chắc chắn nói: “Bố cháu nói …” hay “Mẹ cháu dạy như vậy…”.
Sa Mạc Xanh