(ANS – Roma) – Người con thứ hai của Don Bosco được tôn vinh trong áo Hồng Y Salêdiêng là August Hlond. Giáo hội đã nâng ngài lên là “Bậc Đáng Kính”. Đức Hồng Y Hlond là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong giai đoạn khắc nghiệt nhất lịch sử thế kỷ 20. Theo lời của Bề Trên Cả đương nhiệm và sẽ là Hồng Y tương lai, Cha Ángel Fernández Artime, Hồng Y Hlond là một mẫu gương nhân đức và sáng ngời của một tu sĩ Salêdiêng, là một vị mục tử quảng đại và khắc khổ, có khả năng tiên tri và vâng phục Hội Thánh, là người bảo vệ và đấu tranh công lý cho người nghèo và người bị bỏ rơi”.
August Hlond sinh ngày 5 tháng 7 năm 1881 ở Brzeckowice (Ba Lan), là con thứ hai trong gia đình có 11 anh chị em. Cha ngài là một công nhân đường sắt. Ngay từ bé, ngài đã được giáo dục với một đức tin đơn sơ nhưng mạnh mẽ từ cha mẹ. Vào năm 12 tuổi, ngài bị thu hút bởi danh tiếng của Don Bosco, ngài đã theo anh trai Ignatius đến Ý để dâng hiến đời mình cho Chúa cùng với các tu sĩ Salêdiêng, và chẳng bao lâu sau đã thu hút được hai anh em khác cùng gia nhập. Ngài được nhận vào tập viện của Foglizzo Canavese, nhận áo dòng từ tay Chân phước Miguel Rua.
Sau khi khấn dòng, ngài được gửi đến Rôma và học tại đại học Thánh Gregorian. Ngài được thụ phong linh mục ngày 23 tháng 9 năm 1905, là giám đốc một số nhà Salêdiêng ở Przemyśl và sau đó ở Vienna. Theo đặc sủng của Don Bosco, trong mọi hoạt động của mình, ngài đều chăm lo cho giới trẻ, đặc biệt là những người nghèo.
Ngài là bề trên đầu tiên của tỉnh dòng Đức – Hungary. Tại Vienna, ngài được Đức Tổng Giám mục Achille Ratti đánh giá cao, là người đã trở thành Giáo hoàng dưới tước hiệu Đức Piô XI và bổ nhiệm ngài làm Giám quản Tông tòa của Alta Silesia, một trách nhiệm hết sức tế nhị, vì đây là vùng đất tranh chấp giữa Đức và Ba Lan. Nhờ sự hòa giải giữa người Đức và người Ba Lan, giáo phận Katowice ra đời vào năm 1925, nơi ngài trở thành giám mục. Điều đáng chú ý là ngài đã chọn khẩu hiệu giám mục của mình trùng với câu châm ngôn của Don Bosco là: “Da mihi animas coetera tolle” (Xin cho tôi các linh hồn, còn mọi sự khác xin cứ lấy đi).
Tôi tớ Chúa, Hồng Y August Hlond, Ảnh: internet
Ngài sống giữa mọi người, chia sẻ niềm vui và nỗi đau với họ. Năm 1926, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục của Gniezno và Poznań và cũng là Giáo chủ ở Ba Lan, và chỉ một năm sau, Đức Thánh Cha đã phong ngài làm Hồng Y. Năm 1932, ngài thành lập “Hiệp hội Chúa Kitô dành cho người di dân Ba Lan”, nhằm giúp đỡ vô số đồng bào đã rời bỏ đất nước. Trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến, ngài lên án sự bất công xã hội. Để chống lại những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, ngài đã thành lập Ban cố vấn Xã hội ở giáo phận Ba Lan. Ngài cũng phản ứng trước làn sóng chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng, vào năm 1936 ngài đã viết một lá thư mục vụ nổi tiếng về chủ đề các nguyên tắc đạo đức trong lĩnh vực chính trị và xã hội.
Cũng trong năm 1936, ngài chủ trì Thượng Hội đồng Giám mục đầu tiên ở Ba Lan và đã trở thành người thúc đẩy mạnh mẽ Phong trào Công giáo Tiến hành và là linh mục đầu tiên ở Ba Lan. Ngài cũng tổ chức “Ngày Đại Hội Giới trẻ”. Vào tháng 3 năm 1939, ngài tham gia Mật nghị bầu chọn Đức Piô XII.
Ngày 1 tháng 9 cùng năm, Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan, thế chiến thứ hai bắt đầu. Chính phủ Ba Lan đã đề cử ngài làm Sứ thần Tòa Thánh, và ngài đã đến Rôma để thông báo cho Đức Thánh Cha về tình hình bi thảm ở Ba Lan; Không thể trở về quê hương, ngài phải lánh nạn ở Lộ Đức. Ngài lên tiếng phản đối những hành vi vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo của Hitler. Từ Tu viện Hautecombe, ngài tố cáo cuộc đàn áp người Do Thái ở Ba Lan. Gestapo vào tu viện và bắt giữ ngài, trục xuất ngài về Paris. Đức Hồng Y đã dứt khoát từ chối ủng hộ việc thành lập một chính phủ Ba Lan thân Đức Quốc xã. Đầu tiên ngài tạm trú ở Lorena và sau đó ở Westfalia, được quân đội Đồng minh giải phóng, ngài trở về quê hương vào năm 1945.
Nước Ba Lan mới được giải phóng khỏi chủ nghĩa Đức Quốc xã thì bị rơi vào chế độ cộng sản. Một lần nữa, ngài lại dũng cảm bảo vệ người Ba Lan, lần này mạnh mẽ chống lại sự áp bức của chủ nghĩa Mác vô thần, thậm chí còn phải thoát khỏi một số âm mưu ám sát.
Vào ngày 4 tháng 3 năm 1946, ngài vẫn giữ chức vụ ở Gniezno, ngài được Đức Piô XII bổ nhiệm làm tổng giám mục ở Warsaw. Người kế nhiệm ngài là Chân phước Hồng y Stefan Wyszyński, đã mô tả ngài là một mục tử “có tầm nhìn hướng tới tương lai”.
Đức Hồng Y Stefan Wyszynski và Thánh Gioan Phaolô II, Ảnh: catholicnewsagency
Đức Hồng Y Hlond qua đời vào ngày 22 tháng 10 năm 1948 vì bệnh viêm phổi, thọ 67 tuổi. Trên giường bệnh, ngài đã nói những lời này: ‘Tôi đã làm việc cho Chúa Kitô và cho Giáo hội Ba Lan và tôi sẽ làm như vậy một lần nữa… Tôi đã hy sinh nhiều thứ cho Chúa Giêsu và tìm vinh danh Ngài; Tôi ra đi với niềm vui và sự báo trước. ‘Tôi chiến đấu dưới sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ Maria. Cho nên, nếu có chiến thắng, thì sẽ là chiến thắng của Mẹ. Hàng nghìn người đã đến dự lễ tang và lần đầu tiên trong lịch sử Ba Lan lễ chôn cất được tổ chức tại cùng nhà thờ chánh tòa.
Tang lễ của Đức Hồng Y August Hlond, Ảnh: PAP/CAF
Trong lịch sử Giáo hội Ba Lan, Đức Hồng Y Augustus Hlond là một trong những nhân vật nổi bật. Cuộc đời ngài là một chứng nhân sống động về sự cao cả, đa dạng và độc đáo trong thừa tác vụ mục vụ cũng như về những đau khổ mà ngài phải đối mặt với tinh thần Kitô giáo vì Nước Trời.
Chuyển ngữ: Ban Truyền Thông SDB Việt Nam